Thứ 7, 20/04/2024, 11:53[GMT+7]

Toàn thế giới có gần 133 triệu ca mắc Covid-19

Thứ 4, 07/04/2021 | 08:34:00
2,321 lượt xem
Tính đến 6h ngày 7/4, toàn thế giới có 132.980.966 ca mắc Covid-19, trong đó có 2.884.355 trường hợp tử vong và 107.234.432 bệnh nhân đã hồi phục.

Nhân viên y tế chuẩn bị một liều vắc xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) tại điểm tiêm chủng ở bang California (Mỹ) vào ngày 1-4. Ảnh: Bloomberg.

CNN dẫn bản cập nhật dịch tễ hằng tuần của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, các trường hợp mắc mới Covid-19 toàn cầu đã tăng tuần thứ sáu liên tiếp. Trong tuần trước, hơn 4 triệu trường hợp dương tính mới đã được ghi nhận.

Khu vực Đông Á, Nam Á và Tây Thái Bình Dương có tỷ lệ nhiễm bệnh cao nhất, trong đó đáng chú ý nhất là Ấn Độ. Hơn 71.000 ca tử vong do Covid-19 đã được ghi nhận trong tuần trước, tăng 11% so với một tuần trước đó. Tất cả các khu vực, ngoại trừ châu Phi, đều có số ca tử vong tăng.

Ngày 6/4, Người phát ngôn WHO Margaret Harris cho biết, hiện còn chưa khẳng định việc tiêm phòng vắc xin có ngăn ngừa hoàn toàn tình trạng lây nhiễm hay không, cũng như những quan ngại về tình trạng phân biệt đối xử.

Châu Mỹ

Theo CNN, ngày 6-4, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo đã đẩy sớm thời điểm cho phép người trưởng thành ở các bang được tiêm vắc xin ngừa Covid-19, từ ngày 1-5 lên ngày 19-4. Phát biểu từ Nhà Trắng, Tổng thống J.Biden khẳng định: “Muộn nhất là ngày 19-4, ở mọi miền đất nước, tất cả người trưởng thành trên 18 tuổi đủ điều kiện sẽ được tiêm chủng. Sẽ không còn những quy định và hạn chế khó hiểu nữa”. Nhà lãnh đạo 78 tuổi cũng thông báo, 150 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 đã được tiêm chủng trong 75 ngày đầu cầm quyền của ông, phù hợp với mục tiêu 200 triệu liều vắc xin được sử dụng tính đến ngày thứ 100 tại nhiệm.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, gần 80% giáo viên, nhân viên trường học và nhân viên chăm sóc trẻ em ở nước này đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin ngừa Covid-19.

Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia, đồng thời là bác sĩ hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm nhận định, cách duy nhất để giải quyết sự gia tăng số ca mắc Covid-19 tại một số bang ở nước này trong thời gian gần đây là đẩy nhanh các chiến dịch tiêm chủng, đồng thời không lơ là trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội…

Tại Brazil, dữ liệu của Bộ Y tế nước này ghi nhận ngày có số ca tử vong do Covid-19 cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát, với 4.195 bệnh nhân tử vong trong vòng 24 giờ. Đây cũng là lần đầu tiên số ca tử vong trong một ngày ở Brazil vượt mức 4.000 người.

Châu Âu

Ngày 6/4, Bloomberg dẫn báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, phần lớn các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ có đủ vắc xin ngừa Covid-19 để tiêm phòng cho người dân vào cuối tháng 6 tới. Trước đó, EC từng nhiều lần khẳng định, EU sẽ nhận được khoảng 360 triệu liều vắc xin vào cuối tháng 6, ngoài 100 triệu liều đã nhận. Lượng vắc xin này đủ để đáp ứng mục tiêu tiêm phòng cho ít nhất 70% người dân trưởng thành của khối này vào mùa hè.

Châu Á

Ngày 6-4, chính quyền vùng thủ đô New Delhi của Ấn Độ thông báo sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm trên toàn thành phố, kéo dài đến hết tháng 4 nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Lệnh giới nghiêm bắt đầu từ 22h hôm trước đến 5h hôm sau. Các phương tiện giao thông phục vụ nhu cầu thiết yếu như vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm, thuốc men… vẫn được phép hoạt động.

Châu Phi

Ngày 6/4, Nam Phi cho biết, nước này đã ký thỏa thuận với hãng Pfizer (Mỹ) để đặt mua thêm 20 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19. Thỏa thuận này sẽ hỗ trợ công tác tiêm phòng cho quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi. Quan chức cấp cao của Bộ Y tế Nam Phi Anban Pillay cho biết, lô vắc xin đầu tiên của Pfizer dự kiến sẽ đến nước này trong tháng 4.

Sau thỏa thuận với Pfizer, Nam Phi sẽ có đủ vắc xin để tiêm cho khoảng 41 triệu người trong tổng số 60 triệu dân. Ngoài ra, nước này cũng sẽ nhận được 12 triệu liều vắc xin theo Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin Covid-19 (COVAX) và nhiều khả năng sẽ được phân phối đủ vắc xin cho 10 triệu người từ sáng kiến Nhóm đặc nhiệm thu mua vắc xin châu Phi (AVATT) của Liên minh châu Phi (AU).

Theo hanoimoi.com.vn