Thứ 7, 03/08/2024, 13:22[GMT+7]

Những chuyện khó viết thành truyện (tiếp)

Thứ 3, 31/08/2010 | 07:24:22
1,338 lượt xem
Xưa nay, ngày cũng như đêm, khi đi qua gò Bà, dân làng đều im lặng và chậm bước lại. Dù không nói ra nhưng lòng người ai cũng rưng rưng niềm biết ơn người đã xả thân vì nước, lập nên vùng đất trù phú này.

2. Muối của đất.

Ở ngoài đồng, đến lúc tối sẫm Giám và chú Tựa mới sửa xong nong nước. Lâu thế là vì chú Ngũ lơ là để bờ lở, cỏ mọc nghẽn đường nước. Bây giờ thì thuận thàng rồi. Nong nước thoáng rộng, đón nước trên máng nổi, tự động tóa ra ruộng nhà Giám, nhà chú Từ, sang cánh ruộng vàn của chú Ngũ, chú Tựa...

Lên bờ đạc, Giám dừng lại nhìn nong nước, không giấu nổi niềm vui:
- Đêm nay, trạm bơm xả ba vòi, cái nong thừa sức đón nước cho cả cánh.
Chú Tựa gật đầu:
- Vì chúng tao mà mày muộn cuộc hẹn gốc bàng, đi lối tắt cho nhanh.
- Cháu không có hẹn hò gì. Nhưng cứ đi lối tắt cho chú sớm cơm nước kịp hội nước chè.

Xuống khỏi bờ máng, hai chú cháu men bờ ruộng sang con đường nhỏ dưới chân gò Bà. Gò Bà như quả đồi xanh um cây cối giữa cánh đồng lớn nhất vùng châu thổ sông Lăng. Hai chú cháu im lặng, chầm chậm từng bước. Xưa nay, ngày cũng như đêm, khi đi qua gò Bà, dân làng đều im lặng và chậm bước lại. Dù không nói ra nhưng lòng người ai cũng rưng rưng niềm biết ơn người đã xả thân vì nước, lập nên vùng đất trù phú này. Từng bước... từng bước... Giám cảm giác vòm cây đang lao xao gọi về chuyện ngàn năm trước.

Cả ngàn năm trước châu thổ sông Lăng là vùng đầm nước, ngút ngàn lau sậy. Nơi đây còn căn cứ của nghĩa quân chống quân ngoại bang phương Bắc. Mùa thu năm ấy, giặc đem đại quân thủy bộ bao vây căn cứ. Sau nửa tháng chiến đấu, quân ta bị bao vây tứ bề. Giữa lúc ngàn cân treo sợi tóc thì người vợ thủ lĩnh nghĩ được kế thoát hiểm.

Bà ra lệnh cho quân sĩ đánh đắm hết mọi thuyền bè, ai nấy tự ngụy trang trong lau sậy, tự giải thoát, hẹn một ngày hội quân. Còn lại một mình bà và một chiếc thuyền. Bà trang trí cho chiếc thuyền rất đẹp rồi giương cờ soái, dong buồm xuôi ra phía biển. Vòng vây thủy quân mỗi lúc một siết chặt. Bà đục thủng đáy thuyền rồi đứng giữa cột buồm tuẫn tiết. Vòng giặc phương bắc khép lại chỉ thấy đỉnh cột buồm nhô giữa vùng nước đỏ.

Thời gian ngún cháy. Nơi đây bà tuẫn tiết nói lên gò đất. Giữa vùng nước mênh mông gò Bà như một điểm hút về phù sa tứ phía. Thiên niên phù sa bồi tụ vùng đầm lau sậy và mồ hôi con người đã kiến tạo nên cánh đồng bao la mầu mỡ...

Cách gò Bà một quãng, Giám rảo lên cho kịp chú Tựa. Giám kể với chú điều định nói trong lúc còn bên Gò Bà:
- Ngày còn ở lính có lần cháu kể sự tích gò Bà làng ta. Chuyện người xưa để lại thế mà có đứa bảo cháu phịa ra, đại bốc phét. Cháu vặc cho lũ bạn một trận, còn suýt choảng nhau nữa.
Chú Tựa vấp chúi, may không ngã sấp:
- Ngay làng mình cũng có khối người không tin trách gì thiên hạ. ở đời, đôi khi con người ta phải vin vào những chuyện khó tin để mà gắng gỏi, hướng tới. Mày cứ ngẫm mà xem. Tao không nói chơi đâu.
Giám tin chú Tựa không nói chơi. Bâng khuâng, Giám nhớ đến đảo đá, đến những tranh cãi với bạn lính.

Phía trước, chú Tựa đột nhiên sững lại khiến Giám lỡ bước suýt va trán vào chuôi cuốc trên vai chú.
- Bố con ông Bồng làm gì thế kia!

Chú Tựa thảng thốt đi như chạy đến thửa ruộng áp ngòi Cả. Giám rượt theo, dừng lại đầu bờ, không tin ở mắt mình. Bố con ông Bồng đang xếp vờ cày lên xe cải tiến. Đất lấy đi đâu đã vãn chỉ còn trơ nền ruộng.

Ông Bồng lên bờ với hai chú cháu, nhanh tay quệt mồ hôi trán.
- Chú với cháu biết rồi đấy. Thửa ruộng nhà tôi nay mai là trạm viễn thông. Tiếc lượt đất màu no ải, tôi với các cháu tranh thủ chở sang thửa trũng đầu lối.
Chú Tựa chắp tay:
- Xin bái phục bác. Hòn đất bát mồ hôi nước mắt. Cho chú cháu tôi đỡ một tay.

Sáu người chia làm hai cặp: cuốc, chuyển đất và đẩy xe. Giám làm “ngựa”, chị em Dung, Hạnh đẩy phụ. Được mươi chuyến ông Bồng bắt mọi người giải lao. Bữa giữa buổi có khoai luộc, nước chè xanh ấm ủ.

Ông Bồng đưa cho Giám củ khoai, khoát tay phía thửa ruộng trước mặt:
- Cháu có biết lai lịch thửa ruộng này không?
- Không ạ!
- Khoai chiêm dâu thửa ruộng này đấy. Vừa ăn tao kể cho mày nghe.
Giống khoai chiêm dâu trắng vỏ đỏ lòng. Giám bẻ đôi mời Hạnh một nửa. Ông Bồng nhấp ngụm nước chè, đôi mắt đảo nhìn xa xăm.

...Những năm bốn mươi thế kỷ trước, thửa ruộng áp ngòi là cái ao hoang. Tiếc đất cụ Đầm xin mua. Bên ngoại có ông cậu chánh tổng nên việc mua bán chóng vánh. Ròng rã nửa năm trời vợ chồng con cái thợ cày gánh đất bãi lấp trũng. Cái ao hoang trở thành thửa ruộng màu mỡ. Đến thời cải cách có kẻ tố cụ Đầm chiếm ruộng, bóc lột. Đấu lý bị thua đội ủy gộp thửa ruộng khai hoang vào số ruộng vốn có. “Sáng kiến” ấy đã tâng cụ Đầm lên hạng địa chủ phải xử lý. Tài sản mồ hôi nước mắt mấy đời bị chia năm xẻ bảy. Vợ chồng cụ Đầm bị giam trong chính ngôi nhà cha mẹ để lại. Cụ bà vật vã, uất đến sinh bệnh rồi qua đời. Đội sửa sai kịp về cứu được cụ ông khỏi án “dựa cột”...

Ông Bồng thở dài, chống gối đứng lên, khó nhọc từng bước. Chú Ngũ đi theo, hai người dừng lại ở góc bờ.
- Bây giờ thì tôi hiểu vì sao dạo dồn thửa bác chịu thiệt đổi bằng được thửa này.
Ông Bồng gật đầu.
- Đấy là nguyện vọng của cụ thân sinh. Cụ sẽ rất vui khi biết trên mảnh đất mình khai khẩn sắp mọc lên công trình hiện đại. Còn chuyện nữa, không dám giấu chú, ruộng thu hồi rồi nhưng chưa làm ngay, chị em con Hạnh bảo bố cứ cày lật phơi ải. Lớp đất màu ông bà để lại không thể để lấp mất. Chở sang ruộng khác, ruộng tốt hơn, ông bà không buồn tiếc công lao.

Chú Ngũ vung cuốc, lật từng mảng đất. Giám bưng từng tảng chuyển cho chị em Hạnh Dung chuyển lên xe. Có một lần bàn tay Giám gặp bàn tay Dung nơi hòn đất no ải thăng lên mùi hương rất lạ. Cái mùi thơm ấy gợi cho Giám một suy tưởng mới mẻ: Đấy chính là mùi muối của đất, một thứ muối được hình thành từ tiếng cuốc lật đất, tiếng bước chân trâu, tiếng gầu nước đổ, tiếng mồ hôi rơi, cả tiếng gió vi vu từ cây cối gò Bà... cả từ ý nghĩ của chị em Hạnh, Dung... Tất cả hòa trộn làm nên một thứ muối của đất, vô hình và hiện hữu. Không có thứ muối ấy cả thế giới này sẽ hoang vu, không mảy may sự sống.

Trên đường về, Giám nói với cô út nhà ông Bồng:
- Em học giỏi môn văn nên ghi nhớ chuyện đêm nay để lúc nào đó làm tài liệu viết chuyện làng mình.
Chị em Dung Hạnh cười rúc rích. Giám nhắc lại;
- Anh không nói đùa đâu.
Hạnh níu chị dừng lại.
- Thì chúng em có bảo anh đùa đâu. Có điều viết văn là việc lớn lao em chưa dám nghĩ đến. Nhưng em sẽ nhớ đêm nay và chờ đến khi nào anh đủ dũng cảm.
- Sao lại phải chờ? Mà dũng cảm gì chứ?
- Khi nào anh đủ dũng cảm “lại biết yêu lại...” thì em sẽ viết chuyện làng ta ngày xưa với bây giờ.
Giám cắm cúi bước, hóa ra tụt hậu. Chị em Dung, Hạnh đã ở trên bờ máng nổi. Bờ máng nổi bề thế, lừng lững như bờ đê con sông Lăng chảy bao làng.

Trần Văn Thước

(Vũ Lãng - Tiền Hải)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày