Thứ 7, 23/11/2024, 03:51[GMT+7]

Nhà máy Nước sạch Hậu Lộc (Thanh Hóa) chủ động khắc phục khó khăn, mở rộng sản xuất, kinh doanh

Thứ 2, 05/09/2022 | 09:35:46
2,928 lượt xem
Công ty CP Xây dựng và Thương mại số 7 TH đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp Nhà máy Nước sạch Hậu Lộc, bao gồm các hạng mục chính như: Cải tạo hệ thống cấp nước đầu mối của nhà máy nước cũ, trạm bơm nước thô Cầu Lộc bơm nước nguyên liệu từ sông Lèn, trạm bơm cấp 1 tại thị trấn Hậu Lộc, hồ trữ lắng (dung tích 60.000 mét khối), hệ thống đường ống nước nguyên liệu, hệ thống điện và 2 trạm biến áp. Đây là một trong 4 nhà máy cung cấp nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Hậu Lộc hiện nay.

Hệ thống xử lý nước theo công nghệ lắng lọc Lamella (bể lắng Lamen) thuộc Nhà máy Nước sạch Hậu Lộc.

Theo thiết kế, Nhà máy Nước sạch Hậu Lộc có công suất 5.000m3/ngày đêm, mục tiêu là đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước sạch, mở rộng sản xuất, kinh doanh (SXKD) nước sạch phục vụ nhu cầu cho khoảng 40.000 người tại thị trấn Hậu Lộc và các xã Xuân Lộc, Lộc Sơn, Mỹ Lộc, Thuần Lộc, Tuy Lộc, Cầu Lộc và Thành Lộc được cấp nước sạch; góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Quá trình thi công nâng cấp Nhà máy Nước sạch Hậu Lộc, nhà đầu tư (Công ty CP Xây dựng và Thương mại số 7 TH) gặp nhiều khó khăn do nguồn nước thô từ sông Trà Giang không bảo đảm chất lượng, nhà đầu tư đã không lấy nguồn nước từ sông Trà Giang như kế hoạch, mà lấy nước từ sông Lèn, cách vị trí nhà máy đang xây dựng khoảng 8km; tuyến cấp nước sinh hoạt chạy qua nhiều xã... Thực hiện Thông tư 41/2018/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 14-12-2018, quy định việc kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 28-8-2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý hoạt động SXKD nước sạch, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục, Kế hoạch 271/KH-UBND ngày 21-12-2020 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kế hoạch tăng cường công tác quản lý hoạt động SXKD nước sạch, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục, Nhà máy Nước sạch Hậu Lộc theo định kỳ thường xuyên gửi mẫu xét nghiệm chất lượng nước, kiểm tra mức độ an toàn lao động, vệ sinh ngoại cảnh, vệ sinh nguồn nước đầu vào để kịp thời ngăn ngừa và loại trừ những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước... Kết quả cho thấy các chỉ tiêu phân tích đạt tiêu chuẩn theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước.

Tuy nhiên, sau khi đưa nhà máy vào vận hành SXKD, tỷ lệ dùng nước sạch do nhà máy cung cấp cho các hộ dân trong vùng đạt thấp. Sau gần 5 năm đưa vào vận hành, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân trên địa bàn huyện Hậu Lộc vẫn không tăng. Tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân dẫn đến việc người dân trên địa bàn huyện ít sử dụng nước sạch trước hết là do nhận thức của người dân về vai trò của nước sạch đối với đời sống, sức khỏe còn hạn chế. Do cuộc sống của người dân vùng nông thôn còn khó khăn, nhiều hộ có người đi làm ăn xa nên người ở nhà tiêu thụ ít; phần lớn các hộ dân vẫn duy trì thói quen sử dụng nước giếng khoan và nước mưa trong sinh hoạt hàng ngày... Có điều, các nguồn nước nói trên mới chỉ đạt yêu cầu nước hợp vệ sinh, chưa đạt yêu cầu về nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, đồng nghĩa với việc chưa đảm bảo an toàn về chất lượng nguồn nước cũng như vấn đề sức khỏe của cộng đồng. Mặc dù đầu tư nguồn vốn lớn để cải tạo, nâng cấp nhà máy nước sạch và đường ống dẫn nước sạch đến các xã, nhưng lượng nước bán đến các hộ dân ít, gây nhiều khó khăn cho SXKD của nhà máy. 8 tháng năm 2022, tiêu thụ nước của nhà máy mới chỉ đạt gần 1.100m3/ngày đêm/năng lực hiện có là 5.000m3/ngày đêm; lượng khách chỉ đạt 4.000 khách; có khoảng hơn 30% số hộ đã đấu nối lắp đặt nước sạch nhưng không sử dụng; khoảng 20% số hộ đấu nối lắp đặt dùng dưới 4m3/tháng... Doanh thu mỗi tháng của Nhà máy Nước sạch Hậu Lộc chỉ đạt khoảng 350 triệu đồng, chưa đủ để bù đắp chi phí... Bà Trịnh Thị Hoa, Giám đốc Nhà máy Nước sạch Hậu Lộc, cho biết: Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục khó khăn nhưng hiện tại “đầu ra” của Nhà máy Nước sạch Hậu Lộc đạt rất thấp so kế hoạch. Nếu cứ kéo dài tình trạng như hiện nay, đầu tư mà không có lãi sẽ gây khó khăn cho quá trình SXKD của nhà máy, gây thất thoát và lãng phí nguồn nước. Vì vậy, đề nghị với tỉnh và các cấp, các ngành chức năng có cơ chế hỗ trợ, tháo gỡ để nhà máy vượt qua khó khăn, ổn định SXKD.

Với mục tiêu chủ động khắc phục khó khăn, các tháng vừa qua, Nhà máy Nước sạch Hậu Lộc đã đầu tư 135 tỷ đồng mở rộng mạng lưới cấp nước sạch cho 8 xã thuộc huyện Hậu Lộc và xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa). Để cải thiện chất lượng đồng thời tăng công suất nhà máy, hiện nay nhà đầu tư đã hoàn thành thi công xây dựng mới 2 hệ thống xử lý nước theo công nghệ lắng lọc Lamen tại thị trấn Hậu Lộc có công suất 5.000m3/ngày, đêm. Nhà đầu tư đã hoàn tất mạng lưới đường ống để cấp nước sạch cho 8 xã của huyện Hậu Lộc và xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa). Bảo đảm nhu cầu sử dụng nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của Nhân dân mùa nắng nóng năm 2022 là nhiệm vụ quan trọng nên các tháng vừa qua, đơn vị đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Qua gần 5 năm phục vụ cung cấp nước sạch trên địa bàn, tới nay uy tín của nhà máy đã được nâng cao, đặc biệt về chất lượng nước, thái độ phục vụ của Nhà máy Nước sạch Hậu Lộc đã được Nhân dân chấp nhận. Các xã còn lại trong và ngoài dự án đã làm việc với nhà máy về cấp nước sạch cho Nhân dân sử dụng. Cùng với nỗ lực khắc phục khó khăn của nhà đầu tư, thuận lợi là tháng 5-2021, UBND tỉnh đã có quyết định phương án điều chỉnh giá nước mới do Công ty CP Xây dựng và Thương mại số 7 TH xây dựng, tăng hơn 10%. Được biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhưng kể từ khi đi vào hoạt động tới nay, Nhà máy Nước sạch Hậu Lộc vẫn chưa được Nhà nước hỗ trợ gì. Các cấp, các ngành chức năng trên địa bàn huyện Hậu Lộc cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân nông thôn về sử dụng nước sạch nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống. Quan tâm lồng ghép các hình thức tuyên truyền sinh động trên cơ sở khoa học pháp lý. Các cơ quan chức năng cần khuyến cáo về sử dụng nguồn nước, trong đó có vai trò, tác dụng của nước sạch đối với đời sống và sức khỏe con người. Sử dụng tiết kiệm, tạo thói quen sử dụng nước sạch cho người dân. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các công trình nước sạch ở nông thôn. Doanh nghiệp đã xác định đầu tư nước sạch là đầu tư cho lâu dài, từ đó có giải pháp căn cơ, cùng với phát huy nội lực, bản lĩnh vượt qua giai đoạn khó khăn, thử thách để vừa phòng, chống dịch COVID-19, tiếp tục phát triển SXKD, đáp ứng nhu cầu nước sạch phục vụ cuộc sống ngày càng chất lượng của người dân.

Theo baothanhhoa.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày