Thứ 3, 02/07/2024, 22:13[GMT+7]

Cha và con

Thứ 5, 29/11/2012 | 08:01:53
718 lượt xem

Ảnh minh họa

Đã mấy ngày nay ông Hạ đứng ngồi không yên. Ông ra ao rồi lại vào bếp, định bụng hai cha con làm mấy việc, sửa lại cái chái chuồng lợn, xây bao tường hoa, xong đổ thêm ít chạt ở ngõ để mùa mưa đi cho đỡ lầy lội. Làm được tất cả việc đó coi như thành tích của cha con báo cáo gia tiên trước lúc đưa con nhập trường Đại học. Nhưng vài hôm nay thì ông thực sự lo lắng bởi ông luôn nghĩ đến cái chết của thằng Sơn con nhà Điệm, chỉ cách nhà ông có mấy bước. Đẹp trai, khỏe mạnh, thông minh với cả một tương lai đẹp đang chờ ở phía trước, vậy mà chỉ trong vài tháng anh chết, em chết vì nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS. Đó! Cái gương tầy liếp vậy mà thằng con ông cứ thản nhiên như không, trong khi ông chỉ có mình nó.

Sau hôm đi thi về nó như người đãng trí, bất cần. Đi sớm, về tối thất thường lại còn có cả mùi rượu bia nữa. Ông hỏi thì nó ậm ừ, nó bảo thích về nhà khi xóm làng đã chìm trong giấc ngủ say. Nếu nó ở nhà thì chỉ đóng cửa chặt, hình như nó không muốn gặp mặt ai, tránh những câu đối chất. Với ông thì ông hiểu rất rõ, một con người có làm nên sự nghiệp được hay không thì phải học hỏi, tự rèn giũa chính bản thân mình. Con người cũng giống như viên ngọc quý, biết mài thì sáng. Thằng Hồng con ông từ nhỏ xóm láng chưa ai bảo nó là đứa con hư. Song ở cái thời buổi này chỉ một phút buông lơi là bọn xấu lợi dụng, chúng lừa vào cạm bẫy nghiện ngập thì hết đời.

Ông Hạ đứng lặng trước bàn thờ vợ, nén nhang đã cháy gần hết… Ông nghĩ mông lung lắm nhưng rồi ông cũng thốt lên với bà: Tôi quyết định rồi, dứt khoát thằng Hồng phải nhập ngũ đợt này, tôi biết làm như vậy là trái với  lời trăng trối của bà, xong cần phải như thế.

Sáu, bảy tháng trôi đi thằng Hồng bặt không có cánh thư nào về cho ông, chỉ độc một lần nó điện thoại nhờ bên hàng xóm báo tin vẫn khỏe và đang trong đợt dã ngoại, tuyệt đối không xin xỏ tiền nong. Hôm thằng Bảo cùng đợt nhập ngũ về có ghé qua nhà cho ông biết, thằng Hồng bị đưa ra kiểm điểm trước Tiểu đội về thực hiện tác phong điều lệnh nên không được bình xét tiên tiến. Nghe thằng Bảo nói vậy,  ông tự trách mình sao trước lúc lên đường không tập dượt cho nó mấy đường “cơ bản” như lúc lên giường đi ngủ đôi giày phải để đúng vị trí, có còi báo động bật dậy là chân đã chạm giày hay gấp chăn màn cứ phải là vuông bánh chưng, chăn màn của người này thẳng với người kia như hàng chỉ đặt. Kỷ luật quân đội là kỷ luật sắt mà lại, chính vì vậy đã giúp con người trưởng thành, sống nền nếp. Được tin thằng Bảo cho hay, gần hai tuần sau, nhân thể bới sào khoai đồng nội, khoai bí ngọt, lòng đỏ, ông bỏ vào bao có lẽ tới nửa tạ vác lên đơn vị thăm nó để tận mục sở thị xem sao. Đến cổng đơn vị thấy ông đồ đạc lủng củng chú bảo vệ hỏi: Bác có gì bán đấy?
- Không! Tôi là bố thằng Hồng, đến thăm nó!

Hai ngày sống nơi tập thể đơn vị thằng Hồng làm cho ông nhớ đến nhiều điều ở cái thời trai trẻ của mình, cũng là đời binh nghiệp… Khi đất nước có chiến tranh, làm trai phải xông pha nơi mũi tên, hòn đạn để bảo vệ cuộc sống, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng ấy ông đã chia tay người vợ trẻ vừa mới cưới chưa được nửa tháng trời. Mười  năm  ở chiến trường, bốn lần bị thương, cái sống và cái chết cách nhau gang tấc và còn cả cái đói, cái khát diễn ra hàng ngày. Người chiến sĩ phải nằm gai nếm mật nơi rừng rú. Vất vả gian nan vậy mà cứ vô tư chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện vun vén chút ít lợi riêng cho mình và cũng không nghĩ còn sống trở về nhìn thấy quê hương. Vậy mà hôm nay ông vẫn còn đây, lại đang đứng ở khu nhà cao tầng, nơi có thằng con đi theo con đường mà ông đã chọn… Đời lính thời nay ăn ở thật tươm tất. Điện nước sinh hoạt tiện lợi, có vô tuyến, có phòng rèn luyện thể thao, học hành được tiếp xúc với nền khoa học tân tiến. Vấn đề còn lại đòi hỏi con người có chịu học hỏi tu luyện hay không mà thôi.

Ông ra thăm con đợt này, cốt xem từ ngày nó rời nơi chôn rau cắt rốn để bước vào một cuộc sống mới có sự rèn giũa, luyện tập mà không nên người thì ông sẽ có cách… Nhưng được người phụ trách đơn vị cho biết, chiến sĩ Hồng không sai phạm khuyết điểm gì lớn, song còn làm nhiều việc riêng chưa hòa nhập với anh em trong đơn vị. Nghe đồng chí chỉ huy nói vậy, ông suy nghĩ hay nó lén lút làm việc “xấu” dứt khoát phải tìm ra nguyên nhân.

Đêm ấy, thằng Hồng được phép ngủ chung với ông trên phòng khách. Ông gối đầu tay cho nó, tỉ tê kể chuyện xưa bộ đội ta ở chiến trường gian khó như thế nào và cần phải xác định tư tưởng của người thanh niên trong thời đại mới, phải phấn đấu ra sao để trở thành người chiến sĩ giỏi. Thằng Hồng nghe ông nói không cãi câu nào, mãi sau mới “chốt” một câu: “Bố yên trí”. Ừ cứ yên trí, yên trí như cái ngày mày đi thi Đại học ấy. Cả làng đều bảo thằng Hồng con ông Hạ thi không đỗ thì ai đỗ. Vậy mà về đợi mãi không một tờ giấy gọi nhập học. Bực mình ông cho nó nghe một thôi lý luận, nó chẳng nói, chẳng rằng ông quay sang đã nghe tiếng thở đều đều… Cha nó! Thì ra từ nãy giờ mình toàn ru nó ngủ…

Ông Hạ xa nhà mấy ngày nay, cái bếp đã có màu mốc trắng. Ông ngồi thừ ở đầu hè. Văng vẳng nghĩ lại: Nam giới không thay thế người phụ nữ được đâu! Ông phải lấy “vợ”. Đó là những lời khuyên cách đây hơn hai chục năm, là cái  ngày mẹ thằng Hồng mới mất! Ông một mực ở vậy nuôi con. Nhiều người xót xa, thương ông nhưng họ chẳng biết làm gì ngoài những việc có thể làm  được là động viên khi ông khó khăn hay lúc trái gió trở trời. Gà trống nuôi con vất vả lâu ngày rồi cũng thành quen, nhưng có lúc ông thấy mình cô đơn, trống trải như chẳng có gì bù đắp nổi, nhất là từ khi thằng Hồng đi nhập ngũ. Hơn nữa tuổi tác mỗi ngày một cao, các vết thương lại tái đau, dày vò ông suốt đêm không chợp mắt. Người ông giống như một cỗ máy cũ, rệu rạo hết rồi. Nhưng chẳng còn con đường nào khác là phải “cố gắng”, luôn luôn cố gắng. Cố gắng đến bao giờ tắt thở thì thôi. Vợ ông bỏ ông mà đi trong đó có lỗi tại ông.

Sau khi thoát chết trận trải thảm bom xuống điểm chốt, trung đội chỉ còn lại ba người. Hai ngày mất liên lạc. Địch đánh từng đợt liên tiếp, chúng cắt đường chi viện. Hai bên giành giật từng tấc đất. Cái đói, cái khát, cái nắng chói chang như đổ lửa cứ vây quanh và hành hạ ba anh em. Bẵng đi chừng nửa tiếng đồng hồ trận địa im tiếng súng, tưởng bọn địch không thể thi gan đã rút lui. Bỗng một chiếc máy bay rè rè đằng sau đuôi thải ra những mảng màu trắng đục bay khắp không trung rồi rơi xuống phủ khắp quả đồi. Một lúc sau thì cả ba ngất lịm… Khi tỉnh dậy đã thấy mình nằm ở trạm quân y… Rồi được ra quân về sống với  vợ con tưởng chẳng còn chuyện gì ngoài chuyện êm ấm hạnh phúc bên gia đình, vậy mà khi bà ấy sinh thêm đứa thứ hai chỉ là một cục thịt tròn vo không đầu, không chân, rồi đến đứa thứ tư cũng đều bị dị dạng như vậy. Bà ấy nghĩ ngợi sợ hãi quá thành điên dại mà lâm bệnh trọng. Bây giờ gần ở cái tuổi lục thập có đi bước nữa thì chỉ làm khổ người phụ nữ. Người ta lấy mình mong có đứa con nâng đỡ tuổi già mà cũng là cái lãi của đời làm vợ. Bây giờ mình là người “dị tật”, chiến tranh như thế sao không buồn được? Lấy nhau không sinh con đẻ cái, họ chỉ chăm lo cho mình, mình thì yếu đau luôn… chẳng hóa ra họ như “ô sin” ư? Ông Hạ đang suy tư thì nghe ngoài ngõ có tiếng nói râm ran. Khách đã vào đến sân…

“Ông Hạ có nhà không đấy?” Ông vội bước ra đã thấy ông Bảng, ông Hòe, ông Kha nét mặt rạng rỡ tay cầm tờ báo Quân đội nhân dân. “Mời các ông vào nhà xơi nước!” Ông Kha cười vui vẻ. “Ông xem đi, phải khao chầu gì đi chứ?” Ông Kha Hội trưởng trải tờ báo ra bàn. “Ông nhìn xem có phải thằng Hồng nhà mình không đây?” Ông Hạ lập cập đi tìm mục kỉnh. Đúng rồi! Thằng Hồng không sai, có ảnh của nó lại còn cả một bài dài… “Đồng chí Đỗ Quang Hồng đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật lò hơi, bảo quản khí tài làm lợi cho đơn vị hai trăm triệu đồng”… Ông Hạ ngồi thần ra. “Thôi đúng rồi, thảo nào lần trước ra thăm nó tôi nghi nó nghiện ngập lén lút hút hít, khi nó đi kiểm tra khí tài tôi khám ba lô của nó chẳng tìm thấy thuốc phiện chỉ thấy mấy quyển sách hóa nào là nâng cao, nào là hóa trị. Tôi đọc chẳng hiểu gì. Nhưng  bây giờ thì tôi yên tâm”. Ông Hạ với chai rượu cẩm ở trên bàn thờ rót ra bốn chén. Nào! Chúc cho đại gia đình lính ta khỏe!

Chiều hôm ấy trên bàn thờ mẹ thằng Hồng có nải chuối ngự thơm ngát và còn thấy tờ báo Quân đội nhân dân có bài viết về thằng Hồng để trên một chiếc khay ngay ngắn. Ông nghĩ ngợi nhiều lắm. Nghĩ đời mình rồi nghĩ đến đời thằng Hồng, bỗng dưng ông so sánh, so sánh tất cả và nếu đem cân đo đong đếm thì đời chúng nó bây giờ hơn hẳn, sướng thật. Rét nằm giường đệm, tắm nước nóng, mặc đẹp, ăn thì đã tiến tới ăn thế nào cho ngon, có chất để bảo đảm sức khỏe, có phụ cấp ổn định, ốm đau có bệnh viện đủ phương tiện điều trị cho những ca phức tạp. Nếu được ước ông chẳng ước có lắm bạc nhiều tiền chỉ ước sao trẻ lại ba mươi tuổi để nhìn thấy những thành quả mà lớp người như thằng Hồng nhà ông đang từng ngày, từng giờ góp phần xây dựng cho quê hương đất nước. Ông đang triền miên suy tư thì cháu Hà gọi với sang: “Ông Hạ ơi sang nghe điện thoại”. Ông lập cập chạy sang cầm ống nghe, tiếng thằng Hồng rất rõ, giọng của nó vui lắm: “Bố thấy anh Hằng người đơn vị về thăm nhà mình chưa? Anh ấy về thẩm tra, xác minh lý lịch để đơn vị xét kết nạp con vào Đảng đợt sắp tới đấy bố ạ!”

Ông Hạ buông ống nghe. Ông không  tin ở tai mình, ông đứng lặng đi… Không biết ông có khóc không mà nước mắt cứ trào ra…

Truyện ngắn: Thu Thời

(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày