Thứ 7, 18/01/2025, 18:07[GMT+7]

Mỹ đạt mục tiêu tiêm 200 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19

Thứ 5, 22/04/2021 | 08:23:57
1,939 lượt xem
Theo thống kê, tính đến 6h ngày 22/4, toàn thế giới đã ghi nhận 144.395.944 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong đó có 3.070.142 ca tử vong.

Nhật Bản đang phải đối phó với số ca nhiễm Covid-19 mới ngày một tăng.

Châu Mỹ

Ngày 21/4, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ đã bước vào một giai đoạn mới của nỗ lực tiêm phòng vắc xin ngừa Covid-19 khi quốc gia này đã đạt 200 triệu lượt tiêm chủng vào cuối ngày, sớm hơn mục tiêu đề ra vào cuối tháng 4. Theo Tổng thống Joe Biden, nỗ lực tiêm chủng trong ba tháng đầu tiên của chính quyền chủ yếu tập trung vào các đối tượng là người cao tuổi và nhân viên y tế, tuy nhiên điều này đã thay đổi. Tính tới ngày 22/4, khoảng  80% người dân trên 65 tuổi được tiêm ít nhất một liều vắc xin và tất cả người dân trên 16 tuổi hiện đã đủ điều kiện để được tiêm vắc xin.

Chính phủ Canada và chính quyền các tỉnh đang xem xét khả năng áp đặt thêm các biện pháp hạn chế đi lại trong và ngoài Canada, trong bối cảnh làn sóng thứ ba của đại dịch Covid-19 tiếp tục thiết lập những kỷ lục đau lòng. 

Theo CNN ngày 21/4, Thủ tướng Justin Trudeau cho biết  sẽ duy trì cho đến ít nhất là ngày 21/5 tới các quy định yêu cầu khách quốc tế nhập cảnh Canada qua đường hàng không phải cách ly tại khách sạn, cũng như các yêu cầu về xét nghiệm Covid-19 đối với khách đến Canada qua đường hàng không và đường bộ. 

Cùng ngày, Bộ Y tế Cuba thông báo nước này có thêm 1.183 ca nhiễm trong vòng 24 giờ, mức tăng trong ngày cao nhất, nâng tổng số ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 tại nước này lên tới 95.754 ca. Theo nhận định của Giám đốc Viện vệ sinh dịch tễ Cuba, Francisco Duran, những con số trên phản ánh tình hình dịch Covid-19 đang ngày càng phức tạp tại Cuba. 

Châu Á

Trong 24 giờ qua, Ấn Độ đã ghi nhận thêm 295.041 ca mắc Covid-19 và 2.023 trường hợp tử vong. Cả hai con số này đều ở mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Nguy hiểm hơn, giữa lúc một biến chủng đột biến kép của vi rút SARS-CoV-2 đang lây lan khắp Ấn Độ, các chuyên gia di truyền học đã thông báo về một biến chủng vi rút SARS-CoV-2 khác với 3 đột biến, được đặt tên là B.1.618, có khả năng cao "lẩn tránh" hệ miễn dịch. Biến chủng này được cho là đang khiến dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn ở bang Tây Bengal và lây lan rất nhanh. 

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã quyết định hủy chuyến công du tới Ấn Độ và Philippines, dự kiến diễn ra cuối tháng này. Hiện Nhật Bản cũng đang phải đối phó với số ca nhiễm mới ngày một tăng. Chính phủ nước này đang cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và một số tỉnh.

Một tín hiệu đáng mừng giúp đẩy nhanh quá trình truy vết và phát hiện bệnh nhân mắc Covid-19 là Viện nghiên cứu Riken của Nhật Bản và các tổ chức nghiên cứu khác vừa phát triển thành công công nghệ mới giúp phát hiện vi rút SARS-CoV-2 trong vòng chưa đầy 5 phút. Đây là phương pháp xét nghiệm cho kết quả nhanh nhất trên thế giới hiện nay.

Tại Đông Nam Á, dịch bệnh tại một số nước cũng đang diễn biến rất phức tạp. Ban Chỉ đạo quốc gia Lào về phòng, chống dịch Covid-19 thông báo trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 28 ca nhiễm mới, trong đó có tới 26 ca ở thủ đô Viêng Chăn. Đây là mức tăng cao nhất và là lần đầu số ca nhiễm mới trong ngày ở mức 2 con số kể từ khi dịch bùng phát tại quốc gia Đông Nam Á này. Trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng đột biến, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh đã ra chỉ thị yêu cầu phong tỏa thủ đô Viêng Chăn từ 6h sáng ngày 22/4 đến 0h ngày 6/5. Trong thời gian này, người dân thủ đô Viêng Chăn sẽ không được rời khỏi thành phố, trong khi người dân ngoại tỉnh cũng không được vào thành phố trừ những người được giao nhiệm vụ và lái xe chở hàng hóa; tạm dừng việc vận chuyển hành khách từ thủ đô Viêng Chăn đi các tỉnh và ngược lại; cấm người dân Viêng Chăn và người nước ngoài ở thủ đô Viêng Chăn rời khỏi nơi cư trú trừ đi mua đồ tiêu dùng, đi viện, đi làm nhiệm vụ được giao. 

Trong khi đó, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã kêu gọi người dân chia sẻ với chính phủ và cảm thông với nhau trong những ngày khó khăn do lệnh phong tỏa tại thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao. Trong 24 giờ qua, Campuchia ghi nhận thêm 303 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2. 

Số ca nhiễm mới tại Thái Lan cũng tăng cao ở mức trên 1.000 người. Theo Trung tâm Xử lý tình hình Covid-19 (CCSA) của chính phủ Thái Lan, nước này đã ghi nhận thêm 1.458 ca nhiễm mới và 2 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt là 46.643 và 110. Bộ Y tế Thái Lan đang xem xét có hành động pháp lý đối với một số bệnh nhân Covid-19 từ chối chuyển sang bệnh viện dã chiến để tiếp tục điều trị do cho rằng điều kiện ở đó bất tiện. 

Châu Âu

Ngày 21/4, Quốc hội Liên bang Đức đã bỏ phiếu phê chuẩn dự luật Phòng, chống lây nhiễm sửa đổi, qua đó trao thêm quyền cho chính phủ liên bang áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt và thống nhất trên cả nước nhằm khống chế đại dịch Covid-19.

Theo luật mới, một quận/huyện/thành phố có tỷ lệ lây nhiễm trong 7 ngày vượt quá 100 người/100.000 dân sẽ phải áp đặt lệnh giới nghiêm từ 22h đến 5h sáng hôm sau. Quy định mới cũng sẽ yêu cầu bắt buộc hạn chế tiếp xúc ở nơi công cộng cũng như các khu vực tư nhân. Đối với các trường học, giáo viên và học sinh phải xét nghiệm 2 lần/tuần để có thể học ở trường, nhưng trong trường hợp chỉ số lây nhiễm trên 100 sẽ phải học xen kẽ giữa ở trường và ở nhà. 

Trong khi đó, dù số ca mắc mới vẫn ở mức cao, song nhiều nước ở châu Âu, như Pháp, Phần Lan, Hy Lạp đã quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng, chống dịch Covid-19. 

Nguồn tin từ Phủ Tổng thống Pháp ngày 21/4 cho biết chính phủ nước này có kế hoạch dỡ bỏ các hạn chế đi lại và nới lỏng lệnh giới nghiêm trên toàn quốc từ ngày 2-5, dựa trên hy vọng số ca nhiễm mới theo ngày sẽ sớm bắt đầu giảm. 

Cùng ngày, nhà chức trách Phần Lan cho biết nước này có thể bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp và hoạt động của giới trẻ từ tuần tới, tuy nhiên vẫn đóng cửa biên giới ít nhất là trong vài tháng.

Tại Hy Lạp, Ngoại trưởng George Gerapetritis cho biết nước này sẽ cho phép các nhà hàng mở cửa trở lại từ đầu tháng sau. 

Theo hanoimoi.com.vn