Thứ 3, 10/09/2024, 01:21[GMT+7]

Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2030

Thứ 4, 24/11/2021 | 10:51:00
20,825 lượt xem
Kết cấu hạ tầng bảo đảm những điều kiện vật chất cơ bản cho quá trình tái sản xuất, bảo đảm nền kinh tế quốc dân tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Ở nước ta, trong sự nghiệp CNH, HĐH, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó đầu tư cho kết cấu hạ tầng kinh tế giữ vị trí hàng đầu và đi trước một bước. Kết cấu hạ tầng kinh tế là hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực kinh tế trong nền kinh tế quốc dân.

Thành phố Thái Bình. Ảnh minh họa

1.Thực trạng phát triển các ngành của kết cấu hạ tầng kinh tế ở nước ta hiện nay

Về phát triển ngành Giao thông vận tải

Trước đây chúng ta cho rằng: Giao thông vận tải chỉ là ngành trung gian, không sản xuất ra sản phẩm xã hội. Vì thế nó không được quan tâm đầu tư đúng mức.

Thực tiễn cho thấy, giao thông vận tải là một ngành kinh tế xã hội quan trọng, ảnh hưởng lớn và trực tiếp tới tốc độ phát triển của toàn bộ xã hội. Phát triển giao thông vận tải phù hợp, đúng hướng là giải pháp hàng đầu, kích thích sự phát triển toàn bộ các lĩnh vực, có vị trí rất quan trọng trong tăng trưởng, phát triển của mỗi quốc gia.

Các loại hình giao thông vận tải ở Việt Nam bao gồm: Đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển, đường hàng không, …

Đường bộ (đường ô tô)

Tính đến 2019, tổng chiều dài đường bộ của Việt Nam khoảng 180.000 km, trong đó có trên 154 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 24.866 km, tỉnh lộ 28.143 km, huyện lộ 57.033 km, ngoài ra đường đô thị trên 27.500 km, còn lại là đường xã trên 159.000 km. Chất lượng đường đã được xây mới, sửa chữa và bảo dưỡng thường xuyên. Tính chung cả hệ thống tỷ lệ trải nhựa đạt 51.258 km (xấp xỉ 17%). Từ năm 2012-2020, đã đưa vào khai thác 1.041km đường cao tốc, đang đầu tư xây dựng hơn 160km, tiếp tục triển khai các thủ tục để đầu tư xây dựng thêm 654km đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông (theo Nghị quyết số 52/2017/QH14, ngày 22/11/2017 của Quốc hội); 40km đường cao tốc đoạn thành phố Lạng Sơn - cửa khẩu Hữu Nghị (Đồng Đăng); 92km đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Mạng lưới đường bộ đã được mở rộng và hiện đại hóa. Về cơ bản, mạng lưới đường ô tô đã phủ kín các vùng. Đây là loại hình vận chuyển hàng hóa được sử dụng nhiều nhất. Linh hoạt trong quá trình vận chuyển, có thể đưa hàng về tận nơi được yêu cầu.

Nhìn nhận vai trò “đi trước, mở đường” của hạ tầng giao thông vận tải, trong những năm gần đây, hệ thống giao thông vận tải của tỉnh Thái Bình có những bước phát triển, đóng góp đáng kể vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện nay, tỉnh có mạng lưới giao thông đường bộ với tổng chiều dài 9.300km, trong đó quốc lộ dài 151km với 4 tuyến, đường tỉnh dài 323km với 34 tuyến, đường huyện dài 738,64km, đường đô thị dài 170,94km, đường xã dài 1.140,74km và các loại đường giao thông khác; có mạng lưới giao thông đường thủy với 220km đường sông và 56km đường bờ biển. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường huyết mạch trong tỉnh có quy mô nhỏ hẹp, các tuyến đường mang tính kết nối vùng chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chưa có các tuyến đường đáp ứng nhu cầu vận tải lớn, tốc độ cao nên chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Khẳng định kết cấu hạ tầng giao thông có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Trong thời gian tới, tỉnh Thái Bình tập trung đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, mang tính quyết định, tạo bước đột phá trong công tác thu hút đầu tư cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đường sắt

Tính đến năm 2019, mạng lưới đường sắt từ Bắc tới Nam có tổng chiều dài 3.143 km và có 297 ga; Phân bổ của mạng lưới đường sắt theo chiều dài đất nước và theo hình xương cá, gồm có 15 tuyến chính và nhánh đi qua 34 tỉnh thành (trong đó tuyến Bắc Nam có chiều dài khai thác lớn nhất) trải dài khắp đất nước từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông và có hàng chục tuyến đường sắt chuyên dùng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Chất lượng kỹ thuật kết cấu hạ tầng đường sắt hầu hết là lạc hậu, chắp vá, các tuyến đường sắt được xây dựng từ 50 đến trên 100 năm và hầu hết chưa được vào cấp kỹ thuật.

Đường sông

Chiều dài giao thông 11.000 km. Các tuyến chính: hệ thống sông Hồng – Thái Bình, hệ thống sông Mê Kông – Đồng Nai và một số sông lớn ở miền Trung,…

Theo Bộ Giao thông vận tải, Việt Nam có đường bờ biển dài, mạng lưới sông ngòi chằng chịt, không phải đầu tư lớn, chi phí vận tải thấp nhưng hiệu quả rất cao với việc tận dụng khai thác tự nhiên… thì lại không phát triển. Trong khi giao thông đường bộ phải đầu tư lớn, chi phí cao lại là chủ lực để vận tải hành khách và hàng hóa. Đây là một nghịch lý trong giao thông vận tải nước ta.

Đường biển

Từ năm 2012-2020, về đường thủy đã đủ khả năng đảm nhận khoảng từ 80-90% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của đất nước. Hệ thống cảng biển được đầu tư đồng bộ với năng lực thông qua khoảng 570 triệu tấn/năm, gấp 2 - 3 lần so với năm 2011. Theo đó, đã hoàn thành đầu tư cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải, Lạch Huyện có khả năng tiếp nhận được tàu tải trọng lớn từ 130.000 tấn đến 200.000 tấn (DWT) đi thẳng tới bờ Tây nước Mỹ, Ca-na-đa và châu Âu; các cảng hành khách tại Phú Quốc, Hạ Long có khả năng tiếp nhận tàu chở khách lớn nhất thế giới; thực hiện nâng cấp, cải tạo các cảng đầu mối khu vực Nghi Sơn, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Khánh Hòa, Cần Thơ, đưa tổng công suất các cảng từ 420 triệu tấn (năm 2011) lên khoảng 580 triệu tấn mỗi năm.

Đường hàng không

Từ năm 2012-2020, đường hàng không đã có những bước phát triển đột phá về cả quy mô và chất lượng dịch vụ, đáp ứng kịp thời sự bùng nổ của nhu cầu vận tải hàng không trong giai đoạn vừa qua, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16% - 18%/năm. Tuy nhiên, hiện nay nhiều sân bay của Việt Nam đang trong tình trạng quá tải và hoạt động hết công suất. Năng lực hệ thống kết cấu hàng không hiện nay đang thiếu hụt về hạ tầng, cản trở đến kinh tế và du lịch, nhiều sân bay đang quá tải khi vượt quá công suất thiết kế.

Ngành thông tin liên lac

Trong những năm gần đây, thị trường viễn thông đang đối mặt với tình trạng bão hòa của các dịch vụ viễn thông truyền thống.Tuy nhiên, mảng dịch vụ internet có rất nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp viễn thông khai thác. Số thuê bao internet băng rộng tiếp tục duy trì mức tăng cao trong nhiều năm. Tính đến thời điểm cuối năm 2020, có 16,7 triệu thuê bao internet băng rộng cố định, gấp 2,2 lần năm 2015, bình quân mỗi năm tăng 16,9%. Tốc độ kết nối băng rộng cũng đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn chậm hơn so với nhiều quốc gia khác 

Chuyển đổi số, kinh tế số hiện nay đang là xu thế của toàn cầu, là quá trình không thể đảo ngược. Với sự xuất hiện của cách mạng công nghiệp 4.0 và cú hích của đại dịch Covid-19, thế giới đang ở điểm đột phá của quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy nhanh chuyển đổi số.

Trong lĩnh vực bưu chính, đến nay, mạng lưới bưu chính đã được củng cố, hiện đại hóa và mở rộng phục vụ đến tận nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin và giao lưu văn hóa của nhân dân. 

Hệ thống kho cảng bến bãi

Nền kinh tế thị trường phát triển, thương mại phát triển đòi hỏi kho cảng, bến bãi càng phát triển theo. Hệ thống kho cảng bến bãi của chúng ta gần như đang ở thời kỳ nguyên khai. Trang thiết bị lạc hậu, nhỏ bé, thiếu đồng bộ, tổ chức quản lý yếu kém, năng lực điều phối hạn chế.

Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, lạc hậu, thiếu đồng bộ, kém tính kết nối, hiện đang là điểm nghẽn của quá trình phát triển. 

Hạn chế, yếu kém nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Tư duy về phát triển kết cấu hạ tầng chậm đổi mới, chưa phù hợp với cơ chế thị trường; nguồn lực đầu tư vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, chưa huy động được nhiều nguồn lực ngoài nhà nước, chưa tạo được sự ủng hộ mạnh mẽ và chia sẻ trách nhiệm của toàn dân. Công tác quản lý nhà nước về đầu tư còn nhiều bất cập; hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, nhiều quy định chưa phù hợp; phân cấp mạnh, nhưng thiếu cơ chế giám sát và quản lý có hiệu quả. Chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu tính đồng bộ, bao quát, kết nối và tầm nhìn dài hạn; quản lý thực hiện quy hoạch còn yếu. Phân bổ nguồn lực dàn trải, chưa có kế hoạch phân bổ vốn trung và dài hạn để tập trung vào các công trình trọng điểm thiết yếu; chi phí đầu tư còn cao, hiệu quả thấp; chưa có cơ chế, chính sách thích hợp để huy động tiềm năng và nguồn lực, nhất là đất đai cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Thiếu chế tài, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.

2. Một số giải pháp chủ yếu phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng ở Việt Nam giai đoạn 2021-2023

- Nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng

Rà soát, hoàn thiện thể chế để nâng cao chất lượng quy hoạch. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, bảo đảm hiệu quả và tính khả thi. Coi trọng công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra thực hiện quy hoạch và xử lý nghiêm các vi phạm quy hoạch.

- Thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng

Sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA. Ðẩy mạnh vận động các đối tác, các nhà tài trợ tiếp tục cung cấp ODA để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình lớn. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan; ưu tiên bố trí vốn đối ứng và tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hoàn thành các dự án.

Thu hút mạnh các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm lợi ích thỏa đáng của nhà đầu tư. Mở rộng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. 

Ðổi mới cơ chế, chính sách để huy động mạnh nguồn lực đất đai vào phát triển hạ tầng. Thông qua chính sách khai thác địa tô chênh lệch do xây dựng công trình đem lại, chính sách phù hợp thu hồi đất để tạo vốn hỗ trợ cho xây dựng công trình hạ tầng. Thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án kinh doanh.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư kết cấu hạ tầng

Ðẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi, khắc phục phiền hà và giảm chi phí cho các nhà đầu tư.

Phát triển nguồn nhân lực làm công tác quản lý, xây dựng, vận hành, khai thác các công trình kết cấu hạ tầng. Nâng cao năng lực của các cơ quan, đơn vị nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm thực hiện tốt chức năng chủ đầu tư, chủ sở hữu nhà nước đối với các dự án kết cấu hạ tầng.

Hoàn thiện cơ chế phân cấp đầu tư, phân bổ nguồn vốn để vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp, vừa bảo đảm sự quản lý thống nhất của Trung ương, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong xã hội để mọi người dân ủng hộ và chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của đất nước.

Ths. Đặng Thị Tố Tâm

(Học viện Chính trị Quốc gia Khu vực I)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày