Thứ 4, 03/07/2024, 00:20[GMT+7]

Chuyện nhà Dâu

Thứ 6, 30/03/2012 | 09:11:08
1,230 lượt xem

Ảnh minh họa

Bữa cơm tối muộn. Chị vừa bưng cái bát lên thì nó đạp thốc bụng dưới đau quặn thắt lưng dội lên ngực. Miếng cơm bị chặn lại đẩy ra “đồng nhịp” với những cú đạp. Chị thu vội mâm cơm. Nó lại đạp. Con mắt nổ hoa cà hoa cải. Bát nước cà rơi đánh choang. Ở tuổi bốn mươi lần đầu tiên chị được biết thế nào là cơn đau vượt cạn. Chung quanh hàng xóm “ới” lên cũng có người chạy đến nhưng chị cắn răng. Dạo này con mắt dân làng nhìn chị khác thường lắm. Nó lại đạp. Nước ối rỉ ra. Giữa hai cú đạp chị nhìn thấy vầng trăng. Vầng trăng muộn mà đằm sáng lạ. Chị lần bước trăng soi.

Chị lên bàn đẻ, chưa kịp tụt quần nó lại đạp. Giữa tận cùng cơn đau xé ruột gan vỡ ra tiếng khóc oa oa. Tiếng khóc trẻ thơ kéo chị nhổm lên. Bà y tá dừng tay lau nhớt hài nhi quệt mồ mô trán: “Mụ cho chắc lẳn đỏ au như củ khoai chiêm dâu đầu luống. Đặt tên cho nó là Dâu”.

Bé Dâu da trắng, môi đỏ, tóc đen ba mươi tháng tuổi mà lớn như đứa trẻ lên bốn. Bé được như thế là nhờ mẹ từ ngày cái bụng lùm lùm được cho thôi danh hiệu hội viên... thư ký hội đồng. Nhưng cái chính là nhờ từ lúc bé biết ăn bột bữa  nào cũng có rau quả vườn nhà, cá tôm cánh đồng làng. Mẹ Dâu có việc ra ngõ ra đường phải bế con theo ai nhìn thấy cũng  “trộm vía”. “Con bé đẹp như búp bê... Cái con nhà ấy đẹp bằng mấy những đứa trẻ ảnh mẫu quảng cáo, trên ti vi...” Xuýt xoa trầm trồ thế nhưng cấm thấy ai giang tay bế ẵm con bé như đã từng tranh giành giằng bế con cháu ông nọ bà kia có đắp vàng đầy người cũng còn khướt mới bén gót bé Dâu.

Bé Dâu sắp năm tuổi mà vẫn chưa biết cái mặt ghế nhà trẻ liền ghép thế  nào. Đến khi cô bạn thân của mẹ Dâu về làm hiệu trưởng trường mầm non làng Quảng. Cô bạn đến nhà mắng té tát mẹ Dâu: “ Mày nghĩ ngợi kiểu gì mà bắt con bé ru rú xó đồng”. Mẹ Dâu thản nhiên: “Nghĩ ngợi quái gì cho mệt! Mẹ con tao ở xó này có vườn rộng, sân mát, có mặt tiền bao la cánh đồng. Ti tỉ người chết thèm cái ru rú của mẹ con tao! Cô bạn trừng mắt: “Thì bao la. Nhưng đầu óc nó như người rừng”. Cô chạy ra vườn bế bé Dâu về tắm gội. Quần áo, mũ dép cô đã mua sẵn, toàn đồ xịn. Cô mặc cho bé bộ màu xanh hoa tím, tết tóc buộc nơ hồng. “Cháu gái cô rồi đẹp nhất làng. Chả mấy nữa đâu. Chỉ có nhất. Xuýt xoa khen bé thế rồi cô kéo mẹ bé ra góc sân. “Con bé thế kia. Tao xin mày...” Mẹ Dâu cúi mặt nghẹn ngào: “Còn hơn cả nhục nhã, ê chề. Đời tao coi như bỏ đi. Còn được thế này là nhờ chúng mày, nhờ con bé...”  Cô bạn rân rấn nước mắt: “Phận đàn bà có được đứa con thì khổ tận đến đâu cũng chịu được. Tao muốn được như mày mà không dám bứt phá...”

Ngày đẹp trời, bé Dâu tới lớp mầm non. Ba ngày... bẩy ngày. Bé Dâu hết mất dép, mất khăn lại đứt chun quần, rách áo. Bảy tuần mầm non bé Dâu hai lần về  vêu môi một lần tím mắt, bươu trán. Chiều chiều bé Dâu đứng nép cột cổng mẹ đến đón là chạy ra ôm chầm, nức nở. Xót con, mẹ Dâu giữ bé ở nhà. Cô hiệu trưởng ra cánh đồng tỉ tê với mẹ con Dâu cả tiếng đồng hồ. Nể lời bạn mẹ Dâu lại cho con đến trường.

Cho đến buổi chiều vì có việc bận mẹ Dâu chậm giờ đón con. Hớt hải đến cổng trường mẹ Dâu bực uất đứng chết lặng đi một lúc. Bé Dâu thui thủi bên ngoài cánh cổng sắt lủng lẳng ổ khoá, áo rách hai tà, môi sưng vêu. Cô hiệu trưởng nhìn mẹ con Dâu quay mặt quệt dấu nước mắt. “Cho con bé tạm nghỉ ít hôm. Rồi tao tính”. Hôm sau cô hiệu trưởng phê cô chủ nhiệm một trận quyết liệt. Cô chủ nhiệm cũng cứng lý cãi. Trường lớp lỗi ba thi gia đình lỗi bảy. Lẽ ra khi con bé đến tuổi “luật định” mẹ bé phải cho đi nhà trẻ làm quen dần môi trường giáo dục khoa học, nền nếp tập thể. Đằng này mẹ nó bắt nó ru rú góc vườn, xó đồng. Nó mới ngần ấy tuổi đã lớn thế mà bảo mãi kèm mãi vẫn múa lệch hát lạc, xếp hình nọ xọ hình kia. Nó quen với bờ ruộng, góc vườn, cào cào châu chấu. Giờ đưa nó  vào khuôn khổ mầm non là rất khó. Họa có mở riêng lớp một cô một cháu thì may ra... Cuộc “phê bình – tiếp thu” càng khiến cô hiệu trưởng khổ tâm. Mấy lời “rồi tao tính” là cả một lời hứa với con trẻ. Phải mất cả tuần tính nát nước cô mới tìm ra cách giải quyết. Mà là cách phạm luật. Cô hiệu trưởng đến nhà mẹ Dâu “bàn kín”.
- Tao tìm hiểu kỹ rồi. Những việc xảy ra ở lớp cũng một phần do con bé. Con Dâu cứ nín nhịn bọn kia càng được đà lấn tới.

“Ừ phải... Con tao lành đụt vì nó...” Mẹ Dâu định nói thế nhưng kìm lại được. Đã hơn một lần phải nghe những lời thân phận mẹ Dâu vội giữ lại, cô hiệu trưởng nói ngay:
- Chỉ vào tháng nữa hết năm học mới. Con Dâu lớn khôn trước tuổi xem ra nhận thức nhanh. Tao chữa giấy khai sinh nay mai cho nó vào lớp một. Tao tin con bé học giỏi cho mà xem.
Mẹ  Dâu ngẫm nghĩ thở dài:
- Tao lo chuyện vỡ lở ra, thương cháu khổ mày.
Cô hiệu trưởng gạt phắt:
- Lo con  bò trắng răng. Thiên hạ đầy trò chạy chữa ăn bạc tỉ, ngồi ghế quan quyền mà có sao đâu. Tao chỉ chữa vài con số, có tội là tội vì tương lai con em. Có ra toà tao cũng lý thế. Đấy các vị xử đi.

Cô hiệu trưởng  quả có con mắt tinh tường tiên liệu. Ngay từ năm lớp một, nhà trường có bao nhiêu danh hiệu bé Dâu lĩnh đủ bấy nhiêu: Cháu ngoan Bác Hồ, học sinh tiên tiến, cán bộ lớp giỏi. Ở thôn sinh hoạt sao nhi đồng tuần nào đội viên Dâu cũng đứng đầu bảng sao. Lớp ba rồi lớp năm... Đếm số giấy khen của Dâu nhiều hơn số tuổi. Mẹ Dâu đi họp phụ huynh vẫn chọn ngồi góc khuất nhưng đã thấy bớt dần những cái nhìn dè bỉu tị hiềm. Dâu lên cấp hai được vào lớp chọn. Mẹ Dâu ra điều kiện: “Kỳ một lớp sáu, con đạt danh hiệu tiên tiến mẹ thưởng xe đạp. “Dâu hứa chắc: Con gắng được ạ”.

Nhưng Dâu đã không thực hiện được lời hứa. Trên đường đến trường Dâu bị mấy đứa con trai lớp trên chặn lại: “Này Dâu. Hôm qua lên phố sao không vào nhà...” “Nhà mày xây bằng tiền gian to nhất phố huyện...” Chẳng là hôm qua cô giáo đưa cả lớp lên phố huyện tham quan tượng đài chiến thắng, nhà văn hoá... Dâu gỡ bàn tay bấu vai: “Các anh nhầm rồi”. “Còn cãi hả” “Bố mày béo trắng như lợn lai...” Dâu nhổ bọt. Dâu bốc cát ném tứ tung. Một đứa ôm mặt thét lên. Mấy người lớn chạy ra. Bố thằng bị trúng cát lôi thốc  Dâu đến văn phòng nhà trường. Thầy hiệu trưởng hết sức ngạc nhiên trước hành động của cô trò ngoan. “Sự việc thế nào?” Im lặng. Thầy hiệu trưởng không nén nổi cơn bực chỉ tay ra cửa: “Trò về mời phụ huynh lên gặp tôi”.

Một buổi thật dài và nặng nề. Cả khi vầng trăng đã vượt qua rặng tre bên kia sông Lăng và con gái đã ngồi vào bàn học mẹ Dâu vẫn chưa hết buổi chiều. Loanh quanh vào bếp ra sân đụng việc gì cũng chán, mẹ Dâu vào nhà. Thấy con gái ngồi cắn bút trước cuốn vở chưa lật trang bìa mẹ Dâu hiểu rằng đứa con đã có một buổi chiều dài và nặng hơn buổi chiều của mẹ. Không thể để lâu hơn được nữa cái chuyện bấy nay mẹ Dâu nhủ lòng chờ đến khi con gái mười tám tuổi. Mẹ Dâu bước lại vuốt mái tóc con gái:
- Con học khó vào phải không? Mẹ con mình lên đê một lúc cho khuây khoả.  Đi con.

Sông Lăng vừa qua cơn lũ lớn đang êm lại dòng trôi. Trăng thật sáng, ngồi trên đê nhìn rõ màu nước phù sa, mảng cỏ hoa súng lững lờ. Gió thì như ẩn nấp đâu đó bên kia sông từng cơn thổi về lao xao bờ tre chắn sóng.
- Thầy hiệu trưởng xin lỗi đã nóng nảy không viết giấy mời phụ huynh.
- Con có lỗi với mẹ với cô. Nhưng lúc ấy con không kìm được.
- Mẹ cũng có lỗi. Buổi chiều gặp thầy hiệu trưởng mẹ càng ân hận. Mẹ thiển cận  thiếu niềm tin con gái nên giữ riêng mình một chuyện đã lâu bằng tuổi con.
- Chuyện gì thế mẹ?
- Chuyện một người đàn bà. Có người đàn ông bị vợ phản bội đi theo nhân tình. Ông ta chán đời rượu chè bê tha. Bà con bạn bè thương tình gần gũi khuyên can. Cảm thông, tác động nhiều đến ông ta là người bạn gái thân nhau từ bé. Ông ta dần khá lên. Đã có tiếng vun vén ông ta với người đàn bà lỡ thì kia...
- Sao người đàn bà ấy chịu lỡ thì? Dâu chen lời mẹ.
- Vì thân phận mồ côi. Còn vì một lần đi cắt cỏ người ấy bị bọn tàu sông lừa lên tàu làm nhục. Ở làng, con gái bị nạn tiếng tăm một chặp, người đàn ông trở về mua đất trên phố, làm nhà mở hiệu. Trước đấy ít lâu trong chốc lát mềm lòng người đàn bà chiều theo ham muốn của gã đàn ông. Búa rìu dư luận dữ dằn nhưng người đàn bà quyết không làm việc thất đức...

Dâu oà khóc ôm chầm lấy mẹ.
- Mẹ. Người đàn bà ấy là mẹ của con. Từng không dội xuống tiếng vạc sang sông. Gió chợt mạnh. Vầng mây xám trôi nhanh qua vầng trăng. Mẹ Dâu đỡ mái đầu con gái.
- Về con. Khuya rồi.
Hai mẹ  con dừng lại giữa con đạc kề thửa ruộng nhà mình. Dâu xuống bờ nhỏ ngắm lúa sáng trăng. Trên thửa ruộng này một buổi sáng gió bấc mưa phùn mẹ tập cho Dâu cắm dảnh mạ đầu tiên. Vài hôm trời hửng nắng Dâu đã đều tay ngay ngắn thẳng hàng sông hàng con. Mẹ con thành một nhịp cấy thuận hàng.
Qua chiêm đến mùa thêm vụ đông. Làng quen tính thời gian theo mùa vụ.

Dâu mười lăm tuổi đã ra dáng thiếu nữ. Làng bảo phúc cho mẹ con nhà ấy. Con bé được hưởng đủ gien của  bà của mẹ chứ không thì... Cứ nhìn mà xem. Nước da trắng hồng, máu tóc đen dài là lộc của bà. Cái mũi, hàm răng, cái dáng... y nguyên khuôn mẹ. Con bé ấy rồi đẹp nhất làng.

Bỗng bùng nổ phong trào thi nữ sinh thanh lịch. Thi trường, thi cụm Dâu đều lọt vào “tốp ba”. Huyện chọn trường làng Quảng làm nơi thi chung kết vào ngày thứ bảy. Mới là thứ hai mà đây đó đã rì rầm con bé ấy là hoa khôi. Cái con nhà ấy đăng quang ngay trên sân nhà. Nhưng mà... Dao ôi... Cái con nhà ấy...
Trận chung kết trên sân nhà nên trường Quảng tập trung đầu tư cho bộ ba “công nòi... Cô tổng phụ trách lo trang phục, trang điểm. Cô “nhạc – hoạ”  từng là thành viên đội tuyển “SV 96” phụ trách mục giao lưu. Đích thân thầy hiệu trưởng lo mục hùng biện. Ba “con công nòi” là phải  ba bài hùng biện. Thầy đã tính toán đâu vào đấy. Ba “con công” sẽ có cả ngày thứ sáu để thực tập lên bục hùng biện.

Tối thứ năm. Thầy soạn đến bài hùng biện thứ ba thì chuông điện thoại réo. Đầu dây đằng kia là cô cựu học sinh trường Quảng đương kim chủ tịch Tiền Châu. Cả huyện gọi là bà nhưng bà chủ tịch đang thưa thầy xưng em. Ngoài trời se lạnh, lời qua sóng ngọt ngào mà trán thầy lấm chấm mồ hôi “... Vâng. Thưa thầy. Con bé út nhà em được trường chuyên chiếu cố cho vào chung kết. Bà bạn em, vợ ông ý... ấy rất quan tâm đến cuộc thi. Bà bạn em hứa sẽ tài trợ trọn gói cuộc thi, hỗ trợ trường ta... Có điều bà bạn em buồn vì dư luận cho rằng em gì đấy sẽ đoạt vương miện... Nghe nói cái em gì  đấy là con ngoài giá thú, lại khai man tuổi. Nếu bảo em ấy có bố thì ông ta là trùm cá độ... Lãnh đạo rất quan tâm đến cuộc thi này...” Thầy hiệu trưởng gạt mồ hôi trán, cảm ơn cô học trò cũ. Thầy không ngờ cuộc thi vui chơi học trò  do thầy làm chủ khảo lại có tầm quan trọng đến vậy. Không ngờ những vị ấy ghế ấy lại để mắt đến cuộc chơi học trò. Thứ bảy này ý kiến của thầy sẽ có sức nặng bạc triệu. Toàn bộ chi phí cuộc thi. Mấy chục bộ bàn ghế... Thầy nhớ đến đứa con ra trường chưa tìm được việc làm và hình dung ra gương mặt cô học trò cũ và bà bạn cô ta là cả một thế lực. Tức thì thầy chuyển hướng bài hùng biện cho cô trò cưng. Trò Dâu  chỉ mất ba phút diễn đạt bài học thuộc lòng. Học hết cấp hai có thể học lên nữa. Cũng có thể đã đủ kiến thức để đi cày, đi cấy. Hết. Rõ là một dạng ước mơ tầm tầm. Các giám khảo sẽ cho điểm số tầm tầm. Bảng tổng sắp của thí sinh triển vọng nhất đương nhiên dưới tầm vương miện.

Hoá ra bài hùng biện ước mơ thầy hiệu trưởng soạn ra cho Dâu như một lời tiên tri.  Dâu đủ ba tiêu chuẩn vào thẳng cấp ba nhưng Dâu thôi học. Ý định thôi học manh nha từ buổi chiều đi gặt.  Dâu đã xong một luống lúa mà mẹ vẫn loay hoay gần bờ, chốc chốc lại dừng tay liềm xoa đầu gối. Rồi mỗi buổi đi học về thấy mẹ cặm cụi việc nọ việc kia, từng ngày xô nước tưới rau, gầu nước giếng khơi cứ vơi dần vơi dần. Cho đến hôm lên sân khấu cuộc thi “Nữ sinh thanh lịch” thì Dâu càng mong năm học chóng kết thúc.

Dâu không có nhiều thì giờ để mà nuối tiếc tuổi học trò. Quy hoạch thuỷ nông nắn thẳng quãng sông Lăng lượn hình vai cày. Mười sáu hộ dân trên doi đất đầu làng lọt trong hành lang bảo vệ đê phải di chuyển. Từ hôm cái cọc tiêu cắm xuống góc sân suốt ngày Dâu ở ngoài vườn. Dâu đứng với cây này cây kia hồi tưởng thì thầm. Cây này ông bà để lại. Cây này mẹ trồng... Cây kia hai mẹ con dựng lên sau cơn bão. Khóm hoa kia bạn tặng...

Tháng ngày vun vút qua những tảo tần chằm bặp. Mảnh đất mới nơi cuối làng đang lên xanh. Cây cam, cây nhãn... chính giống ông bà để lại. Cây hồng, cây bưởi, khóm hoa... Dân làng nói vui mẹ con nhà Dâu mát tay nhất làng. Cũng khu tái định cư, nhà bếp của mẹ con Dâu nhỏ nhất nhưng vườn cây  rau hoa xanh tốt nhất.

Nhưng niềm vui vườn ruộng không chia sẻ được mấy nả nỗi lo của mẹ Dâu. Con gái đã sang tuổi hai tư. Bạn bè cùng trang lứa ở làng đã yên bề gia thất, có nếp có tẻ. Đêm đêm nỗi lo của mẹ tràn ra thành lời thủ thỉ. Ấy vậy mà mẹ nói mẹ nghe, con gái  ngủ tít  từ lúc nào. Lắm khi mẹ phát bực gắt lên thì nó rúc vào nách mẹ “chẳng có tổ ấm nào bằng nách mẹ...”

Thực ra Dâu đã có bạn  trai. Anh chàng Ngân xóm Đình đi bộ đội về đang học tại chức đại học nông nghiệp. Đám thanh niên kháo nhau “chúng nó còn ương”. Đôi ấy  mà chín thì đẹp nhất làng.

Buổi chiều đi làm cỏ lúa về Dâu thấy mẹ và cô cựu hiệu trưởng mầm non ngồi trên hiên rây bột lá gai. Như thế là mẹ và cô quyết ép Dâu phải ứng thi hội làng. Tháng hai làng mở hội. Hội làng có tế Thành Hoàng, múa giáo cờ giáo quạt, thi rèn dao cuốc, cờ tướng, làm bánh gai... Từ xưa xa đã có sự kinh nghiệm, người đoạt giải hội làng thường gặp may mắn đường đời. Vì thế trò thi hội làng rất nghiêm luật, cuốn hút. Chưa từng ứng thi hội làng nhưng năm nào Dâu cũng làm bánh. Tấm bánh gai nho nhỏ mà rất kỹ  tính, đòi hỏi sự chuẩn bị công phu. Từ năm trước, sau tiết  thu phân chọn lá gai bánh tẻ phơi khô gói kỹ cất nơi cao ráo. Lúa nếp mùa săn sạch cất trong chum trong hũ. Trước kỳ hội năm, bảy ngày mới xay thóc, xiết đỗ đốt lá gai, chọn lá chuối mùa ngọt đậm đường kính mát  bụi đậu xanh. Tấm bánh lòng thành thờ cúng tổ tiên đi thi hội làng, biếu bà con bạn bè. Ai cũng khen tấm bánh của Dâu đẹp và ngon  đi thi hội làng chỉ có nhất.

Hai giờ chiều. Đã quá hẹn cả tiếng đồng hồ mà chưa thấy Ngôn đến. Mà chiều nay là hạn chót đăng ký ứng thi hội làng. Hội làng năm ngoái lần đầu tiên Ngôn thi  cờ tướng đoạt ngôi á quân. Làng hy vọng kỳ hội năm nay Ngôn quyết không để vòng nguyệt quế ra khỏi cổng làng. Chiều lòng mẹ và cô Dâu chỉ đăng ký thi làm bánh gai. Còn việc bạn bè và Ngôn nài ép dự thi người đẹp hội làng thì Dâu dứt khoát từ chối. Dâu biết mình có thể đoạt danh hiệu cao quý nhiều người rất muốn nhưng cuộc thi tuổi học trò vẫn còn ám ảnh... Bỗng dưng mặt Dâu nóng bừng. Có người vào cổng nhưng là đứa em Ngôn. Dâu lấy làm lạ trước vẻ rụt rè của cậu bé vốn lanh lợi hồn nhiên. Dâu chạy ra dắt tay thằng An vào sân. Được vài bước thằng An dừng lại ngước lên đôi mắt ầng ậc nước:
- Anh Ngôn dặn chị cứ đi đăng ký thi hội làng.
- Anh Ngôn đi đâu mà phải dặn lại?
Thằng An nắm chặt bàn tay Dâu:
- Gần trưa anh Ngôn rủ em lên phố phôtô tài liệu. Vào đến phố chỗ có bảng tin thì mấy đứa trong phố chạy ra. Có cả đứa con gái tóc xanh đỏ. Thằng cao to ngực xăm trổ sừng sộ rằng chúng mày lên đây bọn tao khỏi kéo quân về hỏi tội hôm qua. Đứa con gái nháy mắt với thằng lùn. Bốn đứa xông vào. Anh Ngôn đánh trả. Em kêu ầm lên. Đông người chạy ra. Bọn kia tháo chạy bị xe công an chặn lại. Anh Ngôn cũng bị dẫn theo. Chuyện hôm qua thế nào chị?

- Rồi chị kể. Anh Ngôn có bị đau không?
- Bọn kia còn bị đau hơn. Dân phố khen anh Ngôn đánh giỏi, bọn kia no đòn hết vênh váo, anh công an bảo em về nói với bố mẹ cứ yên tâm. Anh Ngôn dặn chị phải dự thi hội làng. Chị nhớ nhé. Em về đây.
- Dâu cố kìm nước mắt
- Ừ. Em về. Chị sẽ đi mà.
- Nhưng  bước lên hiên nhìn thấy khay bột, tệp lá Dâu không kìm nổi nước mắt.

Lại vẫn thằng Khai, cái thằng bị Dâu ném cát hồi năm đầu cấp hai. Chính nó đặt bài vè cho hội bạn nghêu ngao. Vì bài vè mà Dâu toan bỏ học từ năm lớp tám. Học hết cấp  thằng Khai đi làm ăn xa mấy năm mới về. Bấy nay Dâu gắng lòng coi nó như người bạn học cũ. Kỳ hội làng năm ngoái nó bám lẵng nhẵng làm Dâu phát ngượng mất vui ngày hội. Nó lại vè vè xe máy vào ngõ, săn đón, phao tin... Dâu phải nhờ bạn gái đón đầu ngõ bóng gió mấy lần nó mới chịu lảng. Bẵng đâu mấy tháng thằng Khai về làng cùng đứa bạn gái áo xống loè loẹt tóc nhuộm xanh đỏ. Đứa con gái người phố huyện thỉnh thoảng lại về nhà thằng Khai ăn ở cả tuần. Nghe đồn vậy chứ mãi chiều hôm qua Dâu mới giáp mặt. Ngôn và Dâu đi thăm lúa về đến đầu thôn, vì tránh xe bò chở cát bánh trước xe đạp quệt rơi gốc của cô gái ngồi sau xe máy đi cùng chiều. Đứa con gái huýt sáo tức thì thằng xe máy ngoặt tay lái quay ngang xe chặn đường. Là thằng Khai. Nó lột mũ bò chỉ mặt Ngôn: “Biết điều thì nhặt guốc đặt vào chân bạn tao. Mau”. Ngôn chau mày “Không có  chuyện ấy đâu”. Thằng Khai bỏ xe đổ đánh rầm, hùng hổ: “Mày thích ăn đủ hả”. Ngôn tránh được cú đòn hiểm túm ngực áo thằng Khai: “Làng này không có chỗ cho mày giở thói côn đồ. Tao cho mày nợ một đòn cảnh cáo. Nhớ đấy!” Đã đánh là chuyện không hay nhưng Dâu không ngờ thằng Khai lại đem chuyện ở làng lên phố! Trò chặn đường gây sự chủ mưu đích thị thằng Khai. Phải chăng nó trả hận chuyện cũ? Phải chăng nó biết Ngân và Dâu cùng dự thi hội làng nên sinh sự phá đám. Ngôn bỗng dưng bị lỡ một kỳ thi hội làng. Còn việc nữa, Dâu thắt ruột nỗi lo Ngôn lỡ kỳ thi tốt nghiệp.

Mẹ Dâu đành lòng chấp nhận việc con gái không ứng thi hội làng. Bao nhiêu công phu chuẩn bị, niềm hy vọng của mẹ và cô của bạn bè đành gác lại kỳ hội năm sau. Mẹ Dâu còn một nỗi riêng kín đang cồn thốc lên cô lại thành mối căm hờn. Đứa con gái kia là đứa con riêng của gã đàn ông ngày nào. Anh em Ngôn bị quây đánh ngay trước cửa nhà gã đàn ông mà đàng hoàng Dâu phải gọi bằng bố. Kẻ từng chôn cuống nhau đất làng, ăn gạo uống nước làng, mồ mả cha ông gửi đất làng lại khoanh tay đứng nhìn người làng bị nạn thì mười mươi kẻ ấy không phải là con người. Ngày mai kẻ ấy lại bầu đoàn xúng  xính về hội làng... chao ôi! Bao giờ mới vợi bớt lũ người mượn tiền bạc lụa là phủ đậy đê hèn xấu xa che mắt dân làng....
- Mẹ ơi.
- Ừ. Mẹ ra ngay đây.
- Mẹ Dâu vội đem hộp kim chỉ ra ngoài  hiên với con gái. Mới thế mà đã lùm hai rá bánh. Thế kia, qua chõ đồ tấm bánh rồi đẹp ngon hơn năm ngoái.

Sáng hôm sau Dâu đạp xe ngược dòng người về hội làng. Việc này Dâu đành chịu lỗi dấu mẹ. Vì chính Dâu  cũng thấy khó thành công việc chợt   nghĩ ra cùng nước mắt trong đêm thức trắng.

Chờ mười lăm phút. Dâu được dẫn đi gặp thủ trưởng công an huyện. Đi cùng Dâu anh  trung uý vui vẻ: “Sếp anh ưu tiên thí sinh hội làng đấy. Căn phòng nhỏ đã đặt sẵn ghế đón khách. Ông đại tá  vui vẻ:
- Xin chia sẻ với cháu và bạn lỡ dịp giật giải hội làng. Đừng buồn cháu ạ. Mười hai tháng nữa là đến tháng mười hai. Nhanh thôi. Cháu gái nói việc cần xem nào. Linh cảm mách bảo Dâu rằng Ngôn và ông đại tá đã có cuộc gặp gỡ thân mật. Dâu nói ngay:
- Cháu biết anh Ngôn có lỗi nhưng ngày kia là kỳ thi tốt nghiệp. Cháu lo anh ấy lỡ ngày bảo vệ luận án. Cháu xin thế chỗ tạm giam cho anh ấy về đi thi.

Ông đại tá lặng người đi. Hôm qua là chàng trai sáng nay là cô gái, hai con người trẻ tuổi đã cho ông biết thêm một cách ứng xử ở đời. Ông cố nén niềm xúc động.
- Bạn cháu là chàng trai tuyệt vời. Lệnh tạm giữ là động tác nghiệp vụ và Ngôn tự nguyện ở lại giúp công an bắt gọn băng nhóm côn đồ. Ngày mai sẽ có xe đưa Ngôn về nhà rồi lên trường. Cảm ơn các cháu. Cháu gái không mất vui hội làng nhé.

Đường về Dâu đi tắt lối bờ đê. Cho nhanh gặp mẹ gặp bạn ở hội làng. Mùa này sông Lăng đầy con nước nguồn mùa xuân trong xanh êm ả xuôi về biển. Một quãng dài con đường trục đồng xanh ngút bờ cây gai. Dâu xuống xe dựng ngay ngắn lại mấy khóm gai ngả ra lòng đường. Từ ngày con bé lê la Dâu đã được mẹ dạy cách nhìn cây cỏ tính tháng ngày. Mỗi tầng nhánh lá gai ứng với một vầng trăng tròn trăng khuyết. Dâu nâng cây đếm từng nhành lá xanh mỡ màng. Sáu tầng lá nữa là đến mùa thu. Ngày thu phân Dâu và lũ bạn sẽ đi dọc bờ cây chọn lá đẹp về phơi khô cất kỹ chờ tháng Hai làng mở hội.

Truyện ngắn: Trần Văn Thước

(Vũ Lăng - Tiền Hải)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày