Chủ nhật, 04/08/2024, 07:23[GMT+7]

Những chuyện khó viết thành truyện (phần 1)

Thứ 3, 31/08/2010 | 07:17:00
1,559 lượt xem
Người xưa rất cẩn trọng lo xa những việc mai sau. Họ nào cũng thế, không thể có chuyện ghi chép sai lệch ngày tháng những việc hệ trọng.

Ngày giỗ thắp nén hương tưởng nhớ ông bà, tổ tiên. Minh họa

1. Ngày giỗ tổ
Giám vừa ra đến đầu ngõ thì gặp chú Ngũ xách con vịt te tép đi vào. Nhanh một câu chào, Giám vỗ vỗ con vịt tre.
- Chú sang ngạch te tép từ bao giờ vậy?
- Chưa đâu. Nhưng nếu không kiếm được việc thì cũng nay mai thôi. Có mấy đôi ngan, tao sang mượn ông Chỉnh cái vịt cũ để mai thím mày đi chợ huyện.
- Chắc các loại túi bị viêm màng nặng nên chú phải nhờ lũ ngan non cõng chè vào lọ.
- Nghe được đấy - Chú Ngũ đập nhẹ con vịt tre lên đầu Giám. Ông Chỉnh đi ngược làm đá bị sốt rét phải bỏ về. Tao bàn với thím mày bán mấy đôi ngan, phần đóng giỗ họ mùng tám, phần góp với xóm ngõ đỡ ông ấy thuốc men.

Ông Tề cuối ngõ đi lên, nói với:
- Chú cháu chuyện rôm gớm nhẩy. Chờ tôi vào thăm ông Chỉnh luôn thể.
Chú Ngũ ẩy vai Giám:
- Mày vào trước bảo con Cải lo ấm nước sôi. Tao về lấy lọ chè rồi sang ngay.

Chú Ngũ nghiện chè có hạng. Trong bồ có khi hết thóc nhưng lọ chè của chú không bao giờ vơi. Sáng ra, lòng không hơi hồ, chú chỉ làm ấm chè đặc là dư sức lội ao bốc bùn cả buổi. Thím Ngũ cũng rất khéo chiều sở thích của chồng. Nghe nói hàng nào có chè ngon là thím tìm đến, không ngại giá cả. Những chặp “cháy” chè, yến thóc đổi được vài lạng thím cũng không để chú phải uống chè “nhà nước” đỏ quạch, đắng ngắt, chỉ tổ bẩn chén. Lọ chè đôi khi cũng chịu lãi như hạt thóc, đồng tiền. Xóm ngõ gọi chú là Ngũ chè để khỏi nhầm với chú Ngũ vó rong.

Nhà ông Chỉnh vốn dĩ chật chội. Xóm ngõ đến chơi thường trải chiếu ngồi ngoài hiên. Ông Chỉnh đã hết sốt nhưng vẫn còn mệt, ngồi phải dựa vào cửa. Giám pha chè, rót mời ông trước:
- Bác uống ngay cho nóng. Người bị sốt rét đã hút thuốc lào là coi như khỏi.
Ông Chỉnh cạn chén nước, khà một tiếng nhẹ nhõm.
- Sao mày về sớm thế cháu. Hết việc hay công xá mỏng?
Giám nói thật:
- Cháu làm gạch bên Trà. Việc xương công mỏng nhưng may còn tranh được xương mà gặm. Mùng tám này giỗ tổ. Anh Thế cháu ở xa không về được. Còn cháu nếu xa hẳn thì đành một nhẽ. Đằng này, chỉ hơn trăm cây số lại tiện tàu xe.

Ông Chỉnh phấn chấn:
- Mày nghĩ thế là phải. Làm thằng đàn ông có ở chân trời góc bể nào, có là vương tướng gì cũng phải nhớ ngày cúng giỗ tổ tiên nguồn cội. Chớ có như ai bỏ bê nền nếp ông cha.
Chờ ông Tề phả hết khói thuốc lào, ông Chỉnh hỏi:
- Chặp rồi bác kiếm được chứ?
Ông Tề lắc đầu:
- Cũng chẳng dễ bòn đâu. Đêm hôm một quãng ngòi con mà năm, bảy cái đèn ló. Đẫy đêm rạc cẳng may ra được dăm bơ tép. Một bơ tép ngon khéo bán mới được năm, sáu nghìn bạc. Sáng nay bà nhà tôi phải đội vịt tép sang Trình đổi gạo.
Giám buột miệng:
- Rẻ thế sao bác không phơi khô hoặc ủ mắm đến mùa?

Chú Ngũ cười.
- Mày đi “đợi mùa” mới già tháng mà cứ như từ trời rơi xuống vậy! Bòn đồng kiếm gạo, đóng học mà lại phơi khô, ủ mắm chờ được giá hả? Thế thì treo niêu, bỏ học quá nửa làng.

Bảo Giám thay ấm chè mới, chú Ngũ lái câu chuyện về việc họ:
- Không hiểu cụ tổ họ tôi nghĩ ngợi, tính toán thế nào mà lại lên tiên vào tháng ba. Đang chặp giáp hạt, kẻ đi kiếm cơm đợi mùa, người ở nhà lần hồi. Ngày giỗ, các cụ đã buồn nỗi thiếu vắng con cháu lại chạnh lòng mâm lễ kém cạnh người ta. Biết đâu các bậc tiền nhân chẳng đã nhầm lẫn khi ghi chép gia phả.

Ông Chính có vẻ bực.
- Các chú này cứ hay đùa những việc hệ trọng. Đến con cháu trong họ còn nghi ngờ ngày giỗ tổ trách gì người thiên hạ.
Ông Tề thủng thẳng:
- Người xưa rất cẩn trọng lo xa những việc mai sau. Họ nào cũng thế, không thể có chuyện ghi chép sai lệch ngày tháng những việc hệ trọng. Vạn bất đắc dĩ có sai thì cũng là điều may mắn cho cả họ Đỗ các ông.
- Ông nói may gì ạ? - Giám thực sự ngạc nhiên.
- Thì chú Ngũ vừa nói ra đấy thôi. Tháng ba ngày tám thời nào làng ta cũng chật vật đủ đường. Thôi thì trần sao âm vậy. Người sống còn đang lo chạy bữa, người chết lấy đâu ra no! Cụ trưởng cũng đành đạm bạc ngày giỗ. Hương hoa chay tịnh rồi cũng gọn đẹp. Phàm việc thờ phụng cốt ở cái tâm. Chứ như họ Tô tôi, lắm lúc nghĩ mà buồn ứa nước mắt. Buông liềm hái là vào việc họ. Sẵn đống thóc đấy là xúc đại ra chợ. Giỗ tổ, không bát ngát là không xong với nhau. Bát ngát ra rồi sinh sự gầm ghè. Rồi moi móc, xóc xỉa. Rồi nôn mửa, khóc lóc. Rồi nói chuyện bằng chai chén, bát đĩa...

Giám bật cười vì những sự “rồi...rồi...” ông Tề liệt kê ra. Cứ như ông không phải là trưởng họ Tô. Đúng là họ Tô to nhất làng Quảng, nhiều người thành đạt, quan quyền, giàu có. Hầu như giỗ tổ họ Tô năm nào cũng có chuyện cho dân làng đàm kháo.

Giỗ tổ họ Đỗ làng Quảng vào ngày tám tháng ba âm lịch. Như lệ, từ trưa ngày mùng bảy, các cụ ông trong họ đã có mặt đầy đủ để tắm đồ thờ. Dùng vào việc này phải là nước ngũ vị đun sôi lọc kỹ, chổi quét, vải lau phải là đồ mới. Chớm giờ thân, đồ thờ yên vị, cụ trưởng lên hương đèn, lễ tiền nhật bây giờ đã là thế kỷ hai mươi mốt nhưng họ Đỗ làng Quảng vẫn giữ lệ “nữ nhi miễn sự”.. Đại ý đàn bà con gái không được đụng làm đồ cúng lễ ngày giỗ tổ.

Được giao việc bếp núc, chú Ngũ có dịp trổ tài sắp đặt. Mâm xôi thịt lễ được bày xếp như một tác phẩm nghệ thuật. Mâm đồng vàng lót lá sen xanh, xôi trắng rền, thủ lợn chín trong màu da, miệng ngậm hoa hồng, tai vểnh linh động. Phần xôi thịt chín ngót trăm hộ được gói lá chuối xanh vuông vắn. Mâm kiến tại có món nóng, món nguội đủ nhắm. Tiếng là không có chảo to chõ cả nhưng cánh đàn ông họ Đỗ được dịp thụ lộc tổ, cụng ly ra trò. Xem ra bình dân cỗ giỗ tổ họ Đỗ còn ngon lành bằng mấy những mâm “ngũ bát lục đĩa” của các họ khác. Mà rất êm ấm, vui vẻ.

Năm ngoái, ấm áp nhiều bề, ngày giỗ tổ thật đông vui. Nhân có lời khen việc ẩm thực, chú Ngũ đứng lên chắp tay lễ phép: “Không có gì phức tạp đâu ạ. Ngũ này chia thịt theo cách của Trần Bình. No đều đói đủ...”. Ông Chám ngồi mâm dưới hạ chén, đứng lên: “Trần Bình chia thịt sau rồi làm thừa tướng nhà Hán tiếng thơm lưu sử sách. Chú cho làm bí thư, chủ tịch chắc cũng ngon lành!”. Chú Ngũ gật đầu đánh phắt: “Việc ấy được ạ. Ngon lành hơn chia thịt là cái chắc. Thịt còn miếng nạc miếng xương. Chứ như việc quan quyền, Trần thừa tướng có dạy, các cụ ta có lời răn chí lý lắm. Rằng việc công anh cứ phép công mà làm...”. Cả họ được trận cười vang xóm. Chuyện vui ngày giỗ tổ họ Đỗ làng Quảng trở thành giai thoại lan khắp vùng cửa sông Lăng.

...Quãng tám giờ, việc bếp núc đã hòm hòm bước một. Bước một thường bắt đầu từ lúc gà gáy canh hai. Mổ lợn, chế món và đồ xôi.

Chú Ngũ nhìn khắp gian bếp, hể hả xoa tay nói với chú Bài đang đứng trông nồi luộc thủ lợn:
- Có hai cái xem ra được cả bác ạ. Chậu tiết đỏ tươi từ mặt xuống tận đáy. Nước sôi nồi rộng thế kia mà thủ lợn vẫn “đứng” thuận chiều, màu da tươi trong. Tôi chắc năm nay thuận mùa màng, dân họ ta làm ăn được. Chú Bài gật đầu.
- Chỗ xôi cũng sắp được rồi. Ông ra dẹp hội cờ rồi sắp nong là vừa.
Hội cờ tướng vòng trong vòng ngoài kín góc sân rộng. Chiếu tướng, thượng sĩ ầm ĩ... Chũ Ngũ chạy ra huơ tay:
- Chiếu chăn con khỉ! Dẹp ra chỗ khác cho thợ cỗ trải nong làm phần.
- Làm gì hắc thế. Ơn tổ mới được ngày vợ tha cho về làng đọ tài cao thấp...
- Xuất xe..
- Xuất giời cũng dẹp lại đằng kia. Mau.

Thịt chín, nong xôi rền ngút khói, thơm lựng. Cả một nong lá chuối để gói phần, thúng khảo đựng khuôn đóng oản.

Chú Ngũ cử người làm phần rồi dặn chú Tăng:
- Lộc tổ năm nay to đấy. Mỗi phần hai bát tô xôi, ba lạng rưỡi thịt chín. Nhớ cho là chín mươi bảy suất, thiếu là tôi cúp phần các vị.
- Ông cứ yên tâm. Nếu có sai sót tôi xin xuống mâm dưới rót rượu cho bọn trẻ.
Ông Chải thắc mắc:
- Mức đóng góp như năm ngoái mà sao năm nay cỗ to phần nhiều thế?
Chú Tăng giải thích:
- Ông đi làm xa mới về chưa biết là phải. Năm ngoái mít, nhãn được giá. Cuối năm, cụ trưởng cho dọn vườn, tỉa cành bán cho đám lò gạch được một món, rồi nhà La, ngày mùa đong thóc nếp tích đấy, bán lại cho họ bằng giá gốc. Tính ra rẻ được một nửa. “Họ ủy” quyết năm nay con cháu xa gần cúng tiến được bao nhiêu dồn cả vào quỹ khuyến học dòng họ.

Dâng hương xong Giám đi sang khu vườn hương hỏa. Khu vườn rộng hơn ba sào, ngôi từ đường ngự giữa, mặt tiền là vườn hoa cây cảnh, ba phía là cây lưu niên nhãn, vải, mít, na... cùng với bờ tre đằng ngà cao vút tạo nên một vùng xanh thẳm. Đang lúc tấp nập người ra vào dâng hương lễ tổ. Hương trầm bay qua cửa sổ, khe tường áp mái lan tỏa khắp khu vườn rộng. Cả không gian khu vườn như được ướp ủ trong mùi thơm hỗn hợp của hoa lá, hương trầm và mùi xôi nếp, thịt chín. Giám chưa từng bắt gặp ở đâu một thứ mùi thơm như thế. Mùi hương hỗn hợp ấy mỗi năm chỉ thăng hoa có một lần, rất khó biểu đạt bằng câu chữ. Giám đặt cho mùi thơm ấy cái tên Mùi Linh Thiêng.

Giám chưa hề tiết lộ với ai nhưng quả quyết đó là cách gọi tuyệt đối đúng. Đã hơn một lần ở đảo xa, đúng ngọ ngày giỗ tổ, Giám ngồi bên bờ đá, thử gọi mùi linh thiêng bằng cách nhắm mắt, hít hà. Tức thì òa hiện ngôi từ đường cổ kính. òa hiện khu vườn với những thân cây vững vàng gồ rễ chằm bặp vào đất, những vòm xanh thẳm đan đan cành nhánh mập mạp căng sức dòng nhựa, những chùm quả chín thơm lựng.. òa hiện một thời thơ bé dọc ngang khu vườn leo trèo hái quả, trốn tìm...

Có một đêm trăng bên khóm tre đằng ngà, Giám được yêu và được cầm giữ một lời thề... Bờ tre còn kia, chỉ mấy bước nữa là gặp chỗ đứng đêm nào. Nhưng giờ người ấy đã làm dâu trên phố, mỗi bước đi về là xe máy, ôtô. Trong những đêm trên đảo xa, Giám nhận ra được một điều kỳ diệu: mùi hương linh thiêng vừa là chìa khóa ký ức vừa là cỗ xe chở đầy kỷ niệm. Bao nhiêu kỷ niệm dù buồn hay vui... được tẩm ướp mùi linh thiêng bỗng trở nên lung linh, tươi rói như vừa hôm qua, hôm nay thôi...

- Ai ở ngoài vườn lấy cho cành lá mít nào!
Giám bừng tỉnh. Người gọi ới ra là chú May “chuyên gia” đóng oản. Giám chạy lại góc vườn chọn bẻ cành mít lá to, bánh tẻ. Lá mít cắt tròn lót đáy khuôn, xôi nén tới độ nhấc ra quả oản đã in trên đĩa lá xanh.

- Cháu giúp được việc gì đây? - Giám đề nghị.
Chú May huơ cái kéo, hóm hỉnh:
- Cần người phụ đóng oản. Nhưng mày không đủ tiêu chuẩn.
- Sao không đủ ạ?
- Tôi hôm qua mày đứng gốc bàng với cái Cải, ít nhiều cũng nhiễm hơi phái yếu. Cho mày chạm vào đồ lễ rồi tổ lại phạt mày đến đứt dây thần kinh vì phải đấu tranh giữa hai con đường “yêu mới” hoặc “yêu lại” thì chú mày ân hận suốt đời. Nói đùa vậy, mày lại phụ nhóm chia phần cho nhanh.

Nhóm làm phần đang mải. Người đong xôi, cắt thịt, người gói. Lần đầu tiên Giám được tham gia việc này. Lá chuối to bản hơ qua lửa cho mềm, lạt tre dây chẻ mảnh. Giám nắn nót cho gói phần vuông vắn. Đã nhiều rồi còn phải đẹp nữa. Giám thích thú hình dung ra cảnh lũ trẻ họ Đỗ ôm gói lộc tổ tung tăng trên đường.

Xong việc gói phần, ông Cẩn bảo Giám:
- Mày tinh mắt đếm lại gói phần. Không thiếu đâu nhưng cứ đếm lại cho chắc.

Giám đếm bằng mắt được mươi gói đã nhầm. Đếm lại cũng đang nong này nhảy mắt sang nong kia. Giám ngồi thừ ra, cảm giác chông chênh rất lạ. Phải mất một lúc Giám mới hiểu ra nguyên nhân...

...Những năm khó khăn, giỗ tổ họ Đỗ đạm bạc, người lớn không được đầy chén rượu, trẻ con nhỏ xíu gói phần. Sau ngày giỗ tổ lũ trẻ họ Đỗ bị chúng bạn trêu chọc đủ điều. “Ê xì họ Đỗ cúng tổ không cỗ không phần... họ Đỗ nghèo rớt mùng tơi... họ Đỗ kẹt xỉ nõ đít...”. Có người lớn còn ngấm ngầm mượn cái miệng trẻ con để đọc xỏ nhau: “Ê... ê... họ Đỗ đếch có cán bộ.... Họ Đỗ có tướng ngụy Sài Gòn...”. Thế là xảy ra ẩu đả. Lũ trẻ họ Đỗ ít hơn nhưng trội hơn ở tinh thần đoàn kết. Một đứa bị trêu chọc, cả bọn phải có nghĩa vụ bảo vệ. Hôm nay thua, ngày mai ngày kia phải thắng. Đã có không ít vụ xô xát trẻ con làm buồn đau người lớn.

Có một năm, bài vè “giỗ tổ không cỗ” bỗng rộ trước ngày giỗ cả tuần. Người lớn cười khẩy không thèm chấp nhưng lũ trẻ quyết không cho qua. Buổi tối, lũ trẻ tụ tập sau nhà ông Tám. “Sẹo gáy” đương chức thủ lĩnh, phân công nhóm chuẩn bị gói phân trâu, nhóm vót nhọn đầu thước gỗ. Có ông bố nấp trong bụi cây, phát hoảng vì kế hoạch của lũ trẻ. Tối mai sẽ có trận “mưa” phân trâu vào nhà này, nhà kia... sẽ có trận “đánh” ở ngã ba. Ông bổ ra quạt cho con cháu một trận rồi sang thưa với cụ trưởng họ. Mưu mô trẻ con hóa một cú “hích” người lớn.

Ông Chải hiến họ con lợn bảy chục cân. Chú Hộ cúng tiến sáu thùng gạo nếp... Sáng hôm sau, người khênh lợn chọc cho con lợn kêu toáng lên. Người tay dao, tay rổ sang vườn họ Đặng, họ Trần... xin lá chuối. Nửa buổi, ông Bầu chỉ nong xôi thịt nói to: “Đích thị đây là bằng chứng một cuộc cách mạng giỗ tổ...”. Lời nói vui mà nhiều người đỏ hoe con mắt. Từ đấy, dân họ quyết tâm duy trì thành quả “cuộc cách mạng” khởi phát từ trò trẻ con.

Thủ lĩnh “sẹo gáy” ngày ấy chính là Giám. Vết sẹo là “chiến tích” cuộc đấu tay đôi giữa Giám và thằng Công họ Bùi. “Chiến tích” của thằng Công còn to hơn. Hai thằng đánh nhau vì danh dự dòng họ. Những trò thua thắng trẻ con đã thuộc về miền thơ ấu. Tình cảm trai làng đã phủ kín vết sẹo trẻ con.

Lạ lùng, trong miên man hồi nhớ Giám đếm không hề lầm lẫn. Vừa đếm xong thì chú Ngũ trong bếp đi ra.
- Đủ hay thiếu, Giám?
- Đủ ạ! - Giám nâng một gói phần đặt vào tay chú Ngũ - Trưởng ban xem có đạt không.
Chú Ngũ ngắm nghía rồi nâng gói phần qua đầu.
- Thằng Giám thế mà khéo tay. Chưa năm nào gói lộc tổ họ ta to, đẹp như thế này. Nếu nhà nước mở cuộc thi “gói lộc tổ”, họ Đỗ ta ăn chắc huy chương vàng.

Mọi người cười ồ. Giám xếp dãy gói lộc tổ chờ giờ phát phần. Lát nữa lũ trẻ sẽ ùa đến. Chúng sẽ nâng lên tay gói thế giới vật chất -  tinh thần của cả dòng họ. Là cả một niềm tự hào. Gói lộc tổ sẽ tiếp sức cho con người làm lụng, tảo tần và hy vọng.

Trần Văn Thước

(Vũ Lăng - Tiền Hải )

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày