Thứ 5, 16/01/2025, 05:56[GMT+7]

Châu Âu có thể đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của khủng hoảng COVID-19

Thứ 7, 27/06/2020 | 18:40:30
1,749 lượt xem
Ngày 26/6, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nhận định giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế do COVID-19 gây ra có thể đã qua.

Cảnh nhộn nhịp tại một khu phố ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 19/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN.

Tuy nhiên, bà Lagarde vẫn cảnh báo rằng trạng thái "bình thường mới" sẽ khác với những gì đã diễn ra trước đây.

Tại một cuộc hội thảo trực tuyến, bà Lagarde bày tỏ rằng dù Liên minh châu Âu (EU) có thể đã vượt qua điểm "đáy" của khủng hoảng COVID-19, bà vẫn lo lắng vì khả năng xảy ra một làn sóng lây nhiễm thứ hai dựa trên những gì đã xảy ra trong giai đoạn dịch cúm Tây Ban Nha.

Chủ tịch ECB nói rằng mọi thứ sẽ không trở về tình trạng trước đại dịch mà sẽ rất khác. Những ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất - như hàng không, khách sạn và giải trí - sẽ hồi phục từ cuộc khủng hoảng với "một hình thái khác", trong khi các ngành công nghiệp mới có thể nổi lên.

Châu Âu có thể đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của khủng hoảng COVID-19 - Ảnh 1.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde. Ảnh: THX/TTXVN.

Tốc độ phục hồi sau dịch COVID-19 tại mỗi khu vực cũng sẽ khác biệt. Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) nhiều khả năng sẽ ghi nhận mức suy giảm kinh tế lên tới 10,2% trong năm nay.

Chủ tịch Lagarde cho biết bà tin rằng các ngân hàng trung ương đã giúp giảm thiểu thiệt hại của đại dịch. Dù trước đây, các ngân hàng trung ương đã phàn nàn về việc bị yêu cầu thực hiện các biện pháp mạnh tay trong khi các chính phủ giữ quản lý chặt nguồn tài chính của mình, bà Lagarde lưu ý rằng trong đại dịch lần này, lần đầu tiên các chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa được triển khai hài hòa với nhau.

Ở châu Âu, Đức đã đi đầu trong việc "mở kho bạc" của mình, "giải phóng" khoản viện trợ trị giá hàng nghìn tỷ Euro để củng cố nền kinh tế. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã phác thảo những nội dung "xương sống" của Quỹ phục hồi kinh tế trị giá 750 triệu Euro (tương đương 840 triệu USD) để thúc đẩy nền kinh tế của khối.

Châu Âu có thể đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của khủng hoảng COVID-19 - Ảnh 2.

Ảnh minh họa (Nguồn: CNBC)

Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn đang được tranh luận tại Brussels, với các quốc gia được coi là "tiết kiệm" như Áo và Hà Lan dẫn đầu phe đối lập. Bà Lagarde cho biết số tiền của quỹ phục hồi kinh tế phải được sử dụng một cách khôn ngoan, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào các dự án kỹ thuật số và thâm thiện với môi trường ở châu Âu.

Song Chủ tịch ECB nói thêm rằng một thỏa thuận có thể sẽ không được đưa ra ngay sau hội nghị thượng đỉnh EU tiếp theo vào ngày 17-18/7 tới.

Theo vtv.vn