Chủ nhật, 19/01/2025, 05:58[GMT+7]

Người dân châu Á đón Tết Tân Sửu theo một cách rất khác

Thứ 7, 13/02/2021 | 07:15:28
2,363 lượt xem
Mặc dù dịch COVID-19 khiến các quốc gia châu Á đón Tết theo những cách rất riêng, rất khác, Tết Nguyên đán vẫn vẹn nguyên giá trị và đong đầy ý nghĩa.

Người dân châu Á đón Tết Nguyên đán theo một cách rất khác (Nguồn: CNA)

Dù dịch COVID-19 vẫn đang là nỗi lo hàng đầu của nhiều quốc gia, người dân châu Á vẫn háo hức đón một cái Tết thời "bình thường mới", một cái Tết "lạ" chưa từng có mang những mưu cầu về một năm mới nhiều may mắn và sung túc hơn.

Đối với nhiều người, việc đón một cái Tết "mới" giúp họ có cách nhìn khác, sâu sắc hơn về Tết Nguyên đán – dịp mà lẽ họ được đoàn tụ bên gia đình thay vì phải chúc nhau qua màn hình những chiếc điện thoại.

TRUNG QUỐC – "XUÂN VẬN" ĐÌU HIU

Để hạn chế sự lây lan của COVID-19, giới chức Bắc Kinh khuyến khích người dân nên dành kỳ nghỉ lễ truyền thống ngay tại nơi làm việc hoặc sinh sống của mình. Kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trở thành "tấm vé thông hành" bắt buộc cho những người con xa xứ muốn trở về.

Người dân châu Á đón Tết Tân Sửu theo một cách rất khác - Ảnh 1.

Một khu chợ tại Đài Loan (Trung Quốc) (Nguồn: Reuters)

Những người rời thành phố về vùng nông thôn phải tự cách ly 2 tuần và trả tiền xét nghiệm COVID-19. Trong khi đó, những người lao động nhập cư ở lại các thành phố lớn sẽ được tặng quà, giảm giá mua sắm, thanh toán tiền điện thoại hoặc khám chữa bệnh…

Đây là lần đầu tiên, "xuân vận" dịp Tết Nguyên đán tại Trung Quốc đìu hiu đến thế. Theo công ty phân tích du lịch ForwardKeys, số lượng vé máy bay đặt trực tuyến tính đến ngày 19 tháng 1 đã giảm 73,7% so với kỳ nghỉ lễ năm 2019.

Việc số lượng các ca nhiễm mới chạm mức cao nhất trong vòng 10 tháng qua khiến người dân Bắc Kinh cân nhắc việc về quê đoàn tụ cùng gia đình. Nhân viên làm việc trong các cơ quan nhà nước thậm chí còn không được phép đi du lịch nếu chưa được cơ quan quản lý chấp thuận.

Kathy Qi, nhân viên văn phòng 29 tuổi tại Bắc Kinh cho biết: "Tôi đặt vé rồi nhưng vẫn chưa quyết định có về nhà hay không".

Người dân châu Á đón Tết Tân Sửu theo một cách rất khác - Ảnh 2.

Một khu chợ tại Vũ Hán (Trung Quốc) (Nguồn: AP)

Theo Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC), những hành khách đã mua vé cho các chuyến bay dự kiến từ ngày 28 tháng 1 đến ngày 8 tháng 3 sẽ được hoàn lại tiền trong bối cảnh chính phủ đang tìm cách khuyến khích người dân "ở đâu yên đó". Công ty cung cấp dữ liệu hàng không Variflight dự báo khoảng 50% du khách sẽ có thể huỷ chuyến. Giá vé theo đó giảm mạnh, đạt trung bình 651,36 nhân dân tệ (100 USD) - mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Iphie Nie, một thiết kế viên 30 tuổi sống tại Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng đã quyết định không đặt vé máy bay về thăm gia đình ở Thâm Quyến dịp Tết năm nay. "Tôi phải cách ly trong nhà 14 ngày, trong khi kì nghỉ chỉ kéo dài 10 ngày mà thôi" - Nie chia sẻ. "Mặc dù khu vực tôi đang sống không có nhiều nguy cơ lây nhiễm, mọi người ở quê vẫn sẽ không yên tâm nếu tôi trở về. Tình hình khá phức tạp đấy" – cô nói thêm.

Người dân châu Á đón Tết Tân Sửu theo một cách rất khác - Ảnh 3.

Người dân Bắc Kinh (Trung Quốc) đón Tết Nguyên đán (Nguồn: Reuters)

Bầu không khí tươi vui của một mùa Tết Nguyên đán đã bị dịch COVID-19 kéo chùng xuống, dù không hoàn toàn mất đi. Người dân Trung Quốc đón tết với tâm lý thận trọng, mua sắm online thay vì trực tiếp đến các trung tâm thương mại và siêu thị. Lễ hội mua sắm trực tuyến kích cầu tiêu dùng của giới chức Trung Quốc, kéo dài từ ngày 20 tháng 1 đến ngày 18 tháng 2, tính đến nay đã thu về hơn 510 tỷ Nhân dân tệ. Doanh số các công ty cung cấp dịch vụ chuyển phát cũng tăng tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Làn sóng tái bùng phát của dịch COVID-19 khiến nguồn cung thịt và các loại hải sản bị gián đoạn do các cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra tại các cảng biển nhằm truy vết virus SARS-CoV-2. Mặc dù vậy, đối với phần lớn người tiêu dùng Trung Quốc, giá tăng không ảnh hưởng quá nhiều tới nhu cầu chi tiêu, bởi với họ, Tết Nguyên đán chỉ đến duy nhất một lần trong năm.

SINGAPORE – QUY TẮC "8 NGƯỜI"

Trước sự gia tăng của các ca mắc COVID-19, Bộ Y tế Singapore MOH khuyến cáo người dân không được đến thăm quá 2 hộ gia đình/ngày. Các gia đình cũng chỉ được phép tiếp 8 lượt khách/ngày và phải đeo khẩu trang ngay cả khi chụp ảnh.

Tuy nhiên, việc áp dụng quy tắc "8 người" quả thực không hề đơn giản. "Bạn nên mời ai", "bạn không nên mời ai" – những câu hỏi này khiến truyền thống đi chúc tết họ hàng vốn đơn giản bỗng trở nên thật khó khăn, hệt như việc tổ chức một đám cưới truyền thống bị giới hạn lượng khách mời.

Người dân châu Á đón Tết Tân Sửu theo một cách rất khác - Ảnh 4.

Yu Sheng – món gỏi cá truyền thống của Singapore (Nguồn: CNA)

Tết năm nay, người dân Singapore cũng phải thưởng thức Yu Sheng – món gỏi cá truyền thống tượng trưng cho nhiều may mắn tài lộc - theo một cách rất khác. Thay vì cùng nhau tung đảo nguyên liệu 7 lần sau đó hô lớn "Lo hei" (Cầu may mắn), người dân Singapore năm nay sẽ chỉ lặng lẽ tung Yu Sheng và tự cầu ước trong im lặng. Thông lệ chúc nhau "Gong xi fa cai" (Phát tài) hoặc"Wan shi ru yi" (Vạn sự như ý) trong bữa ăn cũng bị cấm. Việc thực hiện các quy tắc giãn cách trong suốt kỳ nghỉ Tết sắp tới cũng được giới chức Singapore kiểm tra nghiêm ngặt.

Đối với nhiều người, những quy định về giãn cách này có vẻ quá "hà khắc" đối với một dịp lễ truyền thống quan trọng của châu Á. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, Tết Nguyên đán chính là một trong những nguyên nhân khiến dịch COVID-19 lan rộng tại Trung Quốc hồi đầu năm ngoái.

MALAYSIA – GIÃN CÁCH NGHIÊM NGẶT

Trước đó, theo thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob, các sự kiện ăn mừng Tết Nguyên đán năm nay ở Malaysia chỉ được phép tổ chức giữa các thành viên trong nhà. Việc đến nhà nhau chúc Tết hay các hoạt động đón mừng năm mới tại địa phương như múa lân, múa rồng, diễu hành đèn lồng và biểu diễn kinh kịch Trung Quốc theo đó cũng bị cấm. Cộng đồng người Hoa được khuyến khích thực hiện các buổi cúng lễ tại nhà.

Người dân châu Á đón Tết Tân Sửu theo một cách rất khác - Ảnh 5.

Người dân châu Á đón Tết Nguyên đán theo một cách rất khác (Nguồn: CNA)

Quy định này của giới chức Malaysia đã nhận lại không ít sự bất bình. Hội đồng An ninh quốc gia sau đó đã phải nới lỏng các hạn chế, cho phép người dân nước này tổ chức tiệc mừng năm mới với tối đa 15 người. Những người tham gia bữa tiệc phải sống cách gia chủ 10km và không được tới các quận lân cận để dự tiệc.

Theo quy định mới, các hoạt động tôn giáo được tổ chức trong 3 ngày: 11, 12 và 19-2, mỗi buổi lễ chỉ được phép tiếp tối đa 30 người. Việc đeo khẩu trang và đảm bảo khoảng cách an toàn cũng phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Sau khi hành lễ 30 phút, người tham dự sẽ phải vệ sinh khử trùng, sau đó mới được tiếp tục tham gia.

HÀN QUỐC – CẤM TỤ TẬP TỪ 5 NGƯỜI

Xứ sở kim chi cấm tụ tập từ 5 người trở lên để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Điều này có thể sẽ hạn chế hầu hết các cuộc sum họp gia đình theo truyền thống của người dân Hàn Quốc. Thay vì đón năm mới cùng nhau, người dân nước này được khuyến khích tổ chức gặp mặt "ảo" thông qua các cuộc gọi video hoàn toàn miễn phí trong dịp Tết Nguyên đán.

Ba nhà mạng viễn thông lớn của Hàn Quốc bao gồm SK Telecom, KT và LG Uplus cho biết sẽ không tính phí sử dụng dữ liệu cho các cuộc gọi video từ ngày 11 tới ngày 14 tháng 2 đối với tất cả người dùng trong nước. Sinh viên đến từ các gia đình thu nhập thấp cũng được truy cập không giới hạn những dịch vụ giáo dục trên điện thoại do Đài EBS Hàn Quốc cung cấp.

Người dân châu Á đón Tết Tân Sửu theo một cách rất khác - Ảnh 6.

Ứng dụng WeChat Pay cho phép người dùng quét mã QR để nhận phong bao lì xì (Nguồn: SCMP)

Không thể về quê ăn tết, càng không thể xuất ngoại du lịch quốc tế, người Hàn Quốc chọn du lịch trong nước như một cách để ăn mừng năm mới. Theo cuộc khảo sát của Viện Giao thông vận tải Hàn Quốc với hơn 9.000 hộ gia đình, số người về quê dịp tết sẽ giảm gần 33% so với năm ngoái. Trong khi đó, theo Hiệp hội Du lịch Jeju, tỉ lệ đặt phòng các khách sạn 5 sao tại đảo Jeju lại tăng tới hơn 70% vào đầu tháng 2. Lượng vé máy bay những ngày giáp tết cũng tăng hơn 80%. Tuy nhiên, xu hướng du lịch nội địa khiến giới chức Hàn Quốc lo ngại về khả năng bùng phát làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần thứ tư vào tháng 3/2021.

Mặc dù dịch COVID-19 khiến các quốc gia châu Á đón Tết theo những cách rất riêng, rất khác, Tết Nguyên đán vẫn vẹn nguyên giá trị và đong đầy ý nghĩa. Những người con xa xứ có thể khó có cơ hội đoàn tụ bên gia đình, và người ta có thể sẽ chỉ nhớ đến cái Tết năm nay với những lệnh giãn cách và phong toả, nhưng giá trị và không khí Tết mang lại sẽ không dễ dàng mất đi. Người dân châu Á vẫn đang lạc quan đón một năm mới Tân Sửu, một năm với nhiều bình an và may mắn.

Theo vtv.vn