Doanh nghiệp nước sạch loay hoay vượt khó
Tỷ lệ thất thoát nước cao
Những ngày nắng nóng vừa qua, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân tăng cao. Không để người dân thiếu nước sinh hoạt, Công ty TNHH Châu Long (Thái Thụy) phải huy động toàn bộ công nhân vận hành hệ thống máy móc, cấp nước phục vụ sinh hoạt cho hơn 6.000 hộ dân của 4 xã (Thụy Liên, Thụy Văn, Thụy Bình, Thụy Dương). Ngoài bảo đảm nguồn nước, áp lực nước, Công ty phải duy trì hệ thống đường ống dẫn nước an toàn, thông suốt trên toàn tuyến.
Ông Tạ Duy Tuấn, Giám đốc Công ty chia sẻ: Do quá trình cải tạo, nâng cấp đường giao thông ở các xã nên doanh nghiệp phải dịch chuyển đường ống tốn nhiều công sức. Không những vậy, trong khi thi công đường, máy xúc, máy ủi làm vỡ hàng chục đoạn ống dẫn chính và ống dịch vụ cấp nước tới các gia đình khiến anh em công nhân thường xuyên phải túc trực sửa chữa, thay thế đường ống trong điều kiện thời tiết nắng nóng.
Không riêng Công ty TNHH Châu Long, nhiều doanh nghiệp nước sạch trên địa bàn tỉnh cũng phải tổ chức dịch chuyển, sửa chữa lại hàng trăm ki-lô-mét đường ống dẫn nước do các địa phương tổ chức làm đường giao thông. Tình trạng này dẫn tới các doanh nghiệp phải chi hàng trăm triệu đồng cho chi phí nhân công và thiết bị; đồng thời, gây ra tỷ lệ thất thoát nước do vỡ đường ống không kịp sửa chữa tăng lên. Theo nhiều doanh nghiệp nước sạch cho biết, tỷ lệ hao hụt, thất thoát nước của doanh nghiệp luôn ở mức từ 15 - 30%. Nguyên nhân một phần là đường ống bị vỡ do quá trình làm đường gây ra, còn lại là do rò rỉ từ các khớp nối đường ống sử dụng lâu ngày và người dân lấy trộm nước.
Ông Hoàng Quốc Lập, Giám đốc Công ty TNHH 27/7 Tiền Phong (thành phố Thái Bình) cho biết: Tình trạng người dân lấy trộm nước diễn ra khá phức tạp. Qua phát hiện và xử lý 64 trường hợp lấy trộm nước sạch của Công ty, các đối tượng thường dùng cách đấu nối ống nước trước đồng hồ đo nước vào gia đình hoặc sử dụng thanh sắt đục thủng van một chiều cuối đồng hồ đo nước. Thực tế doanh nghiệp bơm đẩy cung cấp 3.200m3/ngày đêm nhưng thực thu về chỉ đạt 2.300m3/ngày đêm, tỷ lệ hao hụt gần 29%.
Công nhân Công ty TNHH 27/7 Tiền Phong (thành phố Thái Bình) sửa chữa lại đường ống bị hư hỏng do quá trình làm đường giao thông.
Chi phí sản xuất tăng
Một trong những khó khăn khiến các doanh nghiệp nước sạch đang phải đối diện là chi phí sản xuất tăng cao. Để sản xuất ra 66.000m3 nước/tháng, hiện doanh nghiệp phải chi khoảng 75 triệu đồng tiền điện. Nếu so với thời điểm trước khi giá điện tăng 8,36% (ngày 20/3/2019) thì doanh nghiệp phải chi thêm khoảng 20% tiền điện cho sản xuất cùng một sản lượng nước. Để duy trì việc làm cho công nhân và phục vụ tốt nhu cầu sử dụng nước của người dân, doanh nghiệp không thể cắt giảm thời gian sử dụng điện vận hành máy móc sản xuất và dịch vụ cấp nước.
Quy định mới về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động từ ngày 1/1/2019 tăng từ 5,3 - 5,8% so với năm 2018 tùy theo từng vùng cũng làm cho doanh nghiệp phải tăng chi phí sản xuất từ lương công nhân, người lao động.
Điều đáng lo ngại nhất đối với nhiều doanh nghiệp nước sạch hiện nay là chi phí lớn cho hoạt động dịch chuyển, sửa chữa lại hệ thống đường ống dẫn nước tới các khu dân cư, hộ gia đình do việc làm đường nông thôn mới của các địa phương. Trung bình, để dịch chuyển và sửa chữa, thay thế đường ống bị nứt, vỡ, đứt trong phạm vi 1km, doanh nghiệp phải đầu tư khoảng 10 triệu đồng trong khi doanh nghiệp mới đầu tư lắp đặt đường ống làm cho chi phí sản xuất của doanh nghiệp bị tăng lên bất khả kháng.
Doanh nghiệp lo vượt khó
Tất cả những khó khăn trên đang khiến các doanh nghiệp đã khó khăn càng thêm khó khăn. Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Thủy Long (xã Vũ Ninh, Kiến Xương) cho biết: Từ những khoản chi phí tăng lên, thất thu do tỷ lệ hao hụt, thất thoát nước cao, cộng với tiền trả lãi ngân hàng, doanh nghiệp chúng tôi chỉ bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, cấp nước sạch cho người dân chứ gần như không có tiền khấu hao tài sản.
Đối với doanh nghiệp Châu Long, dù tỷ lệ thất thoát nước thấp nhất trong số các doanh nghiệp nước trên địa bàn tỉnh hiện nay, theo lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, mỗi tháng doanh nghiệp chỉ thu về được từ 300 - 325 triệu đồng tiền nước nhưng phải chí phí sản xuất, sửa chữa, dịch chuyển đường ống hết hơn 200 triệu đồng và 100 triệu đồng tiền trả lãi, gốc định kỳ cho ngân hàng mỗi tháng.
Không riêng doanh nghiệp Thủy Long, doanh nghiệp Châu Long, 30 doanh nghiệp trong Hội Nước sạch tỉnh với 38 nhà máy nước cấp nước cho nhân dân của hơn 210 xã ở các huyện, thành phố cũng đang trong tình cảnh tương tự. Tổng số vốn của doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước, lắp đặt hệ thống đường ống, đồng hồ đo nước khoảng hơn 1.600 tỷ đồng. Trong số tiền đã đầu tư đó, có từ 25 - 50% vốn là doanh nghiệp vay ngân hàng. Với những khó khăn đang gặp phải, các doanh nghiệp rất trăn trở trong việc trả tiền lãi và gốc theo định kỳ cho ngân hàng.
Ông Hoàng Quốc Lập, Chủ tịch Hội Nước sạch tỉnh cho biết: Để vượt qua bộn bề khó khăn mà doanh nghiệp nước sạch đang gặp phải, ngoài nỗ lực đổi mới trong công tác quản lý, điều hành sản xuất nhằm cắt giảm chi phí của mỗi doanh nghiệp, rất mong các cấp chính quyền phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp bảo đảm an toàn cho hệ thống đường ống, đồng hồ đo nước nhằm giảm tỷ lệ thất thoát nước. Các ngân hàng cũng xem xét có cơ chế giãn định kỳ trả tiền gốc cho doanh nghiệp. Đặc biệt, nhà nước sớm thực hiện cơ chế hỗ trợ kinh phí đầu tư giúp doanh nghiệp nước có đủ điều kiện để nâng cấp, hoàn thiện các dự án cấp nước sạch nông thôn, phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân.
Khắc Duẩn
Tin cùng chuyên mục
- Quỳnh Phụ: Bảo đảm nguồn nước sạch cho người dân 26.09.2023 | 09:32 AM
- Khắc phục khó khăn, bảo đảm cấp nước ổn định mùa nắng nóng 25.07.2023 | 10:29 AM
- Cấp nước sạch an toàn, ổn định 19.01.2023 | 02:55 AM
- Phổ biến các quy định của Bộ Y tế về quản lý chất lượng nước tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước sạch 25.04.2022 | 17:41 PM
- Công ty Mỹ Hưng cần khẩn trương cung cấp nước ổn định cho 2 xã An Thanh, An Mỹ 19.07.2021 | 09:42 AM
- Bể nước thắm tình quân dân 19.07.2021 | 10:17 AM
- Đưa nước sạch đô thị về nông thôn 16.07.2021 | 09:39 AM
- Nước sạch nghĩa tình 13.07.2021 | 18:03 PM
- Giúp đồng bào được sử dụng nước sạch 12.07.2021 | 08:36 AM
- Người Êđê giữ bến nước như mạch sống buôn làng 08.07.2021 | 20:50 PM
Xem tin theo ngày
- Hội nghị đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU và quán triệt, triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác GPMB trên địa bàn tỉnh
- Quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2025
- Phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm và nỗ lực, quyết tâm cao, đạt được kết quả với những giá trị cụ thể và chất lượng, hiệu quả cao nhất
- Kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 thành công tốt đẹp
- Kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII: Thảo luận, chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm
- Thống nhất nội dung thảo luận tổ và phát biểu, chất vấn tại hội trường
- Phiên thảo luận tổ thứ 2, kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Thực hiện với quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, hành động quyết liệt nhất, phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra
- Nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân, phát huy dân chủ, trí tuệ phát biểu tại hội trường và thảo luận tại tổ góp phần vào thành công của kỳ họp
- Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026