Thứ 7, 23/11/2024, 22:12[GMT+7]

Nỗ lực phục hồi, phát triển sân khấu truyền thống

Thứ 4, 07/09/2022 | 08:29:33
7,191 lượt xem
Quãng thời gian dài ảnh hưởng của dịch Covid-19 là thách thức lớn đối với sân khấu truyền thống nhưng không thể phủ nhận đây đồng thời cũng là cơ hội để các nghệ sĩ có thêm thời gian đào sâu nghiên cứu, cật lực chuẩn bị cho những màn tái xuất ấn tượng trước công chúng. Đêm công diễn vở chèo lịch sử cận đại “Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm” vừa qua với sự thành công hơn cả mong đợi đã cho thấy sức cuốn hút, sức sống bền bỉ của sân khấu chèo nói riêng, các loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung vẫn luôn hiện hữu giữa nhịp sống đương đại.

Vở chèo lịch sử cận đại về cuộc đời nhà chí sĩ yêu nước Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm.

Hấp dẫn, nhiều mới lạ trong những vở diễn

Cuối tháng 7, người yêu nghệ thuật truyền thống được thưởng thức vở chèo “Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm”. Có lẽ đã lâu, khán giả Thái Bình mới có dịp được thưởng thức nghệ thuật trong một không gian được bài trí công phu đến vậy. Từng lớp lang sân khấu trong mỗi phân cảnh đều mang sự chỉn chu từ khâu thiết kế tới những giọng ca nổi bật, truyền cảm của một đơn vị chèo với bề dày truyền thống. Điều đặc biệt, vở chèo được dàn dựng với sự kính trọng Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm, mạch diễn chân thực, cảm động đã dẫn dắt khán giả đến không gian ước lệ của nghệ thuật chèo truyền thống để hiểu hơn về một người con ưu tú, giàu lòng yêu nước của quê hương Thái Bình.

NSND Vũ Ngọc Cải, Giám đốc Nhà hát Chèo Thái Bình cho biết: Thiết thực chuẩn bị cho cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo toàn quốc năm 2022 do Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức tại thành phố Phủ Lý (Hà Nam), Nhà hát đã chuẩn bị 2 vở diễn là “Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm” và “Chàng Chử và nàng Tiên Dung”. Đây là 2 tác phẩm được xây dựng kỳ công với thời gian khá dài, từ tháng 10/2021. Hiện nay, Nhà hát đang tiếp tục hoàn thiện và nâng cao vở diễn để các nghệ sĩ yên tâm cống hiến cho khán giả những đêm diễn một cách chất lượng nhất.  

Điều gây ấn tượng mạnh mẽ đối với mỗi khán giả khi theo dõi vở diễn “Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm” là nhiều cảnh diễn thấm đẫm chất điện ảnh trên một sân khấu chèo như cảnh cậu bé Kỳ Đồng đưa tay vào túi quần khoe ba quả trứng đã nở thành chim, cậu đưa tay tung những chú chim bay cao trên sân khấu và hướng mắt nhìn theo, thể hiện khao khát cháy bỏng đất nước được tự do; cảnh cô Trai bên ngọn đèn dầu hướng mắt về nơi xa trông ngóng người yêu nơi viễn xứ đến mức bấc lụi dầu hao... Ngoài ra, sự xuất hiện của dàn đế xuyên suốt vở diễn ở một góc sân khấu, vừa giữ vai trò dẫn chuyện vừa đảm nhận những màn giao đãi thú vị là một điểm mới lạ trong vở diễn. Góp phần to lớn làm nên sức hấp dẫn, không thể không kể đến khả năng ca, diễn của những diễn viên đến từ nôi chèo của cả nước. Bên cạnh sự xuất hiện của những nghệ sĩ đã khẳng định được tên tuổi như NSƯT Văn Bằng (vai dàn đế), NSƯT Ánh Điện (vai cụ Đồ Tỵ), NSƯT Thúy Hà (vai cô Trai)... còn có đội ngũ hùng hậu diễn viên trẻ có thực lực, với những phân cảnh xúc động, xuất thần trên sân khấu, trong đó là vai chính Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm do diễn viên trẻ tài năng Trọng Khởi đảm nhận.

Sau khi tham dự liên hoan chèo toàn quốc vào tháng 10, các vở chèo đã được lên kế hoạch biểu diễn tại nhiều trường học, địa bàn dân cư trong tỉnh và lưu diễn tại tỉnh ngoài, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật truyền thống của nhân dân.

Truyền đi tình yêu với nghệ thuật

Năm nào cũng vậy, nhân kỷ niệm ngày Sân khấu Việt Nam (12/8 âm lịch), Chi hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tại Thái Bình, Chi hội Nghệ sĩ Sân khấu - Hội Văn học Nghệ thuật cùng các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo Thái Bình đều tổ chức lễ dâng hương Tổ nghiệp, tri ân những bậc tiền bối có công khai phá, truyền nghề đối với nghệ thuật sân khấu. Đây là dịp để các nghệ sĩ đã có nhiều cống hiến trong nghệ thuật có thể truyền dạy, bảo ban thế hệ tiếp nối thêm hăng say, gắn kết với nghệ thuật của cha ông. Năm nay, thiết thực chuẩn bị cho cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo toàn quốc, ngoài lễ dâng hương, các nghệ sĩ nguyện cống hiến, nỗ lực hết mình góp phần bảo lưu, truyền đi tình yêu với nghệ thuật truyền thống.

Các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Thái Bình trong vở diễn dự liên hoan chèo toàn quốc.

NSND Vũ Ngọc Cải cho biết thêm: Trong 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, không có nhiều buổi biểu diễn trực tiếp, Nhà hát Chèo Thái Bình đã phối hợp ghi hình một số chương trình nghệ thuật để phục vụ công chúng. Bên cạnh đó là đầu tư nghiên cứu để chuẩn bị cho những tác phẩm chất lượng nhất, như đối với 2 vở diễn tham gia liên hoan chèo toàn quốc vào tháng 10 tới đây, Nhà hát đã huy động sự nỗ lực của toàn bộ diễn viên, nhạc công. Đó vừa là sự trở lại với khán giả sau một thời gian dài sân khấu tạm lắng vừa thể hiện tình yêu, niềm đam mê và khát khao được cháy hết mình với nghệ thuật của các nghệ sĩ trưởng thành từ cái nôi của nghệ thuật chèo truyền thống.

Âm thầm mà bền bỉ, lớp lớp thế hệ nghệ sĩ đang từng ngày giữ gìn truyền thống sân khấu dân tộc, tri ân người đi trước đã có công gây dựng để thế hệ hôm nay được tiếp nối, đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với công chúng. Qua đó, góp phần thực hiện nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra: Phối hợp hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận nghệ thuật hát chèo (đồng bằng sông Hồng) là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tú Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày