Thứ 6, 19/04/2024, 08:08[GMT+7]

Thế giới ráo riết gửi thuốc, oxy giải cứu Ấn Độ

Chủ nhật, 02/05/2021 | 15:53:41
1,540 lượt xem
Mỹ, châu Âu và một số quốc gia gấp rút hỗ trợ ứng phó khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ, nhưng các động thái của họ được cho là một phần mang tính toán ngoại giao.

Nhân viên y tế tại một bệnh viện New Delhi, Ấn Độ chăm sóc bệnh nhân nhiễm nCoV vào ngày 29/4. Ảnh: Reuters.

Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla ngày 29/4 cho biết đã nhận được đề nghị hỗ trợ từ hơn 40 nước. Quốc gia giữ vai trò then chốt trong an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang thiếu hụt nghiêm trọng oxy y tế và thuốc điều trị Covid-19 vì các biến chủng nCoV lây lan với tốc độ chóng mặt.

Ngày 1/5, Ấn Độ lần đầu tiên ghi nhận hơn 400.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ, dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm mới một ngày. Hồi đầu tháng ba, con số này là hơn 15.000 trường hợp. Cùng ngày, Ấn Độ còn ghi nhận hơn 3.500 ca tử vong vì Covid-19. Nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải, hết giường và thiếu hụt oxy điều trị. Hệ thống y tế quốc gia bị đẩy đến bờ vực sụp đổ.

Mỹ cuối tuần qua thông báo sẽ hỗ trợ 100 triệu USD vật tư y tế cho Ấn Độ. Cam kết viện trợ từ Mỹ gồm 1.100 bình oxy, khoảng 20.000 liều thuốc kháng virus remdesivir và nguyên liệu thô đủ để điều chế khoảng 20 triệu liều vaccine Covid-19.

Từ châu Âu, chính phủ Đức cũng đề xuất gửi máy trợ thở và khẩu trang y tế sang giải cứu. Pháp lên kế hoạch chuyển thêm oxy lỏng, còn Anh dự kiến gửi máy điều chế oxy y tế. Nhật Bản cũng khởi động kế hoạch cung cấp máy trợ thở và máy điều chế oxy y tế.

Không chỉ thiếu hụt oxy điều trị người nhiễm nCoV, quốc gia sản xuất vaccine lớn nhất thế giới còn đang cạn kiệt vaccine phục vụ nhu cầu trong nước. Chính phủ Ấn Độ vẫn lên kế hoạch chủng ngừa mọi công dân trên 18 tuổi từ ngày 1/5, trong khi nhiều thành phố đã báo không đủ vaccine.

Moyuru Baba, ký giả của Nikkei, đánh giá những lời đề nghị viện trợ từ một số nước dường như có động cơ ngoại giao. Ngày 28/4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin điện đàm khẩn cấp về những biện pháp ứng phó đại dịch. Lãnh đạo hai nước tái khẳng định Ấn Độ sớm khởi động sản xuất Sputnik V do Nga phát triển, vốn đã được chính phủ Ấn Độ cấp phép sử dụng từ giữa tháng 4. Hai nước đồng ý thiết lập kênh đối thoại 2+2 giữa các bộ trưởng quốc phòng và ngoại trưởng.

Bằng cách thắt chặp quan hệ hợp tác cùng New Delhi, Moskva gián tiếp tạo sức ảnh hưởng lên mức đoàn kết giữa Ấn Độ với ba thành viên còn lại trong Đối thoại An ninh Bộ tứ là Mỹ, Nhật Bản và Australia.

Nga gửi trang thiết bị hỗ trợ ứng phó Covid-19 ở Ấn Độ vào ngày 29/4. Ảnh: Bộ Ngoại giao Ấn Độ.

Nga gửi trang thiết bị hỗ trợ ứng phó Covid-19 ở Ấn Độ vào ngày 29/4. Ảnh: Bộ Ngoại giao Ấn Độ.

Trung Quốc cũng đẩy mạnh chiến lược ngoại giao tại Nam Á giữa giai đoạn Ấn Độ rơi vào khủng hoảng. Ngoại trưởng Vương Nghị ngày 27/4 đã hội đàm trực tuyến với ngoại trưởng một loạt quốc gia trong khu vực gồm Afghanistan, Pakistan, Nepal, Sri Lanka và Bangladesh. Nội dung hội đàm tập trung vào biện pháp ứng phó đại dịch. Bắc Kinh cũng gửi lời mời tham gia cho New Delhi, nhưng Ngoại trưởng Shringla đã không góp mặt.

Trong cuộc hội đàm, ông Vương Nghị mở lời hỗ trợ vaccine và kinh tế những nước trong khu vực, đồng thời cam kết Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh Sánh kiến Vành đai và Con đường (BRI). Ngoại trưởng Trung Quốc còn tuyên bố sẽ hỗ trợ và hợp tác với Ấn Độ giữa giai đoạn cấp bách hiện nay.

Bắc Kinh đưa ra lời hứa giúp đỡ giữa giai đoạn tranh chấp biên giới hai nước vẫn còn căng thẳng. New Delhi trong thời gian qua cũng hết sức dè chừng chiến lược "ngoại giao vaccine" được Bắc Kinh áp dụng cho nhiều nước láng giềng.

Các lãnh đạo Bộ tứ vào giữa tháng ba công bố kế hoạch cung cấp một tỷ liều vaccine Covid-19 cho thế giới trước cuối năm 2022. Ấn Độ là mảnh ghép quan trọng với năng lực sản xuất vaccine vượt trội. Cục diện đã bất ngờ thay đổi khi nhiều biến chủng nCoV bùng phát lây nhiễm ở Ấn Độ, đẩy chính phủ của Thủ tướng Modi vào khủng hoảng và khiến tham vọng xuất khẩu vaccine trở nên mơ hồ hơn bao giờ hết.

Theo vnexpress.net