Thứ 7, 18/01/2025, 12:42[GMT+7]

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 3: Đông Nam Á đối mặt thách thức lớn

Thứ 4, 05/05/2021 | 09:32:19
2,233 lượt xem
Là khu vực từng được đánh giá kiểm soát khá hiệu quả dịch Covid-19 trong đợt bùng phát đầu tiên, tuy nhiên, những ngày gần đây, nhiều quốc gia Đông Nam Á đang phải chứng kiến mức tăng bất thường số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Nguy cơ từ làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 3 đang đặt Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trước nhiều thách thức lớn.

Campuchia phong tỏa nhiều khu vực ở thủ đô Phnom Penh để ngăn chặn đà lây lan của dịch Covid-19.

Các chuyên gia y tế nhận định, làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 lần này tại Đông Nam Á đang có những diễn biến đáng lo ngại. Cụ thể, vi rút SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của gần 70.500 người dân thuộc cộng đồng ASEAN. Số ca mắc bệnh tăng lên hơn 3,7 triệu người.

Được đánh giá là ít chịu thiệt hại trong đợt bùng phát dịch đầu tiên hồi năm ngoái nhưng hiện Lào, Campuchia lại đang hằng ngày phải chứng kiến số bệnh nhân mắc mới lên tới 3 con số. Trong khi đó, tại nước láng giềng Thái Lan, số ca mắc mới trung bình 1 tuần qua vào khoảng gần 2.000 người/ngày. Trong khi đó, những quốc gia ASEAN bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt dịch đầu tiên như Indonesia, Malaysia và Philippines cũng chưa thể kiểm soát đà lây lan của vi rút SARS-CoV-2.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới làn sóng dịch lần này tại Đông Nam Á. Trong đó, một số phân tích chỉ ra rằng, tình trạng nhập cảnh trái phép và trốn cách ly là vấn đề đáng quan tâm nhất. Tại Campuchia, nguồn cơn của đợt dịch lần này được cho là bắt nguồn từ việc 4 người Trung Quốc mắc Covid-19 trốn cách ly khỏi một khách sạn ở thủ đô Phnom Penh. Campuchia gọi đây là “sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20-2”.

Trong khi đó, đợt dịch mới ở Lào xuất phát từ các trường hợp nhập cảnh trái phép từ Thái Lan. Theo báo cáo của Bộ Y tế Lào, các ca lây nhiễm mới hầu hết có liên quan đến bệnh nhân số 59 ở thủ đô Viêng Chăn. Bệnh nhân này đã tiếp xúc với 2 người Thái Lan nhập cảnh bất hợp pháp từ ngày 6-4-2021 và đưa họ đi chơi rất nhiều địa điểm đông người ở Viêng Chăn trong dịp trước và trong Tết Boun Pi May (từ ngày 14 đến 16-4). Việc người dân không tuân thủ quy định giãn cách xã hội khi tham gia các hoạt động cộng đồng, đặc biệt trong những đợt lễ Tết cũng là nguyên nhân khiến tình hình dịch bệnh trở nên khó kiểm soát hơn. Tại Thái Lan, ước tính khoảng 40% ca nhiễm mới trong tháng 4 ở thủ đô Bangkok có liên quan đến các quán rượu hay địa điểm vui chơi ban đêm, còn ở các tỉnh khác con số này khoảng 25%.

Tương tự như nhiều khu vực khác trên thế giới, dịch Covid-19 đang gây ra những thiệt hại kinh tế nặng nề cho cộng đồng các nước ASEAN, đặc biệt là ngành Du lịch. Theo thống kê, khách du lịch đóng góp tới 13% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Đông Nam Á, cao thứ hai chỉ sau khu vực Caribe. Dịch vụ cho khách du lịch nước ngoài đã tạo ra nguồn thu trung bình hơn 200 tỷ USD cho khu vực những năm gần đây. Nguồn thu từ khách du lịch nước ngoài chiếm gần 20% GDP của Thái Lan, 18% GDP của Campuchia, mức trung bình của các thành viên ASEAN khác là 5%. Ước tính 10 thành viên ASEAN phải đối mặt với thâm hụt tổng ngân sách tới 40 tỷ USD. Bên cạnh ngành “công nghiệp không khói”, ảnh hưởng của dịch bệnh cũng lan đến nhiều ngành nghề khác, nhất là hàng không dân dụng và những ngành nghề phụ thuộc vào chuỗi dây chuyền cung ứng toàn cầu.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia y tế, trong suốt hơn 1 năm qua, các nước Đông Nam Á vẫn luôn chủ động đối phó với đại dịch. Sự phối hợp giữa các thành viên ASEAN để đối phó với “kẻ thù chung” đang nhận được nhiều bình luận tích cực. Chặng đường sắp tới sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức mà ASEAN cần phải vượt qua để có thể kiểm soát dịch bệnh và duy trì đà tăng trưởng. Đây được xem là “phép thử” trên con đường phát triển đối với hiệp hội có lịch sử hoạt động 54 năm.

Theo hanoimoi.com.vn