Thứ 7, 27/04/2024, 09:55[GMT+7]

Ngân hàng trung ương châu Âu duy trì lãi suất thấp: Trợ giúp vượt đại dịch

Thứ 7, 24/04/2021 | 10:01:25
1,746 lượt xem
Trong bối cảnh các nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang phải đối mặt với nguy cơ giảm tốc độ phục hồi của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vừa thông báo sẽ duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục và tiếp tục mua trái phiếu theo Chương trình khẩn cấp trong đại dịch (PEPP). Các biện pháp kích thích kinh tế này được đưa ra nhằm giúp Lục địa già vượt qua đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Đức đang phải đối phó với làn sóng Covid-19 khi các ca nhiễm mới gia tăng.

Cụ thể, ban lãnh đạo ECB đã quyết định duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 0%, lãi suất cho vay cận biên là 0,25% và âm 0,5% đối với lãi suất tiền gửi. Sau khi bình ổn thị trường với cam kết tăng tốc mua trái phiếu PEPP vào tháng trước, đến nay, Hội đồng quản trị ECB cho biết sẽ tiếp tục duy trì hoạt động này. PEPP bắt đầu được thực hiện từ tháng 3-2020 và sau hai lần tăng, quy mô chương trình hiện ở mức 1.850 tỷ euro (2.210 tỷ USD). PEPP có mục đích chống lại những rủi ro nghiêm trọng đối với cơ chế chuyển giao chính sách tiền tệ và triển vọng của Eurozone do sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2 ngày càng gia tăng. Đây là công cụ chính của ECB nhằm hỗ trợ nền kinh tế trước những tác động của đại dịch và theo dự kiến sẽ được duy trì cho đến cuối tháng 3-2022.

Quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt của ECB được đưa ra trong bối cảnh các nước châu Âu vẫn đang phải chật vật kiểm soát sự lây lan của đại dịch Covid-19. Tuần này, Đức, nền kinh tế lớn nhất trong khối Eurozone đã phải ban hành quy định "phanh khẩn cấp". Theo đó, 15 bang của Đức sẽ phải áp đặt giới nghiêm và các biện pháp phong tỏa do có chỉ số lây nhiễm vượt quá 100. Trong khi đó, Pháp, Italia, Ukraine, Ba Lan… cùng ghi nhận số ca mắc mới trên 10.000 ca/ngày. Giám đốc bộ phận châu Âu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Alfred Kammer nhận định, Lục địa già đang đối mặt với nhiều rủi ro trong phục hồi kinh tế do sự xuất hiện các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 và sự chậm trễ trong chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19. Ông Kammer cảnh báo, nếu cuộc khủng hoảng còn kéo dài có thể làm nảy sinh bất ổn xã hội và những thương tổn trung hạn đối với các nền kinh tế trong khu vực. Do đó, ông kêu gọi chính phủ các nước cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ cho đến khi cuộc khủng hoảng chấm dứt.

Năm 2020, nền kinh tế 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) chao đảo vì dịch bệnh, với mức giảm 6,3%. Trong thông báo mới nhất, EU cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của khối, do đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành khiến nhiều quốc gia phải áp đặt lệnh phong tỏa. Ủy ban châu Âu (EC) nhận định, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Eurozone dự kiến đạt 3,8% trong năm nay, giảm so với mức dự báo 4,2% mà cơ quan này đưa ra hồi tháng 11-2020. Theo các chuyên gia kinh tế châu Âu, đại dịch sẽ để lại những "vết sẹo" khó lành cho nền kinh tế EU, khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và các doanh nghiệp rơi vào "làn sóng phá sản". Do đó, ECB đưa ra các biện pháp trên với mục tiêu duy trì phí vay ở mức thấp để thúc đẩy chi tiêu và đầu tư trong các nước thành viên Eurozone. Việc cho phép tự do chi tiêu mang lại cho chính phủ các nước EU sự linh hoạt cần thiết để thực hiện các biện pháp hỗ trợ hệ thống y tế và an sinh xã hội, cũng như bảo vệ nền kinh tế.

“Bóng ma Covid-19” đang quay trở lại, tiếp tục lây lan nhanh tại hầu hết các nước EU, đang khiến những hy vọng le lói về khả năng phục hồi nền kinh tế gần như tiêu tan. Theo các nhà phân tích, năm 2021 sẽ là một năm đầy thử thách đối với EU khi cả khu vực vừa phải nỗ lực khống chế đại dịch Covid-19 vừa phải lấp đầy những khoảng trống do sự kiện Anh chính thức rời khỏi EU (Brexit) tạo ra.

Theo hanoimoi.com.vn