Thứ 7, 23/11/2024, 07:45[GMT+7]

Linh hoạt cấp nước cho người dân miền núi các tỉnh miền Trung

Chủ nhật, 22/05/2022 | 11:53:36
726 lượt xem
Làm thế nào để giải quyết bài toán thiếu nước sinh hoạt cho người dân miền núi ở vùng sâu, vùng xa, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây nắng nóng và kéo dài hiện nay là điều mà các cấp chính quyền và người dân thật sự trăn trở.

Nhà máy nước sạch Tây Giang hoạt động ổn định nhờ được bổ sung thêm nguồn nước từ suối Tr’lêê

Đầu tư, quản lý hiệu quả các công trình cấp nước 

Để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, hàng năm, UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đã chủ động rà soát tình hình thiếu nước ở các khu vực dân cư, khu vực sản xuất để có phương án chủ động ứng phó nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân trong tình hình khô hạn nhất. Trên cơ sở khảo sát khu vực nào có nguy cơ thiếu nước cao thì địa phương ưu tiên trong việc xây dựng các hệ thống cấp nước sinh hoạt.  

Ông Trần Văn Phước, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Quỹ đất Đô thị huyện Tây Giang cho biết, mới đây, địa phương đã kéo một đường ống dẫn nước tạm dài 8km để dẫn nước từ suối Tr’lêê vào nhà máy nước Tây Giang, bổ sung nước sinh hoạt cho người dân. 

Đặc biệt, đường ống này được giao cho phòng nông nghiệp theo dõi, kiểm tra thẩm định chứ không giao về địa phương như trước đây. Điều này sẽ khắc phục được tình trạng không có quy chế vận hành, hư hỏng dẫn đến lãng phí như thời gian trước đây. Qua 1 năm triển khai đã cơ bản giải quyết được bài toán thiếu nước cho khu vực trung tâm huyện Tây Giang, góp phần ổn định đời sống sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất của các đơn vị, tổ chức.  

Về lâu dài, địa phương đề xuất tỉnh hỗ trợ xây dựng nhà máy nước mới với kinh phí 18 tỷ đồng. Đồng thời, tổ chức đánh giá đúng thực trạng của các công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ người dân, nhất là ở các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu vùng xa. Từ đó, nghiên cứu xây dựng điểm cấp nước sạch được đầu tư bài bản ở mỗi xã và phải có tổ chức quản lý, với đội ngũ vận hành công trình có trình độ tay nghề, có kỹ năng sửa chữa, bảo dưỡng. 

“Theo ghi nhận, khoảng 3 năm trở lại đây, mùa khô hạn ở Tây Giang kéo dài hơn, quá ít mưa. Việc dẫn nước là giải pháp tình thế. Về lâu dài, cần phải có nhà máy nước mới giải quyết được nhu cầu của người dân. Huyện đã đề xuất tỉnh về chủ trương lập dự án xây dựng nhà máy nước.” – ông Trần Văn Phước cho biết. 

Ông Sô Y Lũy - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Bình Định cho biết: Hiện nay, nguồn lực đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung cho người dân vùng nông thôn, miền núi gặp khó khăn, tỉnh Bình Định ưu tiên đầu tư cho những vùng thiếu nước nghiêm trọng nhất.  Trong thời gian tới, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Bình Định tiến hành khảo sát thực tế từng địa phương, từng đập kè cụ thể để kiến nghị với Thường trực HĐND tỉnh, nhất là trình ra HĐND tỉnh thực hiện các công trình có hiệu quả hơn, xác định đúng trọng tâm trọng điểm để thực hiện đảm bảo trong công tác điều hành, vận hành nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu về cho nhân dân nhằm phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của các địa phương.  

Nhà máy nước Nam Đông đang được xây dựng để đảm bảo nguồn nước bền vững cho người dân 

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trình Chính phủ cho phép thực hiện Dự án cấp nước sạch bền vững thích ứng biến đổi khí hậu thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. 

Xây dựng nhà máy nước sạch quy mô 

Để đảm bảo cấp nước bền vững cho người dân huyện miền núi, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã kêu gọi đầu tư dự án xây dựng Nhà máy nước sạch Thượng Long (huyện Nam Đông). 

Nhà máy do Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên - Huế (HueWACO) làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 50,8 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ. Nhà máy được thiết kế mang tính đặc trưng văn hóa địa phương theo kiến trúc nhà rông của người Cơ Tu. Đây cũng là nhà máy đầu tiên tại miền núi áp dụng công nghệ xử lý nước hiện đại. 

Ông Trương Công Hân - Tổng Giám đốc HueWACO thông tin, nhà máy áp dụng bể lắng thông minh chất lượng cao giúp nâng cao chất lượng nước, nước sau khi lắng lọc có độ đục luôn ≤ 0,025 NTU (thấp hơn 80 lần so với tiêu chuẩn Việt Nam), Fe, Mn ≤ 0,001mg/l (thấp hơn tiêu chuẩn Việt Nam 300 lần). Công ty sẽ lắp đặt hệ thống tuabin thủy điện trên đường ống nước thô để tạo điện năng cung cấp cho nhà máy, góp phần giảm chi phí vận hành, thân thiện với môi trường. Về quy hoạch sân vườn, công ty chú trọng trồng các loại cây xanh mang tính bản địa tạo thành cảnh quan xanh, sạch, độc đáo. 

Được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh là mong ước của người dân ở các huyện vùng cao tỉnh Bình Định.  

“Dù gặp nhiều khó khăn, nhất là do ảnh hưởng thiên tai và dịch Covid-19, tuy nhiên, với mong muốn sớm đưa nước sạch đến với người dân, chúng tôi thường xuyên bám sát, theo dõi và đôn đốc tiến độ công trường, đôn đốc nhà thầu triển khai nhiều biện pháp, lập nhiều mũi thi công để hoàn thành mạng lưới, thông rửa, thử áp, đưa vào khai thác hàng chục km đường ống...”, ông Hân cho hay. 

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế-  Lê Trường Lưu đã khảo sát, kiểm tra dự án và yêu cầu tỉnh ưu tiên bố trí nguồn vốn, đề nghị chủ đầu tư tăng cường nhân lực, vật lực để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án vào sử dụng. 

Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ đạo chủ đầu tư hướng đến xây dựng nhà máy trở thành điểm tham quan học tập cho các em học sinh; đồng thời phối hợp với huyện Nam Đông trong công tác tuyền truyền cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng đầu nguồn và nguồn nước nhằm góp phần đảm bảo an ninh nước lâu dài và phát triển bền vững. 

Theo baotainguyenmoitruong.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày