Thứ 3, 06/08/2024, 11:17[GMT+7]

Tri ân

Thứ 5, 12/01/2012 | 08:27:52
897 lượt xem

Tân giám đốc sở là một người đàn ông hơi cao tuổi, nhưng dễ gần. Người thấp, đậm, mặt hơi nặng một chút, nhưng mái tóc ánh kim phủ lên cái đầu tròn xoe nhìn có vẻ sành điệu. Người ta bảo, trong suốt những năm công tác, ông không to tiếng với ai, nụ cười lúc nào cũng giòn tan, trẻ trung và luôn thường trực trên môi. Nhiều người trong cơ quan nói với tôi, lão ta chẳng tài cao đức trọng gì cho cam, may mà được cái tận tụy với công việc, gần gũi và xởi lởi, suốt nhiều năm làm cán bộ, rồi trưởng phó phòng Phòng hành chính- tổ chức, đố ai đem tiền hay vật chất mua được một xuất biên chế hoặc một chức nhỏ nhoi trong nội bộ sở. Xem ra, ông đúng là cái mẫu hình của một lớp cán bộ thời bao cấp, kỷ cương và minh bạch, một người chắn giữ khung thành nghiêm khắc và tín cẩn.

Tôi chơi thân với ông từ thời còn là nhân viên hành chính. Chúng tôi thường coi nhau là bạn bè, hay nhậu nhoẹt và tôi luôn coi mình là kẻ bắt vía được ông ta bất cứ lúc nào. Hai bà vợ gặp nhau thì bảo, hai ông chồng thân nhau như hình với bóng, khó mà bảy ra được. Hình như, chúng tôi đều ý thức được điều đó. Một lần trong bữa nhậu tiểu hổ, tôi cố tình đưa ông tới một nhà hàng nhỏ của thành phố cấp tỉnh, nhỏ quán chứ mọi thứ ở đây chẳng nhỏ chút nào. Hai thằng vừa đến, hai em ca ve váy ngắn cũn cỡn, áo hai dây để lộ gần hết hai bầu vú phổng phao và trắng nõn nà chạy ra và đưa đến một phòng nhỏ trên tầng ba. Cứ tưởng ông phải nghiêm sắc mặt và tống cổ mấy con đĩ non rời khỏi bàn tiệc, ai dè, ông cứ mặc cho các em nói cười, vừa chúc rượu vui vẻ, vừa the thé hát và lại còn rúc rích cười. Hai em cứ mặc cho hai bàn tay thô ráp của ông tìm kiếm các bộ phận đàn bà mà cánh mày râu không được tạo hoá dành cho.

Tiệc tan. Các em sau khi nhận tiền bo, vội vã dọn dẹp và bê cà phê lên. Nhân lúc ngà ngà say rượu và say tình, tôi kéo ông ngồi sát lại và nói nhỏ:
- Ông Vận này, mình có thằng cháu vừa tốt nghiệp đại học vào loại thủ khoa, lại học đúng ngành nghề của sở ta, định cho cháu về với các anh, được không?
Ông  ôm chặt lấy tôi, miệng phả hơi rượu vào tai:
- Được chứ. Hoan nghênh nữa là khác. Phải nói là trải thảm đỏ ra đón đấy chứ. Chính sách chiêu hiền đãi sỹ của tỉnh đấy, làm sao mà chối từ được. Nhưng ông này, từ từ cái đã, để mình lựa lời thuyết phục ông Am một tý. Chắc không phải chờ lâu đâu mà sợ. Tin mình đi!
Tôi tin chứ, bởi một vị phó giám đốc phụ trách tổ chức đầy uy quyền đã hứa như đinh đóng cột, ai còn dám nghi ngờ gì.

Lão Am mà ông Vận vừa nhắc đến là một lão già ngấp nghé mã hồi, tóc trắng cắt cao tới đỉnh đầu, kính hai màu nghe đâu tới bốn đi-ốp. Ông ta trầm lặng như đất nung, ít chính kiến, khó dò xét, đang là đương kim giám đốc sở. Quỹ thời gian dành cho ông chỉ còn tính bằng ngày, nên nội bộ sở mới sôi lên cuộc chiến một mất một còn. Ai sẽ lên thay lão Am? Người ta rỉ tai nhau để tìm người này, người nọ kế nhiệm theo cánh của mình. Hai ông chủ tịch huyện, trong sở thì có hai đương kim phó giám đốc, ấy là chưa kể một trưởng phòng giỏi có thể vượt cấp, đang là ứng viên sáng giá. Vẫn còn có thể, lại một ông hay một bà nào đó có chân trong cấp uỷ, cấp phó của ngành khác cũng muốn dòm sang cái mảnh đất màu mỡ này, bởi như nhiều ngành, đoàn thể trong tỉnh, cứ có ghế trong cấp uỷ làm được hết, có thằng phó giỏi chuyên môn, nghiệp vụ là được rồi! Họ biết đường đi nước bước chứ không như mấy người có chuyên môn nghiệp vụ giỏi cứ tưởng: “Cần gì phải chạy. Thử hỏi, ở cái tỉnh này ai giỏi nghiệp vụ hơn mình? Cái gì đến rồi tất đến!”. Và, cái gì nhẽ ra đến nó lại không đến! Cứ theo một chu trình muôn thuở, con chị đi thì con dì lớn, chức giám đốc đó thuộc về hai phó giám đốc.

Ông Vận đã lăm bẩy tuổi nắm quyền sinh, quyền sát trong sở, tuổi hơi cao một chút, nhưng quan hệ rộng, còn tay kia giỏi nghiệp vụ lại trẻ quá, về lâu, về dài cờ cũng đến tay nó thôi. Thế là cuộc bứt phá về đích khá ngoạn mục. Chỉ mỗi giám đốc sắp về hưu kéo theo cả một dây mơ ước. Tỷ như, chuyên viên ngấp ngó phó phòng. Phó phòng hy vọng trưởng phòng. Trưởng phòng ngấp nghé phó sở, có thể tạo ra bước nhảy ngoạn mục. Phó giám đốc cạnh tranh lên giám đốc, trong đó ông Vận, bạn tôi! Cái hay trong công tác tổ chức là ở cái guồng quay ấy. Chỉ một lão già sắp về vườn thôi mà kéo theo năm sáu cái giật thột, bẩy tám cái mơ ước, làm cho cái thị trường tổ chức thật nhộn nhịp, thật thú vị, thật hy vọng và cũng thật bạo lực. Thôi thì, phái nọ nói xấu phái kia, lôi mọi thói hư tật xấu ngày nảo, ngày nào của nhau ra trong các cuộc họp và cả trong rỉ tai. Kẻ đèo vợ đến tận nhà người có trách nhiệm nỉ non, quà cáp, khóc lóc. Kẻ dùng sức  mạnh của doanh nghiệp, bạn bè, anh em, họ hàng có tiền và chút liên quan, đến thăm và chẳng hề ngại ngùng ra giá...

Ông Vận của tôi chơi hẳn ba chiêu.
Chiêu một là, ông đến tận nhà tay phó trẻ và quỳ xuống khóc than, mà rằng: “Chú ạ. Anh Am bảo, giám đốc sẽ được đẩy lên từ cấp phó. Nước lên thì thuyền lên mà. Anh nào chạy được tôi  đồng ý tuốt! Em còn trẻ, đời còn dài, anh thì chỉ còn nửa khoá thôi nên rất muốn được ngửi mùi giám đốc cho nó biết vị đời. Nếu anh được tín nhiệm, cả gia đình anh biết ơn và hậu tạ, hết khoá anh sẽ tạo thuận lợi cho em. Cờ chẳng vào tay em thì vào tay ai đươc! Chỉ cần em nói một câu với tổ chức thì mọi chuyện sẽ đâu vào đó”.

Chiêu hai là, nhờ những ai tuy ít tiền nhưng uy tín với tỉnh cao như cánh nhà báo chúng tôi, cán bộ tổ chức bên đảng và chính quyền của trung ương dội về, của tỉnh dội sang. Chỉ cần năng gặp những người có trách nhiệm giương đông, kích tây, khen ông Vận và chê hết thảy những ai có thể cạnh tranh!

Chiêu ba là, đưa bà vợ trẻ duyên dáng đến tận nhà nỉ non than vãn, tổ chức các bữa nhậu đơn phương, đa phương và ra giá thẳng thừng!...

Cuộc chiến chưa đến hồi kết thúc nên thằng Bình cháu tôi vẫn còn treo lơ lửng trên cửa sổ của các nhà tổ chức. Cháu thì buồn nản, còn tôi đặt cả niềm tin vào ông Vận, bởi ông đã chính thức nhận quyết định quyền giám đốc, bỏ qua cái thông lệ xưa nay là trẻ, khoẻ, có đức, có tài và mình vì mọi người. Cứ theo quy định chung, cháu tôi sẽ là người đầu tiên trong danh sách tuyển dụng: thủ khoa đại học chính quy, tiếng Anh thông thạo, vi tính mòn cả trăm con chuột, đúng ngành nghề của sở, đúng mẫu hình trẻ đẹp, tài đức vẹn toàn mà tỉnh đang trải thảm đỏ ra đón... Hình như cu cậu cũng biết điều đó, phấn khởi, tự tin ra mặt! Thú thật, tôi cũng mừng thầm cho cháu và coi ông Vận như là một ân nhân.

Sau gần hai tháng được lên nắm quyền với chức danh quyền giám đốc, ông có thông báo cắt cu vào buổi sáng, thì chiều tôi gọi điện chúc mừng và cũng không quên nhắc lại chuyện cháu Bình. Ông Vận cười như ngô rang trên máy:
- Chào ân nhân! Không có ông chắc còn phải gập ghềnh chán. Nhưng không sao, thuyền đã cặp bến an toàn rồi! Còn việc cháu Bình í à, yên tâm đi. Chuyện nhỏ!
Tôi mừng rơn. Ân nghĩa rồi cũng được đền bù, tình bạn của chúng tôi sẽ càng bền chặt. Và công việc của cháu tôi chỉ còn là ngày một, ngày hai.

*
*  *

Sau Tết âm lịch, mưa phùn cứ rả rích rơi. Thi thoảng những cơn gió bấc cứ xoáy sâu vào từng lớp áo. Trời sà thấp và u ám. Hết rét đợt một đến đợt hai, rồi bổ sung một đến bổ sung hai. Mọi việc chạy chọt, kẻ được, người mất cũng đã đến hồi kết, bởi cái dây truyền tổ chức từ phó phòng đến giám đốc đã yên bài trước đêm ba mươi rồi! Sau tết, người ta đến chúc mừng sức khoẻ nhau, chậm chạp và mệt nhọc, nên cái rét được nhân lên gấp đôi, gấp ba.

Thói đời là vậy, người ta phù thịnh chứ ai phù suy, nên bạn tôi vẫn còn nhiều người vì lý do gì đó chưa kịp đến làm lại trước đêm ba mươi. Bà Vận sau một thời gian vì chồng, da xám ngoắt, mặt nổi đầy tàn nhan, nay phổng phao trở lại một bà kế toán kiêm thủ quỹ tại gia tin cậy và nhan sắc. Cái giọng đon đả, xởi lởi ngày xưa biến mất, thay vào đó là tiếng nhặt khoan, nặng chình chịch, cậu cậu, chú chú, chị chị, tớ tớ, em em. Cặp mắt soi mói vào những cái túi giấy có gói bánh, tút thuốc mà dưới đấy là cái phong bao nhẹ là đô, dầy cộm là vi-na đồng để tỏ thái độ cho phù hợp. Thông thường, những ngày đó, ông bà đang thu lại cái đã mất, tìm mọi cách sao cho cái hiệu số dương nghiêng dần về mình...

Ông bà vẫn coi vợ chồng tôi là ân nhân. Tôi nói với vợ, họ không tết mình thì thôi, chứ làm sao mình lại chạy như những kẻ thân cô, thế cô được! Tôi đã đem uy tín của mình, lại còn coi nhau như vong niên, bạn nhậu nhoẹt và cả bạn đú đởn nữa, vậy thì, làm sao phải chạy cho cháu Bình như kẻ nhờ cậy khác. Tuy nhiên, để cho chắc ăn, vợ chồng tôi và cháu Bình cũng mang giỏ quà quá sức của mình là một giỏ quà bán sẵn, mà trong đó nổi lên chai XO, tút thuốc lá 555, cân chè Thái, chục phong bánh nhập ngoại, tính ra cũng hơn nửa tháng lương của tôi. Nhận giỏ quà, ông cười và bảo: “Vẽ chuyện. Ông lại làm tôi khó xử rồi!”. Biết ý, vợ ông đưa giỏ hàng lên chiếc mâm đồng, tháo bánh, gỡ thuốc, mở rượu gọi là liên hoan mừng tình bạn hữu của chúng ta mãi mãi vì nhau. Cuộc liên hoan ngay tại gia thật thú vị vui vẻ, nói cười hơn là ăn uống.

Vãn xuân rồi mà nhà ông Vận khách vẫn nườm nượp. Kẻ quen, người lạ chật cứng cả cái gian nhà khách được một tay nội thất mua sắm và bày biện thật mới lạ mà cả đời vợ chồng tôi có mơ cũng chẳng bao giờ có được. Mừng cho bạn mà sao cứ lo lo. Biết rằng, chỉ lo bò trắng răng, thời buổi nó vậy, bận tâm làm gì cho tốn hơi, hại sức. Cũng biết, kiểu mua quan, bán chức đâu có bền, với ông thì quỹ thời gian ngắn quá, chỉ có ba năm thôi, ba cái chớp mắt là kết thúc một nhiệm kỳ, ngăn cản sao được! Thỉnh thoảng tôi vẫn giật thột, song lại tự an ủi, chỗ bạn nhậu, chẳng nhẽ ông Vận làm tội, làm tình và hạch sách thằng cháu tôi như người khác ư? Bác nó đã mua hết cái nhục trên đời để cho ông ta được, lẽ nào? Về nhà nghe cháu nó bảo, tại chỗ bạn bè của bác nên công việc tiến triển quá chậm. Cứ như người ngoài, đánh toẹt bài ngửa, được mất nó rõ ràng, còn hơn cái kiểu nay hứa, mai hứa.

Hình như nó nói đúng. Thà rằng, mười vé hay hai ba mươi vé cho nó xong mẹ nó đi, cứ cái trò ân nhân kiểu mèo vờn chuột, không biết khi nào cháu Bình mới được nhập sở? Cái đau nhất chính là mình quen, mình là ân nhân, mình là bạn nhậu, mình là đồng hữu. Còn cái đau nữa là, lúc nào cũng bảo thằng cháu kiên nhẫn một tý, đợi chờ một tý. Mình là kẻ cậy nhờ, chả nhẽ không có đủ nghị lực cho sự chờ đợi ư? Biết chờ đợi là biết đạo lý làm người trước cái quy trình vô cùng chặt chẽ và vô cùng kín đáo, trước cái luật đời bất thành văn và cũng là đo sức chịu đựng của con người. Biết sao được, bởi người ta vẫn sống như thế với cái tâm niệm có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ, trốn sao được sự nghiệt ngã ấy. Bao đời nay người ta vẫn sẵn sàng làm như thế, có ai chết đâu. Giàu nghèo nó có số cả. Ai nắm tay từ tối đến sáng?...

Biết rằng, lớp trẻ bây giờ sống thẳng thắn lắm, thực dụng lắm, không uốn lượn như cha chú, nhưng sao tôi vẫn cảm thấy lo lo, bởi cái cảnh im lặng chờ đợi hai tiếng chuyện nhỏ này chính mình cũng không chịu nổi, huống hồ là một chàng trai mới hai mươi hai tuổi.  

 *
*  *

Mấy hôm nay cháu Bình đi Hà Nội suốt, hỏi mẹ nó thì được biết, cháu ở nhà mãi buồn quá nên đi chơi vài ngày cho nó khuây khoả. Sáng nay, bỗng nó sang nhà chơi và chìa cái Quyết định của Vụ tổ chức thuộc Bộ chủ quản của ông Vận nhận, vào làm việc ở Viện khoa học. Tôi mừng quá nhưng cũng hỏi:

- Thế còn chỗ bác Vận?
- Chờ lâu quá nên cháu cũng nản, bác ạ. Ở trên bộ, người ta tiếp nhận người bình đẳng lắm, chuyên nghiệp lắm. Qua ba vòng thi tuyển mới được đấy. Nếu không thi được chắc chắn bị loại ngay từ vòng gửi xe! Cháu bác đứng đầu trong danh sách sáu người. Cháu nói thật, ở trên đấy người ta trân trọng người giỏi, người tài, điều kiện nghiên cứu khoa học hết sểnh, chứ loanh quanh ở đây thì đã bé bát gạo, lại lâu đồng tiền, mà chúng cháu cần tiền để mưu sinh và để lập nghiệp, cần tiền để học lên!

Đang nhâm nhi nỗi mừng thì nhận được cú điện thoại của ông Vận:   “Ân nhân chưa về cơ à? Mấy tuần nay họp liên miên, chưa có thời gian sờ đến những công việc còn tồn đọng, trong đó có hồ sơ của cháu Bình. Bảo nó cố chờ chút nữa nhá. Chuyện nhỏ mà! Này có rỗi không, chốc nữa ta làm tý nhỉ? Bận à, thế thì mai nhá!”. Muốn chửi thẳng vào cái bộ mặt giả nhân, giả nghĩa ấy một trận cho hả dạ, sực nhớ đây là điện thoại công nên thôi. Đang cố quên đi nỗi đau của kẻ đi xin việc thì tiếng điện thoại lại vang lên:

- A lô, Minh tổ chức chính quyền đây. Này, tuần trước ông Vận ký quyết định nhận mười hai trường hợp. Toàn những tên lạ hoắc. Không thấy có tên cháu Bình nhà ông. Chắc còn vướng gì hả? Hỏi lại lão ta xem sao?

Thiếu Văn Sơn

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày