Thứ 4, 15/01/2025, 11:23[GMT+7]

Hà Nội: Tăng tốc 'phủ sóng' nước sạch

Thứ 6, 03/03/2023 | 17:59:43
1,304 lượt xem
Đến hết năm 2022, tổng nguồn nước sạch tập trung cung cấp cho thành phố Hà Nội đạt khoảng 1.530.000 mét khối/ngày-đêm. Con số này cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho 100% nhân dân khu vực đô thị; tỷ lệ cấp nước sạch nông thôn cũng đã đạt đến 85%. Tuy nhiên, để hoàn mục tiêu 100% tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận nước sạch như Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố đề ra vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết.

Chi phí đầu tư hạ tầng lớn cùng những rủi ro trong thu giá nước khiến nhà đầu tư lo ngại.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến hết năm 2022, tổng nguồn nước sạch tập trung cung cấp cho Thành phố đạt khoảng 1.530.000m3/ngđ đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của 100% dân cư đô thị và hoàn thành phủ mạng cấp nước khu vực nông thôn cho khoảng 27 xã tăng thêm khoảng 5% với quy mô khoảng 60.000 hộ dân với khoảng 240.000 người so với năm 2021, tại các khu vực: 7 xã huyện Đông Anh, 5 xã huyện Phú Xuyên, 7 xã huyện Chương Mỹ, 3 xã huyện Sóc Sơn, 4 xã huyện Ứng Hòa, 1 xã huyện Ba Vì nâng tổng số người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch lên khoảng 85% (hơn 4 triệu người với hơn 1 triệu hộ dân).

Bước sang năm 2023, nhằm tiếp tục cụ thể hóa mục tiêu này, Sở Xây dựng Hà Nội đã xây dựng kế hoạch đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị cấp nước đầu tư mạng cấp nước cho khoảng 45 xã tại các huyện: Ba Vì (1 xã), Chương Mỹ (5 xã), Đan Phượng (5 xã), Đông Anh (2 xã), Mỹ Đức (7 xã), Ứng Hòa (7 xã), Quốc Oai (2 xã), Sóc Sơn (2 xã), Thạch Thất (6 xã), Thanh Oai (3 xã), Thường Tín (5 xã). Đến lúc đó, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch nâng lên đạt khoảng 90%.

Trước đó, nhằm đẩy nhanh đầu tư phát triển hệ thống mạng cấp nước khu vực nông thôn, Hà Nội đã chấp thuận phân vùng cấp nước tại các khu vực chưa được đầu tư mạng cấp nước cho 8 đơn vị đang cấp nước trên địa bàn thành phố thực hiện 10 dự án mở rộng mạng cấp nước trong giai đoạn 2022-2025 và 1 dự án do UBND huyện Ba Vì triển khai cấp nước cho những khu vực dân cư miền núi tại huyện Ba Vì (xã Khánh Thượng và Minh Quang) không thể tiếp cận hệ thống cấp nước tập trung.

Trong đó, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội mở rộng cấp nước cho 21 xã của huyện Thường Tín, 8 xã của huyện Thạch Thất. Công ty cấp nước Sơn Tây mở rộng cấp nước cho xã Cẩm Yên, huyện Thạch Thất. Công ty Đồng Tiến Thành Thủ đô mở rộng cấp nước cho 2 xã (Lại Thượng, Phú Kim) huyện Thạch Thất. Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai mở rộng cấp nước cho 11 xã còn lại và hoàn thiện 4 xã đã giao tại huyện Chương Mỹ, 2 xã tại huyện Quốc Oai.

Công ty cổ phần nước mặt sông Hồng nghiên cứu cấp nước cho 9 xã còn lại của huyện Phúc Thọ. Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội mở rộng cấp nước cho 3 xã (Cổ Loa, Bắc Hồng, Thụy Lâm) của huyện Đông Anh; 18 xã của huyện Sóc Sơn. Công ty cổ phần Cấp nước Hà Nam mở rộng cấp nước cho khu vực 21 xã còn lại của huyện Ứng Hòa, 26 xã của huyện Mỹ Đức. Công ty cổ phần Viwaco mở rộng cấp nước cho khu vực 10 xã còn lại của huyện Thanh Oai.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng việc triển khai các dự án còn lại đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại những khu vực nông thôn cuối cùng do chi phí đầu tư lớn, song người dân đấu nối, sử dụng ít nên không bảo đảm cân đối thu - chi. Lấy ví dụ, nếu ở khu vực đô thị, khi có nhiều hộ dung chung một nguồn nước, lại có nhiều nhà hàng, khách sạn, đơn vị sản xuất nên công suất sử dụng cao, từ đó dẫn đến mức lũy kế cao đẩy giá lên cao.

Còn tại khu vực nông thôn dân cư thưa thớt, có những những đoạn đường ống phải thi công cả 100m mới vào được 1 nhà, do đó, nhiều nhà đầu tư tính toán nếu nhu cầu sử dụng trên 10m3/tháng thì mới có lãi, trong khi đó, trong khi người dân còn có nước mưa, nước giếng khoan, nên nhu cầu sử dụng rất ít. Thực tế đã có những hộ sau khi lắp đặt nhưng không sử dụng dẫn đến lãng phí chi phí đầu tư.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc giá nước sạch được Thành phố áp dụng (theo Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 của UBND thành phố) 10 năm nay vẫn chưa được điều chỉnh, theo đó, với 10m3 đầu tiên giá bán 5.973 đồng/m3 và tối đa 15.929 đồng/m3 khi dùng trên 30m3 (áp dụng từ 1/10/2015). Đây chính là vướng mắc lớn nhất khiến nhiều nhà đầu tư “bỏ cuộc”, chậm triển khai tiếp dự án... Đây cũng là nguyên nhân khiến kế hoạch phủ mạng cấp nước tới khu vực nông thôn không đạt mục tiêu giai đoạn 2016-2020.

Trên thực tế, từ năm 2019, thành phố Hà Nội đã xây dựng lộ trình điều chỉnh giá nước sạch nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh và Chính phủ chỉ đạo chưa điều chỉnh giá một số mặt hàng đầu vào của các ngành sản xuất nên kế hoạch vẫn trì hoãn từ đến nay. Sau 2 năm trì hoãn, đây chính là thời điểm thích hợp để tiến hành điều chỉnh các quy định liên quan giá nước sạch, từ đó góp phần đảm bảo quyền lợi cho người dân ở cả đô thị và nông thôn.

Việc điều chỉnh này cũng được sẽ là “động lực” giúp các nhà đầu tư sớm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án nước sạch nông thôn.

Hà Nội có 11 công ty kinh doanh nước sạch với tổng công suất đạt trên 1,5 triệu m3/người. Thành phố còn 149 xã chưa có nước sạch, trong đó 121 xã đã giao nhà đầu tư nhưng chưa thực hiện và 28 xã chưa có nhà đầu tư đề xuất dự án.

Theo laodongthudo.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày