Thứ 5, 26/12/2024, 18:00[GMT+7]

Sơn La: Khẩn trương xác minh nguyên nhân ô nhiễm nước Mai Sơn

Thứ 7, 23/11/2019 | 11:24:30
1,392 lượt xem
Liên quan đến sự cố ô nhiễm nguồn nước cấp tại Trạm cấp nước Nà Sản, thuộc Xí nghiệp Cấp nước Mai Sơn, làm 800 hộ dân huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La bị mất nước sinh hoạt từ ngày 18/11 tới nay, huyện Mai Sơn đã tiến hành rà soát, xác minh nguyên nhân gây ô nhiễm. Trước mắt, nghi ngờ nguyên nhân ô nhiễm do sơ chế cà phê.

Tại Trạm cấp nước Nà Sản, nước có mùi hôi khó chịu, chuyển màu nổi váng

Theo thông tin từ Công ty CP Cấp nước Sơn La, từ đầu tháng 11 tới nay, trạm cấp nước Nà Sản, Xí nghiệp cấp nước Mai Sơn phải ngừng hoạt động 2 lần. Lần 1 từ 5h30 phút ngày 12/11 đến 15h30 ngày 13/11.

Lần 2 từ 5h ngày 18/11 đến nay, thời gian vận hành cấp nước trở lại chưa biết, do nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Nước có mùi hôi khó chịu, chuyển màu nổi váng, nguồn nước bị nhiễm bẩn không thể đưa vào xử lý để phục vụ cấp nước sinh hoạt.

Việc ô nhiễm nguồn nước đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 2.000 hộ dân trên địa bàn Nà Sản và thị trấn Hát Lót. Công ty cùng xí nghiệp đã khắc phục bằng cách đưa nước từ các nhà máy lân cận để cấp nước được khoảng 1.200 hộ. Hiện còn khoảng 800 hộ dân ở các khu vực cao bị ảnh hưởng.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, Công ty đã chỉ đạo Xí nghiệp cấp nước Mai Sơn tổ chức kiểm tra các khu vực lân cận, trong phạm vi khu vực xã Chiềng Mung, Chiềng Ban, bản Mạt của huyện Mai Sơn… Qua đó, có nhiều cơ sở chế biến cà phê xả nước thải trực tiếp chưa qua xử lý ra môi trường.

Có nhiều cơ sở chế biến cà phê xả nước thải trực tiếp chưa qua xử lý ra môi trường. 

Ông Nguyễn Văn Bá, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Sơn La cho biết: Theo đánh giá cảm quan, hiện tại nước tại Trạm Nà Sản có màu đen và mùi, không đạt tiêu chuẩn cấp nước. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân ô nhiễm là do đâu, chúng tôi đang đợi cơ quan chức năng đánh giá.

"Về thời gian khắc phục sự cố, do chưa xác định rõ nguyên nhân gây ô nhiễm, cơ sở gây ô nhiễm nên ảnh hưởng tới công tác khắc phục. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân ô nhiễm” – ông Nguyễn Văn Bá nói.

Tại bản Noong Nái, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, nước mó đùn từ lòng đất lên cũng chuyển màu đen, mùi hôi thối 

Tại khu vực đầu nguồn nước, có khá nhiều cơ sở hoạt động sơ chế cà phê chưa có hệ thống xử lý môi trường đạt chuẩn.

Ông Lò Văn Thanh, bản Mạt, xã Chiềng Mung, một chủ cơ sở có công suất khoảng 20 tấn/ngày đêm cho biết: Sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền phổ biến về bảo vệ môi trường trong sơ chế cà phê, hộ gia đình đã chủ động đào các bể chứa nước thải có lót bạt HDPE.

Song cơ sở không đầu tư hệ thống xử lý mà chỉ lưu chứa nước thải vào các bể chứa. Tại cơ sở này có hiện tượng xả nước thải chưa xử lý ra khu vực ruộng xung quanh.

Chiều 20/11, cơ sở của hộ ông Lò Văn Thanh vẫn có hoạt động sơ chế cà phê 

Được biết, ngày 21/10/2019, cơ sở đã bị UBND huyện Mai Sơn xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật, không có kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận.

Đồng thời, yêu cầu trong thời gian 5 ngày từ ngày ban hành quyết định xử phạt, buộc phải có biện pháp quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật về chất thải.

Tuy nhiên, chiều 20/11, khi Đoàn liên ngành kiểm tra việc thực hiện biện pháp khắc phục, cơ sở vẫn đang hoạt động sơ chế cà phê bằng phương pháp ướt, nước thải gom vào 02 hố đất không lót đáy và 3 hố có lót HDPE. Cơ sở chưa có biện pháp xử lý nước thải đạt chuẩn.

Đoàn liên ngành đã yêu cầu cơ sở dừng hoạt động, chấp hành nghiêm các biện pháp quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật trong thời hạn 7 ngày (hoàn thành trước 27/11/2019).

Tại cơ sở này có hiện tượng xả nước thải chưa xử lý ra khu vực ruộng xung quanh. 

Ông Nguyễn Thanh An, Trưởng phòng TN&MT huyện Mai Sơn cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin về ô nhiễm nguồn nước, chúng tôi đã phối hợp với Xí nghiệp cấp nước Mai Sơn triển khai rà soát tìm nguyên nhân gây ô nhiễm, tại khu vực 2 xã Chiềng Ban, Chiềng Mung. Nghi ngờ nguyên nhân gây ô nhiễm có thể do sơ chế cà phê, và đang tìm xem ô nhiễm là từ cơ sở nào để có biện pháp xử lý.

Bên cạnh đó, để ngăn ngừa ô nhiễm môi trường trong sơ chế cà phê, ngay từ đầu niên vụ, Phòng TN&MT đã phối hợp với Sở TN&MT mở 02 Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, hướng dẫn công tác bảo vệ môi trường tới các chủ hộ sơ chế cà phê, yêu cầu các hộ thực hiện nghiêm việc xử lý nước thải sau sơ chế. Bắt đầu vào niên vụ, Phòng đã phối hợp với Công an huyện kiểm tra các cơ sở, qua đó, tham mưu cho UBND huyện xử phạt 11 cơ sở sơ chế cà phê có hiện tượng xả thải ra môi trường.

Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Mai Sơn có khoảng trên 5.000ha cà phê, trong khi 2 nhà máy cà phê trên địa bàn chưa đủ công suất để tiêu thụ hết cà phê cho người dân. Cộng thêm giá cà phê không ổn định, nên còn tình trạng người dân tự sơ chế để lưu trữ, đợi được giá để bán. Các cơ sở sơ chế cà phê chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, không có kinh phí đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nước thải, nên còn tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường.

“Trước mắt, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. Tuyên truyền vận động người dân đưa cà phê vào 2 nhà máy trên địa bàn, có hệ thống xử lý về môi trường để hạn chế ô nhiễm” – ông Nguyễn Thanh An thông tin.

Theo baotainguyenmoitruong.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày