Thứ 5, 03/04/2025, 12:19[GMT+7]

Quy định “5 biết” khi đánh giá cán bộ cơ sở của mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” ở tỉnh Thái Bình - Sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận

Thứ 2, 24/03/2025 | 15:27:02
709 lượt xem
Cụ thể hóa các văn bản của Trung ương chỉ đạo về công tác dân vận mà trọng tâm là Kết luận số 43-KL/TW, ngày 07/1/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, ...ngày 05/7/2022, Tỉnh ủy Thái Bình đã chính thức ban hành Đề án số 08/ĐA-TU về xây dựng thí điểm mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2023-2025.

Người dân tới giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Sau đó, ngày 14-8-2022, Ban Dân vận Tỉnh ủy và Sở Nội vụ tỉnh Thái Bình ban hành Hướng dẫn số 03-HDLN/BDVTU-SNV về việc hướng dẫn thực hiện Đề án. Để hiện thực hóa Đề án, bắt đầu từ tháng 9-2022, Thái Bình đồng loạt tổ chức ra mắt 16 mô hình “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ”[1]. Đề án được thực hiện thí điểm tại các địa phương đã thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; có cơ sở vật chất khang trang và đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ và tinh thần, trách nhiệm cao, tận tụy với công việc. Các địa phương được chọn là: Bình Định, Vũ Ninh (Kiến Xương), thị trấn Tiền Hải, Tây Giang (Tiền Hải), thị trấn Đông Hưng (Đông Hưng), Thụy Văn, Thụy Ninh (Thái Thụy), thị trấn An Bài, An Khê (Quỳnh Phụ), Thái Hưng, Liên Hiệp, Duyên Hải (Hưng Hà), Tự Tân, Nguyên Xá (Vũ Thư) và phường Bồ Xuyên, Trần Lãm (thành phố Thái Bình). Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Đề án đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 42 mô hình [2]. Mô hình “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ” góp phần từng bước chuyển phong cách từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ, thân thiện, trọng dân, gần dân bằng những hoạt động ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc.

Quy định “5 biết” khi đánh giá cán bộ cơ sở của mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” bao gồm: Biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi và biết cảm ơn. Cùng với “5 không” (không hách dịch; không vô cảm; không tham nhũng; không xu nịnh; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ) và “3 luôn” (luôn nhẹ nhàng; luôn lắng nghe; luôn giúp đỡ), nội dung “5 biết” là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận, góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Đảng - Nhà nước và nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, yếu tố then chốt dẫn đến thành công của mọi nhiệm vụ cách mạng; đặc biệt là trong kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Ngay trong những ngày đầu hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cao vai trò của công tác dân vận. Người nhấn mạnh: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”[3] và cán bộ, đảng viên phải “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”[4], phải “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”[5]. Đây là những chỉ dẫn mang tính “phương pháp luận”, là “cẩm nang vàng” và “kim chỉ nam” cho mỗi cán bộ, đảng viên khi vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trước hết, Dân vận phải biết “Nghe dân nói”. Nghĩa là nghe nhân dân thổ lộ “gan ruột”, bày tỏ tâm tư, chia sẻ nguyện vọng và nói về những vấn đề mà nhân dân đồng tình, ủng hộ hay phản đối, bức xúc, những chủ trương, đường lối “chưa được hợp lòng dân”, những hành vi “có vấn đề” của cán bộ, đảng viên. Đây là điểm cốt lõi của công tác dân vận và thực hành dân chủ. Người từng nhắc nhở rằng: “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra”[6]. Muốn nghe được những lời thực lòng của nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên phải gần gũi nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, coi trọng lợi ích chính đáng của nhân dân, tránh xa “bệnh quan liêu”, thói hách dịch, cửa quyền và dáng vẻ khệnh khạng, “Quan cách mạng” trong khi thực thi công vụ. “Nghe dân nói” là quá trình thu thập thông tin, nắm bắt dư luận xã hội để từ đó cán bộ, đảng viên “tự soi”, “tự sửa” bản thân mình, “tự kiểm thảo” và ban hành, điều chỉnh những quyết định lãnh đạo, quản lý phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, dân tộc, cộng đồng, tập thể và cá nhân. Đây cũng là quá trình mà nhân dân đang thực hiện quyền giám sát và phản biện xã hội đối với cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị. “Nghe dân nói” phải đi đôi với “hiểu dân nói”, biết Nhân dân cần gì, mong muốn gì ở chính quyền. Như vậy, “Nghe dân nói” không chỉ đơn thuần là lắng nghe nhân dân mà phải “biết nhớ lời dân nói”, biết trăn trở, biết suy nghĩ và không vô cảm trước những việc mà Nhân dân bức xúc, những việc mà Nhân dân kiến nghị nhưng chưa được giải quyết triệt để. Thực tiễn cho thấy, một cán bộ gần dân, “biết nghe dân nói” phải là người biết quan tâm, chia sẻ và giải quyết những nguyện vọng và khó khăn của nhân dân. “Nghe dân nói”, “hiểu dân nói”, “nhớ lời dân nói” là bước đầu tiên mà mỗi cán bộ, đảng viên phải “thuộc nằm lòng”. Có như thế, nhân dân mới tin cậy vào chính quyền và chính quyền mới trở thành chỗ dựa vững chắc của nhân dân, từng bước nâng cao hiệu lực và hiệu quả lý, tiến tới xây dựng “Chính quyền kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân”[7].

Hai là, Dân vận phải biết “Nói dân hiểu”. Đây là kỹ năng không thể thiếu của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong bài báo “Phải tẩy sạch bệnh quan liêu” (09/1950), Người yêu cầu: cán bộ phải “làm cho dân hiểu”. Muốn vậy, mỗi cán bộ chính quyền và đoàn thể cần phải “ra sức nghe ngóng và hiểu biết nhân dân; học hỏi nhân dân; lãnh đạo nhân dân bằng cách tuyên truyền, giải thích, cổ động, giáo dục, tổ chức nhân dân, dựa vào nhân dân để thực hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân”[8]. Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của phong cách quần chúng, hòa mình vào quần chúng. Trước khi nói và viết, Người luôn đặt cho mình các câu hỏi: Viết, nói cái gì? (Nội dung); viết, nói cho ai? (Đối tượng); viết, nói để làm gì? (Mục đích); viết, nói như thế nào? (Phương pháp); viết, nói khi nào? Ở đâu? (Thời gian và địa điểm). Bác yêu cầu: “Bất cứ việc to việc nhỏ, chúng ta phải xét rõ và làm cho hợp trình độ văn hóa, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng”[9]. Như vậy, muốn “nói dân hiểu”, trước hết phải “hiểu nhân dân”, hiểu trình độ, văn hóa, tâm lý nhân dân, hiểu những điều mà nhân dân cần, nhân dân muốn nghe, muốn biết. Cán bộ, đảng viên phải tuyên truyền, phổ biến ngắn gọn, đầy đủ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; đặc biệt là những chủ trương, chính sách liên quan đến lợi ích sát sườn của nhân dân; không nói dối nhân dân, không giấu giếm nhân dân. Nói cho nhân dân nghe đã khó, nói để nhân dân hiểu còn khó hơn. Do đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải trau dồi kỹ năng giao tiếp, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về văn hóa công sở, đạo đức công vụ, tiếp xúc cử tri và làm việc với nhân dân.

Ba là, “làm dân tin”. Đây là khâu đặc biệt quan trọng tiếp theo của công tác dân vận (sau thu thập thông tin từ khâu “nghe dân nói” và tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở khâu “nói dân hiểu”). “Làm dân tin”, hay nói cách khác là “làm cho nhân dân tin tưởng”, tức là cán bộ, đảng viên thông qua các hoạt động thực tiễn của mình như nêu gương, ban hành và tổ chức thực hiện quyết định lãnh đạo, quản lý bảo đảm tính chính trị, tính hợp pháp, hợp lý, ..phải làm cho nhân dân tin vào lực lượng cán bộ, đảng viên, công chức; tin vào phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”; tin vào sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam; tin vào chính quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, nhân dân là chủ và Nhân dân làm chủ; tin vào vai trò đại diện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các đại biểu dân cử và tin vào việc đạt được mục tiêu mà chúng ta đã đặt ra trong kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Muốn “làm dân tin”, cán bộ, đảng viên, công chức phải nêu gương, phải nhớ lời Bác dạy, “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”[10]; trước khi làm tấm gương, phải biết soi gương, “tự soi, tự sửa” những lỗi lầm, khuyết điểm mắc phải; tránh lý luận suông, nói không đi đôi với làm, nói một đằng, làm một nẻo, nghĩ một khác; hoặc báo cáo thành tích trên “nền bệnh thành tích”.

Bốn là, Dân vận phải “Biết xin lỗi và biết cảm ơn”. “Xin lỗi” và “Cảm ơn” là hành vi ứng xử độc đáo của người Việt Nam, thể hiện lối sống có văn hóa và là biểu hiện của xã hội văn minh. Xin lỗi khi mình làm phiền ai đó hoặc khi mắc phải khuyết điểm; cảm ơn khi được quan tâm, giúp đỡ. Có thể nói, xin lỗi và cảm ơn đã trở thành yếu tố văn hóa ăn sâu trong truyền thống của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời. Đặc biệt, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng, xin lỗi và cảm ơn lại biểu thị nét đẹp nhân văn của văn hóa Đảng. Bác Hồ là tấm gương trong thực hành văn hóa xin lỗi và cảm ơn nói riêng và văn hóa Đảng, đạo đức của người cách mạng nói chung.

Thứ nhất, về văn hóa xin lỗi. Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đứng lên xin lỗi trước nhân dân vì những lỗi làm của cá nhân và chính quyền. Ngay trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10 - 1947), Người nhấn mạnh: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”[11]. Thừa nhận khuyết điểm, xin lỗi công khai, minh bạch trước nhân dân, trước Đảng và tự giác sửa chửa, không để hành động này tái diễn nữa chính là văn hóa – văn hóa của mỗi cán bộ, đảng viên và văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam. Như chúng ta đã biết, trong giai đoạn 1953 -1956, miền Bắc thực hiện chủ trương cải cách ruộng đất. Khi Đảng và Nhà nước mắc khuyết điểm, với vai trò là người đứng đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng ra chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng. Người thành khẩn đứng trước diễn đàn nói lời xin lỗi nhân dân và hứa quyết tâm sửa chữa, kêu gọi đồng bào đoàn kết để tiếp tục phát triển sản xuất. “Nói đi đôi với làm”, Người đã công bố và chỉ đạo thực hiện tốt chính sách sửa chữa sai lầm của cải cách ruộng đất, giúp củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, về văn hóa cảm ơn. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện sâu sắc văn hóa cảm ơn. Ngày 23/9/1949, trên báo Sự Thật, số 119, Bác Hồ đã đăng bài với tiêu đề: “Lời cảm ơn đồng bào” về việc đồng bào đã bán gạo rẻ giúp Người khao thưởng bộ đội nhân dịp Quốc khánh. Người viết: “Sự thực là đồng bào khao thưởng bộ đội, chứ không phải riêng tôi. Một lần nữa nhân danh tôi và nhân danh bộ đội, tôi trân trọng cảm ơn đồng bào, và gửi đồng bào lời chào thân ái và quyết thắng”[12]. Năm 1959, trong bài phát biểu tại cuộc mít tinh với nhân dân thủ đô Hà Nội ngày 31/12 để thông qua bản Hiến pháp mới (Hiến pháp năm 1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa dạy cho cán bộ, đảng viên về tư tưởng “lấy dân làm gốc” và thực hành văn hóa cảm ơn. Mở đầu bài phát biểu, Bác nói: “Thưa đồng bào yêu quý, tôi thay mặt Quốc hội và Chính phủ cảm ơn đồng bào đến hoan nghênh quốc hội. Tôi lại thay mặt đồng báo cám ơn Quốc hội đã ra đây để gặp đồng bào!”[13].

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về xây dựng đạo cách mạng và văn hóa Đảng, trong đó có “văn hóa xứng xử trong Đảng”, “văn hóa xin lỗi và cảm ơn”. Có thể kể đến các văn bản như: Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 09/5/2023 của Bộ Chính trị Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; Quy định 117/QĐ-TW, ngày 18/8/2023 của Bộ Chính trị về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan; Luật Cán bộ, công chức năm 2008, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng “Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân”, xây dựng “Chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ” tại các xã, phường, thị trấn trên cả nước; .... Thực tế cho thấy, ở một số xã, phường, thị trấn của tỉnh Thái Bình giai đoạn vừa qua vẫn còn tồn tại phong cách làm việc “ít nhiều mang bóng dáng của thời kỳ bao cấp”. Đó là phong cách cứng nhắc, máy móc, thậm chí là “mệnh lệnh hóa” và “hành chính hóa” trong ứng xử với công việc và con người. Phong cách này khiến cho mối quan hệ giữa chính quyền với nhân dân trở lên thiếu gần gũi, thiếu gắn bó. Chính quyền sẽ khó nắm bắt kịp thời và giải quyết đúng đắn tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Việc thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của chính quyền cơ sở; thay đổi lề lối, tác phong, thái độ làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức xã, phường, thị trấn, góp phần cụ thể hóa định hướng xây dựng nhà nước hành chính “phục vụ, hướng dẫn, vận động, thuyết phục” đối với nhân dân được đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” với tiêu chí “3 luôn”, “5 không” và “5 biết” ở Thái Bình hiện nay là sự vận dụng sáng tạo và cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, thực hiện dân chủ cơ sở và phát huy vai trò của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của kỷ nguyên phát triển mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; tạo nền tảng để “Phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng”[14].

[1] Mai Tú: Thái Bình ra mắt 16 mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”, Báo Nhân dân điện tử, truy cập ngày 06-11-2023.

[2] Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình online, truy cập ngày 15-12-2024

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tập 6, tr 232-234.

[4] Trung Anh: Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân, Tạp chí Cộng sản điện tử, truy cập ngày 16/10/2018.

[5] Tạp chí Dân vận điện tử, truy cập ngày 27/7/2018.

[6] Lại Thìn: “Chìa khóa” của lòng dân là dân chủ, VOV, truy cập ngày 03/02/2015.

[7] Đổi mới thực hiện xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân, Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, truy cập ngày 29/9/2016.

[8] Ban Chỉ đạo Trung ương 6 (2): Đảng, Bác Hồ về tự phê bình và phê bình (lưu hành nội bộ), Nxb. Chính tri quốc gia, H.2005, tr.199.

[9] Công Minh: Phải làm cho dân hiểu, để cho dân hiểu, Tạp chí Kiểm toán Nhà nước, ngày 23/11/2023.

[10] Báo điện tử Đại biểu Nhân dân, truy cập ngày 29/5/2021.

[11] Thu Hà: Văn hóa xin lỗi và nhận lỗi trong Đảng, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 11-9-2023.

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr.205.

[13] Bản tin thời sự VTC24 của Đài Truyền hình Việt Nam, ngày 17-5-2020

[14]Ngô Đông Hải: Đảng bộ tỉnh Thái Bình chuẩn bị tốt Văn kiện đại hội là tiền đề để thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Trang thông tin điện tử của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, truy cập ngày 30-1-2024.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.6.

2. Ban Chỉ đạo Trung ương 6 (2): Đảng, Bác Hồ về tự phê bình và phê bình (lưu hành nội bộ), Nxb. Chính tri quốc gia, H.2005, tr.199.

3. Bản tin thời sự VTC24 của Đài Truyền hình Việt Nam, phát ngày 17-5-2020.

4. Báo điện tử Đại biểu Nhân dân, truy cập ngày 29/5/2021.

5. Thu Hà: Văn hóa xin lỗi và nhận lỗi trong Đảng, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 11-9-2023.

6. Công Minh: Phải làm cho dân hiểu, để cho dân hiểu, Tạp chí Kiểm toán Nhà nước, ngày 23/11/2023.

7. Đổi mới thực hiện xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân, Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, truy cập ngày 29/9/2016.

8. Trung Anh: Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân, Tạp chí Cộng sản điện tử, truy cập ngày 16/10/2018.

9. Tạp chí Dân vận điện tử, truy cập ngày 27/7/2018.

10. Lại Thìn: “Chìa khóa” của lòng dân là dân chủ, VOV, truy cập ngày 03/02/2015.

11. Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình online, truy cập ngày 15-12-2024

12. Mai Tú: Thái Bình ra mắt 16 mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”, Báo Nhân dân điện tử, truy cập ngày 06-11-2023.


Nguyễn Quốc Huỳnh

(Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh)




Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày