Thứ 6, 22/11/2024, 01:08[GMT+7]

Bảo tồn nghệ thuật chèo qua phục dựng vở diễn cổ

Thứ 2, 23/11/2020 | 08:17:35
5,863 lượt xem
Với phương châm bảo tồn nghệ thuật truyền thống bằng con người, năm nào cũng vậy, Nhà hát Chèo Thái Bình đều cố gắng phục dựng các vở chèo cổ. Qua đó, mỗi nghệ sĩ, diễn viên dù đã hoạt động lâu năm trong nghề hay mới làm quen với vai diễn đều có thêm cơ hội để hiểu, để yêu, góp phần gìn giữ nghệ thuật chèo truyền thống.

Trích đoạn “Thị Màu lên chùa” được nhiều diễn viên Nhà hát Chèo Thái Bình lựa chọn tham gia cuộc thi tài năng trẻ toàn quốc.

Năm nay, dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng Nhà hát Chèo Thái Bình đã phục dựng thành công vở chèo cổ “Trinh Nguyên”. Nhà hát cũng tổ chức tập luyện những trích đoạn chèo cổ cho các nhạc công, diễn viên trẻ tham gia các cuộc thi tài năng như cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc, cuộc thi tài năng trẻ diễn viên chèo toàn quốc. Thông qua các buổi công diễn báo cáo hội đồng nghệ thuật, các trích đoạn chèo cổ như “Nghinh hương quán”, “Phù thủy sợ ma”, “Tuần Ty - Đào Huế”, “Thị Màu lên chùa”, “Súy Vân giả dại”,... đã tới gần hơn với công chúng yêu nghệ thuật chèo trong tỉnh. Điều đáng mừng, mỗi đêm công diễn, các hàng ghế của Nhà hát đều chật kín khán giả. Họ đến khi sân khấu còn chưa sáng đèn và ra về khi các nhạc công, diễn viên đã thu dọn đồ đạc biểu diễn. Nhìn những gương mặt háo hức, những ánh mắt say mê, những nụ cười, những tràng pháo tay sau mỗi vở diễn mới hiểu, dù cuộc sống có biến thiên từng ngày nhưng nghệ thuật truyền thống luôn có chỗ đứng trong lòng khán giả.

Chia sẻ về việc lựa chọn phục dựng các vở chèo cổ, NSND Vũ Ngọc Cải, Giám đốc Nhà hát Chèo Thái Bình cho biết: Việc phục dựng lại những tích chèo cổ nổi tiếng với những bài học đạo lý, giáo huấn con người sâu sắc không hề cũ với cuộc sống hôm nay và là điều mà các nghệ sĩ trong nghề rất tâm đắc. Như vở chèo cổ “Trinh Nguyên” mà các nghệ sĩ của Nhà hát mới dàn dựng và công diễn trong thời gian gần đây. Dù có tích truyện đơn giản nhưng vở chèo hấp dẫn người xem khi xây dựng thành công biểu tượng đức hạnh của người phụ nữ, tình mẫu tử thiêng liêng và công lý chốn quan trường. Trong vở chèo này, ở trường đoạn phải chọn lựa giữa cứu con chồng hay con đẻ, những tiếng nấc nghẹn của nghệ sĩ cùng làn điệu chèo da diết đã gây ấn tượng mạnh với công chúng. Khi nghệ sĩ dứt câu hát, người xem đồng loạt vỗ tay, một số khán giả lau vội nước mắt. Chèo xưa mà nói chuyện hôm nay vô cùng sâu sắc, chạm tới xúc cảm của người xem.

Cũng theo chia sẻ của NSND Vũ Ngọc Cải, đối với mỗi cuộc thi tài năng toàn quốc, yêu cầu đặt ra cho mỗi phần thi của các nghệ sĩ, diễn viên là luôn phải phối hợp hài hòa giữa hát, múa và diễn. Trong khi đó, các trích đoạn chèo truyền thống bao hàm đầy đủ các yếu tố này nên Nhà hát luôn lựa chọn những trích đoạn cổ phù hợp với khả năng của từng nghệ sĩ để tham gia các cuộc thi. Đồng thời, các nghệ sĩ trẻ khi đã thành thạo các trích đoạn cổ sẽ giúp tạo ra cho chính bản thân họ bản lĩnh, kinh nghiệm sân khấu tốt hơn. Cứ thế nối tiếp nhau, người đi trước truyền nghề cho người đi sau, các thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát đều phải “nằm lòng” các trích đoạn chèo cổ. Vì vậy, họ vừa là người bảo tồn vừa là người tiếp nối để truyền lại cho thế hệ mai sau những tinh hoa của nghệ thuật truyền thống.

Việc phục dựng vở diễn cổ giúp các nghệ sĩ trẻ vừa là người bảo tồn vừa là người tiếp nối, phát huy tinh hoa của nghệ thuật chèo truyền thống.

Để phục dựng thành công những vở chèo cổ, bên cạnh nguồn nhân lực sẵn có, Nhà hát đã dày công mời thế hệ NSƯT, NSND từng nổi danh với các vai diễn mẫu trong chèo cổ để truyền nghề cho lớp diễn viên trẻ. Nghệ sĩ Đức Văn, Đoàn 2, Nhà hát Chèo Thái Bình chia sẻ: Với nghệ sĩ, diễn viên, việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống là nhiệm vụ nhưng bên cạnh đó cũng là câu chuyện của những người làm nghề, yêu nghề, luôn mong muốn gìn giữ và gắn bó với nghề. Bởi vậy, chúng tôi rất vinh dự khi được các nghệ sĩ lớn tuổi, có kinh nghiệm, kỹ năng biểu diễn truyền dạy lại cho thế hệ hôm nay.

Thực tế đời sống của nghệ thuật chèo đã khẳng định, việc bảo tồn và phát huy vốn cổ chính là vấn đề sống còn của loại hình nghệ thuật này. Chú trọng việc trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, phục dựng các vở diễn cổ, nghệ sĩ của Nhà hát mong mỏi một ngày không xa, nghệ thuật hát chèo sẽ sớm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tú Anh 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày