Chủ nhật, 19/01/2025, 01:36[GMT+7]

Hơn 101,8 triệu ca mắc COVID-19 trên thế giới, Ấn Độ tuyên bố khống chế thành công đại dịch

Thứ 6, 29/01/2021 | 08:08:30
1,670 lượt xem
Đến sáng 29/1, thế giới có trên 101,8 người mắc COVID-19, trong đó hơn 2,19 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 101,8 người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với trên 26,2 triệu ca mắc và hơn 442.0000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 95.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng cộng trên 10,7 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm gần 154.300 trường hợp thiệt mạng. Ngày 28/1, Ấn Độ báo cáo hơn 18.900 trường hợp nhiễm mới.

Ấn Độ bước đầu đã khống chế được làn sóng gia tăng các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này. Đây là lời khẳng định được Bộ trưởng Bộ Y tế Ấn Độ đưa ra vào ngày 28/1. Theo đó, có tới 1/5 số quận, huyện ở nước này thông báo không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong vòng 1 tuần qua, 18 quận, huyện không ghi nhận ca nhiễm mới trong 2 tuần qua. Trong bối cảnh số ca nhiễm mới giảm, Chính phủ Ấn Độ thông báo, từ ngày 1/2 tới sẽ dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng các hồ bơi công cộng, cho phép các rạp chiếu phim và rạp hát hoạt động hơn 50% công suất.

Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận trên 58.200 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm lên hơn 9 triệu trường hợp. Đến nay, trên 58.200 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi tại quốc gia này.

Hơn 101,8 triệu ca mắc COVID-19 trên thế giới, Ấn Độ tuyên bố khống chế thành công đại dịch - Ảnh 1.

Số ca mắc COVID-19 trong ngày 28/1 tại Brazil đã tăng vọt lên hơn 58.200 trường hợp. (Ảnh: AP)

Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang lan nhanh sang nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đến nay, hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo đã xuất hiện biến thể mới này. Trong báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây nhiễm cao hơn và có nguy cơ khiến các loại vaccine hay kháng thể trở nên kém hiệu quả hơn. Trong khi đó, biến thể phát hiện tại Nam Phi hiện đã được ghi nhận tại 31 nước và biến thể mới nhất phát hiện tại Brazil cũng đã xuất hiện tại 8 nước. Theo quy luật, tất cả các virus đều biến thể để thích nghi với môi trường. Thủ tướng Anh từng cảnh báo về khả năng gây tử vong cao của biến thể phát hiện tại nước này.

Tại Anh, quốc gia phát hiện ra biến thể đầu tiên của virus SARS-CoV-2, giới chức xứ England cho biết, số ca nhiễm mới đã bắt đầu giảm, cho thấy hiệu quả của đợt phong tỏa mới. Tuy nhiên, tốc độ giảm hiện nay chưa đủ để giảm tỷ lệ lây nhiễm tại Anh, tỷ lệ vẫn được coi là rất cao so với các nước và khu vực khác.

Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố tiếp tục kéo dài lệnh phong tỏa tại England tới ít nhất ngày 8/3, một quyết định dập tắt hy vọng về khả năng các trường học có thể mở cửa trở lại hoàn toàn vào tháng 2 tới. Kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy, tỷ lệ lây nhiễm trên toàn nước Anh được ghi nhận là 1,57%, trong đó thủ đô London có tỷ lệ nhiễm cao nhất với 2,83%. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cảnh báo, các số liệu này là lời nhắc nhở về sự cần thiết phải cảnh giác về những diễn biến của dịch COVID-19.

Nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã hoàn thành thời gian cách ly 14 ngày tại thành phố Vũ Hán và sẽ bắt đầu tiến hành điều tra nguồn gốc của virus tại Trung Quốc. Nhóm chuyên gia rời khách sạn cách ly trong ngày 28/1. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong thời gian điều tra, nhóm chuyên gia sẽ tiến hành các cuộc phỏng vấn và thảo luận, đồng thời tuân thủ các quy định phòng dịch của Trung Quốc. Hiện chưa rõ thời gian và địa điểm nhóm chuyên gia bắt đầu công tác điều tra.

Nhóm chuyên gia của WHO đến Vũ Hán ngày 14/1 vừa qua. Theo kế hoạch, các chuyên gia sẽ thực hiện cuộc điều tra kéo dài trong nhiều tuần. WHO nêu rõ, chuyến công tác này thuần túy là về khoa học để làm rõ cách thức lây nhiễm của virus SARS-CoV-2.

Các nước Đông Nam Á tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới. Trong 24 giờ qua, Malaysia có thêm gần 4.100 ca mắc và 10 trường hợp không qua khỏi, đưa tổng số ca mắc và tử vong do dịch bệnh lên lần lượt là trên 198.200 người và 717 bệnh nhân. Trong khi đó, tổng số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 tại Philippines đã tăng lên hơn 519.500 ca và hơn 10.500 người sau khi ghi nhận thêm 1.169 trường hợp mắc COVID-19 và 71 bệnh nhân không qua khỏi. Cùng ngày, Thái Lan cũng thông báo có thêm 756 ca nhiễm, trong đó có 746 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.

Theo vtv.vn