Chủ nhật, 19/01/2025, 06:15[GMT+7]

WHO ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu giảm

Thứ 5, 18/02/2021 | 08:21:54
1,555 lượt xem
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới cập nhật đến hết ngày 16/2, trong tuần qua thế giới ghi nhận 2,7 triệu ca nhiễm COVID-19, giảm 16% so với tuần trước đó.

Nhân viên y tế kiểm tra thông tin bệnh nhân tại một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: THX/TTXVN

Số ca tử vong cũng giảm 10% xuống còn 81.000 ca. Tại 5 trong số 6 khu vực giám sát, WHO ghi nhận mức giảm hai chữ số về số ca nhiễm mới, ngoại trừ khu vực Đông Địa Trung Hải ghi nhận số ca mắc mới tăng 7%. Cụ thể, tại châu Phi và Tây Thái Bình Dương, số ca nhiễm mới giảm 20% trong tuần trước, châu Âu giảm 18%, châu Mỹ giảm 16% và Đông Nam Á giảm 13%.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, số ca nhiễm mới trên toàn cầu đã giảm gần một nửa so với mức hơn 5 triệu ca trong tuần từ ngày 4/1 và đây cũng là tuần thứ năm liên tiếp số ca nhiễm trên thế giới giảm liên tục. Con số này cho thấy hiệu quả của các biện pháp y tế cộng đồng.

Cũng theo thống kê của WHO, biến thể của virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên phát hiện tại Anh đã xuất hiện tại 94 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 8 nước/vùng lãnh thổ so với tuần trước đó. Biến thể phát hiện tại Nam Phi đến nay đã xuất hiện tại 46 quốc gia và biến thể phát hiện tại Brazil đã xuất hiện tại 21 nước.

Tại châu Âu, Anh trở thành nước đầu tiên trên thế giới cho phép các tình nguyện viên phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2 nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu y tế. Trong cuộc thử nghiệm sắp bắt đầu trong vòng 1 tháng tới, 90 tình nguyện viên khỏe mạnh, trong độ tuổi từ 18-30, sẽ được phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 trong môi trường an toàn và có kiểm soát để các nhà nghiên cứu có thêm hiểu biết về cách thức virus này lây lan cho con người.

WHO ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu giảm - Ảnh 1.

Một góc thủ đô London trong ngày đầu tiên vùng England bước vào lệnh phong tỏa mới. Ảnh: AP

Nhằm đảm bảo thử nghiệm an toàn, virus được sử dụng cho các tình nguyện viên không phải là biến thể mới mà là loại xuất hiện ở Anh kể từ tháng 3/2020. Ban đầu nghiên cứu sẽ có nhiệm vụ tìm ra lượng virus nhỏ nhất có thể khiến con người phơi nhiễm. Sau đó các tình nguyện viên có thể được tiêm vaccine trước khi phơi nhiễm với virus. Các tình nguyện viên cũng sẽ được nhận tiền vì tham gia nghiên cứu.

Còn Slovakia đã tăng cường kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn dịch bệnh trong bối cảnh nước này đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới. Theo đó, bất kỳ ai nhập cảnh vào nước này đều phải thực hiện tự cách ly 14 ngày ngay khi đến và một số cửa khẩu ít người qua lại sẽ được đóng cửa hoàn toàn. Biện pháp này được áp đặt nhằm ngăn chặn các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan. Quy định này không áp đặt với những lao động xuyên biên giới nhưng họ cần phải xuất trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm PCR âm tính không quá 72 giờ trước khi đến.

Trong khi đó, Chính phủ Thụy Điển, đất nước được cho là có cách tiếp cận mềm mỏng hơn trong công tác ứng phó với đại dịch, thông báo đang lên kế hoạch áp dụng luật mới về phòng dịch như đóng cửa các phòng tập gym, nhà hàng và tiệm làm tóc trước nguy cơ xảy ra làn sóng dịch bệnh thứ 3.

WHO ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu giảm - Ảnh 2.

Một toa tàu đông đúc ở Thụy Điển vào đầu tháng 12/2020 giữa làn sóng dịch COVID-19 thứ hai ập vào châu Âu - Ảnh: NYT

Tháng trước, Quốc hội Thụy Điển đã thông qua một đạo luật trao cho chính phủ các quyền mới để thực hiện những biện pháp nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19. Thụy Điển chưa bao giờ áp đặt lệnh phong tỏa như các nước khác ở châu Âu đã làm mà chỉ tin tưởng vào các biện pháp phòng dịch hầu như không mang tính chất bắt buộc. Tuy nhiên, nước này cũng đã dần dần thắt chặt các biện pháp phòng dịch kể từ tháng 11/2020, trong đó có lệnh cấm bán rượu sau 20h hàng ngày và cấm tập trung quá 8 người nơi công cộng.

Tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của châu lục này cho biết tính đến ngày 17/2, số ca nhiễm ở châu Phi đã lên tới 3.768.572 ca và số ca tử vong là 99.367 ca. Tổng cộng 3.317.207 bệnh nhân đã phục hồi.

Khu vực Nam Phi chịu tác động nghiêm trọng nhất của dịch bệnh tính về số ca nhiễm, tiếp đến là khu vực Bắc Phi. Trong khi đó những nước châu Phi chịu tác động mạnh nhất về số ca nhiễm có Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ai Cập và Ethiopia. Nam Phi cũng là nước có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất ở châu Phi, với 48.313 ca.

Tại châu Á, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 17/2 cho biết nước này có thêm 621 ca nhiễm mới, cao nhất trong hơn một tháng qua, làm dấy lên những lo ngại nguy cơ dịch COVID-19 tái bùng phát sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trong bối cảnh nước này vừa nới lỏng các quy tắc giãn cách xã hội trên quy mô toàn quốc. Theo KDCA, hàng loạt vụ lây nhiễm tập thể tại các cơ sở tôn giáo, bệnh viện và nhà máy công nghiệp là nguyên nhân chính dẫn đến số lượng ca nhiễm mới tăng trở lại và điều này cũng đặt ra những thách thức mới đối với công tác phòng dịch, đặc biệt sau khi xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

WHO ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu giảm - Ảnh 3.

Siêu thị Park'n Save Manukau tại thành phố Auckland là nơi 2 bệnh nhân COVID-19 ghé thăm bị phong tỏa hôm 14/2. (Nguồn: Google Maps)

Tại thành phố Auckland của New Zealand, gần 2 triệu người được hưởng các quyền tự do sau khi Thủ tướng Jacinda Ardern tuyên bố lệnh đóng cửa kéo dài 3 ngày đã giúp ngăn chặn được đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất tại thành phố này trong gần 6 tháng qua. Tuy nhiên, bà Ardern cũng cảnh báo sẵn sàng đưa ra các biện pháp cứng rắn hơn nữa nếu cần thiết.

Còn Sri Lanka đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh tạm thời đối với du khách đến từ Anh. Tuy nhiên, những người này vẫn phải cách ly 14 ngày và tiến hành xét nghiệm PCR sau khi tới Sri Lanka.

Indonesia cũng đã khởi động giai đoạn 2 của chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí ngừa bệnh COVID-19. Theo kế hoạch, Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 38,5 triệu người trong giai đoạn 2. Giai đoạn này sẽ kéo dài đến hết tháng 5, bao gồm các đợt tiêm chủng tại các khu chợ, trung tâm thương mại trên khắp thủ đô Jakarta và các địa phương khác trên 2 hòn đảo Java và Bali, trước khi mở rộng sang các tỉnh thành khác.

Bên cạnh đó, Indonesia đã ban hành quy định bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19 và cho phép khu vực tư nhân tham gia chương trình tiêm chủng nhằm nhanh chóng đạt được miễn dịch cộng đồng.

Còn trên thế giới, với hơn 283 nghìn ca mắc mới chỉ trong vòng 24h, hiện toàn cầu đã có 110,3 triệu ca mắc COVID-19. Trong số này, 2,4 triệu người đã tử vong vì đại dịch. Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 quốc gia có số ca mắc và tử vong nhiều nhất thế giới.

Theo vtv.vn