Chủ nhật, 19/01/2025, 06:02[GMT+7]

Hơn 111,3 triệu ca nhiễm COVID-19, Campuchia đối mặt làn sóng lây nhiễm thứ ba

Chủ nhật, 21/02/2021 | 08:08:39
2,194 lượt xem
Tính đến sáng sớm nay, thế giới có hơn 111,3 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó hơn 2,46 triệu trường hợp tử vong.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Moscow, Nga, ngày 22/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Mỹ đứng đầu thế giới với 28.604.576 ca nhiễm và 507.756 ca tử vong. Đứng thứ hai là Ấn Độ với 10.982.609 ca mắc sau khi ghi nhận thêm 5.833 ca mắc mới và số ca tử vong tại nước này là 156.268 ca. Tiếp theo là Brazil với 10.081.693 ca mắc và 244.955 ca tử vong. Nga đứng thứ tư thế giới với 4.151.984 ca mắc và 82.876 ca tử vong.

Trong ngày 20/2, cả thế giới ghi nhận thêm 100.175 ca mắc mới, trong đó hơn một nửa là tại châu Âu với 58.990 ca. Nga là nước có số ca lây nhiễm mới nhiều nhất thế giới với 12.953 ca trong vòng 24 giờ qua, trong khi Mexico là nước ghi nhận số ca tử vong nhiều nhất với 857 ca.

Tình hình dịch bệnh tại châu Âu vẫn chưa lắng dịu khi số ca mắc mới vẫn cao. Đứng sau Nga, Ba Lan và Ukraine ghi nhận số ca lây nhiễm mới nhiều thứ hai và thứ ba trong khu vực châu Âu, lần lượt là 8.510 và 6.295 ca. Trong khi đó, một số nước khác như Romania, Bỉ, Áo, Hungary, Slovakia và Belarus ghi nhận số ca mắc mới vượt ngưỡng 1.000 ca/ngày.

Hơn 111,3 triệu ca nhiễm COVID-19, Campuchia đối mặt làn sóng lây nhiễm thứ ba - Ảnh 1.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Surakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Á, Indonesia là quốc gia có số ca mắc mới cao nhất khu vực này với 8.054 ca, tiếp theo là Iran là 7.922 ca. Các nước có số ca mắc mới trong ngày vượt ngưỡng 2.000 ca gồm Malaysia, Pakistan, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Philippines. Trong khi đó, Campuchia đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 3 sau khi phát hiện 32 ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại thủ đô Phnom Penh, chủ yếu trong khu vực đảo Koh Pich và một khu chung cư gần sân vận động Olympic.

Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực phổ cập chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và hoạt động sản xuất vaccine.

Nga đã cấp phép sử dụng loại vaccine ngừa COVID-19 có tên CoviVac do Trung tâm Chumakov Centre phát triển và sản xuất. Đây là loại vaccine thứ ba được Nga cấp phép sử dụng trong nước, sau 2 loại vaccine là Sputnik V của Viện Gamaleya và 1 loại vaccine của viện Vector.

Không giống như vaccine Sputnik V có cơ chế sử dụng virus vô hại đưa protein của SARS-CoV-2 vào tế bào người, giúp kích thích phản ứng miễn dịch, vaccine CoviVac là loại vaccine hàm chứa toàn thành phần virus, qua đó được đánh giá là loại vaccine có khả năng bảo vệ người dùng trước mọi biến thể của virus SARS-CoV-2. Hiện Nga chưa triển khai tiêm chủng loại vaccine này.

Hơn 111,3 triệu ca nhiễm COVID-19, Campuchia đối mặt làn sóng lây nhiễm thứ ba - Ảnh 2.

Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh: PAP/TTXVN

New Zealand đã chính thức triển khai rộng rãi việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho lực lượng biên phòng và nhân viên kiểm dịch biên giới sau khi tiến hành tiêm chủng cho một nhóm nhỏ các nhân viên y tế trong ngày hôm trước. Vào đầu tuần này, khi New Zealand tiếp nhận 60.000 liều vaccine Pfizer-BioNTech đầu tiên, Thủ tướng Jacinda Ardern tuyên bố nước này đã đặt mua đủ lượng vaccine để tiêm miễn phí cho hơn 5 triệu người và tất cả người nước ngoài đang có mặt ở đây. Chiến dịch tiêm chủng ở New Zealand dự kiến sẽ hoàn thành trong 1 năm.

Romania trở thành một trong số những quốc gia châu Âu đầu tiên đưa người vô gia cư vào diện ưu tiên được tiêm chủng, tương tự như người cao tuổi và người có bệnh lý nền. Theo giới chức y tế Romania, trong nhiều ngày qua, nước này đã tiêm chủng cho gần 300 người vô gia cư. Ước tính, có khoảng 1.300 người đăng ký là người vô gia cư tại Romania.

Theo vtv.vn