Thứ 6, 03/01/2025, 10:21[GMT+7]

Chuyện vợ thợ cày

Thứ 2, 27/08/2012 | 09:19:04
1,007 lượt xem

Xin được bắt đầu từ buổi tối. Xong bữa cơm mẹ bê mâm bát ra cầu ao. Hắn lột chiếu cuộn tròn dựa góc hiên. Vợ hắn súc miệng òng ọc nhổ toẹt giữa sân, đi ra cổng rồi lại đi vào. Có gì đến nỗi băn khoăn hiện lên gương mặt lộ ra bước chân thế kia? Lo lo hắn nhao ra với vợ.
- Em... em làm sao thế?
Hình như vợ hắn giật mình. Thị ngoái lại, con mắt lúng liếng:
- Em chẳng làm sao. Em chỉ nhớ u thôi. Mấy hôm rồi chưa về bên nhà.

Con mắt lại lúng liếng. Làng bảo  con mắt vợ hắn “cùn” bằng năm bảy lưỡi dao cau; cái lưỡi “cứng” gấp tám, chín lần kẹo kéo... Hắn “chết” thị bắt đầu từ đôi mắt. Đôi mắt như có ma lực khiến hắn bỏ ngoài tai những lời khuyên can, cho qua điều này tiếng nọ.
Bâng khuâng, hắn đã bước lên hiên lại bước xuống.
- Để anh đưa em về bên nhà, rồi đi họp thôn vẫn sớm.
Con mắt lại lúng liếng.
- Em về một mình được mà. Sang một lúc đỡ nhớ em về ngay thôi.

Quá mười giờ đêm. Thị vào buồng đem theo mùi nước hoa đắt tiền. Làm vợ được vài tháng thì tự nguyện quên các “món” nước hoa, son phấn. Vài tháng trở lại đây thị lại xài mỹ phẩm toàn đồ xịn hơn dạo chưa chồng. Mùi nước hoa đánh tan cơn buồn ngủ. Hắn nhổm lên xoay lại gối đôi, vòng cánh tay. Thị oằn tránh lật người úp mặt xuống gối, cáu cẳn:
- Ngủ đi. Em mệt
Hẳn đâu có cần “chuyện ấy...”
- Bên nhà thế nào em? Sao thầy không đi họp?
- Không biết. Sang mà hỏi.
- Ơ em... sao thế?

Thêm một lần nữa vòng tay thân ái bị gạt phắt. Và tiếng “thôi đi” như rít qua kẽ răng. Hắn nóng mặt cảm thấy bị coi thường. Mỗi khi rơi vào trạng thái ấy, lũ đàn ông có vợ thường chia làm ba loại. Loại hành động mạnh, loại to tát lời và loại thứ ba kết hợp cả hai loại trên. Hắn không thuộc loại nào. ở đâu và bao giờ hắn cũng xứng danh trai làng, khiêm nhường và  trọng sự dĩ hòa vi quý.
- Nghe anh nói đã nào. Hắn ôn tồn.
- Nói gì - Vợ hắn bật dậy, con mắt long lên – Chuyện trò gì mà nửa đêm truy bức người ta.
Hắn ngồi lên đảo mắt ra cửa buồng:
- Đừng nói to. Mẹ nghe thấy mẹ buồn. Thị ngoảy đầu cho mái tóc xổ tung:
- Ai sợ mất ngủ thì nút lỗ tai lại. Đây cứ nói đấy.

Hắn ngồi dựa thành giường ngao ngán. Thị đã xô hắn đến nước buộc phải nhớ lại những chuyện đang cố quên đi. Ba tháng trước hắn đưa mẹ về quê ngoại. ở nhà thằng bạn thú y đến thụ tinh con lợn nái. Việc này trước lúc đi hắn có nhờ bạn. Vài hôm sau đầu làng cuối xóm trẻ con ran vè: “Ve vẻ vè ve. Cái vè vợ đẹp. Anh thú y tài...” Vè ran đến nỗi anh trai thị đương chức Chủ tịch xã phải nhờ nhà trường can thiệp mới êm chuyện vè? Phải đó là nguyên nhân khiến thị thay đổi tính nết. Rồi chuyện thợ cày thợ cấy  ngoài đồng, chuyện trên sân kho họp thôn. Anh ả thật khéo vải màn che mắt thánh.
Hắn cố xua đi những ám ảnh.
- Em này.
- Không em iếc gì. Anh tin thiên hạ chứ tin gì con này. Thích thế thì đây chiều.
Thị bổ lại góc buồng lôi va li, vơ quần áo. Mười ba tháng chồng vợ đây là lần thứ ba hắn chứng kiến cảnh “vơ - nhét”. Chưa lần nào chiếc va li được xách ra khỏi cửa buồng. Hắn lắc đầu thở dài.
- À. Anh thở khinh tôi hả! Nói cho mà biết. Những thứ con này chưa kịp thu về có giỏi thì cứ tẩu tán. Cứ là mất một đền mười.

Thị xách va li sấn sổ giật then cửa buồng. Thị không phải mất công mở cửa nhà ngoài. Người mẹ tội nghiệp đã đứng ngoài hiên. Bao nhiêu buồn bực theo dòng nước mắt chảy xuôi.
- Kìa con. Nghe mẹ bảo.
- Nghe mãi rồi.
Hắn phát hoảng, mẹ đã ra ngoài hiên từ lúc nào. Hắn nhào ra dìu mẹ vào nhà.
- Con xin mẹ. Kệ cô ấy. Rồi con thu xếp ổn thỏa mà. Con xin mẹ ngon giấc.
Sáng hôm sau làng xôn xao tin đồn. Có thằng vũ phu ghen bóng ghen gió uỵch vợ thâm tím cả người phải tháo thân về nhà đẻ. Gần trưa làng lại ồn ào tin mới nhất. Quả tang trai trên gái dưới. Cô ả xấu hổ ôm quần về với mẹ. Ba ngày hai luồng dư luận “thi đấu” bất phân thắng bại. Ba ngày bảy bận thị diễu xe ga qua ngõ. Như trêu ngươi.

Ngày thứ năm lúc nhập nhoạng tối, bà thím bên ấy dẫn đầu tốp người vào sân có người đội thúng khảo sơn thiếp. Hắn hiểu ngay việc gì sắp đến. Hình như mẹ đã biết trước việc này. Mẹ sửa lại khăn chéo ra hiên đón khách.
- Mời các bá, các thím vào xơi nước.
Hắn ngồi bên cạnh mẹ để phòng chuyện trả lễ. Từ năm ngoái sau lần về quê ngoại, tim mẹ trở chứng không bình thường. Bên kia người ta đang bày đồ trong thúng lên bàn. Chai rượu, cơi trầu, chè cau, nải quả, phong bánh khảo – món trả lễ theo đúng lệ làng.
- Bá ạ - Bà thím thị đứng lên – Cháu nó phận hẩm, duyên hèn không có phúc làm dâu con nhà ta. Bác bá em có lễ sang tạ lỗi với gia tiên.
Mẹ đứng lên, phong thái nhẹ nhõm như vừa trút được gánh nặng.
- Thằng cả nhà này quả thật không xứng với cô bên nhà. Làng xóm đã nói thế. Tôi cũng nghĩ thế. Các bậc tiền nhân bên này không dám nhận lễ của nhà sang. Không còn thông gia thì vẫn là xóm láng. Các bá, các thím xơi trầu uống nước.
Mẹ gạt đi những cánh tay, dứt khoát xếp trả lễ vào thúng. Bà chị dâu chiềng ra mặt bàn tờ giấy.
- Cậu ạ. Em nó có cái đơn. Phiền cậu xem sai đúng thế nào.
Hắn không thèm ngó qua, rút bút ký đánh phắt.
- Xong rồi ạ. Chị nói với cô ấy ngày mai sang thu đồ về.

Cuối tháng có giấy tòa gọi. Hắn nghỉ buổi bừa đi hầu tòa. Hắn có một mình. Bên nhà thì ngồi kín hai dãy ghế. Bà vợ  ông chủ tịch xả mùi hình sự vào phiên tòa dân sự. Rằng ngần ấy ngày làm vợ là ngần ấy ngày công... Là bằng này thu nhập, rằng đánh vợ đến nước phải tháo thân là một trọng tội... Người phụ nữ sau ly hôn phải đối mặt với tương lai mịt mùng. Đó là tổn thất không mức bồi thường nào bù đắp nổi... Tòa hội ý mười phút. Bà Chánh án tuyên bố:
- Anh phải bồi thường cho chị một triệu chín trăm nghìn. Có khiếu nại không?
Hắn đứng lên nhấn chậm từng lời:
- Thưa quý tòa. Tôi xin bồi thường thêm cho tròn ba triệu.
Cả phòng tòa điếng lặng. Phải mất vài phút trấn tĩnh, bà Chánh án gằn giọng.
- Anh đứng lên. Đây không phải là sân chơi trò từ thiện.
Hắn lại đứng lên.
- Tôi không có ý đùa. Bà vợ ông chủ tịch vừa tính công của ngần ấy ngày làm vợ. Cách tính chưa chính xác lắm nên tôi bổ sung thêm. Tránh sự khiếu nại làm phiền đến quý tòa.

Ra khỏi phòng tòa hắn đạp xe tắt lối bờ đê ra cánh đồng. Trăng lên, hắn mới họ trâu, tháo ách. Năm sào ruộng cày phẳng ngọt chỉ chờ thợ cấy dẻo tay xuống mạ. Hắn đã thu xếp việc nhà việc đồng, thưa với mẹ chuyến đi sớm hơn và có thể lâu hơn năm ngoái. Khoản tiền ba triệu đồng hắn chỉ có chín trăm nghìn tiền công cày bừa, mẹ bán đàn lợn được bốn trăm nghìn. Số còn lại phải cắm sổ đỏ vay ngân hàng.

Đêm trăng. Thợ cày quây quần trên chiếu trải giữa sân. Mâm sàng lót lá chuối, thịt cày hai món cổ truyền: luộc, rựa mận, can rượu nếp trong như mắt mèo. Tiệc tùng của trai làng lam lũ thế đã là sang. Nào! Cụng ly hề... Lai rai hề... Lơ đơ hắn vỗ vai bạn cày:
- Tớ sẽ lấy vợ trẻ đẹp mấy lần hơn vợ bỏ... Thề đấy.
Giây lát ngỡ ngàng thợ cày ồ lên:
- Đẹp thế còn không giữ nổi. Đẹp hơn có mà...
- Đừng có đùa thợ cày ha.
- Không có đùa. Nghe đây...
- Nghe rồi. Cậu thề thế nhé. Chúng tớ thề thế này. Quyết tâm chờ đến mùng ba tháng ba năm ba nghìn ngồi cỗ ngắm vợ cực đẹp. Say chết luôn.
- Ha... ha... Lai rai hề.
Uống ực một hơi cạn cốc rượu, vơ đũa gõ bát.
- Nghe đây! Không có Ba nghìn. Chậm nhất sau mùa gặt tới. Trẻ và đẹp. Sai lời không dám nhìn cánh đồng làng. Thề đấy.
- Tin nó đi anh em. Sau mùa gặt tới chớ có sai lời.

Hôm sau, trưa tròn hắn đã có mặt ở xí nghiệp gạch tư nhân miền đồi cọ. ở đây năm ngoái hắn đã “cày” hơn một tháng được món tiền kha khá. Ông chủ vẫn nhớ tay thợ thời vụ trẻ, đẹp như tài tử điện ảnh. Năm ngoái hắn đã giúp ông phát hiện lô than rởm cứu sống mấy vạn gạch. Cũng chính hắn cải tiến góc độ lưỡi phay đất, năng suất cao hơn.
- Tưởng cậu quên tôi rồi. - Ông chủ hể hả vỗ vai hắn.
- Cháu đang lo điều ngược lại.
- Nghe được đấy. Cậu đi nhận phòng ở, nghỉ ngơi. Sáng mai tôi giao việc.

Lĩnh tiền công tháng đầu hắn ra bưu điện gửi tiền về cho mẹ. Nửa đường về hắn gặp tốp thợ mộc người làng đi nhận công trình mới. Trưởng nhóm là lão Đổng. Lão phó cả cự phách tuổi ngoài sáu mươi nhưng theo “luật họ” phải gọi hắn bằng chú. Khỏi nói nỗi mừng người làng gặp nhau nơi đất khách.
- Vào quán kia. Cháu đãi ông trẻ với toàn quân.

Nỗi lo thường trực trong lòng hắn được giải tỏa. Mẹ khỏe, vui bạn trầu cau, ngày rằm mùng một lên chùa vào điện Đức ông. Lúa đồng bời bời. Đội bóng đá trường làng đoạt cúp. Hắn rưng rưng thầm biết ơn “lão cháu”. Người làng có thói quen trước lúc đi xa thu lượm chuyện xóm làng phòng lúc gặp người làng để thông báo.
- Này ông trẻ - Đường đột lão Đổng đập vai hắn – Cái việc thề thốt ông trẻ tính đến đâu rồi.
- ờ... hãy biết thế. Hắn vội lảng chuyện. Chặp rồi công xá thế nào?
- ờ! Hãy là thế nào? – Lão Đổng oang oang
- Cả họ cả làng tin tưởng lời thề của ông trẻ. Đến đứa trẻ con cũng mong lời thề thành việc thật. Trẻ và đẹp ông trẻ ạ. Cho cả ba họ nhà nó biết thế nào là đàn ông họ Tống ta.
- Này! Chính người trong họ nói ra. Không được y lời thì từ nay giỗ tổ ông trẻ ngồi mâm dưới chia xôi với lũ trẻ.
- Đúng thế – Lão Đổng khẳng định.

Đường về mưa đổ. Hắn băng mưa mà đi. Con đường có sụt ngay dưới bàn chân hắn cũng không lo bằng những lời lão Đổng vừa nói cuộc ly hôn là cái tiếng để đời. Hắn âm thầm dựng lên quyết tâm sắt đá và kỳ cục. Phải lấy bằng được vợ trẻ và đẹp. Trẻ và đẹp sẽ được chọc sáng ra con mắt những kẻ khiến hắn mang tiếng bị vợ bỏ. Trẻ, đẹp và nết na sẽ giúp hắn lấy lại phong độ trai làng đàng hoàng như tất thảy những tay thợ cày đích thực luôn luôn và bao giờ cũng rất đàng hoàng trước bàn dân thiên hạ. Quyết tâm kín đáo ấy ngay đến mẹ cũng chưa biết. Thế mà chỉ tích tắc dại dột hắn đã để điều ấy vuột ra thành lời thề trong cuộc rượu. Họa có kẻ vô sỉ, mất trí mới không lo. Hắn là tay thợ cày sống đời ở kiếp với những người thợ cấy, thợ cày tin lời thề nguyện, trọng chữ tín đến độ cực đoan. Gì thì gì, đã hứa là phải làm, phải y lời.

Sáng hôm sau hắn  nằm bệt, bỏ bữa, báo nghỉ ốm. Quật gã trai điền không phải cơn đau đầu gai sốt do dầm mưa trên đường về. Suốt đêm những ý nghĩ thấm nước mưa tái hiện rõ ràng hơn, chì chiết hơn. Hắn biết mình rơi vào cái thế tự trói trên lưng hổ. Người trong xưởng đến hỏi thăm. Sim, cô gái trẻ nhất cùng nhóm thợ thời vụ đến sau cùng. Vì cô còn ra phố mua phở.
- Phở nóng có thêm hành nhúng. Anh ăn ngay cho nóng, mồ hôi toát ra là khỏi ngay thôi.
- Anh vẫn... no mà. Hắn ấp úng
- Anh phải ăn.  Nào ... hai... ba.

Có gì thật lạ trong lời cô gái. Như lời cô bạn thân thích đùa. Như lời đứa em gái hay làm nũng bằng trò bắt bí anh trai.

Ông chủ đi họp đồng ngũ tối muộn mới về. Hay tin hắn  ốm ông xuống ngay khu nhà tập thể. Là cháu nội vị lương y nổi tiếng ông cũng giỏi chẩn bệnh bốc thuốc. Ông cầm mạch cho hắn. Tích tắc băn khoăn ông gõ mỏm tay cụt vào trán “bệnh nhân”, nói nhỏ.
- Mạch, nhiệt, thần, sắc vô can. Mày mới trúng bệnh “lờ – o – lo”. Đầu đuôi làm sao nói tao nghe.
Hắn đành thú thật.
Ông chủ cười, đưa cánh tay cụt chùi nước mắt.
- Đời lính cho ta đi – nghe – thấy nhiều. Nhưng chưa từng nghe chuyện nào bi hài như chuyện vợ đẹp của mày. Cũng chưa thấy làng nào như làng này. Thật hay mà cũng dở ẹc. Bây giờ mày tính sao?
Hắn cúi đầu cay đắng thừa nhận thất tín lời thề.
- áp mùa  cháu về chịu cho làng báng bổ.
Vừa lúc Sim xuất hiện, hai tay bưng tô cháo hành hoa, tía tô. Nhận ra người thứ hai là ông chủ, cô vợi hẳn nỗi lo.
- Chú ép anh Dự ăn giúp cháu với. Từ tối hôm qua đến giờ mới vài thìa phở. Người đâu mà...
Sim đứng một lúc rồi xách phích đi lấy nước sôi. Ông chủ nhìn theo cô gái, bước lại vỗ vai hắn.
- Để mày mang tiếng thất tín tao cũng rất buồn. Chớ quá lo nghĩ mà ốm thật ra đấy thì khổ cả mẹ ở nhà. Rồi tính, nghe chưa.

Hôm sau, trước giờ làm việc ông xuống gặp Sim. Cô đang chuẩn bị đi làm.
- Quê cháu vừa qua đợt lũ lớn. Chú cho cháu về quê thăm nhà năm ngày. Nhân thể giúp cô chú một việc. Được không?
- Việc gì ạ?
- Cậu Dự đang ốm cũng muốn về qua nhà. Để cậu ấy đi một mình cô chú không yên tâm. Hai cháu tuy khác tỉnh nhưng chỉ cách dòng sông cùng tuyến đường về. Cháu “áp tải” nó về tận nhà, được chứ?
Sim đỏ mặt, lí nhí:
- Được ạ.

Ông sang dãy nhà nam giới. Hắn đang thay quần áo đi làm. Ông gạt đi, dứt khoát:
- Không được trái lệnh tao. Sim là cô gái nết na,  xinh đẹp. Không phải phố nào làng nào cũng có cô gái như thế! Còn vì sao hả! Nhờ ánh mắt của nó và điệu bộ của mày lúc mời – nhận tô cháo mà tao nghĩ ra chuyến về cùng đường. Tao mừng quá, suốt đêm nhìn đồng hồ mong trời chóng sáng. Còn nên cơm cháo gì không là ở mày. Đi đi, chàng trai họ Tống – Ông ẩy vai hắn, cười rạng rỡ.

Trên xe, hắn đang “ốm” nên ít chuyện với cô bạn. Thực ra tâm trí hắn chỉ quẩn quanh  Sim. Cô vào làm thợ thời vụ sau hắn ba ngày. Cả nhóm ái ngại cho cô gái dáng vẻ tiểu thư. Người thế liệu có chịu nổi ba ca. Vậy mà, chỉ ca trước ca sau cô đã khiến cả nhóm thán phục. Cô vác đất vào chuyền không thua  kém ai. Xa quê, thợ thuyền coi nhau như người làng. Bạn thợ ghép đôi hắn với Sim và coi đó là việc đương nhiên sớm  muộn sẽ thành. Sim đỏ mặt cười. Hắn thì cúi gằm hoặc lỉnh đi chỗ khác. Hắn biết mình không xứng với Sim. Cô hiền thục và đoan trang nhường kia.

Qua cầu, hắn đưa cô gái rẽ lối bờ đê phía hạ lưu. Lối này về làng, một quãng nữa đến đoạn đường trục đồng hơn hai cây số sau mưa lầy lội. Biết thế, nhưng trên xe hắn đã chọn lối này. Hắn chưa hết ngạc nhiên với cách sắp đặt của ông chủ. Hắn chưa biết nói thế nào với Sim. Cô sẽ phản ứng thế nào.

Qua quãng đê lượn hình yên ngựa xanh um bờ tre chắn sóng là nhìn thấy vòm đỉnh cây gạo ngã ba làng. Hắn dừng lại chỉ tay về phía cây gạo.
- Làng anh kia. Xế dưới cây gạo một quãng, chỗ ngọn cau kia là nhà anh. Anh mời em ở lại chơi ba, bốn ngày. Được không?
Cô gái nhìn về phía hàng cau:
- Em đưa anh về nhà rồi về quê cho bố mẹ khỏi mong. Khỏe lên, anh sang nhà em nha. Làng anh sang làng em chỉ vài ba giờ xe đạp. Xe máy còn nhanh hơn.
- Rồi anh sang. Bây giờ anh có việc nhờ em đây.
- Việc gì anh?

Hắn cố hết sức bình tĩnh, người không run nhưng giọng nói khác đi.
- Anh trót phát một lời thề. Vì thế anh xin em ở chơi vài ba ngày. Em giả vờ làm... sắp cưới của anh.
- Không... Không... Sim thét lên, giật lùi dựa bờ tre thủ thế – Anh là... đồ...
Hắn vội vàng:
- Anh van em. Chỉ hai ngày thôi. Anh không đáng để em giả vờ vài ngày sao?
- Không. Anh về đi. Cho tôi còn về.

Chiếc ba lô tuột khỏi tay hắn sục xuống bờ đê. Sim đi mấy bước rồi quay lại.  Lần đầu tiên cô nhìn thấy người con trai ngồi với nỗi thất vọng bẽ bàng. Hắn đang gồng mình lên kìm giữ nước mắt, nhưng không giấu được đôi mắt đỏ hoe. Sim không sao cất bước nổi. Níu bước chân cô là những ngày đã qua. Đất cát nhọc nhằn mà trong lành. Bạn thợ nhem nhuốc mà vui nhộn, ấm áp – Cô quay lại với hắn, chưa nguôi dỗi dằn.
- Làm sao mà anh phải thề thốt.

Hắn thú thật từ cái đêm có cảnh “vơ-nhét” cho đến buổi sáng với ông chủ. Giây lát hắn thấy có đủ can đảm để chịu đựng mọi sự chê bai trách cứ. Hắn xách ba lô đứng lên.
- Anh xin lỗi em. Giờ anh đưa em ra bắt xe ôm về quê. Anh đón xe ngược lên chỗ làm.
Từ nãy Sim chăm chú nhìn dòng sông chiều nước lên. Bên kia sông là làng cô.
- Làng em kia anh. Giá có bến đò ngang thì không phải đi vòng.
Hắn im lặng xốc ba lô, rảo bước. Sim níu tay hắn, con mắt liếc nhanh.
- Em phải làm tròn việc ông chủ giao phó. Về nhà cho mẹ khỏi mong. Đi thôi. Ngố ạ.

Lệ quê, ai đi xa về gần bà con đến chúc mừng thăm hỏi. Một bà cầm bàn tay Sim hỏi năm sinh tháng đẻ. Bà bấm đốt ngón tay gọi hắn lại.
- Hai đứa mày tuổi “can hợp chi thuận”. Cả nghìn đôi may ra mới có một cặp nhiều lẽ vô tình mà thuận hợp đến vậy. Đúng là ông giời sinh ra hai đứa chúng mày là để một mai nên vợ nên chồng. Cưới ngay đi, “mắn” ra thì bằng giờ sang năm bà có cháu bế ẵm.
Sim đỏ bừng mặt, đôi mắt long lanh. Hắn không dám đón nhận ánh mắt của cô. Chưa bao giờ hắn thấy trống ngực mình đập lạ lùng đến thế!
Sáng mai thức dậy hắn thấy Sim đang cho lợn ăn. Cô vẫy hắn ra:
- Chuồng phân đầy quá rồi. ở quê em thế này là phải chuyển ra đồng ủ vôi.
- Bên anh cũng thế. Nhưng để hôm khác. Hôm nay anh đưa em đi chào xóm láng.
- Để hôm khác chào. Hôm nay anh với em chuyển phân ra đồng.

Ngày thứ hai. Mẹ đi chợ sớm. Hắn nói với Sim:
- Cả làng ai cũng khen em, tin anh đã có em. Sáng nay anh đưa em đi loanh quanh. Vì còn vài kẻ nghi ngờ. Chiều anh mượn xe máy đưa em về.
Sim kéo hắn ra vườn, chỉ luống cà tím:
- Cà tàn lứa rồi, lát nữa em hái vét. Rồi nhổ bỏ, cuốc, lên luống. Em dặn mẹ mua giống cải sen rồi.
Buổi chiều trồng cải xong, hắn nói với Sim:
- Mai em về phải viết thư sang ngay cho anh.
- Sao phải thư sang?
- Em chỉ là vợ giả thôi. Cho nên anh cần phải có cái thư nội dung thế này: Thứ nhất em chê  làng anh nghèo, khó làm ăn, lắm tiêu cực. Làng truyền thống cách mạng, làng văn hóa gì mà ma ăn ba bữa, cưới ăn ba ngày... Rồi em đòi anh bỏ đây sang đấy! Em nhớ khoe bố đã xây nhà thị tứ, có công việc cho chồng, cửa hàng cho vợ...
- Rồi sao nữa? – Sim hồi hộp.
- Rồi anh sẽ tuyên bố bỏ vợ sắp cưới. Vì sao hả? Anh sẽ đưa lá thư của em ra.

Các vị đọc đi. Mới sắp cưới mà cô ta đã nói xấu quê chồng chưa cưới, chê bai mặn nhạt đủ điều. Người như thế không sớm bỏ thì cưới làm gì. Thà tôi không có vợ còn hơn phải làm chồng con người như thế. Thế là anh giũ sạch được  cái tiếng bị vợ  bỏ, được tiếng yêu quê hương, thương mẹ, không tham người đẹp.
Sim cười tươi rói, ấn cái xô vào tay hắn:
- Đi múc nước tưới rau. Rồi muốn thư mấy trăm trang cũng có.
Buổi tối hắn đi chơi khuya mới về. Mẹ và cô gái ngồi trên hiên đợi cửa. Hắn rón ngồi bên cạnh mẹ.
- Mẹ ạ. Con giúp chú Từ ken đăng nên về muộn.
- Mẹ không trách con về muộn. Sao con dám... Mẹ tắt lịm giữa lời, kéo vạt áo lau nước mắt.
Hắn hiểu mẹ đã biết mọi chuyện. Hắn vô cùng bối rối phải một lúc trấn tĩnh mới dám cất lời.
- Đã bảo để anh lựa lúc thú tội với mẹ. Sao em lại.
- Nhưng em thương mẹ. Em yêu anh. Sim vội úp mặt lên bờ vai mẹ.

Chuyện đến tai cụ trưởng họ. Cụ bực lắm. Đã ngoài bát thập cụ mới biết đời có mỗi chuyện “Vợ Nhặt”. Một đêm chiến khu tiểu đội trưởng đốt đuốc đọc truyện cho anh em nghe. Cái nhà ông Kim Lân thật tài. Câu chuyện thật lạ. Cười đấy mà khóc đấy. Nhưng đấy là chuyện trên giấy. Đằng này giả vợ sắp cưới mà hóa chuyện thật. Vợ giả là việc tày đình. Dòng họ này, làng Quảng này mấy trăm năm chưa kẻ nào to gan dựng lên cái chuyện như thế. Làng đang ồn lên kia. Rồi huyện, tỉnh, thập phương tứ xứ sẽ lấy làm chuyện kháo ròng.

Cụ cho gọi hai đứa đến.
Hắn thú thật.
Cô gái nói thật.
Tuổi tác và sự từng trải giúp cụ nhận chân tướng con người qua lời ăn tiếng nói. Lòng thanh thản cụ mở tráp lấy ra cuốn sách bìa dầy. Cụ mở sách, đôi mắt già nua sáng lên:
- Tháng sau, mùng chín là ngày hoàng đạo thuận cho việc hôn nhân. Các cháu có thời gian nghĩ cho thật chín. Đây sang đấy bất quá vài giờ xe đạp. Các cháu đừng lo. Họ ta bây giờ nhiều xe máy nhất làng.

*   *
*

Thưa các bạn! Câu chuyện trên là hoàn toàn có thật. Dự là bạn thân của tôi. Theo đằng họ ngoại vợ tôi phải gọi Dự bằng ông. Đúng ba hôm trước khi tôi đánh liều viết câu chuyện này, vợ tôi trực trạm xá về, líu lo từ đầu ngõ: “Anh ơi. Em vừa đỡ cho bà trẻ. Con trai nhé. Chú đẹp lắm. Chú bú chùn chụt nha...” Tôi mừng còn hơn vợ. Từ nay thằng Tít lên ba của vợ chồng tôi có người ông trẻ vừa oa... oa chào đời. Làng là thế bạn ạ.

Trần Văn Thước

(Vũ Lăng - Tiền Hải)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày