Hơn 12,3 triệu người mắc COVID-19 toàn cầu, Tổng thống Bolivia dương tính với SARS-CoV-2
Với tổng cộng 3.161.007 ca mắc và 134.940 ca tử vong, Mỹ là quốc gia chịu tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh này. Số ca mắc COVID-19 đang tăng cao trở lại tại nhiều bang "điểm nóng" ở miền Nam, trong đó có Texas, Florida, Louisiana và Arizona, trong khi giảm mạnh tại những nơi từng là tâm dịch như bang New York và các bang vùng Đông Bắc.
Đặc biệt, thành phố Tulsa thuộc bang Oklahoma, nơi Tổng thống Donald Trump tổ chức cuộc vận động tranh cử đầu tiên kể từ khi nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại, số ca mắc COVID-19 đang gia tăng mỗi ngày.
Độ tuổi mắc COVID-19 ở Mỹ đang có xu hướng trẻ hóa
Trong hai ngày qua, Tulsa ghi nhận thêm gần 500 ca bệnh, nâng tổng số ca bệnh ở thành phố này lên 4.571 ca. Theo giới chức địa phương, khoảng 6.200 người đã tham gia sự kiện vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump và phần lớn đều không đeo khẩu trang.
Nhân viên y tế tại bệnh viện Arnau de Vilanova, Catalonia, Tây Ban Nha, ngày 4/7. Ảnh: Reuters.
Số ca nhiễm mới ở Florida có độ tuổi trung bình 35, trong khi 50% số ca nhiễm mới ở thành phố Phoenix thuộc bang Arizona dưới 35 tuổi. Nhiều bang đã buộc phải tạm ngừng các kế hoạch nới lỏng thêm các biện pháp hạn chế, thậm chí phải đóng cửa trở lại để ngăn chặn dịch lây lan.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố có tiến triển trong việc mở cửa trở lại hoạt động đi lại với Liên minh châu Âu (EU), vốn đang bị đình trệ do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, song ông không nêu ra thời gian cụ thể.
EU đã từ chối cho Mỹ - quốc gia có số ca mắc COVID-19 lớn nhất thế giới và ngày một tăng - vào danh sách các quốc gia an toàn mà công dân được phép tới EU. Ngoại trưởng Pompeo cho biết Mỹ và EU đang thảo luận "các thủ tục và quy tắc" để có thể nối lại hoạt động đi lại giữa hai bên.
Tổng thống lâm thời Bolivia dương tính với SARS-CoV-2
Ngày 9/7, Tổng thống lâm thời Bolivia Jeanine Añez cho biết bà đã dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Thông báo trên mạng xã hội Twitter, bà Añez khẳng định sức khỏe vẫn bình thường và sẽ vẫn tiếp tục làm việc trong thời gian cách ly. Bà Añez đã tiến hành kiểm tra sức khỏe và làm xét nghiệm sau khi nhiều thành viên trong nội các và các trợ lý thân cận bị mắc COVID-19.
Nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục
Trong bối cảnh dịch bệnh đang được kiềm chế tại nhiều nước châu Âu thì Bulgaria lại ghi nhận thêm 240 ca mắc COVID-19 chỉ trong một ngày. Đây là ngày có số ca nhiễm cao nhất tại nước này. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Bulgaria là 6.342 ca, trong đó có 259 ca tử vong.
Slovakia cũng thông báo ghi nhận thêm 53 ca nhiễm - mức cao nhất trong một ngày kể từ ngày 22/4. Thủ tướng Slovakia Igor Matovic cho rằng số ca nhiễm trong ngày ở mức cao cho thấy khó có thể tiếp tục trông cậy vào trách nhiệm của người dân. Mặc dù vậy, hiện chưa rõ liệu tuyên bố trên của ông Matovic có đồng nghĩa với việc Slovakia sẽ tái áp đặt các biện pháp hạn chế hay không. Tính đến nay, Slovakia ghi nhận tổng cộng 1.851 ca nhiễm, trong đó có 28 ca tử vong và 1.477 người đã bình phục.
Chính quyền bang Victoria , Australia phản ứng trước sự bùng phát dịch COVID-19. (Ảnh: Getty Images)
Còn tại Trung Đông, Palestine đã siết chặt các biện pháp phòng chống dịch trên toàn khu Bờ Tây sau khi ghi nhận thêm 2 ca tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại đây lên 24 ca kể từ khi dịch bùng phát ngày 5/3 vừa qua.
Theo đó, một lệnh phong tỏa toàn diện đã được áp đặt ở khu Bờ Tây sau khi Chính quyền Palestine trước đó quyết định kéo dài lệnh phong tỏa thêm 5 ngày nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh COVID-19. Chính quyền Palestine cũng đã phạt 15 chủ cơ sở công nghiệp và thương mại không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Cảnh sát Palestine đã đóng cửa nhiều cửa hàng, giữ nhiều phương tiện đi lại và bắt giữ nhiều người không tuân thủ tình trạng khẩn cấp và lệnh phong tỏa.
Ai Cập tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao nhất với 1.025 ca, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 78.304 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Ai Cập đã tăng lên 3.564 ca sau khi có thêm 75 ca. Số ca nhiễm mới theo ngày ở Ai Cập đã vượt 1.000 ca kể từ ngày 28/5 (trừ ngày 6/7 ghi nhận 969 ca), trong đó số ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục là 1.774 ca được ghi nhận vào ngày 19/6.
Iran cũng thông báo số ca tử vong do mắc COVID-19 trong ngày cao nhất, với 221 ca, đưa tổng số trường hợp tử vong lên 12.305 người. Cũng trong 24 giờ qua, số ca mắc COVID-19 tại Iran tăng 2.079 ca lên mức 250.458 ca. Số ca mắc COVID-19 và tử vong tại Iran đã tăng mạnh trong những tuần qua khi chính phủ nới lỏng các biện pháp phong tỏa nhằm khôi phục nền kinh tế.
Tại châu Phi, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize cảnh báo người dân rằng họ bắt đầu phải đối mặt với giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 đang lây lan với tốc độ chóng mặt tại quốc gia này. Theo Bộ trưởng Mkhize, Nam Phi đang tiến vào giai đoạn đỉnh dịch và mọi người dân Nam Phi cần chuẩn bị tinh thần trước một một thực tế rằng "bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể tử vong mà không được người thân chôn cất vì buộc phải tuân thủ các quy định về phòng dịch khi tổ chức tang lễ".
Hiện Nam Phi có khoảng 215.000 trường hợp mắc COVID-19 sau khi ghi nhận thêm 10.134 ca nhiễm mới chỉ trong 24 giờ qua, trong khi có thêm 192 người tử vong, nâng tổng số người tử vong vì căn bệnh này lên 3.502 trường hợp.
Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ đi qua một chợ truyền thống ở Jakarta, Indonesia để thu thập mẫu xét nghiệm COVID-19 từ các tiểu thương hôm 25/6. (Ảnh: Reuters)
Tại châu Á, Indonesia ngày 9/7 thông báo ghi nhận thêm 2.657 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đưa tổng số người mắc bệnh lên tới 70.736 ca. Đây cũng là ngày ghi nhận số ca nhiễm trong một ngày cao nhất ở quốc gia Đông Nam Á này. Cũng trong 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận thêm 58 ca tử vong, đưa tổng số lên 3.417 ca tử vong. Giới chức Indonesia cho biết trong số khoảng 192.000 người nước ngoài đang sinh sống tại nước này, có 334 người mắc COVID-19, trong đó có 9 người tử vong và 228 người đã bình phục.
Đối với bệnh nhân COVID-19 là người nước ngoài đang điều trị ở Indonesia, chính phủ nước này đã áp dụng nguyên tắc có đi có lại giữa các quốc gia, do đó chi phí điều trị và nằm viện sẽ được miễn phí. Trong thời gian tới, nếu người nước ngoài muốn đến Indonesia, vẫn phải có giấy chứng nhận xét nghiệm COVID-19. Trong trường hợp người nước ngoài không có giấy chứng nhận, họ sẽ được xét nghiệm nhanh tại các sân bay hoặc bệnh viện gần nhất. Sau khi nhập cảnh, người nước ngoài vẫn phải cách ly trong vòng 14 ngày tại Trung tâm Wisma Pademangan Athletes và được miễn phí.
Nhật Bản cùng ngày cũng xác nhận thêm 224 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở thủ đô Tokyo. Đây là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất ở Tokyo kể từ khi dịch COVID -19 bùng phát. Khoảng 80% số ca mới này là người ở độ tuổi 30 hoặc trẻ hơn. Tuy nhiên, người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết hiện chưa cần tái ban bố tình trạng khẩn cấp. Tính đến ngày 9/7, tổng số ca nhiễm ở Tokyo là 7.272 người trong khi tổng số ca nhiễm ở Nhật Bản hiện là 19.522 người, trong đó có 977 ca tử vong.
Trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm trong cộng đồng gia tăng, ngày 9/7, chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội. Cụ thể, chính quyền Hong Kong thông báo áp đặt lại quy định hạn chế số người tụ tập, theo đó, tối đa chỉ có 8 người được phép ngồi cùng nhau tại nhà hàng, trong khi tại các quán bar, quán rượu và hộp đêm mỗi bàn chỉ được ngồi 4 người. Tại phòng tập thể dục và karaoke chỉ có tối đa 16 người trong mỗi phòng.
Hong Kong ghi nhận thêm 34 ca lây nhiễm trong cộng đồng - mức cao nhất trong một ngày trong hơn 3 tháng qua. Hong Kong bắt đầu ghi nhận làn sóng dịch thứ hai trong 2 ngày qua. Kể từ tháng 1 đến nay, số ca mắc COVID-19 tại Hong Kong là 1.365 ca, trong đó có 7 ca tử vong.
Chuyên gia của WHO tới Bắc Kinh tìm nguồn gốc của virus SARS-CoV-2
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết sau tham vấn giữa hai bên, Chính phủ Trung Quốc đã nhất trí với Tổ chức Y tế Thế giới cử các chuyên gia tới Bắc Kinh để trao đổi ý kiến với các nhà khoa học và chuyên gia y tế nước này về hợp tác dựa trên cơ sở khoa học nhằm tìm ra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.
Nga ghi nhận chuỗi ngày liên tiếp số ca nhiễm mới COVID-19 dưới 7.000 ca/ngày. (Ảnh: aa.com.tr)
Ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh quan điểm của WHO là việc truy vết nguồn gốc của virus là một quá trình lâu dài và liên quan tới nhiều quốc gia và địa phương, do đó WHO sẽ có những chuyến đi tương tự tới các nước và khu vực khác nếu cần thiết.
Cũng trong ngày 9/7, WHO thông báo sẽ thành lập một ủy ban độc lập nhằm đánh giá cách thức xử lý đại dịch COVID-19 của chính tổ chức này, cũng như công tác phòng chống dịch của chính phủ các nước.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với các đại diện của 194 nước và vùng lãnh thổ thành viên, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark và cựu Tổng thống Liberia Ell Johnson Sirleaf đã đồng ý đứng đầu ủy ban trên và sẽ lựa chọn các thành viên. Ông Ghebreyesus cũng cho biết, ủy ban này sẽ cung cấp một báo cáo sơ bộ cho cuộc họp thường niên của các Bộ trưởng Y tế dự kiến sẽ được triệu tập vào tháng 11 tới.
Hôm nay đã bước sang ngày thứ 85 Việt Nam không phát hiện thêm ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng. Đến lúc này, tổng số ca nhiễm ở nước ta hiện là 369 người, 94% số ca mắc đã được điều trị khỏi.
Theo vtv.vn
Tin cùng chuyên mục
- Lời nói đầu tiên của những đứa trẻ sau khi được tìm thấy trong rừng Amazon 12.06.2023 | 17:24 PM
- Liên Hợp Quốc: Số người chết do động đất có thể tăng hơn gấp đôi 11.02.2023 | 23:20 PM
- Bé gái Philippines là người thứ 8 tỷ của thế giới 15.11.2022 | 10:00 AM
- Hoàng gia Anh thông báo về lễ đăng quang của Vua Charles III 12.10.2022 | 08:14 AM
- Bão NORU bắt đầu vào Philippines 25.09.2022 | 20:44 PM
- Cựu Thủ tướng Abe Shinzo - Người góp phần nâng tầm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản 09.07.2022 | 07:49 AM
- Máy bay Boeing 737 chở theo 132 người rơi tại Trung Quốc 21.03.2022 | 17:24 PM
- Mỹ ghi nhận kỷ lục 1 triệu ca mắc COVID-19/ngày, Pháp phát hiện biến thể chứa 46 đột biến 05.01.2022 | 08:25 AM
- Medvedev lần thứ 2 vào chung kết Mỹ mở rộng 11.09.2021 | 16:07 PM
- Thế giới có hơn 4,5 triệu ca tử vong, các nước Đông Nam Á vẫn đang gồng mình chống dịch 31.08.2021 | 08:23 AM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất thông qua 11 nghị quyết
- Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thăm, chúc tết tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026
- Gặp mặt chức sắc đại diện các tôn giáo xuân Ất Tỵ năm 2025
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh: Gặp mặt và chúc tết các doanh nghiệp nhân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Đổi mới, sáng tạo trong hành động với tinh thần “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tinh gọn hiệu quả, tăng tốc bứt phá”
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Thái Bình