Thứ 4, 24/04/2024, 17:28[GMT+7]

G7 họp trực tiếp sau 2 năm gián đoạn, thảo luận các vấn đề liên quan Trung Quốc

Thứ 4, 05/05/2021 | 14:05:02
2,340 lượt xem
Trong các cuộc họp trực tiếp lần đầu kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ngoại trưởng Nhóm G7 tìm kiếm việc thiết lập mặt trận chung nhằm đối phó với Trung Quốc.

G7 họp trực tiếp sau 2 năm gián đọạn, bàn cách xây dựng mặt trận đối phó Trung Quốc. (Ảnh: Getty)

Hôm 4/5, trong các cuộc họp trực tiếp lần đầu sau 2 năm bị gián đoạn do đại dịch COVID-19, ngoại trưởng Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) đã thảo luận về cách hình thành một mặt trận chung nhằm đối phó với Trung Quốc - quốc gia ngày càng quyết đoán.

"Mục đích của chúng tôi là cố gắng kiềm chế hoặc kìm hãm Trung Quốc. Những gì chúng tôi đang cố gắng làm là duy trì trật tự dựa trên luật lệ quốc tế mà các quốc gia đã đầu tư rất nhiều trong nhiều thập kỷ vì lợi ích không chỉ công dân Mỹ mà còn của mọi người trên toàn thế giới”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết.

AFP dẫn nguồn tin quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, sau phiên họp hôm 4/5, sự đồng thuận giữa các nước G7 trong các vấn đề về Trung Quốc hay các vấn đề khác đưa ra bàn thảo là rất cao. Trong phiên thảo luận nay, ngoại trưởng các nước G7 đồng loạt lên tiếng cảnh báo về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, cũng như  chính sách kinh tế "ép buộc" của Bắc Kinh đối với các quốc gia khác.

Cũng theo quan chức Mỹ, phiên họp của ngoại trưởng các nước G7 dường như không tập trung vào việc phối hợp hành động mà lại hướng trọng tâm vào việc thiết lập mặt trận chung của các nước "cùng chí hướng" nhằm đối phó với Trung Quốc.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nhấn mạnh đến việc đảm bảo "Bắc Kinh tuân theo các cam kết mà họ đã đưa ra", trong đó có cả vấn đề Hong Kong. Ông Raab kêu gọi "tìm kiếm cách thức làm việc với Trung Quốc hợp lý và tích cực nếu có thể" như vấn đề biến đổi khí hậu.

Hôm 3/5, ngoại trưởng các nước công nghiệp phát triển G7 bắt đầu phiên họp trực tiếp diễn ra trong 3 ngày tại thủ đô London, Anh nhằm chuẩn bị nghị trình cho Thượng đỉnh G7 vào tháng 6/2021.

Ủng hộ lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Joe Biden về một liên minh dân chủ sâu sắc hơn, ngoài các thành viên gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ và Anh, nước chủ nhà Anh đã mời các ngoại trưởng từ Australia, Ấn Độ, Nam Phi và Hàn Quốc tham dự.

Ngoài chủ đề Trung Quốc, chương trình nghị sự của các ngoại trưởng G7 tập trung vào việc phân phối vaccine, hồi phục kinh tế, biến đổi khí hậu. 

Theo vtc.vn