Thứ 7, 20/04/2024, 04:28[GMT+7]

Hạn hán, xâm nhập mặn sẽ còn “khốc liệt”

Thứ 3, 30/07/2019 | 09:51:21
2,737 lượt xem
Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra ở nhiều tỉnh khu vực Trung Bộ, hạ lưu một số sông khả năng xuất hiện độ mặn cao nhất. Đặc biệt, xâm nhập mặn có nguy cơ đến sớm ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhiều diện tích lúa tại xã Hưng Thông (huyệ Hưng Nguyên) thiếu nước trầm trọng, ruộng khô, nứt nẻ.

Trung Bộ vẫn “đối mặt” hạn hán, xâm nhập mặn

Hiện nay, do nắng nóng và thiếu hụt lượng mưa trong thời gian dài, mực nước trên một số lưu vực sông ở khu vực Trung Bộ đã xuống thấp nhất lịch sử, mực nước một số hồ chứa xuống dưới mực nước chết, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã và đang diễn ra tại một số địa phương ở Trung Bộ.

Số liệu của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia chỉ rõ, hiện nay dòng chảy trên các sông thuộc khu vực miền Trung đang thiếu hụt khá nhiều, khoảng 35 đến 60% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Thậm chí, nhiều sông còn thiếu hụt trên 70% như sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An), sông Vu Gia (Quảng Nam), sông Ba (Phú Yên)… Một số sông mực nước đã xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc như sông Thu Bồn, sông Trà Khúc.

Còn các hồ thủy lợi đang ở mức khoảng 30 – 60% dung tích thiết kế; các hồ thủy điện rất nhiều hồ xuống mức thấp hơn mực nước dâng bình thường khoảng 15 – 20m như là hồ Ao Vương (Quảng Nam)… Đặc biệt, một số hồ đã xuống mực nước dưới mực nước chết như là hồ Trung Sơn (Thanh Hóa); hồ Sông Tranh 2, Sông Bung 4A (Quảng Nam); hồ Vĩnh Sơn B, Vĩnh Sơn 5 (Bình Định). Tình hình dòng chảy các sông mà mực nước các hồ xuống thấp khiến cho việc hỗ trợ cung cấp nước ở khu vực này khá hạn chế.

Và dưới tác động của El Nino, nhiệt độ trong các tháng tiếp theo của năm 2019 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 0,5-1,0 độ C. Từ nay đến tháng 8/2019, nắng nóng còn tiếp tục xảy ra ở miền Trung, nhất là vùng núi phía Tây Trung Bộ còn có khả năng xảy ra nắng nóng gay gắt.

Về tình hình mưa, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia nhận định, trong tháng 8, 9 có dấu hiệu tăng hơn trung bình hàng năm khoảng 10 – 30%, tuy nhiên từ tháng 10, 11,12 lại suy giảm khá nhanh. Cho nên từ nay đến hết tháng 8/2019, lượng dòng chảy trên các sông thuộc khu vực Trung Bộ tiếp tục suy giảm.

Xâm nhập mặn “gõ cửa sớm” ĐBSCL

Liên quan đến ĐBSCL, hiện mực nước trên lưu vực sông Mê Công đang ở mức rất thấp, nhiều trạm xuống thấp nhất lịch sử. Cụ thể là mực nước tại các trạm thượng lưu sông Mê Công ở mức thấp hơn TBNN từ 2,5 -5,5m, các trạm trung lưu thấp hơn từ 3-7m, hạ lưu thấp hơn từ 2,5-5,4m. Đặc biệt, tại một số trạm trung, hạ lưu sông Mê Công như Pakse (Lào), Strungtreng (Camphuchia) mực nước đã xuống mức thấp hơn năm 2015 và đạt giá trị thấp nhất cùng thời kỳ. Tại Biển Hồ (Camphuchia) mực nước thấp hơn TBNN khoảng2,0m, thấp hơn năm 2015 khoảng 0,5m.

Đối với 2 trạm khống chế ở đầu nguồn sông Cửu Long khống chế toàn bộ lượng nước từ sông Mê Công đổ về hiện nay đang khá thấp, thấp hơn trung bình hàng năm từ khoảng 0,5-0,9m, thấp hơn cả cùng kỳ năm 2015 khoảng 0,2m. Điều đó cho thấy tình trạng thiếu nước trên lưu vực sông Mê Công đang khá căng thẳng.

Nguy cơ xâm nhập mặn đến sớm ở ĐBSCL. 

Nhận định trong thời gian tới, ông Vũ Đức Long - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, cho rằng, trong tháng 8, tháng 9 trên lưu vực sông Mê Công có lượng mưa tăng hơn, phổ biến cao hơn 10-20% so với trung bình hàng năm. Tuy nhiên, sang tháng 10, tháng 11 và tháng 12 lượng mưa cũng có dấu hiệu suy giảm nhanh. Do vậy, khả năng năm nay sẽ là một năm có đỉnh lũ thấp, tương đương ở mức báo động 1.

“Do vậy, đề nghị bà con chú ý theo dõi, cập nhật thông tin để có kế hoạch sớm trong việc chuẩn bị công tác ứng phó cũng như điều chỉnh kế hoạch sản xuất của mình cho phù hợp”, ông Vũ Đức Long nhấn mạnh.

Theo baotainguyenmoitruong.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày