Miền quê yêu dấu
Sắp bước chân qua cửa buồng, Ðiền chợt sững lại, ngơ ngác. Phải một lúc trấn tĩnh, Ðiền mới nhận ra bước chân bị cản bởi tiếng vọng trong tâm tưởng: “Chú Kha là ai... nhỉ?”. Ðấy là lời của vợ Ðiền.
Buồi chiều đi làm về, Ðiền rẽ vào chỗ làm thêm của vợ. Phòng khám phụ khoa vắng vẻ. Quy và người đồng nghiệp đang đọc báo. Có người thứ ba, nhưng là chỗ thân tình nên Ðiền không giấu việc nhà. Mẹ nhắn ngày hai chín sang cát cho chú Kha, là việc trọng, lệ quê vợ chồng thu xếp về. Cô bạn đồng nghiệp vốn mau miệng nhanh nhảu: “Nhà quê hay thật. Ðộng cả việc là nhắn là mời. Cứ như thể người thành phố không về thì việc bé tẹo cũng không thành”. Quy buông ngay tờ báo, với lấy cuốn sổ lật trang: “Ngày kia em trực. Ngày mai có hẹn với mấy ca, toàn lũ con nhà không cho qua được”. Quy gấp sổ cầm lên tờ báo, bâng quơ: “Chú Kha là ai... Mà sao em không biết nhỉ?”. Làm như không nghe thấy, Ðiền gắng cho thong thả bước chân ra cửa.
Chợt vọng ra tiếng gối lật, tiếng thở dài. Hai thứ âm thanh ấy đồng nghĩa với lời nhắc giục. Từ mùa hè năm ngoái sau chuyến du lịch cùng cơ quan về Quy bỗng sinh thói quen lạ lùng! Ðêm trước ngày Ðiền đi đâu đó dù chỉ vài ba ngày Quy cũng đòi đi ngủ sớm, làm như vợ chồng sắp phải xa rất lâu. Mà công việc của Ðiền thường phải đi cơ sở, có tháng tới vài ba lần. Ngày qua.. tháng qua... Ðiền chưa lần ra căn nguyên nhưng vẫn bị cuốn theo thói quen của vợ. Lúc này lên giường liệu có cơ hội để trả lời câu hỏi ban chiều? Liệu Quy có cần nghe, có lắng nghe? Ngày mai Ðiền phải dậy sớm cho kịp chuyến xe liên tỉnh xuất bến lúc 4 giờ. Bến xe cách nhà hai cây số Ðiền đã bảo vợ, anh đi bộ quen rồi.
Ðã mười một giờ đêm. Cầm chắc giấc ngủ không thể đến được Ðiền ra đứng với ô cửa sổ. Mãi mãi Ðiền biết ơn người hàng xóm khi cải tạo ngôi nhà đã nhã ý xế mái hắt sang trái một chút. Từ ngày ấy, những đêm trăng sáng đứng bên cửa sổ này nhìn rõ bờ đê sông Lăng như vô cùng những khối hộp màu xanh xếp dãy. Bốn mùa từ hạ chí xuân mở cửa ra là ngôi nhà của vợ chồng Ðiền no thẫm gió từ sông bãi. Mở hết tầm cánh cửa dõi nhìn một lúc Ðiền mới sực nhớ đang là đêm cuối tháng, có căng mắt ra cũng không nhìn thấy bờ đê. Từ quãng đê nhìn thấy hơn một trăm cây số xuôi về là làng Quảng quê Ðiền. Chú Kha đang ở cách bờ đê 1 quãng đạc.
- “Chú Kha là ai nhỉ?”... Ðiền chợt nhớ đến ánh mắt cô bạn của vợ. Quy chưa dứt câu hỏi cô bạn đã rất nhanh ánh mắt vào Ðiền. “Tại sao vợ không biết đến người thân của chồng. Là tại sao??”
Chú Kha là thợ cày kiêm nghề cất vó rong. Thời hợp tác công điểm chú là tổ trưởng tổ làm đất, lãnh đạo hai mươi ba tay thợ cày và mười tám con trâu bò. Là một điển hình nông nghiệp lớn xã hội chủ nghĩa, năm nào làng Quảng cũng tổ chức hội thi cày. Chú Kha bảy lần đoạt giải, nổi danh thợ cày cự phách nhất vùng cửa sông Lăng. Ðến thời chia ruộng, bán tháo tài sản tập thể, chú Kha dốc vốn liếng đấu được con trâu đực già. Cánh thợ cày ỷ eo: “Lão Kha đại hâm. Trong tay quản ngần ấy “quân” mà chịu mua con trâu già nõ đít. Ngữ ấy đi không vững nói gì cày bừa”. Chú Kha cười khà khà: “Có già mới có trẻ. Phải thế mới phải lẽ thuận tình”.
Về tay chú Kha mấy tháng chăm bẵm con trâu già trẻ lại lông mượt, da bóng, mông nẩy, sườn nây... Cánh thợ cày lác mắt, xuýt xoa: “Lão Kha thánh thật. Vào vụ anh già này ngang vai với đực rựa đủ răng”. Cho đến một hôm. Tinh mơ chú Kha dong trâu ra bãi sông Lăng cho con trâu no bụng cỏ. Tắm, kỳ cọ cho một hồi, chú dong con trâu đến lò mổ. Tiền bán trâu già chú mua con nghé đến tuổi vực vai, dàn cày bừa gỗ táu. Còn dư chú làm bữa liên hoan “lên đời trâu cỏ”. Làng ven sông luôn canh lúa màu gối vụ. Với tay nghề cự phách, chú và “đầu cơ nghiệp” làm không hết việc.
Những năm tám mươi thế kỷ trước đội quân cất vó rong của làng Quảng đông tới vài trung đội. Người hành nghề vó rong thường đi lúc tinh mơ. Tạnh ráo cũng như mưa gió, một mình lầm lũi hạ vó xuống, gồng mình cất vó lên đi mấy bước lại hạ, lại gồng. Mỗi buổi đi nghề lần bờ lội đạc tính ra là cả quãng đường mấy chục cây số. “Tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông”. Ðó là quy luật đúc kết từ kinh nghiệm sông nước. Chú Kha là người duy nhất đốt cháy quy luật nghề nghiệp. Buổi tối, cơm nước xong nếu không có việc gì là chú đi ngủ.
Mười một giờ đêm chú dậy pha ấm chè đặc, bắn mấy “bi” thuốc lào rồi “hành quân”. Thường là khi bạn nghề xuống mẻ vó đầu tiên thì chú gồng mẻ cuối cùng. Sáng mai cá tôm việc thím chợ gần chợ xa. Chú tắm rửa, ăn củ khoai, lưng cơm nghỉ ngơi chốc lát rồi lại bắt tay vào việc nọ việc kia. Trai làng “tiếu lâm” chú: “Tỷ như chú đừng bị thím chê, tủi thân nửa đêm vác vó ra đi thì chú trọn danh ba - cờ (cày – cất vó – cặp vợ). Chú Kha còn tiếu lâm hơn: “Các trai thật trẻ người non óc. Giờ ấy tôm cá đang say đắm tình tang. Loài gì đang tình tang cũng dễ tóm. Chú mày cặp thím đã rồi mới ra đi cho đồng bãi tiếp sức để ngày mai tiếp tục các – cờ. Chú mày vẫn sáng choang danh hiệu “tam cờ”.
Nhưng trước khi là thợ cày, cất vó lừng danh chú Kha là một người lính. Chuyện chú Kha tòng quân là cả một niềm tự hào. Ðến tuổi mười sáu chú Kha cao lêu đêu, gầy nhẵng cò hương. Trình độ văn hóa của chú dừng ở lớp bốn. Chú gầy như thế, học đến thế là vì từ tuổi lên mười đã theo công điểm hợp tác, gồng gánh đủ việc đỡ cảnh nhà khó. Năm ấy, trong xóm có anh bộ đội ghé qua nhà trước khi đi chiến trường. Chú Kha đứng từ chặp tối đón lối anh bộ đội sang nhà người yêu. “Cho em hỏi bộ đội được ăn no, đủ quần áo chứ ạ”. Anh bộ đội xoa đầu đứa em, cố kìm nước mắt, nói thật vui: “Bộ đội là được ưu tiên nhất, ăn no nhất, mặc ấm nhất, bách chiến bách thắng”. Cuối tháng có đợt tuyển quân chú Kha viết liền ba lá đơn tình nguyện. Ông chủ tịch huơ tập đơn cười vang: “Mày thật xứng danh công dân xã quyết thắng. Tao nhận tất”. Hôm đi khám sức khỏe, đến phòng kết luận ông bác sĩ vỗ vai chú Kha: “Ưu tiên thằng cháu hạng ngoại hạng. Cứ yên tâm về tắm sông chạy diều. Khi nào có quyết định thành lập sư đoàn nhí tao sẽ cho thằng cháu đứng đầu bảng”...
Ðến ngày phát lệnh nhập ngũ có một người cao chạy xa bay. Chú Kha được vinh dự thế thân. Lễ giao quân tổ chức vào buổi sáng dưới gốc đa cổ thụ đầu làng. Cái tên Ðoàn Anh Kha xướng lên lần thứ ba vẫn chưa thấy người. Ông chủ tịch nhao lại tốp nữ dân quân: “Thằng ngựa non đá toi danh hiệu xã điển hình. Ði sục gô cổ nó vào lò thúc mầm”. Mấy cô rục rịch bước thì chú Kha ào đến, chú vò đầu gãi tai: “Lũ trẻ cứ bắt trèo lên cây xoan đặt tổ đón lứa sáo hè”...
Sau tháng tư năm 75, bộ đội chiến thắng về làng trên ba lô người nào cũng lỉnh kỉnh khung xe đạp, búp bê, rổ rá nhựa. Chú Kha chỉ phất phơ mũ tai bèo, ba lô cóc lép. Bọn trẻ trong làng quây chú, căn vặn: “Chú bộ đội nào về cũng bao nhiêu quà chiến thắng. Chú bị thua hay sao mà ba lô rỗng tuếch”. Chú Kha hô bọn trẻ xếp hàng, rồi chú lập nghiêm kiểu nhà binh: “Báo cáo các thằng cháu. Thằng chú đây không thèm thua mà đại thắng kép. Ngày nhập ngũ tao cao một mét bảy ba nặng ba mươi sáu ký. Bây giờ tạo nặng bốn ba ký, cao một mét bảy bảy. Chú mày vừa đánh giặc vừa lớn. Như thế là tao vừa thắng giặc vừa thắng chính tao. Rõ là đại thắng kép chưa!”. Lũ trẻ đồng thanh: “Rõ ạ!”. Rồi chú vo tròn mũ tai bèo đi vài thế võ: “Ðây là nửa bài võ một đòn ngất chín tiếng rưỡi. Bài võ này cực kỳ bí truyền, đại tá sư trưởng chỉ truyền cho mỗi mình tao. Khi nào sư trưởng cho phép tao sẽ truyền lại cho chúng mày”. Lũ trẻ vỗ tay rầm rầm.
- “Chú Kha là ai...”
Không phải là tiếng vọng mà bởi Ðiền nhớ lại suýt vuột ra lời. Ðiền bối rối tâm trạng của kẻ có lỗi. Một thời yêu nhau, sắp hai năm vợ chồng Ðiền chưa hề kể với Quy về người chú như cha đẻ của mình. Lần đầu tiên đưa Quy về ra mắt họ hàng, mẹ dặn hai đứa nhớ ra viếng mộ chú. Ðiền vâng rồi vui bạn đi miết đến khuya. Cưới nhau rồi, nhưng lần về thưa dần và ngắn ngủi. Lần thì Quy xúng xính váy áo đi hội làng. Lần thì đi chợ, lên chùa... Thực ra là Ðiền chưa sẵn sàng vượt qua mặc cảm.
Có một đêm chú Kha đi nghề sớm hơn thường lệ. Vừa bước lên đường trục đồng chú nhìn thấy có người lúi húi bên khóm cà độc dược. Cây cà độc dược mọc hoang lá xanh hoa vàng quả đỏ rất bắt mắt nhưng chỉ vài quả chín to cỡ hạt nhãn là đủ giết một mạng người. Chỉ có kẻ âm mưu mờ ám mới nhằm lúc khuya khoắt đi tìm hái quả độc. Chú Kha bỏ đồ nghề chạy lên đón đầu. Nhận ra cô gái xóm bên chú hiểu ngay sự tình. Làng đang xôn xao chuyện cô bé cắt cỏ bán cho đám xe bò bến than. Cô ta bỏ bến đã cả tuần nay rồi. Là vì thít bụng giấu thai, không thít nổi nữa thì phải giấu mặt. Chú Kha bỏ đêm nghề đưa cô gái về nhà.
Cuộc chuyện thâu đêm, bố mẹ và cô gái thuận theo ý chú Kha. Cái thai phải giữ, phải dưỡng dục cho nên người. Còn gã đàn ông kia phải tìm hiểu lai lịch, phải tường mặt xem có đáng để nói lời hơn lẽ thiệt. Chú Kha phục ngoài sông đến đêm thứ chín thì gặp đoàn xà lan kia “đánh quả”. Trong vai người mua than chui chú Kha tận mắt chứng kiến gã thuyền trưởng đứng thu tiền. Rồi gã gọi thuyền nan đưa gái lên khoang thuyền trưởng. Ðấy là ổ cờ bạc, đĩ điếm. Người thủy thủ già ngăn chú Kha lại: “Ðừng nói phí lời, ra đòn bẩn tay. Dọc con sông này ít nhất ba bến nước chờ ném hắn xuống sông. Những kẻ như hắn không bền đâu”.
Ðã là quãng cách vài chục năm nhưng Ðiền vẫn nhớ một đêm trăng sáng mấy đứa lau nhau giúp thím Kha tẽ ngô. Thím Kha nhặt trong bao ra hai quả ngô đặt lên sàng, chỉ vào: “Mẹ thằng Ðiền đến trước nằm giường trong, tao nằm giường ngoài. Ðêm ấy nhà hộ sinh mất điện nhưng ngoài trời trăng sáng. Quãng mười giờ thì thằng Ðiền “oa...oa...” át cả tiếng nức nở của mẹ. Ắng đi một lúc thì con Trà oe... oe... như mèo con khát sữa. Cha tổ chúng mày! Thật khéo bảo nhau chọn ngày chui ra”.
Chuyến xe suôn sẻ, hơn mười một giờ trưa Ðiền về đến nhà. Mẹ Ðiền đứng đợi đầu ngõ. Ðứa con đã về trước mặt mà mẹ vẫn vóng mắt ra đường cái. Hiểu ý mẹ, Ðiền vội vàng:
- Vợ con phải trực. Lại có hẹn với bệnh nhân không bứt ra ra được mẹ ạ!
Mẹ Ðiền gật đầu thu ánh mắt về:
- Tại mẹ rối trí nhắn lên cận ngày quá. Cụ trưởng họ chọn ngày tốt, dặn tuổi ấy phải đầu giờ múi mới được lộ cốt. Ngày chú mất con không kịp về nhìn cốt. Lần này mẹ xin các cụ cho con việc gánh nước tắm cốt. Mẹ chỉ lo con lỡ mất việc trọng.
Mâm cơm mẹ sắp chờ vợ chồng Ðiền có bát cá diếc nấu dưa Ðiền thích và đĩa ngồng cải luộc chấm mắm tôm Quy bảo ăn no được. Chỉ không có Quy. Một bàn tay vô hình bóp nhẹ trái tim Ðiền. Mẹ Ðiền thủ thỉ:
- Cái Trà đoán chắc thế nào chị Quỹ cũng về. Nó để dành chùm bưởi trên cây, ủ chai mật mía xem vợ con thích ăn gì để đoán đứa con đầu lòng gái hay trai.
Ðiền im lặng. Mẹ, bạn bè ở cơ quan, ở làng... ai cũng mong vợ chồng Ðiền có nụ có hoa. Chỉ có Quy là chưa muốn. Mà với Quy việc ấy quá đơn giản. Ðiền mở vung nồi cơm. Cơm gạo quê nấu lửa rơm vùi tro nóng vừa hé vung nồi mùi thơm đã ùa tỏa.
Ðiền sang nhà chú Kha kịp nhập đoàn người đi việc trọng.
Phần mộ chú Kha ở phía tây nghĩa địa cách bờ đê sông Lăng một quãng đạc. Cụ trưởng họ tất lễ thần linh là ai vào việc nấy. Mấy tay mai đồng loạt xắn đất. Ðiền cất đôi thùng gánh nước lên vai bắt gặp ánh mắt của Trà. Rõ là Trà lo cho Ðiền xa làng đã lâu, sao nhãng việc nặng mà đôi thùng thì to phải lội ngang cánh bãi rộng, bờ đạc gập ghềnh. Lẽ nào Trà quên một thời Ðiền là “vua” gánh nước sông tưới đậu, tưới rau... Lẽ nào Trà quên những trưa nắng xách ấm nước, làn khoai luộc lên đê. Vợ chồng Tá được chia thửa ruộng trũng. Một nữa kỳ phép mười ngày Ðiền và các bạn vác đất bãi sông tôn cao nền ruộng. Lẽ nào... Ðiền rảo bước, vung vảy đôi thùng cho Trà yên tâm.
Ðiền xắn cao ống quần lội ngang cánh bãi, phù sa non mát lịm bàn chân. Mùa này nước sông Lăng êm ả dòng trôi; nước lắng trong nhìn rõ những vạt rong lả lướt. Vậy mà chớm mùa mưa lũ nước sông đỏ ngầu, cuồn cuộn cuồng nộ như con thủy long lao vào cuộc thủy chiến. Mùa lũ... Ðiền chuếnh choáng, bước chân khó nhọc suýt sa xuống lạch lầy. Chưa mấy xa cái năm mưa xối cả tuần, lũ dâng vượt mốc lịch sử cả mét. Chú Kha ở trong đội xung kích hộ đê. Buổi trưa đang ăn cơm thì tin cấp báo hàng loạt mạch sủi mang cống Ngũ Thôn. Cả đội bỏ bữa lao đi chặn mạch. Tám giờ tối hai mang cống bình yên. Lên bờ chú Kha thấy chóng mặt rét run. Anh em đưa chú về trạm xá làng. Một cơn huyết áp lên đỉnh về “mo” trong khoảnh khắc vài chục giây đồng hồ. Các bác sĩ bó tay. Chú Kha đi cùng với mặt trời, lúc bản tin chiều thông báo lũ sông Lăng về mức bình yên.
Lội ra rất xa, Ðiền đứng im một lúc rồi vục đầy hai thùng nước. Nước sông một gánh, nước thơm một nồi – đấy là lệ sang cát ở quê Ðiền. Hài cốt đưa lên trước khi xếp vào tiểu được tắm một lần nước sông, một lần nước thơm ngũ vị. Phải như thế hài cốt mới sạch sẽ, mát mẻ. Người bốc xếp hài cốt, nấu nước ngũ vị, gánh nước sông không phân biệt thân sơ nhưng phải là người biết ăn ở và phải được các cụ chọn. Người chịu ơn, người có lòng với người đã khuất cũng được giao việc nhưng lựa chọn khắt khe hơn. Ðiền biết mình được các cụ đặc ân giao việc trọng.
Ðiền gánh nước về đến nơi cũng vừa xong việc lộ cốt. Ðược mạch đất tốt, sang cải đúng kỳ nên màu cốt vàng sáng. Các cụ bảo phải là người bình sinh ăn ở đức độ, phải tốt số lắm mới được nước quan trong, màu cốt đẹp như thế. Tá và Lãm, con rể chú Kha được giao việc tắm xếp hài cốt. Hai người đều là bạn rất thân của Ðiền. Nhìn đôi tay run run, đôi mắt đỏ hoe của hai bạn, Ðiền biết có một thoáng kỷ niệm buồn chợt ùa về chi phối họ. Trà là cô gái nết na, xinh đẹp. Trong xóm ngoài làng, nhiều chàng trai đến tìm hiểu, trong đó có Tá và Lãm. Một buổi tối hai chàng gặp nhau đầu ngõ. Lời đùa quá trớn thành ra to tiếng. Chú Kha chạy ra can gián, tay đẩy vô tình, chú lỡ đà ngã ngất. Hai chàng thay nhau cõng chú xuống trạm xá làng. Hôm sau anh công an gặp chú để hoàn chỉnh biên bản. Chú Kha gạt đi: “Hai đứa nó có lỗi chứ không đáng tội. Anh lấy chữ tình làm trọng bảo ban các em”... Ít hôm sau chú cho mời Tá và Lãm đến nhà. Chè thuốc một chầu, chú gọi Trà ra cho ngồi bên cạnh. “Hai anh đây cùng là bạn con, là những người trai ngoan giỏi. Bố mẹ rất mừng là cả hai anh đều muốn chọn con làm vợ. Bố muốn biết ý con”. Có những giây phút mệnh hệ cả cuộc đời con người. Thì chính là giây phút đó với Trà. Có một người thứ ba òa hiện trong tâm tưởng và khi gương mặt ấy nhòa đi cũng là lúc Trà quyết chọn một người. Trà thật tinh tường và tế nhị. Vợ chồng chú Kha được chàng rể và đứa cháu trai rất ngoan, khéo đường lam làm ăn ở.
Quá chín giờ tối Ðiền mới bứt ra đến với lời hẹn ban chiều. Nhà vợ chồng Lãm ở xóm bờ sông lối ra vắt ngang cánh đồng màu. Con đường trục đồng đã mở rộng, tôn cao đủ cho hai làn xe công nông. Ðiền đi ngược chiều gió heo may đầu mùa, thoạt đầu lành lạnh rồi thấy ấm dần lên. Cữ này vụ đông, cánh đồng màu xanh mướt ngô, khoai, xu hào, bắp cải... đủ thứ nhà quê. Từng quãng... từng quãng... Cứ như là có hẹn cánh đồng ùa lên một thời bé bỏng con gái con trai quần đùi áo cộc đuổi nhau chí chóe đủ trò... Ùa lên những sáng những chiều mót lúa, mót khoai... gom cỏ khô nướng ốc, thui chuột... từng quãng... từng quãng... Tá với Trà với Ðiền và Lãm... một lũ như những đọt măng lứa trước lứa sau vừa trầy trật vừa hồn nhiên lớn. Mới thế mà sắp ba năm bạn gái Ðiền làm vợ bạn trai Ðiền. Ngày Trà đi lấy chồng Ðiền kịp về để được chọn làm phù rể. Ðiền cứ phải vui nâng chén rượu vui mừng bạn. Ðiền cứ phải phong độ đàng hoàng trong vai phụ bạn. Ngày đám cưới Trà, mẹ Ðiền sang giúp việc têm trầu. Chỉ có Ðiền mới nhìn thấy nỗi buồn mẹ giấu trong miếng trầu cánh phượng. Từng quãng... từng quãng... Ngày Trà xúng xính váy áo cô dâu con đường này nho nhỏ gồ ghề, gió heo may đầu mùa thổi ve vuốt những vạt cỏ may non.
Trong nhà Lãm sáng đèn, góc vườn đèn còn sáng hơn. Góc vườn ấy có dãy chuồng lợn bảy ô tiêu chuẩn, đích thân phó cả Tá thiết kế, chỉ huy thi công. Ðiền đi thẳng ra góc vườn. Lãm đứng ngoài cửa soi đèn cho Trà vuốt lưng con lợn nái nằm thở khó nhọc. Ðiền ló đầu vào trong chuồng, lo lắng:
- Con lợn làm sao thế?
Trà ngừng bàn tay trên lưng con lợn.
- Nó bị động thai anh ạ. Bữa chiều đang sục máng ngon lành nó nằm ệch ra, thở dốc. Em khám thấy bụng căng nổi cục. Em đã tiêm thuốc an thai, vừa cho uống thuốc lá. Chỉ nội nhật ngày mai là cả lũ éc éc chào ông chủ.
Ðiền bật cười, lấy đèn ắc quy trong tay Lãm đi soi khắp dãy chuồng. Dãy bảy ô chỉ có mỗi con lợn nái. Ðiền lia đèn vào Lãm.
- Sao thế này, Lãm?
Kéo tay Ðiền về sân Lãm mới nói.
- Sáu ô chuyên nuôi lợn thịt. Tháng trước ông dịch lạ về xơi trọn sáu ô mười tám con. May cứu được con lợn nái. Mợ đầm ngoại này tốt bụng tốt sữa lắm. Bốn lứa trước đều mười hai con đẹp như tranh Ðông Hồ. Trà đêm ngày mong mợ ngoại mẹ tròn con vuông. Giữ lại vài đôi nuôi còn để cho bà con làm giống. Ghé qua thoáng chốc mà ông dịch lạ xơi vãn lợn của làng. Lợn giống đang cực hiếm.
Ðêm đã rất khuya, ngồi trong nhà nghe rõ tiếng vạc ngang qua sông Lăng về phía đồng xa. Ðiền rất muốn ngồi lâu nữa với vợ chồng Trà nhưng không thể. Ngày mai chuyến xe duy nhất chạy qua làng lúc năm giờ sáng. Ba đứa đi với nhau qua cổng một quãng xa. Quy thì chưa muốn nhưng Ðiền không thể từ chối món quá thử “gái hay trai” Trà chuẩn bị từ mấy hôm trước. Lãm vỗ vai Ðiền, găn gắt:
- Hoàn cảnh buộc chúng tớ phải kế hoạch. Vợ chồng cậu như thế còn nấn ná đến bao giờ? Bá mong lắm, nhiều đêm không ngủ đậu. Hay con nhà thành phố giữ eo suốt đời?
- Ờ.. ờ... Suýt nữa Ðiền thốt lên “Quy... như không muốn”...
Ðường về, hai lần Ðiền cảm giác như có bàn tay níu dừng lại. Một lần Ðiền ngước nhìn cao xanh thầm cầu mong ngày mai bức tranh dân gian đàn lợn Ðông Hồ sẽ là hiện thực với vợ chồng Trà. Một lần Ðiền nhìn khắp cánh đồng, hết sức ngỡ ngàng. Hình như những đêm không trăng sao cánh đồng tự chiếu sáng bằng tầm mênh mông xanh thẳm.
Rồi Ðiền lụi cụi bước.
Thế rồi theo từng bước lụi cụi ấy, Ðiền nhớ về nhiều năm trước cũng giờ này chú Kha vác đồ nghề vó rong rảo bước trên con đường này. Chú rẽ xuống vạt đồng nào? Con ngòi nào? Có một đêm chú ném đồ chạy lên với cô gái lúi húi bên khóm cây độc. Ðêm ấy nếu chú sớm hơn hoặc muộn hơn mươi phút thì có đứa hài nhi cam phận chết yểu. Có vạt cỏ nào lưu giữ bước chân đêm ấy? Có lẽ cỏ thì không vì cỏ xanh cỏ lụi theo mùa. Chỉ có đất là in dấu và gửi vào sâu thẳm vĩnh viễn bước chân khai sinh một thằng bé cho nó có mẹ, có ông bà, có chú, có bạn bè... có ốc nướng, chuột thui, bãi sông, vạt cỏ... Cả một miền yêu dấu ấm áp và day dứt suốt cuộc đời. Bất giác Ðiền nghĩ nếu như lúc này có Quy bên cạnh hoặc im lặng, hoặc lạnh lùng câu hỏi: “Chú Kha là ai?”. Thì sẽ thế nào đây? Sẽ chẳng thế nào cả. Buổi chiều nay, gánh nước sông Lăng, mẹ và thím Kha, Trà và Tá và các bạn... đã giúp Ðiền biết cách vượt qua mặc cảm. Ðiền sẽ kéo Quy ngồi xuống vạt cỏ này, gốc cây này. Ðiền sẽ kể từ cái thuở chú Kha học đến lớp 4 cho đến buổi tối nay ngồi trong nhà nghe rõ tiếng vạc vang sông. Nhưng giờ này Quy đang ca trực bệnh viện. Thì ngày mai... Ngày mai sẽ kể!
Ði qua ngõ nhà mình một quãng Ðiền mới sực nhớ quay lại. Qua hàng giậu thưa Ðiền thấy mẹ ngồi trên hiên với rổ ngồng cải vợ Tá mang sang lúc chập tối. Mẹ chọn và bó... Ðêm hôm con cái đi đâu khuya muộn bao giờ mẹ cũng tìm ra việc để chong đèn đợi cửa. Mãi mãi, những đứa con dù đã tuổi tác, đã trưởng thành, bay nhảy, quyền cao, chức trọng đến đâu vẫn là đứa trẻ trong con mắt của mẹ.
Ðiền rảo bước, như sà xuống hiên, bên mẹ...
Trần Văn Thước
(Vũ Lăng, Tiền Hải )
Tin cùng chuyên mục
- Ru hời êm tiếng à ơi 01.09.2010 | 10:23 AM
- Cây Bàng 01.09.2010 | 10:31 AM
- Cha và con 29.11.2012 | 08:01 AM
- Lời ru buồn 01.09.2010 | 13:52 PM
- Cơn mưa có hình dáng mẹ 26.10.2010 | 14:53 PM
- Chuyện vợ thợ cày 27.08.2012 | 09:19 AM
- Bóng nước 27.08.2012 | 09:24 AM
- Hội Làng 27.10.2010 | 16:23 PM
- Trên sông Hồng 29.09.2010 | 16:30 PM
- Chuyện nhà Dâu 30.03.2012 | 09:11 AM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam