Vận dụng chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về sở hữu và thành phần kinh tế trong tác phẩm Thường thức chính trị
“Thường thức chính trị” được hiểu là những tri thức phổ thông về chính trị. Tác phẩm bao gồm 50 bài viết, ký bút danh Đ.X và đăng trên báo Cứu quốc năm 1953, được in thành sách vào năm 1954. Đây là một trong những tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày một cách cụ thể, toàn diện những quan điểm về chính trị, bao gồm các vấn đề về giai cấp, về nhà nước, về Đảng, về các chế độ xã hội, về kinh tế.
Trong công cuộc đổi mới của đất nước, chúng ta đã và đang tìm cách giải quyết vấn đề sở hữu để tạo nên hệ thống quan hệ sở hữu phù hợp với những đòi hỏi khách quan của nền sản xuất xã hội, khắc phục chế độ công hữu hình thức nhằm giải phóng mọi năng lực sản xuất của xã hội, phát huy các động lực phát triển, tăng hiệu quả của hoạt động kinh doanh. Bởi vậy, tính đa dạng về hình thức sở hữu và hình thức tổ chức kinh doanh cùng với sự đa dạng về các thành phần kinh tế đã được chấp nhận và đang phát huy mặt tích cực của nó đối với quá trình phát triển nền kinh tế của đất nước. Trong điều kiện hiện nay đang xuất hiện những đối tượng sở hữu mới, xuất hiện những hình thức tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh mới đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu căn cứ khoa học đó là lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về sở hữu và TPKT là hết sức cần thiết. Trong bài viết này, tác giả sẽ chỉ ra những quan điểm cơ bản về sở hữu và TPKT trong tác phẩm Thường thức chính trị của Hồ Chí Minh viết năm 1953. Vận dụng những tri thức đó, bài viết làm rõ sự kế thừa và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về sở hữu và TPKT trong TKQĐ lên CNXH ở Việt Nam.
1. Một số trích dẫn về chỉ dẫn của Hồ Chí Minh trong tác phẩm Thường thức chính trị
Trong nội dung Thành phần kinh tế ở nước ta (vùng tự do).
Hiện nay, kinh tế nước ta có những thành phần như sau:
- Kinh tế địa chủ phong kiến bóc lột địa tô. - Kinh tế quốc doanh, có tính chất chủ nghĩa xã hội. Vì tài sản các xí nghiệp ấy là của chung của nhân dân, của Nhà nước, chứ không phải của riêng. Trong các xí nghiệp quốc doanh thì xưởng trưởng, công trình sư và công nhân đều có quyền tham gia quản lý, đều là chủ nhân. Việc sản xuất thì do sự lãnh đạo thống nhất của Chính phủ nhân dân.
- Các hợp tác xã tiêu thụ và hợp tác xã cung cấp, có tính chất nửa chủ nghĩa xã hội. Nhân dân góp nhau để mua những thứ mình cần dùng, hoặc để bán những thứ mình sản xuất không phải kinh qua các người con buôn, không bị họ bóc lột. Các hội đổi công ở nông thôn, cũng là một loại hợp tác xã.
- Kinh tế cá nhân của nông dân và của thủ công nghệ, họ thường tự túc, ít có gì bán và cũng ít khi mua gì. Đó là một thứ kinh tế lạc hậu.
- Kinh tế tư bản của tư nhân. Họ bóc lột công nhân, nhưng đồng thời họ cũng góp phần vào xây dựng kinh tế.
- Kinh tế tư bản quốc gia là Nhà nước hùn vốn với tư nhân để kinh doanh và do Nhà nước lãnh đạo. Trong loại này, tư bản của tư nhân là chủ nghĩa tư bản. Tư bản của Nhà nước là chủ nghĩa xã hội.
Trong nội dung Chính sách kinh tế của Đảng và Chính phủ.
Gồm có mấy điều:
1- Công tư đều lợi. Kinh tế quốc doanh là công. Nó là nền tảng và sức lãnh đạo của kinh tế dân chủ mới. Cho nên chúng ta phải ra sức phát triển nó và nhân dân ta phải ủng hộ nó. Đối với những người phá hoại nó, trộm cắp của công, khai gian lậu thuế, thì phải trừng trị. Tư là những nhà tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân của nông dân và thủ công nghệ. Đó cũng là lực lượng cần thiết cho cuộc xây dựng kinh tế nước nhà. Cho nên Chính phủ cần giúp họ phát triển. Nhưng họ phải phục tùng sự lãnh đạo của kinh tế quốc gia, phải hợp với lợi ích của đại đa số nhân dân.
2- Chủ thợ đều lợi. Nhà tư bản thì không khỏi bóc lột. Nhưng Chính phủ ngăn cấm họ bóc lột công nhân quá tay. Chính phủ phải bảo vệ lợi quyền của công nhân. Đồng thời, vì lợi ích lâu dài, anh chị em thợ cũng để cho chủ được số lợi hợp lý, không yêu cầu quá mức. Chủ và thợ đều tự giác tự động, tăng gia sản xuất lợi cả đôi bên.
3- Công nông giúp nhau. Công nhân ra sức sản xuất nông cụ và các thứ cần dùng khác, để cung cấp cho nông dân. Nông dân thì ra sức tăng gia sản xuất, để cung cấp lương thực và các thứ nguyên liệu cho công nhân. Do đó mà càng thắt chặt liên minh giữa công nông.
4- Lưu thông trong ngoài. Ta ra sức khai lâm thổ sản để bán cho các nước bạn và để mua những thứ ta cần dùng. Các nước bạn mua những thứ ta đưa ra và bán cho ta những hàng hóa ta chưa chế tạo được. Đó là chính sách mậu dịch, giúp đỡ lẫn nhau rất có lợi cho kinh tế ta. Bốn chính sách ấy là mấu chốt để phát triển kinh tế của nước ta.
Trong nội dung Chủ nghĩa xã hội
Mục đích của Đảng là lãnh đạo nhân dân kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, thực hiện dân chủ mới, tiến đến chủ nghĩa xã hội, rồi đến chủ nghĩa cộng sản. Cộng sản là gì? Lênin đã trả lời rất giản đơn vắn tắt: Cộng sản là nhà máy, ruộng đất đều là của chung; lao động cũng chung của toàn dân. Cộng sản là không có chế độ tư hữu, không có giai cấp áp bức bóc lột. Là của cải đều là của chung, sức sản xuất rất cao, nhân dân lao động hoàn toàn giải phóng và sống rất tự do, sung sướng. Cộng sản có hai giai đoạn. Giai đoạn thấp, tức là chủ nghĩa xã hội. Giai đoạn cao, tức là chủ nghĩa cộng sản.
Hai giai đoạn ấy giống nhau ở nơi: Sức sản xuất đã phát triển cao; nền tảng kinh tế thì tư liệu sản xuất đều là của chung; không có giai cấp áp bức bóc lột. Hai giai đoạn ấy khác nhau ở nơi: Chủ nghĩa xã hội vẫn còn chút ít vết tích xã hội cũ. Xã hội cộng sản thì hoàn toàn không còn vết tích xã hội cũ. Ở Liên Xô, năm 1936 đã tuyên bố chủ nghĩa xã hội thành công; ngày nay đang tiến mạnh sang giai đoạn chủ nghĩa cộng sản. Căn cứ theo tình hình thực tế ở Liên Xô, thì thấy đặc điểm của chủ nghĩa xã hội là: 1- Công cụ sản xuất và tư liệu sản xuất đều là của chung. Ở nông thôn thì có nông trường chung. Ngoài nông trường, nông dân vẫn có ít của riêng như: nhà ở, lợn gà, vườn trồng rau, một con bò sữa, nghề phụ,.. 2- Tư bản, địa chủ, phú nông không có nữa. Chỉ có công nhân và nông dân. Không ai bóc lột họ; cố nhiên họ cũng không bóc lột ai. Khoa học ngày càng phát triển, máy móc ngày càng nhiều, cho nên công nhân và nông dân ngày càng đỡ khó nhọc. 3- Nguyên tắc sinh hoạt là: “Ai không làm thì không được ăn” và “làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít”. 4- Kinh tế có kế hoạch. Cả nước có một kế hoạch chung. Mỗi ngành theo kế hoạch chung đó mà đặt kế hoạch riêng: sản xuất thứ gì và bao nhiêu. Mục đích là nâng cao đời sống của nhân dân và củng cố quốc phòng của Tổ quốc. Do kinh tế có kế hoạch, mà không có nạn khủng hoảng, không có nạn thất nghiệp; mà sức sản xuất thì phát triển mau chóng. 5- Không có sự đối lập giữa thành thị và thôn quê, giữa lao động chân tay và lao động trí óc. Vì thôn quê ngày càng văn minh, công nông ngày càng thông thái. Đặc điểm của chủ nghĩa xã hội tóm tắt là như vậy.
Trong nội dung Dân chủ mới
Trong chế độ dân chủ mới, có năm loại kinh tế khác nhau: A- Kinh tế quốc doanh (thuộc chủ nghĩa xã hội, vì nó là của chung của nhân dân). B- Các hợp tác xã (nó là nửa chủ nghĩa xã hội, và sẽ tiến đến chủ nghĩa xã hội). C- Kinh tế của cá nhân, nông dân và thủ công nghệ (có thể tiến dần vào hợp tác xã, tức là nửa chủ nghĩa xã hội). D- Tư bản của tư nhân. E- Tư bản của Nhà nước (như Nhà nước hùn vốn với tư bản tư nhân để kinh doanh). Trong năm loại ấy, loại A là kinh tế lãnh đạo và phát triển mau hơn cả. Cho nên kinh tế ta sẽ phát triển theo hướng chủ nghĩa xã hội chứ không theo hướng chủ nghĩa tư bản.
2. Vận dụng chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về sở hữu và thành phần kinh tế trong tác phẩm Thường thức chính trị.
2.1.Về sở hữu: Trong tác phẩm không nêu các hình thức sở hữu nhưng đã phân tích về sở hữu tư hữu của nông dân – giai cấp chiếm tuyệt đại đa số nhân dân. Về sở hữu của nhà tư bản, có viết: Nhà tư bản chiếm hết mọi tư liệu sản xuất, họ dùng chế độ tiền công để bóc lột công nhân… Tư bản sản xuất rất nhiều, song không phải để cho mọi người được hưởng. Vì các tư liệu sản xuất đã bị nhà tư bản chiếm làm của riêng…. Nhà tư bản chẳng những bóc lột công nhân trong nước họ, mà còn xâm lược và bóc lột các nước khác. Tác phẩm phân tích về sở hữu tư bản của tư bản mại bản – Một bộ phận các nhà tư bản vẫn còn tồn tại. Tác phẩm phân tích về sở hữu chung của toàn thể nhân dân trong chế độ xã hội Cộng sản chủ nghĩa. Mà mục đích của Đảng là lãnh đạo nhân dân kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, thực hiện dân chủ mới, tiến đến chủ nghĩa xã hội, rồi đến chủ nghĩa cộng sản. Vận dụng những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về vấn đề sở hữu đã được thể hiện trong Văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ Đại hội.
* Quan điểm của Đảng về vấn đề sở hữu trong TKQĐ lên CNXH ở Việt Nam
-Trước Đại hội VI, Đảng chỉ thừa nhận chế độ công hữu về tư liệu sản xuất với hai hình thức sở hữu là sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể. (1)
-Tại Đại hội VI, Đảng thừa nhận:….trong điều kiện trình độ lực lượng sản xuất còn thấp kém, nhất thiết phải có sự đa dạng về hình thức sở hữu thay vì chỉ có hai hình thức sở hữu toàn dân và tập thể như trong thời kỳ trước đổi mới….. Đó cũng là một đặc trưng của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu. (2)
Bắt đầu từ Đại hội VI và sau này là các Đại hội VII, VIII và IX, Đảng đã chủ trương đa dạng hoá các hình thức sở hữu với ba hình thức sở hữu cơ bản là: sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân.
-Tiếp theo các Đại hội X, XI, XII, XIII, chủ trương phát triển nhiều hình thức sở hữu đa dạng, đan xen hỗn hợp hình thành các tổ chức kinh tế đa dạng ngày càng phát triển. Đại hội XI khẳng định: “Các hình thức sở hữu hỗn hợp và đan kết với nhau hình thành các tổ chức kinh tế đa dạng ngày càng phát triển” (3)
* Những hình thức sở hữu chủ yếu ở Việt Nam hiện nay
-Sở hữu nhà nước (hay sở hữu toàn dân).
Đây là hình thức sở hữu mà nhà nước là chủ thể hoặc đại diện cho nhân dân sở hữu. Đối tương sở hữu toàn dân bao gồm: đất đai, rừng biển, vùng trời, tài nguyên trong lòng đất, các công trình công cộng, nguồn vốn nhà nước đầu tư,… Nhà nước với tư cách là cơ quan quyền lực, đại biểu cho lợi ích của nhân dân, đóng vai trò người chủ sở hữu đối tượng sở hữu toàn dân. Nhà nước có quyền và có trách nhiệm tổ chức quản lý, giao cho các chủ thể khác sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, bảo tồn và phát triển các nguồn tài sản đó.
Xét về bản chất sở hữu nhà nước và sở hữu toàn dân không phải là một. Tuy nhiên, do đặc điểm và bản chất của nhà nước ta, xét ở góc độ chung có thể coi phần tài sản thuộc sở hữu nhà nước cũng là một bộ phận thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước nắm quyền sở hữu chi phối, định đoạt.
-Sở hữu tập thể.
Sở hữu tập thể là sở hữu của một tập thể người lao động. Đối tượng của nó là phần tài sản do quá trình tích lũy chung tạo nên, hoặc phần tài sản được cho, biếu, tặng. Những tài sản này có thể tồn tại dưới hình thức hiện vật hoặc giá trị. Quyền sở hữu tài sản trong hình thức sở hữu tập thể thuộc về toàn thể các thành viên trong tập thể đó, họ có thể ủy nhiệm việc thực hiện quyền này cho những người được chính họ cử ra hoặc họ suy tôn làm thủ lĩnh, không một cá nhân nào được tự quyền thực hiện quyền sở hữu tài sản chung của tập thể.
-Sở hữu tư nhân.
Đây là hình thức sở hữu của từng cá nhân đối với tài sản, vốn, tư liệu sản xuất mà họ có toàn quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt và quyền thực hiện lợi ích kinh tế…. Ở nước ta hiện nay sở hữu tư nhân bao gồm: Sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa và sở hữu tư nhân nhỏ, cá thể.
Đảng và nhà nước ta chủ trương tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của mọi cá nhân trong xã hội (bao gồm cả người nước ngoài sống và hoạt động kinh doanh hợp pháp ở Việt Nam). Chủ sở hữu được hưởng lợi và chịu trách nhiệm trong khuôn khổ quy mô tài sản, vốn mà họ sở hữu sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước.
-Sở hữu hỗn hợp.
Sở hữu hỗn hợp là hình thức kết hợp, đan xen giữa hai loại hình sở hữu (công hữu và tư hữu) làm xuất hiện trong đời sống thực tiễn hình thức sở hữu hỗn hợp. Hình thức sở hữu này là cơ sở hình thành các tổ chức kinh tế đa dạng của nền kinh tế. Đó cũng thể hiện nét đặc thù về kinh tế của TKQĐ lên CNXH.
Hình thức sở hữu hỗn hợp rất đa dạng, đó là các công ty liên doanh, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, … Một chủ thể tùy theo khà năng và điều kiện của mình có thể tham gia nhiều hình thức góp vốn. Chính tính linh hoạt này mà hình thức sở hữu hỗn hợp tỏ ra rất phù hợp với nền kinh tế chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và ngày càng trở nên phổ biến. Vì vậy, cần khuyến khích hình thức sở hữu này hình thành và phát triển từ thấp đến cao trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi loại hình kinh tế của nền kinh tế.
Trong TKQĐ lên CNXH ở nước ta tồn tại đa dạng các hình thức sở hữu, trong đó sở hữu toàn dân (nhà nước) và tập thể ngày càng trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân.
2.2. Về thành phần kinh tế
Chỉ dẫn của Hồ Chí Minh trong tác phẩm Thường thức chính trị - Trong chế độ dân chủ mới, có năm loại kinh tế khác nhau. Trong năm loại ấy, loại A – Kinh tế quốc doanh là kinh tế lãnh đạo và phát triển mau hơn cả. Cho nên kinh tế ta sẽ phát triển theo hướng chủ nghĩa xã hội chứ không theo hướng chủ nghĩa tư bản. Từ phân tích về các hình thức sở hữu, sau đó Hồ Chí Minh chỉ ra trong chế độ dân chủ mới, có năm loại kinh tế khác nhau. Như vậy, tuy trong tác phẩm này, Hồ Chí Minh chưa dùng cụm từ thành phần kinh tế nhưng với cách diễn đạt thì có thể hiểu đây là các loại TPKT. Những quan điểm đó đã được kế thừa và thể hiện trong quan điểm của Đảng về TPKT qua các kỳ Đại hội.
* Quan điểm của Đảng về thành phần kinh tế trong TKQĐ lên CNXH ở Việt Nam.
-Đại hội VII: Quan điểm của Đảng là phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó kinh tế quốc doanh và tập thể ngày càng trở thành nền tảng (4)
-Tại Đại hội X: Đổi mới và hoàn thiện khung pháp lý, tháo gỡ mọi trở ngại về cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính để huy động tối đa mọi nguồn lực, tạo sức bật mới cho phát triển sản xuất, kinh doanh của mọi thành phần kinh tế với các hình thức sở hữu khác nhau….
Tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế nhà nước để thực hiện tốt vai trò chủ đạo trong nền kinh tế....Doanh nghiệp nhà nước giữ những vị trí then chốt trong nền kinh tế.
Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế (5).
-Tại Đại hội XI: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, … Phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng mà nòng cốt là hợp tác xã. .. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế. Khuyến khích kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển theo quy hoạch (6).
-Tại Đại hội XIII: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (7).
* Các thành phần kinh tế ở Việt Nam hiện nay
Căn cứ chủ yếu để phân loại các thành phần kinh tế khác nhau là hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất. Ngoài ra, trong hoạt động thực tiễn do nhu cầu của quản lý, có thể đưa thêm một số tiêu chí phụ khác để phân định các TPKT.
Qua các kỳ đại hội, số lượng và tên gọi của các TPKT có sự thay đổi ở mức độ nhất định. Điều đó thể hiện quá trình nhận thức khách quan, biện chứng, phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Trong đó:
Kinh tế nhà nước với tư cách là thực lực kinh tế quan trọng của nhà nước – là một trong những công cụ quản lý vĩ mô của nhà nước, có nhiệm vụ đảm bảo những cân đối chủ yếu của nền kinh tế và là cơ sở thực hiện định hướng XHCN của nền kinh tế. Bởi vậy, kinh tế nhà nước nắm vai trò chủ đạo trong nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta. Kinh tế nhà nước vận động theo hướng ngày càng được nâng cao vai trò và vị trí của mình, với mức độ và phạm vi phù ợp, ngày càng giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.
Kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế làm chính, bao gồm lợi ích các thành viên và lợi ích tập thể, đồng thời coi trọng lợi ích xã hội của các thành viên, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tiến lên làm giàu cho các thành viên. Kinh tế tập thể phải không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế tập thể cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Để kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và hoàn thiện, Đảng ta xác định: Tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tập thể phát triển đa dạng, với nhiều loại hình, nhiều quy mô và hình thức; ngày càng mở rộng quy mô kinh tế tập thể để phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.
Kinh tế tư nhân là thành phần kinh tế dựa trên loại hình sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, dưới 2 hình thức sở hữu: sở hữu tư nhân nhỏ, cá thể và sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa. Kinh tế tư nhân bao gồm các hộ sản xuất kinh doanh cá thể, tiểu chủ và các loại hình doanh nghiệp mà vốn của tư nhân chiếm tỷ lệ khống chế. Kinh tế cá thể tiểu chủ đang là một bộ phận đông đảo, có tiềm năng to lớn, có vị trí quan trọng, lâu dài, nó góp phần tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động. Đảng ta chỉ rõ: Cần giúp đỡ kinh tế cá thể tiểu chủ, giải quyết các khó khăn về vốn, về khoa học công nghệ, về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhà nước tạo điều kiện và giúp đỡ để phát triển; khuyến khích các hình thức tổ chức hợp tác tự nguyện, làm vệ tinh cho các doanh nghiệp hoặc phát triển lớn hơn theo những hình thức và quy mô thích hợp.
Kinh tế tư bản tư nhân, trong TKQĐ lên CNXH, kinh tế tư bản tư nhân tuy không giữ vị trí thống trị nhưng nó vẫn có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Trước đây chúng ta quá nhấn mạnh mặt tiêu cực của kinh tế tư bản tư nhân mà không thấy hết sự tồn tại của nó là tất yếu. Vì vậy, đã thực hiện quá trình xóa bỏ chúng càng nhanh càng tốt. Trong công cuộc xây dựng xã hội mới hiện nay, chúng ta đã và đang khắc phục những quan niệm giản đơn này. Đaih hội X, XI và đặc biệt Đại hội XII đã khẳng định: “Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế”. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân cũng có không ít những hạn chế, đòi hỏi Nhà nước phải có những biện pháp, có chế chính sách để phát huy những mặt tích cực và khắc phục những hạn chế của thành phần kinh tế này.
Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có vị trí quan trọng trong nền kinh tế nước ta. Sử dụng TPKT này sẽ góp phần giải quyết khó khăn về vốn, nâng cao trình độ quản lý và trình độ công nghệ cho nền kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa xuất khẩu, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội… Tuy nhiên, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng có những tác động tiêu cực. Do vậy, một mặt phải tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư nước ngoài; mặt khác, phải tăng cường quản lý nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của TPKT này.
Ở nước ta, các thành phần kinh tế trong TKQĐ tồn tại một cách khách quan, mỗi TPKT có đặc trưng riêng vốn có về trình độ và tính chất xã hội hóa lao động. Trong hoạt động thực tiễn, các TPKT không biệt lập mà có mối quan hệ với nhau với tư cách là một hệ thống vừa thống nhất lại vừa mâu thuẫn với nhau làm cho các TPKT vừa hợp tác, vừa cạnh tranh. Trong đó, đặc biệt chú ý sử dụng các hình thức kinh tế quá độ để đảm bảo tính định hướng XHCN trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, vì thế cần có những điều kiện tiền đề: Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; Sự quản lý thống nhất của Nhà nước pháp quyền XHCN; Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.
Kết luận
Nghiên cứu kỹ tác phẩm, có thể thấy rất nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh được Hồ Chí Minh đề cập, nhưng vẫn tập trung vào một chủ đề rất sâu sắc và mang tính thời sự, chẳng những quan trọng đối với 65 năm về trước mà vẫn vô cùng quan trọng đối với thời điểm hiện nay. Đó là, sở hữu và xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần. Kế thừa và vận dụng quan điểm kinh tế nhiều thành phần trong tác phẩm Thường thức chính trị của Hồ Chỉ Minh vào phát triển nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam sẽ góp phần giải phóng mọi năng lực sản xuất, là vấn đề có ý nghĩa chiến lược lâu dài, có tính quy luật từ sản xuất nhỏ đi lên chủ nghĩa xã hội. Phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, một mặt chính là sự tiếp tục logic khách quan của nền kinh tế, mặt khác còn là sự tiếp tục tư tưởng của Hồ Chí Minh về nền kinh tế nhiều thành phần trên một nền tảng và trong một hoàn cảnh khác, được phát triển lên một trình độ mới và hình thức mới nhẳm thực hiện một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất ở thời kỳ quá độ “là phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội”.
Ths. Đặng Thị Tố Tâm
Học viện Chính trị khu vực I
Tài liệu tham khảo:
(1) (2). https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-vi/phuong-huong-muc-tieu-chu-yeu-phat-trien-kt-xh-trong-5-nam-1986-1990-1492
(3) (6).https://cpv.ctu.edu.vn/vn-bn-quy-nh/36-trung-ng/135-vn-kin-i-hi-i-biu-toan-quc-ln-th-xi-ca-ng-cng-sn-vit-nam
- Cương lĩnh xây dựng đất nước trong TKQĐ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011)
(4).https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-vii/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-khoa-vi-trinh-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-vii-cua-dang-1800
(5).https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-x/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-ix-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-x-cua-dang-1537
(7).https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/book/sach-chinh-tri/van-kien-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-tap-1-403
Tin cùng chuyên mục
- Đổi mới sáng tạo ở báo Đảng: Dám nghĩ, dám làm, sẽ có đột phá 21.06.2024 | 11:20 AM
- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn ở Việt Nam hiện nay 14.11.2023 | 14:24 PM
- Trường Chính trị tỉnh Thái Bình: Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị 01.10.2023 | 11:20 AM
- Xây vững “cội nguồn, gốc rễ” của Đảng 02.09.2023 | 08:24 AM
- Đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn ở Việt Nam hiện nay 12.09.2023 | 11:41 AM
- Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2030 24.11.2021 | 14:10 PM
- Liên kết - Hướng đi hiệu quả cho nông nghiệp 26.07.2021 | 08:22 AM
- Sức hấp dẫn của tác phẩm báo chí đa phương tiện 24.12.2020 | 15:16 PM
- Giá trị của văn hóa lãnh đạo Hồ Chí Minh và xây dựng văn hóa lãnh đạo cho đội ngũ cán bộ ở tỉnh Thái Bình trong giai đoạn hiện nay 11.12.2020 | 09:35 AM
- Vận dụng tư tưởng của Hồ Chí Minh về phát huy nhân tố con người ở Thái Bình hiện nay 18.05.2020 | 08:35 AM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình thực hiện dự án khu tổ hợp thương mại, dịch vụ lưu trú và khoáng nóng Wyndham Duyên Hải
- Tiếp tục huy động tổng lực tập trung khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra
- Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại Thái Bình
- Đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Hưng Hà
- Hội nghị trực tuyến triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả bão số 3
- Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại sau bão số 3
- Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3 tại Thái Thụy
- Toàn tỉnh khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3
- Tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra
- Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3