Thứ 7, 10/08/2024, 20:10[GMT+7]

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC thông qua Tuyên bố chung

Thứ 6, 31/08/2012 | 14:15:13
164 lượt xem
Trong khuôn khổ tiến trình hợp tác tài chính thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), ngày 30/8 tại Moscow, Liên bang Nga đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 19.

Các Bộ trưởng tài chính APEC 19 (Nguồn ảnh: Botaichinh)

Đây là sự kiện chính trị quan trọng nhất trong tiến trình hợp tác của các bộ trưởng tài chính APEC nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh APEC, khai mạc ngày 2/9 tại thành phố Vladivostok của Nga.

Tham gia hội nghị có Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB), Phó Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cùng đại diện của một số tổ chức kinh tế tài chính khu vực. Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Tài chính Trương Chí Trung dẫn đầu đã tham dự hội nghị.

Kết thúc Hội nghị, các bộ trưởng tài chính APEC đã thông qua tuyên bố chung và nhất trí sẽ nhóm họp Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 20 tại Bali, Indonesia vào tháng 9/2013.

Đoàn đại biểu Bộ Tài chính Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia vào các phiên họp của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC và các hội nghị liên quan (Hội nghị quan chức tài chính cao cấp APEC ngày 28/8 và Hội nghị thứ trưởng tài chính APEC ngày 29/8/2012).

Trong các hội nghị này, Việt Nam chia sẻ với các đại biểu những vấn đề kinh tế vĩ mô của Việt Nam, cũng như những quan tâm của Việt Nam đối với các vấn đề trong khu vực.

Là khu vực có mối quan hệ chặt chẽ với các trung tâm kinh tế lớn, APEC chịu tác động to lớn từ những biến động của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone. Điều này một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng của bền vững tài khóa đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô cũng như tăng cường các biện pháp, hành động có tính phối hợp ở cấp độ khu vực và thế giới.

Đối phó với những thách thức và rủi ro này, ngay từ đầu năm, Chính phủ Việt Nam đã tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội. Nhờ đó, tăng trưởng quý II/2012 đạt cao hơn so với quý I. Trong trung hạn (2012-2015), Việt Nam triển khai tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh

Với tinh thần hợp tác, đoàn đại biểu Việt Nam đã tham gia thảo luận xây dựng bản Tuyên bố chung của các bộ trưởng tài chính APEC cũng như các vấn đề quan tâm khác, góp phần vào sự thành công của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 19.

Bên cạnh nguyên nhân thâm hụt ngân sách tăng cao và kéo dài làm suy giảm tính bền vững ngân sách, một nguyên nhân khác được các bộ trưởng tập trung thảo luận là vấn đề nợ của khu vực tư nhân. Các bộ trưởng cho rằng mức nợ cao của khu vực tư nhân và khu vực ngân hàng đang là nguy cơ tiềm ẩn đối với bền vững ngân sách. Kinh nghiệm gần đây đã cho thấy trong giai đoạn khủng hoảng, nợ khu vực tư nhân bao gồm cả các khoản nợ của các tổ chức tài chính, có thể chuyển đổi thành nợ công, làm gia tăng gánh nặng nợ của khu vực công. Các bộ trưởng đề xuất cần tăng cường giám sát chặt chẽ những rủi ro phát sinh từ gánh nặng nợ quá cao của khu vực tư nhân. Ngoài ra, vấn đề già hóa dân số cũng là một trong những nguyên nhân cần được tính đến trong các phân tích về bền vững ngân sách.

Theo VGP

  • Từ khóa