Thứ 5, 16/01/2025, 04:56[GMT+7]

4 nước trúng cử Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2021-2022

Thứ 5, 18/06/2020 | 09:04:48
2,861 lượt xem
Bốn nước gồm Ấn Độ, Mexico, Ireland và Na Uy đã trúng cử và chính thức trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2021-2022.

Một phiên họp của HĐBA. Nguồn: THX/TTXVN

Đêm 17/6, theo giờ Việt Nam, tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở thành phố New York, 193 thành viên của tổ chức này đã tham gia cuộc bỏ phiếu chưa từng có tiền lệ, đó là bỏ phiếu kín vị trí Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 75, 5 Ủy viên không thường trực nhiệm HĐBA nhiệm kỳ 2021-2022, và thành viên Hội đồng KT-XH (ECOSOC) 2021-2023.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Liên Hợp Quốc phải tiến hành 3 cuộc bỏ phiếu quan trọng cùng một thời điểm và không có họp trù bị. Để đảm bảo giãn cách xã hội, mỗi quốc gia chỉ có 1 đại diện vào bỏ phiếu theo khung giờ đã định sẵn và đeo khẩu trang.

Vị trí Chủ tịch Đại hội đồng thường trực được đề cử, các nước bỏ phiếu thông qua bằng thủ tục vỗ tay. Nhưng năm nay, đã có quốc gia yêu cầu phải thực hiện bỏ phiếu.

Kết quả, ông Volkan Bozkir, Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ trúng cử Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 75 với số 178/189 phiếu. Ấn Độ, Mexico, Nauy và Ireland trúng cử ngay từ vòng đầu vào vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỷ 2021-2022. Trong đó, trúng với số phiếu cao nhất là Mexico với 187/192 phiếu. Riêng hai đại diện của châu Phi phải trải qua bỏ phiếu vòng 2 vì không đạt 2/3 số phiếu ủng hộ.

Hội đồng KT-XH (ECOSOC) cũng đã lựa chọn được 18 thành viên mới đến từ các khu vực.

Sau hơn 3 tháng đóng cửa vì dịch COVID-19, đây là lần đầu tiên Trụ sở Liên Hợp Quốc được mở trở lại để cho các nước thành viên đến bỏ phiếu. Sau đó, mọi hoạt động sẽ tiếp tục được thực hiện trên nền tảng trực tuyến.

Để đảm bảo giãn cách xã hội và an toàn cho các nhà ngoại giao tham gia bỏ phiếu, ngay cả các phóng viên Thường trú tại Liên Hợp Quốc cũng không được vào bên trong trụ sở để tác nghiệp. Nhưng cũng để đảm bảo mọi thông tin và quy trình được diễn ra minh bạch, các hình ảnh về cuộc bỏ phiếu đã được truyền ra bên ngoài qua hệ thống truyền thông của Liên Hợp Quốc.

Theo vtv.vn