Chủ nhật, 19/01/2025, 09:27[GMT+7]

Hơn 114,6 triệu ca mắc COVID-19 trên thế giới, 1 người Anh bị bỏ tù ở Singapore vì vi phạm lệnh cách ly

Thứ 2, 01/03/2021 | 08:06:14
1,756 lượt xem
Đến sáng 1/3, thế giới có trên 114,6 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 2,54 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 114,6 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

Nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 29,2 triệu ca mắc và hơn 525.700 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm gần 41.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt vaccine của hãng Johnson & Johnson để sử dụng khẩn cấp, sau khi đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine của Pfizer và Moderna hồi tháng 12/2020. Theo FDA, vaccine của Johnson & Johnson chỉ cần tiêm 1 mũi, có hiệu quả cao trong ngăn ngừa các triệu chứng nặng của bệnh COVID-19, trong đó có cả khả năng chống lại các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Johnson & Johnson đặt mục tiêu, đến cuối tháng 3 cung cấp 20 triệu liều vaccine và đến cuối tháng 6 cung cấp tổng cộng 100 triệu liều.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, hơn 11,11 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm gần 157.200 trường hợp thiệt mạng. Ngày 28/2, Ấn Độ báo cáo trên 15.500 trường hợp nhiễm mới.

Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận trên 34.000 ca mắc COVID-19, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 10,5 triệu trường hợp. Đến nay, hơn 254.900 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi ở quốc gia này.

Hơn 114,6 triệu ca mắc COVID-19 trên thế giới, 1 người Anh bị bỏ tù ở Singapore vì vi phạm lệnh cách ly - Ảnh 1.

Kiểm tra thân nhiệt cho người dân tại Rio de Janeiro, Brazil. (Ảnh: AP)

Trong lúc này, các nước châu Âu đang lo ngại về làn sóng COVID-19 lần thứ 3 bởi số lượng người nhiễm mới và nhập viện đã tăng trong 3 ngày vừa qua. Các ca mắc mới này lại chủ yếu là do virus biến chủng gây ra, buộc Bỉ và Pháp phải tạm ngừng lộ trình nới lỏng phong tỏa, thậm chí còn phải siết chặt hơn.

Riêng trong ngày 26/2, tại Bỉ có 204 ca nhập viện vì COVID-19, con số lớn nhất kể từ cuối năm 2020. Số lượng người nhiễm mới cũng đã tăng khoảng 25% trong tuần vừa qua. Hơn 50% số ca nhiễm mới là do virus biến chủng lây lan từ Anh. Virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Vũ Hán (Trung Quốc) trở thành nguồn lây nhiễm thứ hai, còn các biến chủng từ Brasil và Nam Phi có tỷ lệ không đáng kể. Cùng ngày, Pháp ghi nhận hơn 25.000 ca nhiễm mới. Cả Bỉ và Pháp đều dự đoán tình hình sẽ tồi tệ đi trong những tuần sắp tới.

Hai nước đã buộc phải kéo dài các biện pháp phong tỏa. Thành phố Nice ở phía Nam và thành phố Dunkerque ở phía Bắc nước Pháp đã buộc phải cấm việc dạo chơi trên bãi biển, hoạt động ngoài trời được khuyến khích từ mấy tháng nay. Vương quốc Bỉ tiếp tục cấm xuất nhập cảnh cho tới ngày 17/3.

Chính phủ Pháp và Đức đang đàm phán để hạn chế việc đi lại xuyên biên giới sau khi Berlin nâng mức cảnh báo COVID-19 đối với khu vực Moselle của Pháp. Theo Bộ trưởng châu Âu của Pháp, khu vực Moselle, giáp ranh với Đức và Luxembourg, đã chứng kiến sự gia tăng của virus biến chủng ở Nam Phi. Do đó, vào ngày 28/2, Đức đã xếp khu vực Moselle là khu vực đáng lo ngại. Các phương tiện giao thông công cộng từ Moselle sang Đức sẽ phải dừng hoạt động, những người đi làm bằng ô tô sẽ cần phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID 19. Trước đó, Đức đã đơn phương đóng cửa biên giới với Cộng hòa Czech và Áo để ngăn dịch COVID -19 lây lan.

Hơn 114,6 triệu ca mắc COVID-19 trên thế giới, 1 người Anh bị bỏ tù ở Singapore vì vi phạm lệnh cách ly - Ảnh 2.

Châu Âu đang lo ngại về làn sóng COVID-19 lần thứ 3. (Ảnh: AP)

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, tình trạng thiếu hụt oxy là không thể tránh khỏi ở nhiều quốc gia Nam Mỹ và châu Phi. Nguyên nhân là vì oxy được ưu tiên xuất khẩu hoặc cung cấp cho ngành công nghiệp tạo ra nhiều lợi nhuận như khai mỏ. Khi đại dịch ập đến, nhu cầu thở máy tăng vọt vì đây là liệu pháp chính, thậm chí là duy nhất để hỗ trợ cho bệnh nhân. Nguồn cung oxy y tế nhanh chóng cạn kiệt khi số người mắc COVID ngày càng tăng lên. WHO cảnh báo, tình trạng thiếu oxy đã dẫn đến nhiều ca tử vong hơn trong đại dịch COVID-19. Nhu cầu tăng cao cũng khiến người dân dễ trở thành con mồi của tội phạm.

Một công dân Anh đã bị tuyên án 2 tuần tù giam và buộc nộp phạt 1.000 SGD (khoảng 17 triệu đồng) vì vi phạm lệnh cách ly phòng dịch COVID-19 khi đến Singapore. Thẩm phán Singapore cho biết, bản án trên nhằm gửi "thông điệp rõ ràng" rằng, các quy định phòng chống dịch COVID-19 cần được tuân thủ.

Hãng tin AP cho biết, ông Nigel Skea là người Anh đầu tiên bị bỏ tù vì vi phạm quy định cách ly khi đến Singapore. Hầu hết du khách phải ở trong một phòng khách sạn được chỉ định hoặc ở nhà trong 14 ngày sau khi đến Singapore theo các quy định phòng chống COVID-19 của đảo quốc này.

Ngày 1/3, Thái Lan đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19. Trong số những người được tiêm vaccine đầu tiên có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Y tế Thái Lan, các Bộ trưởng nội các, giới chức và chuyên gia y tế. Loại vaccine được Thái Lan sử dụng trong đợt tiêm đầu tiên là vaccine do hãng dược phẩm Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất. Vaccine này được dùng cho các đối tượng từ 18 - 59 tuổi, do đó, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, 66 tuổi, không nằm trong nhóm được tiêm lần này.

Thái Lan đã nhận 200.000 liều vaccine CoronaVac đầu tiên từ hãng Sinovac Biotech. Ngoài ra, nước này cũng sẽ nhận 17.000 liều vaccine của AstraZeneca trong tháng 3 này. Chính phủ Thái Lan có kế hoạch tiêm chủng cho hơn một nửa dân số trưởng thành trong năm nay.

Theo vtv.vn