Chủ nhật, 19/01/2025, 02:40[GMT+7]

Sự cố tàu Ever Given mắc cạn ở kênh đào Suez: Nghẽn “dòng chảy” thương mại toàn cầu

Thứ 2, 29/03/2021 | 08:45:59
3,740 lượt xem
Sau nhiều ngày mắc kẹt trong kênh đào Suez (Ai Cập), sự cố “siêu tàu” vận tải Ever Given đang làm tê liệt “dòng chảy” thương mại hàng hải toàn cầu. Giới chuyên gia cho rằng, giờ là lúc cả thế giới cần chung tay, hiến kế để giải cứu con tàu trong thời gian sớm nhất, tránh những kịch bản xấu có thể xảy ra.

Tàu container dài 400m mắc kẹt giữa kênh đào Suez khiến huyết mạch hàng hải toàn cầu bị tắc nghẽn.

Tàu chở hàng Ever Given - thuộc sở hữu của Công ty Shoei Kisen Kaisha - Nhật Bản và được vận hành bởi Công ty Evergreen Marine Đài Loan (Trung Quốc). Ngày 24-3, con tàu này bị mắc cạn tại kênh đào Suez khi đang chở 224.000 tấn hàng trên hành trình tới Rotterdam (Hà Lan). 

Theo Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) và chủ tàu, gió mạnh kèm bão cát gây cản trở tầm nhìn khiến con tàu dài 400m, rộng 59m này di chuyển chệch hướng, nghiêng và mắc cạn. Các chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực hàng hải cho rằng, đây là sự kiện hy hữu trong lịch sử 150 năm của kênh đào bởi mũi tàu mắc cạn chạm vào bờ Đông, trong khi phần đuôi lại nằm ở bờ Tây. Trước sự cố bất ngờ, Cơ quan quản lý kênh đào Suez đã thông báo tạm đình chỉ hoạt động giao thông để 8 tàu lai dắt có thể giải cứu siêu tàu chở hàng đang mắc kẹt tại phía Nam của kênh đào này. Tuy nhiên, việc giải cứu siêu tàu vẫn chưa thể kết thúc khiến tuyến vận tải hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới bị tắc nghẽn.

Kênh đào Suez được khánh thành vào năm 1869, nối biển Đỏ và Địa Trung Hải, là tuyến đường thủy huyết mạch nhanh nhất kết nối giữa châu Âu và châu Á. Mỗi năm, khoảng 12% giao thương toàn cầu đi qua kênh đào này, trong đó riêng năm 2020 có khoảng 18.829 tàu chở 1,17 tỷ tấn hàng hóa. Mỗi ngày, có khoảng 30% lượng container hàng hóa toàn cầu - giá trị hàng hóa tương đương khoảng 10 tỷ USD - đi qua kênh đào Suez.

Một số ước tính cho rằng, kênh đào Suez bị tắc nghẽn sẽ khiến kinh tế toàn cầu bị thiệt hại khoảng 400 triệu USD/giờ. Tại châu Âu, một số hãng vận tải đã ra thông báo cho biết nguồn nguyên liệu cung ứng từ châu Á bị đình trệ ít nhất 1 tuần. Giá container phế liệu sắt cho tuyến vận tải từ Mỹ đến Đài Loan vào ngày 1-4 dự kiến tăng lên 900 USD/container, so với mức 800 USD/container trong tháng 3. Theo nền tảng phân tích dầu khí Vortexa Analytics, 10 tàu chở khoảng 13 triệu thùng dầu đã bị ảnh hưởng bởi tắc nghẽn, khiến giá dầu thế giới tăng khoảng 5%.

Hiện tại, đã có hơn 280 tàu vận tải đủ loại hàng hóa - từ ngũ cốc tới ô tô đang mắc kẹt phía sau tàu Ever Given, dự kiến khoảng 300 tàu sẽ tiếp tục tới kênh đào Suez trong hai tuần tới. Lối thoát duy nhất cho các tàu hiện nay là đi vòng qua châu Phi - đồng nghĩa hành trình sẽ tăng thêm 5.000km, lênh đênh trên biển thêm hơn 1 tuần và tiêu tốn khoảng 500-1.000 tấn nhiên liệu/tàu.

Để giải cứu siêu tàu Ever Given trong thời gian sớm nhất, Cơ quan quản lý kênh đào Suez đã huy động thêm tàu lai dắt và nhiều phương tiện cứu hộ khác. Phương án giảm tải hay tận dụng thủy triều để tàu nổi lên cũng được đưa ra, thậm chí Hải quân Mỹ cũng đề nghị được tham gia cứu hộ. Mặc dù vậy, công tác giải cứu và làm nổi lại tàu Ever Given là một quy trình phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo chuyên gia hàng hải Sal MercoglianC, nếu tác động lực kéo quá mạnh, thân tàu Ever Given có thể bị nứt gãy, dẫn tới thời gian giải cứu có thể bị kéo dài trong nhiều tháng. Nguy hiểm hơn, nếu các khoang chứa nhiên liệu của tàu bị rò rỉ sẽ dẫn tới thảm họa môi trường.

Mỗi giờ tàu Ever Given mắc kẹt càng gia tăng sức ép lên nền kinh tế toàn cầu vốn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Chi phí vận chuyển đường biển tăng phi mã, mức lạm phát cao càng khiến nguồn cung tại nhiều quốc gia rơi vào tình trạng khủng hoảng. Để tránh kịch bản xấu, giới chuyên gia cho rằng giờ là lúc cả thế giới cần chung tay, hiến kế để giải cứu con tàu trong thời gian sớm nhất.

Theo hanoimoi.com.vn