Thứ 4, 15/01/2025, 22:40[GMT+7]

Ê buốt răng khi niềng - nguyên nhân và cách cải thiện

Thứ 6, 10/01/2025 | 18:17:00
212 lượt xem
Niềng răng bị ê buốt là tình trạng chung của nhiều người, điều này ảnh hưởng khá nhiều đến sinh hoạt của người niềng răng. Nên làm gì khi niềng răng bị ê buốt? Có cách nào để hạn chế tình trạng này không?

Nguyên nhân gây ê buốt răng khi niềng

Trong thời gian niềng răng, đôi khi bạn sẽ cảm thấy cảm giác ê buốt khi ăn, khi đánh răng hoặc sau mỗi lần siết mắc cài... Dưới đây là những nguyên nhân thường thấy dẫn đến tình trạng niềng răng bị ê buốt:

Do lực tác động của khí cụ chỉnh nha

Lực kéo của dây cung và mắc cài: Đây là nguyên nhân chính gây ê buốt. Khi bác sĩ gắn mắc cài và dây cung lên răng, lực kéo sẽ tác động lên răng để di chuyển chúng về vị trí mong muốn. Lực này gây áp lực lên răng, dây chằng quanh răng và xương ổ răng, dẫn đến cảm giác ê buốt.

Sự tái cấu trúc của răng và các mô xung quanh: Để răng di chuyển được, các mô xung quanh răng như dây chằng, xương ổ răng cần phải tái cấu trúc. Quá trình này cũng gây ra cảm giác ê buốt và khó chịu.

Thay đổi lực siết: Trong quá trình niềng răng, bác sĩ sẽ điều chỉnh lực siết của dây cung định kỳ. Mỗi lần siết răng, lực tác động lên răng sẽ tăng lên, gây ra cảm giác ê buốt trong vài ngày sau đó.

Do răng chưa kịp thích ứng

Răng ở trạng thái tự do: Trước khi niềng răng, răng ở trạng thái tự do và ổn định. Khi niềng răng, răng phải chịu lực tác động liên tục, khiến chúng chưa kịp thích nghi và gây ra cảm giác ê buốt.

Sự dịch chuyển răng: Răng di chuyển từng chút một trong quá trình niềng. Sự dịch chuyển này làm răng trở nên nhạy cảm hơn và dễ bị ê buốt, đặc biệt là khi ăn nhai hoặc uống nước lạnh.

Do kỹ thuật niềng răng không đảm bảo

Lực siết quá mạnh: Nếu bác sĩ siết răng quá mạnh, răng sẽ bị ê buốt nhiều hơn.

Gắn mắc cài không đúng vị trí: Việc gắn mắc cài không đúng vị trí có thể gây ra lực tác động không đều lên răng, dẫn đến ê buốt.

Tham khảo: Địa chỉ niềng răng uy tín hiện nay

Do các bệnh lý về răng miệng

Ê buốt răng cũng là một dấu hiệu sớm của các bệnh lý liên quan đến răng miệng. Vì vậy, trước khi niềng răng bạn cần điều trị triệt để các bệnh như viêm lợi, viêm nha chu, sâu răng,... để việc niềng răng được diễn ra suôn sẻ, ít bị gián đoạn. Đồng thời, bạn cũng cần chú ý đến việc vệ sinh răng miệng để không mắc các bệnh lý trên trong khi niềng.

Do chế độ ăn uống

  • Ăn đồ ăn quá cứng hoặc quá dai: Ăn đồ ăn cứng hoặc dai làm tăng áp lực lên răng, gây ê buốt.

  • Ăn đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh: Nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh có thể kích thích răng và gây ê buốt.

  • Ăn đồ ăn quá chua hoặc quá ngọt: Đồ ăn chua hoặc ngọt có thể làm mòn men răng và gây ê buốt.

Bí quyết giảm ê buốt răng khi niềng

Để giảm cách cảm giác ê buốt ngay lập tức bạn có thể súc miệng bằng nước muối, chườm, dùng thuốc giảm đau và đặc biệt là duy trì được một chế độ ăn uống khoa học. Bạn có thể tham khảo những thông tin dưới đây để nắm rõ hơn:

Duy trì chế độ ăn uống khoa học

Duy trì được chế độ ăn khoa học và phù hợp là bạn đã hạn chế được rất nhiều tình trạng ê buốt răng khi niềng. Ăn những món ăn lỏng, mềm, ít sợi và vệ sinh răng cẩn thận sau khi ăn là điểm mấu chốt của một bữa ăn hoàn hảo cho người đang niềng răng. Theo đó, những món ăn bạn nên dùng khi niềng răng đó là:

  • Những món mềm, lỏng như: cháo dinh dưỡng, súp gà, súp cua, đậu phụ,...

  • Các món chế biến từ trứng: trứng rán, bánh bông lan, caramen, trứng hấp,...

  • Hoa quả, rau củ: chuối, cam, táo, bông cải, cà rốt, nước ép hoa quả,...

  • Sữa và các chế phẩm từ sữa: sữa tươi, sẽ chua, phô mai...

  • Uống đủ nước mỗi ngày

Bên cạnh đó, bạn nên hạn chế các thực phẩm thô cứng như các loại hạt, thực ăn quá nóng hoặc quá lạnh, kẹo cao su, cà phê,...

Súc miệng bằng nước muối ấm

Đây là một cách đơn giản, dễ thực hiện để làm dịu đi cơn ê buốt răng khi niềng. Nước muối pha loãng hoặc nước muối sinh lý đều có tác dụng như nhau nên nếu không có sẵn nước muối sinh lý chuyên dụng trong nhà bạn có thể tự pha nước muối. Bạn nên súc miệng 2 - 3 lần mỗi ngày hoặc mỗi khi cảm thấy khó chịu để làm giảm bớt sự ê buốt.

Chườm lạnh

Dùng túi chườm lạnh hoặc khăn bọc đá áp lên má tại khu vực ê buốt khoảng 10-15 phút.

Phương pháp này giúp giảm sưng và làm dịu các dây thần kinh xung quanh răng.

Thuốc giảm đau

Nếu những biện pháp trên không có tác dụng và bạn vẫn thấy khó chịu thì có thể bạn cần sử dụng đến thuốc giảm đau. Tuy nhiên, chắc chắn một điều rằng bạn không được tự ý dùng thuốc mà phải hỏi ý kiến bác sĩ để được kê loại thuốc có thành phần, liều lượng phù hợp.