Thứ 5, 21/11/2024, 20:20[GMT+7]

Phim kinh dị “Cám” hé lộ hành trình làm phục trang công phu

Thứ 4, 21/08/2024 | 08:33:39
6,848 lượt xem
Là bộ phim hư cấu lấy bối cảnh làng quê thời phong kiến, quá trình sáng tạo hàng trăm bộ trang phục trong phim phải đảm bảo tiêu chí đầu tiên: tính chính xác, đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết.

“Bộ phim là dị bản kinh dị từ truyện Tấm Cám, thế nên chúng tôi phải làm sao để phần phục trang gần với hình dung của mọi người về câu chuyện này, nhưng đồng thời cũng phải mới lạ và sáng tạo. Những bộ trang phục trong phim lấy cảm hứng từ phục trang ở giai đoạn cuối thời Lê và đầu thời Nguyễn”, đạo diễn Trần Hữu Tấn chia sẻ.

Phần phục trang của phim do chuyên gia phục trang Nabongchua thực hiện, với thiết kế của họa sĩ Duy Văn và tư vấn từ nhà nghiên cứu sử học Phan Thanh Nam (Ấm Chè).

phim cam 3.png

Các trang phục đa dạng cho nhiều tầng lớp nhân vật trong phim. Ảnh: ĐPCC

Theo tiết lộ từ ê-kíp, quá trình làm phục trang gồm ba bước. Đầu tiên, phải tạo ra bản phác thảo từ những nghiên cứu và ảnh tham khảo cổ phục. Sau đó, hình ảnh phác thảo sẽ được nhà nghiên cứu sử học Phan Thanh Nam nhận xét, góp ý. Cuối cùng, trang phục sẽ được chuyển đến chuyên gia phục trang để thực hiện.

Đặc biệt, yếu tố màu sắc được đạo diễn tính toán sao cho phù hợp khi lên hình với máy quay, ánh sáng, cũng như phản ánh tính cách của nhân vật.

“Truyện Tấm Cám chưa xác định rõ được niên đại. Khi thực hiện phim Cám, tôi cũng lưu tâm lựa chọn những chất liệu văn hóa đậm nét Việt Nam. Chúng tôi khai thác phục trang, đạo cụ, cũng như những nét văn hóa đặc sắc mang tính chất bản địa của Việt Nam”, nhà nghiên cứu Phan Thanh Nam chia sẻ.

phim cam 1.png

Hai trang phục tốn rất nhiều thời gian, tâm sức của ê-kíp. Ảnh: ĐPCC

Nhà sản xuất Hoàng Quân cũng tiết lộ thêm, thách thức trong khâu phục trang còn đến từ đội ngũ diễn viên quần chúng đông đảo, có những đại cảnh 200-300 người. Chưa kể, hệ thống nhân vật trong phim rất đa dạng, từ người dân quê đến những người giàu có như gia đình lý trưởng, Thái tử, Thái tử phi, các quan, thái giám, cung nữ, cận vệ, thị vệ... nên càng đòi hỏi sự đa dạng về phục trang.

Trong phim, toàn bộ trang phục được nhận dạng nằm trong dòng văn hóa dân gian Việt Nam xưa như: áo tứ thân, ngũ thân, giao lĩnh, viên lĩnh, đối khâm… Không chỉ dừng lại ở kiểu dáng của cổ phục, tổ phục trang còn chú ý vào các chi tiết như cách mặc sao cho đúng, như cách đắp vạt áo theo cách của người Việt, các chất liệu, màu sắc phù hợp từng giai cấp cụ thể và tiệm cận với thời kỳ mà bộ phim lựa chọn, các phụ kiện hài, guốc, trang sức...

phim cam 4.png

Nhiều phụ kiện của các nhân vật cũng vô cùng tỉ mỉ. Ảnh: ĐPCC

Được biết, hai trang phục tốn nhiều thời gian và công sức nhất, với độ công phu và chi tiết, là trang phục của Thái tử và Tấm.

Cám là dị bản kinh dị từ truyện cổ tích Tấm Cám nổi tiếng. Phim xoay quanh Cám - em gái cùng cha khác mẹ của Tấm, đồng thời có nhiều nhân vật và chi tiết sáng tạo, gợi cảm giác vừa lạ vừa quen cho khán giả.

Video: điện_ảnh_-Cám-_tung_trailer_gây_sốc_với_nhiều_tình_tiết_kinh_dị.mp4

Trailer phim "Cám".

Phim dự kiến khởi chiếu từ ngày 27-9.

Theo sggp.org.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày