Chủ nhật, 19/01/2025, 01:36[GMT+7]

Mỹ trừng phạt chính quyền Myanmar, phe chống đảo chính nói cần rắn hơn

Thứ 6, 12/02/2021 | 14:00:34
1,664 lượt xem
Sau khi Mỹ áp vòng trừng phạt đầu tiên, lực lượng ủng hộ nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi vừa kêu gọi quốc tế cần có hành động cứng rắn hơn đối với chính quyền quân đội Myanmar.

Người Myanmar tiếp tục đấu tranh để đòi trả lại quyền lực của đảng của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi . (Ảnh: Reuters)

Lực lượng an ninh Myanmar vừa thực hiện đợt bắt giữ nữa trong đêm. Trong số những người mới bị bắt có một bác sĩ đã tham gia phong trào bất tuân dân sự. Ở một số nơi, người dân tập trung để ngăn chặn việc chính quyền đưa người đi.

Mạng xã hội Facebook tuyên bố sẽ ẩn hết những nội dung mà quân đội Myanmar đăng tải vì cáo buộc đây là hành động “lan truyền thông tin sai lệch” sau khi chiếm quyền. Facebook cũng ngăn chặn các cơ quan chính phủ Myanmar có thể gửi yêu cầu xoá nội dung. 

Sau khi Washington thông báo vòng trừng phạt đầu tiên, các nghĩ EU kêu gọi các nước thành viên của khối cần có hành động. Anh cho biết họ đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt quân đội Myanmar sau cuộc đảo chính. 

Lực lượng ủng hộ Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi hoan nghênh các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhưng kêu gọi cần có biện pháp cứng rắn hơn nữa để buộc quân đội Myanmar từ bỏ quyền lực và công nhận chiến thắng của NLD trong cuộc bầu cử cuối năm ngoái. 

“Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm biện pháp nữa vì chúng tôi phải chịu đựng mỗi ngày mỗi đêm sau khi xảy ra cuộc đảo chính ở đây”, Moe Thal, 29 tuổi, nói với Reuters. 

Chính quyền quân đội Myanmar hôm nay tha tội cho 23.000 tù nhân, nói rằng việc làm này phù hợp với nỗ lực “thiết lập quốc gia dân chủ mới với hoà bình, phát triển và kỷ luật” và sẽ “xoa dịu người dân”. 

Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing, người đứng đầu cuộc đảo chính, kêu gọi các công chức quay lại làm việc và thúc giục người dân dừng tập trung đông người để tránh phát tán virus corona. 

Trong ngày hôm qua, hàng trăm công nhân xếp hàng dọc một tuyến đường ở thủ đô Naypyitaw để hô khẩu hiệu chống chính quyền quân sự và giương biểu ngữ ủng hộ bà Suu Kyi. Hàng ngàn người tiếp tục biểu tình ở Yangon. 

Hàng trăm người cũng biểu tình bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh ủng hộ chính quyền quân đội thực hiện cuộc đảo chính, dù Trung Quốc bác bỏ chuyện này.

Theo Tiền phong online

  • Từ khóa