Chủ nhật, 19/01/2025, 02:28[GMT+7]

14% dân số châu Âu đã tiêm phòng COVID-19

Thứ 2, 22/03/2021 | 20:35:30
2,760 lượt xem
Tính đến 22/3, đã có khoảng 14% dân số các nước thành viên Liên minh châu Âu được tiêm chủng ngừa COVID-19.

Vaccine ngừa COVID-19 của Astra Zeneca trước logo của nhà sản xuất được chụp vào ngày 14/3. Ảnh: Reuters

Tỷ lệ được tiêm chủng ở châu Âu như vậy là cao gấp đôi so với ở Nga hay ở Trung Quốc, nhưng còn xa mới được như tại Anh. Hiện gần một nửa dân số Anh đã được tiêm chủng, hoặc tại Mỹ, cứ 10 người thì đã có 4 người được tiêm chủng.

Trong số các nước châu Âu, Hungary nổi bật với tỷ lệ 1/5 dân số đã nhận được mũi tiêm thứ nhất, Đan mạch và Estonia cũng có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn tỷ lệ trung bình.

Cao ủy châu Âu về Thị trường nội địa Breton cho biết, với tốc độ này thì phải tới ngày 14/7, các nước thành viên Liên minh châu Âu mới đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng ở mức độ châu lục.

Ông Breton cho biết thêm, 55 nhà máy sản xuất vaccine tại Liên minh châu Âu đảm bảo sẽ cung cấp từ 300 đến 350 triệu liệu vaccine nữa, từ giờ đến trước cuối tháng Sáu năm nay.

14% dân số châu Âu đã tiêm phòng COVID-19 - Ảnh 1.

Một nữ y tá được tiêm vaccine phòng COVID-19 ngày 27-12 của Pfizer-BioNTech tại Warsaw, Ba Lan Ảnh: Reuters

Tại sao tiêm chủng ở các nước liên minh châu Âu lại chậm?

Tốc độ tiêm chủng ở châu Âu chậm là do nhiều nguyên nhân mà chủ yếu thì vẫn là do thiếu vaccine. Các hãng dược đã không giao đủ vaccine cho phía châu Âu theo đúng tiến độ đã cam kết trong hợp đồng. Ví dụ như hãng AstraZeneca tại Anh chưa giao cho phía châu Âu một liều vaccine nào, trong khi theo chiều ngược lại, các hãng dược có nhà máy ở châu Âu, trong đó có Pfizer-BioNTech, đã chuyển cho Anh 10 triệu liều vaccine.

Tại sao các hãng dược bội tín với phía châu Âu, đến nay vẫn chưa rõ ràng. Châu Âu đã khéo đàm phán để mua chung được vaccine với giá rất rẻ, chỉ bằng 3/4 so với giá mà Chính phủ Anh phải trả, có thể chuyện giá cả này là nguyên nhân, nhưng không có bằng chứng nào để khẳng định.

Còn các nguyên nhân khác là gì?

Có những chi tiết nhỏ làm giảm tốc độ tiêm chủng ở châu Âu. Ví dụ như tại Bỉ, bắt đầu từ ngày hôm nay, đến lượt những người mắc một số bệnh nền có nguy cơ cao được mời đi tiêm chủng. Đó là những người bị bệnh gan mãn tính, béo phì và bệnh liên quan đến hệ miễn dịch.

Vấn đề là xác định ai bị những bệnh đó để mời đi tiêm mất rất nhiều thời gian, do luật vẫn quy định, mọi người có quyền được giữ bí mật về bệnh tật của mình. Chính phủ Bỉ đã phải gom thông tin từ nhiều nguồn, từ hồ sơ chi trả của các công ty bảo hiểm, sau đó lại phải điều chỉnh luật để việc gom thông tin này trở thành hợp pháp. Những chi tiết như vậy góp phần làm chậm tốc độ tiêm chủng.

Theo vtv.vn