Thứ 4, 05/02/2025, 23:55[GMT+7]

Tiền Hải: Làng nghề truyền thống dần mai một

Thứ 7, 21/12/2024 | 18:33:49
3,039 lượt xem
Đầu năm 2024, huyện Tiền Hải còn 13 làng nghề truyền thống nhưng đến thời điểm hiện tại 9 làng nghề đã bị thu hồi bằng công nhận do không đạt tiêu chí công nhận làng nghề theo quy định của Chính phủ. Làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện đang dần mai một, số lượng người dân bám nghề cũng ít đi.

Nghề chế biến nước mắm tại xã Nam Cường (Tiền Hải).

9 làng nghề bị thu hồi bằng công nhận

Theo quyết định của UBND tỉnh, huyện Tiền Hải có 9 làng nghề truyền thống tại 9 xã bị thu hồi bằng công nhận làng nghề do không đạt tiêu chí công nhận làng nghề theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP, ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn (gồm các làng nghề: Bác Trạch - nghề chế biến lương thực và thực phẩm làng Bác Trạch (Vân Trường), Lạch Thành - nghề đan mũ (Tây Lương), chế biến thủy sản làng Chài (Nam Thịnh), An Hạ - nghề dệt chiếu và An Tứ - nghề mây tre đan (Nam Hải), Đông Biên Nam - nghề đánh bắt và chế biến thủy hải sản (Nam Hồng), Công Bồi - nghề mây tre đan (Phương Công), Văn Hải - nghề đan thảm cói (Đông Phong), An Khang - nghề đan mũ và rèn (xã Tây An cũ).

Ông Đỗ Thành Trung, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Nghề và làng nghề đang phát triển không đều tại các xã trên địa bàn huyện. Hoạt động của làng nghề cũng biến động theo xu hướng chung của nền kinh tế nên đến nay số lượng làng nghề không còn tồn tại nhiều. Một số làng nghề phát triển cầm chừng do vậy thu nhập của người lao động làm nghề thấp, bình quân đạt khoảng 1,5 triệu đồng/ người/tháng nên không thu hút được người lao động theo nghề. Vì vậy, số lượng lao động trong làng nghề hiện nay giảm nhiều, chủ yếu là lao động ngoài độ tuổi.

Người làm nghề truyền thống ngày càng ít đi

Xã Nam Hà hiện có 3/4 thôn được công nhận làng nghề truyền thống làm nón lá, gồm làng nghề Đông Quách, Hướng Tân và Đông Hào. Đây là một trong ít xã duy trì được hoạt động làm nghề truyền thống trong nhiều năm trở lại đây. Nếu như 5 năm trước đây, nghề làm nón ở Nam Hà vẫn được duy trì và tạo được việc làm ổn định cho 730 hộ với 1.117 lao động thì đến nay chỉ có khoảng vài trăm người làm nghề, chủ yếu là người ngoài độ tuổi lao động. 

Bà Nguyễn Thị Minh, thôn Hướng Tân cho biết: Gia đình tôi đã hơn 30 năm làm nghề nón lá. Trước đây, hầu hết các hộ trong thôn đều làm nghề. Tuy nhiên, những năm gần đây, tại địa phương các lực lượng lao động trẻ tuổi đi làm công ty, xí nghiệp, còn những người không đi làm công ty, người ngoài độ tuổi lao động thì ở nhà làm nón lá.

Đặc thù của làng nghề nón lá là phát triển sản xuất theo hướng cá thể tự cung, tự cấp và phụ thuộc vào lao động của từng hộ gia đình. Mặc dù có phần mai một nhưng đến nay nghề nón lá truyền thống ở Nam Hà vẫn được duy trì mang lại thu nhập cho nhiều người dân từ 2 - 3 triệu đồng/ người/tháng. Trung bình mỗi năm người dân Nam Hà vẫn cung cấp ra thị trường hàng chục vạn chiếc nón lá. 

Theo bà Trương Thị Ngoãn, Giám đốc HTX SXKD nón lá xã Nam Hà: Khó khăn với nghề là còn làm thủ công, không sử dụng được máy móc. Bên cạnh đó, việc phát triển các khu, cụm công nghiệp đã tạo ra nhiều việc làm với mức thu nhập hấp dẫn nên người dân không còn mặn mà với nghề, dẫn đến tình trạng các làng nghề thiếu lao động để duy trì hoạt động.

Doanh nghiệp làng nghề sáng tạo để chinh phục thị trường

Mặc dù nhiều làng nghề trên địa bàn huyện đang dần mai một nhưng không ít những doanh nghiệp, cơ sở trong làng nghề vẫn duy trì, phát triển hoạt động sản xuất, tạo nhiều việc làm cho người lao động nông thôn. Điển hình như Công ty TNHH Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Tây An (thị trấn Tiền Hải) chuyên sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói, trung bình mỗi tháng doanh nghiệp này xuất khẩu khoảng 200.000 sản phẩm thủ công mỹ nghệ đi các thị trường Mỹ và châu Âu. 

Bà Phạm Thị Ngắn, Giám đốc Công ty cho biết: Mẫu mã sản phẩm luôn mới là một trong những nhân tố quan trọng và đầu tiên trong việc thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Chính nhờ sự sáng tạo và đầu tư cho khâu thiết kế các mẫu mã mới đã giúp doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh không ít doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ, nhất là doanh nghiệp tại các làng nghề lao đao bởi thiếu đơn hàng, giá ngày một giảm.

Từ việc duy trì ổn định hoạt động sản xuất, Công ty TNHH Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Tây An đã tạo thêm việc làm cho hàng nghìn lao động, trong đó chủ yếu là những người ngoài độ tuổi lao động. 

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, thị trấn Tiền Hải cho biết: Tranh thủ những thời điểm đỡ việc đồng áng, tôi lại cùng các chị em phụ nữ ở địa phương đến Công ty để làm thêm. Là hàng thủ công nên người lao động có thể nhận nguyên liệu mang về nhà làm. Chúng tôi cao tuổi rồi không làm được ở các nhà máy công ty nữa thì làm ở đây, thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, số lượng lao động cao tuổi, nhất là lứa tuổi trung niên không còn phù hợp làm việc trong các khu, cụm công nghiệp ngày càng tăng. Việc duy trì và phát triển các nghề truyền thống để tận dụng lao động nhàn rỗi sẽ góp phần giảm nghèo tại mỗi địa phương. Do vậy, huyện Tiền Hải đang tiếp tục quan tâm tới việc duy trì và phát triển hoạt động sản xuất của các làng nghề hiện nay. 

Theo ông Đỗ Văn Trịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện: Huyện đã ban hành các cơ chế gắn với xây dựng sản phẩm OCOP để giúp các địa phương phát triển nghề. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất trong làng nghề ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, sản xuất sản phẩm mới để tăng năng suất, nâng cao khả năng cạnh tranh gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của làng nghề; tạo thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

 Các lao động làm nghề nón lá ở xã Nam Hà chủ yếu ngoài độ tuổi lao động.

Trần Tuấn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày