Thứ 5, 28/03/2024, 20:19[GMT+7]

Hơn 114,2 triệu người mắc COVID-19 trên thế giới, châu Âu đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ 3

Chủ nhật, 28/02/2021 | 07:58:21
2,215 lượt xem
Đến sáng 28/2, thế giới có hơn 114,2 triệu người mắc COVID-19, trong đó trên 2,53 triệu người đã tử vong vì đại dịch này.

Thế giới ghi nhận hơn 114,2 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

Mỹ vẫn là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với trên 29,1 triệu ca mắc và hơn 524.300 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 48.800 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Ngày 27/2, Hạ viện Mỹ đã thông qua gói cứu trợ dịch COVID-19 khổng lồ trị giá 1.900 tỷ USD với tỷ lệ khá sít sao 219 phiếu thuận và 212 phiếu chống. Gói cứu trợ này gồm khoản trợ cấp 1.400 USD cho mỗi người dân, gia hạn trợ cấp thất nghiệp khẩn cấp, tài trợ tiêm chủng và xét nghiệm COVID-19, hỗ trợ cho các trường học và kế hoạch tăng lương tối thiểu lên 15 USD/h vào năm 2025. Các biện pháp này được kỳ vọng có thể tạo đà cho sự phục hồi kinh tế của nước Mỹ. Bên cạnh đó, Mỹ cũng cam kết: thúc đẩy chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 vốn được xem là thách thức tài chính, y tế và hậu cần mà chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ phải giải quyết trong nhiệm kỳ này.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn nhất thế giới Ấn Độ, tổng cộng trên 11,09 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm hơn 157.000 trường hợp tử vong. Ngày 27/2, Án Độ báo cáo trên 17.300 trường hợp nhiễm mới.

Hơn 114,2 triệu người mắc COVID-19 trên thế giới, châu Âu đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ 3 - Ảnh 1.

Tổng cộng trên 11,09 triệu người đã mắc COVID-19 tại Ấn Độ. (Ảnh: AP)

Trong 24 giờ qua, Brazil không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Như vậy, đến nay tổng số ca mắc tại Brazil là trên 10,4 triệu trường hợp. Gần 253.000 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi ở quốc gia này.

Tại châu Âu, trong bối cảnh nhiều người đã được tiêm phòng COVID-19, các quốc gia như Hy Lạp, Cyprus, Bulgaria và Áo đang kêu gọi tạo điều kiện đi lại cho những người đã tiêm vaccine. Hiện 27 nước thuộc Liên minh châu Âu cho rằng, cần có chứng nhận tiêm chủng được các nước trong khối công nhận. Trong đó, có một cơ sở dữ liệu về tiêm chủng và mã QR được cá nhân hóa. Tuy nhiên, một số nước như Đức còn e ngại do chưa rõ, những người đã được tiêm phòng còn có thể lan truyền virus hay không. Với sự xuất hiện của biến thể mới, tình hình dịch COVID-19 ở châu Âu lại đang nghiêm trọng trở lại .

Ngày 27/2, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thông báo, thành phố Auckland lớn nhất nước này sẽ áp dụng biện pháp phong tỏa trong 7 ngày kể từ ngày 28/2 sau khi phát hiện một ca mắc bệnh COVID-19 trong cộng đồng chưa rõ nguồn gốc. Các quan chức y tế New Zealand cho biết đang thực hiện phân tích chuỗi gene của virus SARS-CoV-2 gây bệnh cho bệnh nhân mới phát hiện. Bệnh nhân có triệu chứng mắc bệnh từ ngày 23/2 và có khả năng phát tán virus từ hai ngày trước đó. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 27/2, Thủ tướng Ardern cho biết, vì người bệnh đã từng tới một số địa điểm công cộng trong thời gian trên nên biện pháp phong tỏa là cần thiết để bảo vệ người dân Auckland. Giới chức y tế hiện chưa thể khẳng định về nguồn gốc ca bệnh mới và đang phân tích xem ca bệnh này có liên quan chùm ca bệnh phát hiện hồi giữa tháng 2 hay không.

Hơn 114,2 triệu người mắc COVID-19 trên thế giới, châu Âu đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ 3 - Ảnh 2.

Philippines là quốc gia đứng thứ hai Đông Nam Á về tổng số ca nhiễm và tử vong. (Ảnh: AP)

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã quyết định gia hạn các biện pháp hạn chế một phần tại thủ đô Manila tới cuối tháng 3 trong khi quốc gia này chờ được bàn giao vaccine phòng COVID-19. Trong thông báo đưa ra vào ngày 27/2, người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông Harry Roque, cho biết, các biện pháp hạn chế tại thủ đô Manila sẽ kéo dài thêm 1 tháng, qua đó hạn chế các hoạt động kinh doanh và giao thông công cộng. Ngoài Manila, các thành phố gồm Davao ở miền Nam và Baguio ở miền Bắc Philippines cũng đang áp dụng các biện pháp tương tự.

Hiện Philippines là quốc gia đứng thứ hai Đông Nam Á về tổng số ca nhiễm và tử vong. Ngày 27/2, Philippines ghi nhận hơn 2.900 ca nhiễm, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 tại quốc gia này lên trên 574.200 người. Dự kiến, Philippines sẽ bắt đầu khởi động chiến dịch tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 từ tuần tới.

Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia đã thông báo thành lập Tiểu ban An ninh và quản lý trật tự để giám sát tất cả các trung tâm cách ly COVID-19 trên toàn quốc. Bộ trưởng Bộ Y tế Campuchia Mam Bunheng xác nhận, tiểu ban này trực thuộc Ủy ban liên bộ phòng chống dịch COVID-19, có trách nhiệm giám sát, đánh giá và tham vấn về mọi vấn đề liên quan đến an ninh và sự ổn định tại các trung tâm cách ly COVID-19 tại Campuchia.

Ngày 27/2, Bộ Y tế Campuchia phát hiện thêm 26 ca nhiễm COVID-19 liên quan đến "sự kiện lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2". Hiện tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Campuchia là 767 trường hợp.

Tại Nhật Bản, Chính phủ nước này đã quyết định dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp trước thời hạn tại 6 tỉnh. Quyết định được đưa ra sau khi tình hình lây nhiễm COVID-19 ở Nhật Bản đã cải thiện rõ rệt. Chính phủ Nhật Bản đã quyết định hủy bỏ tình trạng khẩn cấp trước thời hạn từ ngày 28/2 tại 6 tỉnh bao gồm Aichi, Gifu, Kyoto, Osaka, Hyogo và Fukuoka. Quyết định được đưa ra sau khi Chính phủ nước này tham vấn đánh giá của các chuyên gia y tế cho thấy, tình trạng lây nhiễm và áp lực đối với hệ thống y tế ở các tỉnh này đã được cải thiện rõ rệt. 

Trong khi đó, Tokyo và 3 tỉnh lân cận là Chiba, Saitama và Kanagawa vẫn tiếp tục duy trì tình trạng khẩn cấp cho đến khi có quyết định tiếp theo. Đến nay, Nhật Bản xác nhận trên 430.500 ca mắc COVID-19, hơn 7.800 người thiệt mạng vì đại dịch này.

Theo vtv.vn