Thứ 4, 07/08/2024, 03:55[GMT+7]

Bắt đầu từ dòng sông

Thứ 4, 31/10/2012 | 14:48:10
670 lượt xem

- Trần ơi.
Mẹ đã về chợ. Trần vội gấp dấu trang sách, thập thễnh xuống con thuyền nan cột mạn bè vó. Nhìn vào bờ Trần lúng túng đến nỗi gỡ rối gút dây cột thuyền vào bè. Mẹ không về chợ một mình. Bởi khoảng cách nửa dòng sông rộng nên dù đã gắng mắt nhìn Trần  vẫn không rõ mặt người con gái đứng bên cạnh mẹ. Cô ta là ai? Bạn chợ của mẹ. Hay người làng? Hay là… Trần nóng ran cả người vì một thoáng chợt nhớ. Hơn một lần mẹ, các bà các thím không chịu lên bờ… Chúng tao sẽ tìm dắt… xuống bè. Không đùa đâu…”
- Trần ơi. Sao lâu thế con?
- Vâng-Vâng. Con vào ngay đây ạ.

Trần xuống chèo. Con thuyền nhỏ vun vút như đang trong cuộc đua. Tật nguyền hành hạ Trần khó nhọc từng bước chân trên  mặt đất nhưng với con thuyền, dòng sông Trần chẳng chịu lép những tay thợ sông nước lành nghề.
Mẹ Trần dắt tay cô gái ra sát mép nước, trước mặt có khoảng trống giữa hai bờ lau để tiện cho con thuyền áp vào bờ. Bà vuốt mái tóc cô gái, chỉ bè vó neo giữa dòng sông:
- Nhà mẹ con cô đấy. Sông nước mát lành lắm. Cháu đừng ngại.

Cô gái vóng mắt nhìn vó đã gác cần phơi tấm. Tấm vó tơ tằm bắt nắng chiều vàng rực rỡ và chiếc cần vó với những sợi cáp giằng ghếch lên không trung vững vàng, khỏe khoắn sẵn sàng chụp xuống nâng lên cả khúc sông rộng.
Con thuyền áp bờ. Mẹ Trần cầm tay cô gái, nhìn con trai ý nhị:
- Lên nhà rồi mẹ kể. Con giữ chèo để mẹ đưa cô ấy xuống.
Trần ngạc nhiên hẫng một nhịp chèo. Thuyền nan nhỏ để mắc vó, gỗ xời đáy, chở hai người đã rất đằm. Sao mẹ bỗng quên?
- Mẹ quên mất. Mẹ Trần vội vàng. Làm sao chở được ba người chứ. Con đưa cô ấy ra rồi vào đón mẹ.
Cô  gái cười  phá lên át tiếng “vâng ạ” của Trần. Cô ta ngồi ịch xuống mép bãi, khoanh tay trước ngực và cười, nước mắt giàn giụa. Mẹ Trần ngồi nhón bên cạnh dỗ dành, cô gái càng cười to. Tiếng cười như chia từng cung bậc, lúc giòn khanh khách lúc lại như tiếng khóc. Là thật rồi cái điều Trần linh cảm khi con thuyền vào đến tầm nhìn rõ mặt cô gái. Cô gái không bình thường. Cô ta theo mẹ ra đây? Hay mẹ rủ cô ta xuống nhà bè? Để làm gì chứ?

Mẹ Trần đã đỡ được cô gái đứng lên. Cô gái nhìn xuống sông, lắc đầu. Mái tóc cô bung ra buông xõa dài quá eo lưng. Mẹ Trần giữ chặt tay cô gái, nhìn con trai
- Hay là con ra sau:
- Vâng ạ. Mẹ đưa cô ấy ra trước. Con tự vào sau.
Trần thập thễnh lên lưng mái đê vội dừng lại. Cô gái lại cười phá lên, hai tay ôm ngực, chân dậm lòng thuyền. Con thuyền tròng trành đầy nguy cơ bị lật úp. Trần nhoài nhanh xuống lòng sông giữ im con thuyền.
- Kìa con. Mẹ Trần vội xuống chèo.
- Một mình mẹ không đưa cô ấy ra bè được đâu, Mẹ ngồi giữ cô ấy để con bơi đẩy. Mẹ gác chèo lên đi.

Sông nước đã cho Trần sức mạnh trai tráng. Chỉ một tay đẩy chân đạp nước Trần đưa con thuyền lướt nhanh bằng mấy tay chèo. Trên thuyền mẹ Trần búi lại mái tóc cho cô gái. Cô gái ngồi ôm ngực hai mắt mở to đờ đẫn như thể trước mặt có kẻ đang nhăm nhe dọa nạt.
Lên bè, cô gái lại ngồi thụp xuống vòng tay ôm riết ngực. Mẹ Trần dỗ dành mãi cô ta mới chịu vào khoang nhà. Khoang nhà bè rộng rãi, gọn đẹp như một căn phòng tập thể. Mẹ Trần chỉ phản giường  trải chiếu hoa.
- Cháu nằm nghỉ. Lát nữa cô chuẩn bị quần áo tắm rửa rồi ăn cơm.

***

Bù lại thời gian xuống vó muộn Trần kéo dầy mẻ hơn. Mẻ nào  cũng rộn tiếng cá chuồi qua miệng hom xuống xời đáy. Hiếm có đêm nào Trần được nghe nhiều tiếng chuồi vui như thế. Nhưng niềm vui đêm nghề không giúp được Trần vơi đi những  băn khoăn. Lúc lên lúc về chợ mẹ đều gặp cô gái ngồi vật vờ bên gốc cây trên quãng đường vắng. Mẹ nán lại hỏi han. Cô gái ôm lấy mẹ chợt khóc chợt cười. Mẹ đưa cô gái xuống bè là việc tốt rất nên làm. Nhưng rồi sẽ ra sao? Cô gái bị chấn động nào đó sinh ra cơn hoảng loạn? Hay cô gái bị  tâm thần mãn tính? Chưa rõ cô ta mắc chứng gì nhưng thật rõ mối hiểm nguy. Trần rùng mình nhớ đến những người bệnh tâm thần lúc lên cơn. Người cười kẻ khóc. Người lồng ngồng  chạy khắp chỗ, bạ ai cũng ôm. Có người gào thét, đập phá… Bốn bề sông cả bãi lớn thế này, rồi sẽ ra sao, nếu cô ta lên cơn?

Thật to và dầy tiếng cá chuồi qua miệng hom xuống xời. Trần nhoài ra cầu vó lia đèn pin xuống đáy tấm. Sáng bạc đuôi cá to như bàn tay quẫy quẫy.
- Ôi… Lạy… cháu lạy ông…
- Kìa. Cháu… đây là…
Tiếng cô  gái đứt đoạn. Lời mẹ nghẹn ngào. Trần vội hạ cần vó đi vào khoang nhà. Cô gái đang ngồi bỗng nằm ngửa ra, trừng mắt nhổ nước bọt vào mặt Trần.
- Cút đi. Đồ khốn nạn. Đồ...
Cô gái òa khóc, lật sấp rồi lật ngửa, hàng khuya áo bật tung. Trần gạt đi những chấm  nước bọt trên mặt:
- Nghe anh nói nào.
Cô  gái bật lên chắp tay rối rít:
- Em lạy anh. Em van anh tha cho em. Đêm qua bốn, năm người. Cả buổi sáng nay… không được nghỉ.
Mẹ Trần ngồi xuống  bên cạnh cô gái. Nước mắt mẹ giàn giụa.
- Nín đi cháu. Ở đây không ai dám làm hại cháu đâu.

Trần lùi lại đứng dựa cánh cửa khoang nhà. Nhờ ánh sáng chiếc đèn bão treo vách “nhà” Trần nhìn rõ hai bầu vú, cả vùng bụng cô gái có nhiều vết bầm tím, một bên đầu vú sưng tấy. Mười mươi cô gái con nhà lành bị lừa đẩy vào ổ thú người. Lũ cuồng dâm đã hành hạ cô gái đến hóa dại rồi đẩy ra đường. Hay cô gái vùng thoát ra được?

Cô gái đã nín khóc, ngồi im để mẹ Trần giúp cài lại hàng khuy áo. Cô ta đã nguôi cơn?  Hay nước mắt và bàn tay của mẹ hóa thành thứ thuốc kỳ diệu? Như mười lăm năm trước. Khi biết mình phải mang  tật suốt đời bởi sự vô tâm của người bác sĩ. Trần gào thét khóc than đời tàn ở tuổi mười hai. Nước mắt và bàn tay của mẹ đã giúp Trần nguôi dần buồn đau căm hận. Nỗi thương cảm vượt lên những ngượng ngùng trai tráng Trần bước vào đứng trước mặt cô gái.
- Em đi ra ngoài bè một lúc cho tỉnh táo. Sông nước mát lành lắm. Đừng ngại gì.
Cô gái ngước nhìn Trần mặt ửng đỏ, môi bặm lại như kìm giữ tiếng nức nở. Trần quay ra, rồi những bước thập thễnh.

***

Trần xuống nhẹ cần vó tránh tiếng ngõng tre kít to làm động giấc ngủ của cô gái. Gọng vó vừa chạm mặt nước Trần nghe có tiếng mở cánh liếp khoang nhà. Cô gái rụt rè từng bước ra đứng giữa bè vó đăm đăm nhìn dòng sông. Cô gái đã ở với  mẹ con Trần sang ngày thứ tư Trần càng khâm phục và biết ơn bà trưởng trạm xá làng. Bà ra nhà bè khám bệnh cho cô gái. Trên thuyền vào bờ bà bác sĩ mới nói với Trần về căn bệnh của cô gái. Hành động của những kẻ vô luân đã khiến cô gái bị  hoảng loạn tâm thần cấp. Để chữa chứng này cần để người bệnh ở nơi yên tĩnh và tác động tình cảm có thể hiệu quả hơn thuốc men. Sang ngày thứ hai bà để thuốc lại dặn Trần cho uống đúng giờ. Trước lúc lên bờ đê bà nói:
“Bị hoảng loạn vì lũ đàn ông vô luân thì thứ thuốc công hiệu nhất là một Người trai tốt. Cháu hãy coi cô ấy như đứa em, như người bạn”. Đêm qua mẹ Trần cũng nói những lời tương tự.

Dàn vó đã xuống hết tầm, Trần thập thễnh bước lại với cô gái đứng tựa cửa nhìn xa xăm. Trần đón ý cô gái:
- Chợ phiên xa, mẹ anh đi sớm, không muốn đánh thức em.
Cô  gái mấp máy môi, không rõ lời. Trần nhớ đến lời bà bác sĩ: “Cô ấy đang bình thường lại. Cháu chú ý theo dõi…” Trần bước lại bên cạnh cô gái, thăm dò:
- Mẹ con anh mới sửa bè hôm rằm. Em là người khách đầu tiên xuống bè đấy.
Cô gái cúi gằm, gương mặt đỏ bừng
- Anh… Đời em coi như bỏ đi…

Trần nhìn thẳng vào gương mặt dàn giụa nước mắt, cố kìm tiếng reo: “Em hết bệnh. Em hoàn toàn bình thường rồi”. Mười mươi là như thế. Có mảng bèo hoa trôi qua dàn tấm vó. Sau mảng bèo, cỏ trôi là cá theo bóng. Nhưng Trần cho qua mẻ vó ngon, bởi mối đồng cảm đang dâng lên cay xè con mắt.
- Anh cũng từng nghĩ đời mình bỏ đi, như đã chết rồi từ ngày còn ít tuổi hơn em.
- Sao? Thật không?
- Em thì anh chưa thật rõ nguyên do. Còn anh, cái sự tật nguyền là cái cớ để anh giở đủ trò ăn vạ lấy tiền ăn chơi. Bố anh phải cấp cứu vì vết thương tái phát, còn vì anh chơi bời càn quấy. Ông xin ra viện sớm dù chưa khỏe lại. Rồi ông cùng bạn lính dựng dàn bè vó, dong anh xuống để có việc làm, cách ly với hội càn quấy.

Cha con lênh đênh sông nước, nửa tháng xuôi, nửa tháng ngược về. Cũng  tháng này năm kia, ông cho bè ngược về sớm hơn vì vết thương tái phát. Hôm trước khi đi mãi, ông cầm tay anh, thủ thỉ: “Đừng bao giờ nghĩ đời mình như thế là bỏ đi. Không có cuộc đời nào đáng bỏ đi…”. Đây là lần đầu tiên Trần kể chuyện mình với một người khác giới. Trần tin cô gái đã qua cơn hoảng loạn sẽ bộc bạch để mẹ, bà bác sĩ và Trần biết vì sao? Và những kẻ nào đã xô đẩy cô…
- Nhà vó ơi… Nhà vó…

Trần nhìn vào bờ bên kia. Khoảng cách khá xa, nghe được tiếng gọi vọng ra nhưng chỉ thấy thoáng bóng người đứng khuất sau bờ lau. Lần nữa tiếng gọi vọng ra. Biết đâu lại là người nhà cô gái đi tìm. Trần khấp khởi mừng nhưng chợt nảy ý định cho cô gái được bất ngờ reo òa.
- Hình như có khách gọi mua cá tươi. Dưới lồng còn vài cân. Anh vào đón ra, nhanh thôi.
Ông già đứng sát mép nước, vẻ lo lắng. Trần cho con thuyền áp bờ.
- Thuyền nan nhỏ, xin ông thong thả.
- Vâng. Chào cậu. Tôi không mua cá đâu có việc phiền cậu.
- Việc gì ạ. Trần không giấu nổi hồi hộp.

Tôi đi tìm đứa cháu gái. Tôi đi cả tuần nay, đến vùng này có người mách nhìn thấy cô gái na ná tôi kể đi trên đê. Tôi đi dọc sông thấy nhà vó nhà chài nào cũng gọi hỏi. Nhìn thấy nhà vó của cậu tôi cứ gọi liều may ra.
Thật là có lỗi nếu ông ấy phải chịu thêm dù chỉ một phút nỗi buồn. Trần chậm lại tay chèo.
- Cách nay mấy hôm mẹ cháu có đón một cô gái xuống nhà bè. Cô ấy kém tuổi cháu, dáng người cao, xinh xắn, tóc dài.
- Đúng là cháu tôi rồi. Nó tên là My. Phiền cậu nhanh chèo cho.
Trần thong thả tay chèo để ông già tĩnh thần lại trước tin vui. Nhìn thấy cần vó đang cất lên Trần dừng hẳn tay chèo.
- Ông nhìn cháu ông đang kéo vó kìa.
Ông già nhìn về phía nhà bè, mừng đến lạc cả giọng.
- Thế là nó khỏe. Vậy mà cả làng cứ tưởng nó quẫn trí hại đời ở đâu rồi.
- Sao làng lại đoán vậy, ông?
- Nói thật với cậu, nhà con bé My chỉ có hai mẹ con. Mẹ nó phải điều oan trái đi thưa kiện. Hai năm trời mấy chục lần đội đơn ra xã lên huyện lên tỉnh. Một lần vừa ra khỏi cổng ủy ban, cô ấy choáng váng ngã ngất, may có anh xe ôm vực lên đưa đi cấp cứu. Mẹ nằm viện con ở nhà xoay xở hết cách, con My phải đi chạy bàn nhà hàng phố huyện. Mẹ ra viện, tiền ứng quá tiền công, con My vẫn phải chạy bàn. Mươi hôm trước, chủ nhà hàng thuê đầu gấu đến nhà hạch nợ, bảo con My bỏ đi đã mấy hôm. Mẹ con My vật vã ngất lên ngất xuống. Xóm làng chia nhau người đưa mẹ đi viện, người đi tìm con. Cậu ơi. Đúng là con My rồi. Nó đứng trên đê. Mà sao nó chạy…

Trần nhìn lên thấy cô gái đang chạy gằn trên mái đê. Ông già làm loa tay gọi vống lên. Cô gái ngoái lại rồi cắm đầu chạy. Dù chỉ là phỏng đoán Trần vẫn không nén nổi cơn giận. Trần chỉ mặt ông già:
Ông nói là đi tìm. Sao nhác bóng ông cô gái bỏ chạy. Chính ông là kẻ làm hại đời cô gái.
Không. Cậu lầm rồi. Xin cậu giúp tôi nhanh chèo.
- Không. Trần quát lên, bạt chèo xoay ngang con thuyền.
Ông già cuống lên:
- Tôi hiểu… Tôi không giận cậu đâu. Rồi sao cũng có ngày gặp lại. Cảm ơn mẹ con cậu. Chào cậu.

Ông già nhảy xuống sông bơi vào bờ, Trần hết sức tay chèo vẫn không kịp chứng tỏ ông già là người lão luyện sông nước. Cho thuyền áp bờ Trần nhoài lên bờ đê. Nhìn phía nào cũng chỉ thấy cánh đồng bao la loáng thoáng bóng người đi thăm lúa. Từ trên đê chỉ có hai lối về làng: đường trục đồng và bờ máng nổi. Cô gái chạy nối nào? Ông già có đoán được, có đuổi kịp không? Tâm thái Trần rối bời lo lắng và ân hận. Cô gái chạy tới đâu? Biết nói thế nào với mẹ, với bà bác sĩ.

** *

Lại một vụ nghề vó bè, nhưng Trần chia tay niềm vui sông nước lênh đênh. Người bạn “càn-quấy-hội” một thuở đã tốt nghiệp trường sĩ quan lục quân ghé thăm nhà. Ngủ với nhau một đêm, sáng ra nó đặt trước mặt Trần gói tiền:
- Của mày đấy.
- Mày làm gì ra tiền. Cầm về.
- Nghe tao nói đây. Tao với mày, đứa được nhà trường, quân đội; đứa được bố mẹ sông nước rèn cho sáng mắt ra. Mẹ có tuổi yếu rồi, mày đi lại khó khăn. Sông nước cho thu nhập khá, nhiều niềm vui nhưng cũng lắm bất trắc. Tao biết mày ấp ủ một nghề nhưng chưa có vốn. Vó bè để lại cho người ta, thêm tháng lương đầu tiên của tao. Không nhiều nhưng cũng tạm đủ để mày thực hiện ước mơ. Tao quyết thế. Cấm cãi.

Trần có một mơ ước mà cả thời lêu lổng vẫn cứ cộm lòng: thiết kế mẫu hàng cói mỹ thuật. Trần hối hả vào việc. Dàn máy dệt, màu nhuộm, cói chẻ, cói xe. Mẹ và thằng bạn lo cho đủ. Vậy mà bốn lần ra mẫu đều không được chấp nhận. Liên tục thất bại đã có lúc Trần toan chuộc lại bè. Niềm đam mê đốt đến đồng vốn cuối cùng thì bùng sáng thành công. Mẫu làn cói xe cải hoa nổi đoạt giải nhất hội thi làng nghề thủ công. Các cơ sở cói trong huyện ngoài tỉnh mua mẫu sản xuất hàng loạt.

Cả tuần nay Trần mất ngủ vì một mẫu hàng. Đã rõ hình chiếc đĩa cách điệu vầng trăng thượng huyền nhưng vẫn rối cảnh trang trí hoa văn đáy. Có lần nửa đêm Trần vùng dậy vẽ mẫu, lúc triển khai sợi màu lại thấy chướng mắt, bỏ đi. Hình như trí tưởng tượng ra vầng trăng non để rồi vầng trăng ấy thử thách chính người tưởng tượng ra.

Trần thập thễnh lên bờ đê ngồi dựa bờ tre chắn sóng. Sông Lăng mênh mang êm ả dòng trôi. Từ khi thôi nghề vó bè, mỗi khi lòng cộm nhớ những ngày sông nước lênh đênh, mỗi lúc bấn bí công việc Trần lại ra với dòng sông. Dòng sông nào cũng khi trong khi đục, lúc êm ả, khi cuồn cuộn… nhưng đều có một siêu-trường-lực huyền diệu. Con người ta mặc dầu thân phận mỗi khi đến với dòng sông, siêu-trường-lực huyền diệu sẽ gột buồn, nhân vui, cho gặp lại những kỷ niệm đã là xa lắc xa lơ…
- Trần ơi.

Giật mình quay bốn phía Trần mới nhận ra đó là tiếng gọi vọng lên trong tâm tưởng. Trần nhớ ngay, đó là buổi sáng mẹ vào làng trở ra cùng bà bác sĩ. Trần đánh thức cô gái. Vừa ngồi lên dụi mắt cô gái đã chắp tay rối rít: “Em lạy anh. Đau lắm…”. Bà bác sĩ ngồi xuống với cô, dỗ dành: “Cháu gái nín đi. Đây là anh Trần, suốt đêm qua ngồi trông cho cháu ngủ đấy…”.

Sóng đang vỗ lên quãng nửa đêm trăng sáng. Giữa hai lần kéo vó Trần thập thễnh lại nhìn qua ô cửa sổ khoang nhà bè. Ánh trăng dọi qua ô cửa bên kia. Cô gái nằm nghiêng gối đầu lên cánh tay mẹ. Cả một thời lêu lổng chơi bời Trần chưa gặp cô gái nào có gương mặt đẹp, mái tóc dài như thế. Đột nhiên cô gái lật người rúc đầu vào nách mẹ. Hình như cô gái nói mơ.

Sóng dội lên tiếng gọi từ bờ bên. Con thuyền áp bờ rồi con thuyền quay mũi hướng về phía bè vó. Cô gái tóc dài bay bay đứng bên cầu cất vó bè. Tấm vó dâng lên gặp nắng sớm vàng óng màu tơ tằm.

Trần ngồi lặng với một niềm day dứt. Mới thế mà đã sắp hai năm kể từ lần cuối cùng Trần nhìn thấy cô gái. Luôn đau đáu trong tâm thức Trần câu hỏi: Cô gái ấy bây giờ ra sao?

Sáng nay, Trần đã ngồi lặng cả giờ đồng hồ trước bản vẽ mẫu dở dang. Mẹ Trần ngồi trên hiên chẻ cói nhưng mắt không rời khỏi con trai. Đêm qua Trần thức quá nửa đêm hì hụi với giấy vẽ hộp màu. Sáng nay dậy sớm ăn vội lưng cơm rồi ra ngồi cặm cụi với bản mẫu. Trời đang trở gió, cái chân nhức mỏi. Mẹ Trần đi ra góc sân, khẽ khàng:
- Mệt thì nghỉ con ạ.
Trần chưa kịp trả lời mẹ thì có tiếng xe máy vào ngõ. Người ngồi sau xe là ông già đã từng lên thuyền vó. Ông già nhào lại ôm lấy Trần, nghẹn ngào.
- Cậu không giận tôi chứ!
Trần đứng ngây lặng. Lần đầu tiên Trần nhìn thấy nước mắt người già. Những giọt nước mắt đục quánh hằn vết trên gương mặt già nua. Trần bám tay ông già vào nhà. Mẹ Trần và cả người đàn ông trung niên cũng đỏ hoe con mắt.

- Cậu ạ. Người đàn ông cúi mặt – Tôi… tôi là kẻ gây nên bao nhiêu đau khổ cho vợ con. Khổ lây cả bà và cậu.
Ông già đỡ lời:
- Thưa bà với cậu, đây là bố con My gọi tôi bằng bác ruột. Một thời đeo đuổi quyền bính, bỏ mặc vợ con. Chuyện này nói sau. Ngày hôm qua bác cháu tôi đi dọc sông may gặp nhà vó hỏi được địa chỉ nhà ta. Sáng nay, chúng tôi lên gặp sư thầy chùa làng rồi sang đây cầu cứu bà với cậu.

Mẹ Trần lo lắng:
- Có việc gì vậy ông?
Ông già nuốt tiếng thờ dài:
- Hôm ấy rời thuyền cậu, tối mịt tôi mới gặp con My được người đi te tép gặp giữa cánh đồng dẫn về nhà. Vài hôm sau mẹ con My được xuất viện. Con người đức độ thế mà mỏng phận. Vào vụ, gặt xong thửa ruộng chân đê, chiều về tắm giặt ăn cơm xong, cô ấy kêu nhức đầu. Vài tiếng đồng hồ sau, xe cấp cứu đến cũng không kịp.
Mẹ Trần nghẹn ngào:
- Bố cháu Trần cũng đi đường đột như thế. Sao cháu My lên chùa mà không ai khuyên can?
Người đàn ông nói trong nước mắt.
- Tất cả là tại tôi. Sau ngày giỗ đầu mẹ, cái My khóc rằng mẹ dấu bệnh vì thương con. Rằng vì nó mà mẹ chết sớm. Đến ngày rằm, nó lên chùa dâng hương xin ở lại. Sư thầy là người thông tuệ, hỏi rõ tình đầu, cho việc làm vườn để có thời gian suy nghĩ. Tôi gặp riêng sư thầy, người nói con My thật lòng quy y nhưng căn số không có đường chối bỏ nhân duyên. Họ hàng bạn bè phải hợp sức khuyên can, sớm tránh sự dang dở nửa đạo nửa đời. Trong lúc rối bời, may bác cả nhắc đến bà với cậu. Tôi nhớ đến lời dặn của người đã khuất. Một mai tôi xin thú lỗi với bà với cậu. Giờ xin hai người vì tôi một chuyến.

Mẹ Trần không một chút đắn đo:
- Ông và bác đã có lời với mẹ con cháu chẳng quản ngại gì. Thực lòng, mẹ con cháu vẫn nhớ nhắc, băn khoăn về con bé. Để tôi đi trước. Việc khuyên bảo kết quả thế nào cũng phải thu xếp cho anh em nó gặp nhau.
Trần tiếp lời mẹ.
- Ông và bác đừng ngại gì. Mẹ cháu thu xếp thế là phải. Ngày mai cháu sẽ rủ bạn sang thăm ông bà, thăm My.

Trần ngồi bên bàn mẫu lắng nghe tiếng xe máy xa dần. Nỗi buồn lo cho cô gái vơi dần. Trần tràn trề niềm tin những người thân và mẹ sẽ thuyết phục được My từ bỏ quyết tâm “xuống tóc”. Bỗng dưng Trần nghe như từ xa vời vọng về những âm thanh rất lạ. Tích tắc ngỡ ngàng, Trần nhận ra đó là tiếng dòng sông vỗ trong tâm tưởng. Suýt nữa Trần nhảy cẫng lên, reo ầm lên. Dòng sông với siêu – trường – lực huyền diệu đã giúp Trần hoàn thiện mẫu đĩa vầng trăng non. Bắt đầu là dòng sông dòng sông lượn cung trăng non. Đôi bờ lau hoa trắng. Bè vó lững lờ trôi. Cần vó đang cất lên. Nắng vàng mơ. Tấm vó ong màu tơ tằm. Và con gái dáng cao khỏe khoắn, đôi tay Trần vít nhẹ cần vó, và gió thổi mái tóc dài bay bay.

Lòng rưng rưng nỗi nhớ và niềm vui Trần cầm lên nẹn cói chẻ nuột nà như mái tóc.

Truyện ngắn của Trần Văn Thước

               (Vũ Lăng – Tiền Hải – Thái Bình)

 

 


 
  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày