Thứ 7, 20/04/2024, 19:31[GMT+7]

Cần những giải pháp quyết liệt để bảo vệ nguồn nước

Thứ 5, 23/03/2023 | 11:14:50
1,109 lượt xem
Việt Nam luôn xác định nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của cuộc sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước. Bởi vậy, để nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ nguồn nước, cần có những giải pháp quyết liệt và hành động ngay từ bây giờ.

Ảnh minh họa (Nguồn: Bích Liên)

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), ngày 22/3 hằng năm là "Ngày Nước thế giới" và bắt đầu được tổ chức thường niên từ năm 1993. Kỷ niệm Ngày Nước thế giới là dịp để lan tỏa thông điệp kêu gọi toàn nhân loại nhận thức đầy đủ hơn về vị trí và tầm quan trọng của nước đối với cuộc sống con người, sự phát triển bền vững của quốc gia, khu vực và toàn cầu; qua đó, cùng nhau cam kết hành động để bảo vệ, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên quan trọng này, không chỉ cho hiện tại mà cho cả các thế hệ mai sau.

Mỗi năm, Liên hợp quốc lựa chọn một chủ đề cụ thể cho "Ngày Nước thế giới" để hành động giải quyết những thách thực hiện hữu và dự báo, đặc biệt là nguồn nước ngọt. Với chủ đề “Accelerating Change” - Thúc đẩy sự thay đổi, Ngày Nước thế giới năm 2023 với mục đích kêu gọi tất cả mọi người cùng hành động để thay đổi cách sử dụng, khai thác, tiêu thụ và quản lý nguồn nước trong cuộc sống của mình.

Thiếu nước diễn ra nghiêm trọng nếu không kiểm soát

Hiện nay, khủng hoảng nước và vệ sinh môi trường đang là mối đe dọa, rủi ro lớn đến cuộc sống con người. Theo ông Nguyễn Minh Khuyến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT), thống kê sơ bộ trên toàn quốc cho thấy, nguồn nước ở Việt Nam hiện đang được khai thác phục vụ cho các mục đích sử dụng khoảng 84 tỷ m3/năm, trong đó nước dưới đất khoảng 3,8 tỷ m3/năm (tương đương 10,5 triệu m3/ngày), nước mặt khai thác sử dụng khoảng 80,6 tỷ m3/năm (221 triệu m3/ngày).

Việc khai thác, sử dụng tập trung chủ yếu vào 7 - 9 tháng mùa khô; trong đó trên 80% lượng nước được sử dụng cho mục đích nông nghiệp (khoảng 65 tỷ m3/năm) và cơ cấu sử dụng nước đang có xu hướng tăng dần cho công nghiệp, thủy sản và sinh hoạt. Dự báo đến năm 2030 nhu cầu nước khoảng 122 tỷ m3/năm, tăng 1,5 lần so với hiện nay. Bởi vậy, tình trạng thiếu nước sẽ diễn ra nghiêm trọng nếu không được kiểm soát.

Ông Nguyễn Minh Khuyến cũng cho biết, hiện nay, một số địa phương vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn. Một số vùng thuộc huyện Mộc Châu vẫn thiếu nước nghiêm trọng.

Vùng miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An, người dân cũng đang thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt. Tỉnh Hà Tĩnh mặc dù lượng nước nhiều nhưng hàng năm vẫn thiếu khoảng 95 triệu m3 nước cho sản xuất và sinh hoạt. Các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, lượng mưa thấp, mức độ bốc hơi nước cao làm cho khả năng tích nước hạn chế, người dân ở đây còn gặp nhiều khó khăn về nước sinh hoạt, sản xuất.

Tại đồng bằng sông Cửu Long, hạn mặn làm cho khả năng tiếp cận nguồn nước ngọt giảm. Nước mặn lấn sâu vào đất liền vài chục đến hơn trăm km, nồng độ mặn cao, có nơi độ mặn lên tới 20 phần nghìn nên nước sinh hoạt sản xuất thiếu nghiêm trọng, có thời điểm người dân phải mua nước sinh hoạt với 200 nghìn đồng/m3.

Theo dự báo, có 11/16 lưu vực sông chính của Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước, đặc biệt là trên 4 lưu vực sông chính tạo ra 80% GDP của Việt Nam như lưu vực sông Hồng - Thái Bình, lưu vực sông Cửu Long, lưu vực sông Đồng Nai và lưu vực sông Đông Nam Bộ.

Phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm

Theo ông Nguyễn Minh Khuyến, Việt Nam luôn xác định “nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước”. Để nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ nguồn nước, ông Nguyễn Minh Khuyến cũng cho hay: Một trong những mục tiêu quan trọng của quy hoạch là cải thiện, phục hồi các nguồn nước quan trọng bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; ưu tiên các đoạn sông chảy qua khu vực dân cư tập trung, các nguồn nước có vai trò quan trọng cho cấp nước sinh hoạt, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xã hội hóa, đặc biệt là trên dòng chính sông Hồng, sông Cả, sông Vu Gia - Thu Bồn và sông Ba.

“Đến năm 2030, chúng ta phải hoàn thành việc lập, công bố hành lang bảo vệ nguồn nước, đảm bảo lưu thông dòng chảy, phòng, chống sạt, lở bờ, bãi sông, giảm thiểu tác hại do nước gây ra”, ông Khuyến chia sẻ.

Cùng với đó, cần đề ra kế hoạch cải thiện, phục hồi hàng loạt dòng sông, đoạn sông bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm, duy trì bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh. Ưu tiên thực hiện đối với sông Cầu, sông Ngũ Huyện Khê, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Bắc Hưng Hải thuộc vùng đồng bằng sông Hồng; sông Vu Gia, hạ lưu sông Trà Khúc sau đập Thạch Nham thuộc vùng duyên hải miền Trung; thượng lưu sông Ba sau đập An Khê thuộc vùng Tây Nguyên và khu vực hạ lưu sông Đồng Nai thuộc vùng Đông Nam Bộ.

“Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu đổi mới, kiện toàn các Ủy ban lưu vực sông, triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp trong quy hoạch đồng bộ. Và như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng về một tương lai với những dòng sông trong lành làm đẹp cảnh quan đồng thời mang lại nguồn nước cho hoạt động sinh hoạt và sản xuất”, ông Khuyến cho hay./.

Theo dangcongsan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày