Thứ 5, 16/01/2025, 09:50[GMT+7]

Tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao hơn Mỹ, Thụy Điển vẫn một mình một kiểu chống dịch

Thứ 2, 20/07/2020 | 07:37:48
3,459 lượt xem
Xét trên số dân, tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Thụy Điển cao hơn Mỹ - tâm dịch của thế giới - 30%. Nhưng Thụy Điển vẫn chống dịch dựa vào ý thức của người dân là chính.

Thụy Điển chống dịch COVID-19 theo mô hình khác biệt (Nguồn: AP)

Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho biết, ông không có chút hoài nghi nào về tính phù hợp của chiến lược chống COVID-19 gây tranh cãi của Thụy Điển.

"Tôi nghĩ đây là một chiến lược đúng đắn, tôi hoàn toàn chắc chắn về điều này" - ông Lofven đã trả lời như vậy trong một cuộc phỏng vấn với tờ Aftonbladet.

Chiến dịch chống dịch COVID-19 của Thụy Điển là để người dân tiếp tục cuộc sống gần như bình thường thay vì áp dụng các biện pháp đóng cửa như nhiều quốc gia khác. Giới chức y tế chỉ cấm tụ tập trên 50 người, đóng cửa các trường đại học và khuyến khích mọi người nên giữ khoảng cách an toàn. Mặc dù vậy, các cửa tiệm, nhà hàng vẫn mở cửa trong thời gian diễn ra đại dịch, các trường tiểu học và trung học cũng vậy.

Tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao hơn Mỹ, Thụy Điển vẫn một mình một kiểu chống dịch - Ảnh 1.

Thủ tướng Thụy Điển Lofven bảo vệ chiến lược chống dịch COVID-19 của nước mình (Nguồn: South China Morning Post)

Tuy nhiên, hãy nhìn vào những con số. Số người dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại Thụy Điển cao hơn bất cứ đất nước Bắc Âu nào.

Hiện Thụy Điển ghi nhận hơn 77.000 ca mắc COVID-19, theo thống kê của Đại học John Hopkins. Trong khi đó, dữ liệu thống kê tháng 6 cho thấy chỉ khoảng 10% dân số Stockholm - nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 tại Thụy Điển - đã phát triển kháng thể với COVID-19 nhưng nồng độ kháng thể vẫn còn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

"Chúng tôi hy vọng những người mắc COVID-19 sẽ phát triển kháng thể nhất định. Nhưng chúng tôi không biết liệu mức độ bảo vệ ấy mạnh như thế nào hoặc nó có thể kéo dài bao lâu" - bà Maria Van Kerkhove, chuyên gia dịch tễ học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phát biểu trong một buổi họp báo diễn ra hôm 13/7.

Tuần trước, 23 chuyên gia phản đối mạnh mẽ nhất chiến lược chống COVID-19 của Thụy Điển đã viết một bản ý kiến công kích biện pháp của chính phủ nước này. Họ nghi ngờ rằng mục tiêu miễn dịch cộng đồng sẽ không bao giờ đạt được và còn gọi đó là một "chiến lược lén lút" được thực hiện bằng cách để phần lớn dân số nhiễm virus.

Giới phê bình cho rằng, Thụy Điển cần cân nhắc một loạt biện pháp bảo vệ người dân, bao gồm cách ly những người không triệu chứng đã từng tiếp xúc với người nhiễm bệnh và đeo khẩu trang nơi công cộng.

Tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao hơn Mỹ, Thụy Điển vẫn một mình một kiểu chống dịch - Ảnh 2.

Người dân Thụy Điển duy trì cuộc sống cuộc sống gần như bình thường trong dịch COVID-19 (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, khẩu trang là một đề tài đặc biệt gai góc tại Thụy Điển. Nhà dịch tễ học hàng đầu nước này Anders Tegnell từng công khai phủ nhận hiệu quả của việc sử dụng khẩu trang trong thời kỳ đầu của dịch COVID-19. Dù gần đây, thái độ của ông đã có vẻ mềm mỏng hơn nhưng ông vẫn không hề đưa ra khuyến cáo sử dụng khẩu trang.

"Cách ly người không có triệu chứng và khẩu trang là những khái niệm hàm nghĩa kỳ thị. Chúng ta cần phải xóa bỏ sự kỳ thị đó" - ông Bjorn Olsen, một trong 23 chuyên gia phản đối chiến lược chống dịch COVID-19 của Thụy Điển, bày tỏ quan điểm.

Ông cho biết, việc Giám đốc Viện Dị Ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ Anthony Fauci đeo khẩu trang chính là "dấu hiệu cực kỳ rõ ràng và Thụy Điển không nên cho rằng mình nắm rõ thông tin hơn ông ấy".

Tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao hơn Mỹ, Thụy Điển vẫn một mình một kiểu chống dịch - Ảnh 3.

Nhà dịch tễ học hàng đầu Thụy Điển Anders Tegnell không thực sự tin tưởng vào hiệu quả của việc sử dụng khẩu trang Nguồn: South China Morning Post)

Nhà dịch tễ học Tegnell phản biện rằng, bằng chứng về hiệu quả của khẩu trang là quá mỏng và việc đeo khẩu trang chỉ tạo ra cảm giác an toàn giả, khiến mọi người không chú trọng tới các biện pháp cần thiết như rửa tay chẳng hạn. Quan điểm này hoàn toàn đối lập với kết quả của 172 nghiên cứu được WHO tài trợ, trong đó kết luận rằng đeo khẩu trang giúp bảo vệ chống lại sự lây nhiễm COVID-19.

Bênh cạnh đó, cách phản ứng của chính phủ Thụy Điển với dịch bệnh cũng được đánh giá là thiếu sự chuẩn bị, đặc biệt tại những trại dưỡng lão. Hồi tháng 4 vừa qua, một cụ ông 80 tuổi tại một trại dưỡng lão ở thủ đô Stockholm đã mắc COVID-19. Tuy nhiên, cụ không được đưa tới bệnh viện. Trại dưỡng lão cũng không được trang bị bình thở oxy. Cụ ông được cho uống morphine và qua đời chỉ vài ngày sau đó.

Trong bối cảnh mùa hè hiện tại, số ca mắc COVID-19 trong ngày của Thụy Điển đang có dấu hiệu giảm xuống. Tuy nhiên, chỉ trong 1 - 2 tháng tới, khi mùa hè ngắn ngủi ở Bắc Âu kết thúc, các chuyên gia dự đoán một đợt bùng phát khác sẽ xuất hiện trở lại.

Chuyên gia Olsen bày tỏ lo ngại bất chấp mức độ miễn dịch thế nào, cuộc chiến chống COVID-19 sẽ vẫn là một cuộc chiến dai dẳng. Cho dù đóng cửa là việc đúng đắn cần làm khi dịch bệnh bùng phát thì với Thụy Điển, giờ đã quá muộn để áp dụng biện pháp này.

"Đoàn tàu đã rời ga từ tháng 3 còn chúng ta đã đánh rơi tấm vé trên sân ga mất rồi" - ông Olsen nói - "Nếu chúng ta lên tàu rồi thì có lẽ lúc này kết quả đã rất khác".

Theo vtv.vn