Thứ 6, 19/04/2024, 18:28[GMT+7]

WHO kêu gọi giải quyết bất bình đẳng y tế

Thứ 5, 08/04/2021 | 08:49:14
2,180 lượt xem
Nhân Ngày Sức khỏe thế giới (7/4), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi giải quyết những bất bình đẳng liên quan đến lĩnh vực y tế, bảo đảm mọi người dân được hưởng điều kiện sống, làm việc lành mạnh và tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng.

WHO kêu gọi giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong lĩnh vực y tế. Ảnh: Reuters

WHO nhận định, tình trạng bất bình đẳng hiện nay ngày càng trở nên sâu sắc, đặc biệt đối với những trường hợp gặp nhiều khó khăn do các vấn đề liên quan đến nghèo đói, giới tính, chủng tộc, giáo dục, nghề nghiệp, di cư, khuyết tật và phân biệt đối xử.

WHO cho rằng, sự thiếu hụt của các lợi ích được coi là nhu cầu thiết yếu trong xã hội là một yếu tố gây nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Những người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất hoặc dương tính là những trường hợp sinh sống tại các khu vực nghèo. Điển hình như tại Thụy Điển, 30% người dân thu nhập thấp có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, so với chỉ 4,1% ở nhóm thu nhập cao.

Trên phạm vi toàn cầu, phụ nữ chiếm 70% lực lượng y tế cũng như chăm sóc xã hội và có nhiều khả năng trở thành nhân viên y tế tuyến đầu. Dữ liệu gần đây từ Đức, Italia và Tây Ban Nha cho thấy, tỷ lệ nhân viên y tế nữ nhiễm Covid-19 cao hơn 2-3 lần so với các đồng nghiệp nam.

Người da đen và các nhóm dân tộc thiểu số đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, tử vong cao trong thời kỳ đại dịch. 34,5% bệnh nhân Covid-19 nặng ở Vương quốc Anh là người da đen, châu Á và dân tộc thiểu số.

Để đối phó với những vấn để kể trên, WHO kêu gọi ngành y tế và chính phủ các quốc gia hành động khẩn cấp để loại bỏ các rào cản, qua đó giúp người dân có cuộc sống công bằng và lành mạnh hơn.

Các chính phủ và cộng đồng có thể chung tay giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của tình trạng bất bình đẳng và đặt tính công bằng làm trọng tâm để tạo ra một thế giới công bằng hơn, lành mạnh hơn.

84% người châu Âu tin rằng, việc giảm thiểu bất bình đẳng nên được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính phủ. Khi các chính sách đúng đắn được thực hiện, kết quả có thể đạt được rất nhanh chóng.

Chương trình công việc châu Âu (EPW) - tầm nhìn của WHO nhằm bảo đảm cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc cho người dân tại khu vực châu Âu, được định hình dựa trên các mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau và tăng cường năng lực của các cơ quan y tế. Do đó, giám sát và tăng cường công bằng trong hệ thống y tế và sức khỏe sẽ là yếu tố cốt lõi đối với công việc của WHO trong 10 năm tới.

Theo hanoimoi.com.vn