Thứ 5, 28/03/2024, 23:22[GMT+7]

Biến chủng SARS-CoV-2 tại Ấn Độ lan ra nhiều nước

Thứ 6, 07/05/2021 | 08:43:36
1,842 lượt xem
Tính đến 6h ngày 7/5, thế giới đã có 156.658.764 ca mắc Covid-19, trong đó 3.268.623 trường hợp tử vong. Thêm nhiều quốc gia thông báo bệnh nhân nhiễm biến chủng tại Ấn Độ.

Nhiều bệnh viện tại Ấn Độ đang trong tình trạng quá tải do số ca mắc Covid-19 liên tục tăng mạnh.

Châu Á - châu Phi - châu Đại Dương

Bộ Y tế Iran vừa thông báo phát hiện 3 ca đầu tiên mắc biến chủng mới này, làm dấy lên lo ngại dịch bệnh có nguy cơ trầm trọng hơn. Các ca trên nằm trong số những công dân Ấn Độ sinh sống ở Iran, đều tại tỉnh miền Trung Qom. Hiện, Iran đang đối phó với làn sóng dịch thứ tư tại khu vực Trung Đông mà nguyên nhân được cho là người dân di chuyển nhiều trong kỳ nghỉ năm mới Ba Tư vào tháng 3 vừa qua. Bộ trưởng Namaki nhận định, Iran đã phần nào kiểm soát được đợt dịch lần này. Hiện phần lớn thành phố đều bị xếp loại là vùng "đỏ" với việc chỉ các cửa hàng thiết yếu được phép mở cửa.

Tương tự, Bộ Y tế Kenya thông báo phát hiện một trường hợp mắc biến chủng Ấn Độ, chỉ vài ngày sau khi nước láng giềng Uganda ghi nhận sự xuất hiện của biến thể này. Theo Tiến sĩ Patrick Amoth thuộc Bộ Y tế Kenya, trường hợp mắc biến chủng được phát hiện trong số các mẫu lấy từ những người Ấn Độ làm việc ở thành phố Kisumu, phía Tây Kenya.

Các ca mắc biến thể Ấn Độ tại Uganda xuất phát từ một du khách đến từ Ấn Độ mới đây. Hiện Kenya, Uganda, Tanzania và Rwanda đã tạm ngừng các chuyến bay đến và đi từ Ấn Độ.

Giới chức y tế Sri Lanka cho biết, một biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 đã lây lan nhanh chóng khiến các bệnh viện và các khu chăm sóc đặc biệt chật cứng bệnh nhân. Quân đội sẽ hỗ trợ thiết lập thêm các trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 tại những khu vực bị ảnh hưởng, đồng thời cung cấp thêm 10.000 giường bệnh. Theo các bác sĩ, nhiều người trẻ tuổi tại Sri Lanka đã phải nhập viện vì nhiễm biến chủng mới, đồng thời cần thở oxy và được điều trị trong khu chăm sóc đặc biệt.

Giới chức y tế Australia đang đẩy mạnh chiến dịch truy vết sau khi thành phố Sydney, bang New South Wales, phát hiện hai ca mắc Covid-19. Đây là những ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng trong hơn một tháng qua tại đây.

Một cặp vợ chồng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Đáng lo ngại là hai người này nhiễm biến chủng Ấn Độ và có liên quan đến một người trở về từ Mỹ, vốn đã thực hiện cách ly tại một khách sạn ở Sydney. Các xét nghiệm ban đầu cho thấy lượng vi rút SARS-CoV-2 của người này cao hơn mức trung bình thường có ở những người nhiễm bệnh khác, có thể làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Châu Âu

Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) thông báo nước này đã cho phép sử dụng vắc xin 1 liều ngừa Covid-19 có tên Sputnik Light, một động thái có thể giúp tăng nguồn cung cấp vắc xin ở các nước có tỷ lệ lây nhiễm cao.

Theo RDIF, các dữ liệu nghiên cứu cho thấy chế phẩm do Viện Gamaleya của Nga phát triển có hiệu quả ngừa Covid-19 đạt 79,4% trong khi chỉ có giá dưới 10 USD/liều. Sputnik Light sẽ được xuất khẩu đến những quốc gia có dịch bùng phát mạnh, qua đó giúp làm gia tăng số người được tiêm chủng và hỗ trợ các nước này dập dịch.

Trao đổi với báo giới, người đứng đầu RDIF Kirill Dmitriev cho biết loại vắc xin 1 liều này giúp rút ngắn thời gian tiêm chủng cho các khu vực có dân số đông, vốn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn dịch bùng phát mạnh. Ông cũng cho biết Nga vẫn chủ yếu sử dụng vắc xin 2 liều Sputnik V.

Đáp ứng lời kêu gọi của Liên minh vắc xin toàn cầu (GAVI), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố EU sẵn sàng thảo luận về đề xuất dỡ bỏ độc quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin ngừa Covid-19, song nhấn mạnh ưu tiên trước mắt của châu Âu là thúc đẩy nguồn cung toàn cầu. Bà kêu gọi tất cả các nước sản xuất vắc xin cho phép xuất khẩu và tránh áp dụng các biện pháp gây gián đoạn chuỗi cung ứng.

Từ Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định "hoàn toàn ủng hộ" việc dỡ bỏ toàn cầu bằng độc quyền sáng chế dành cho vắc xin ngừa Covid-19. Ông cũng cho biết chiến dịch tiêm chủng tại Pháp sẽ được đẩy mạnh và bắt đầu từ tuần tới, mọi người trưởng thành đều được tiêm vắc xin, không phân biệt tình trạng sức khỏe của họ. Theo quy định hiện tại, vắc xin chỉ được tiêm cho những người ngoài 55 tuổi hoặc những người mắc bệnh mạn tính. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Pháp cũng chỉ trích việc Anh và Mỹ không xuất khẩu vắc xin ngừa Covid-19 đến những nước đang thiếu hụt chế phẩm này.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng tuyên bố sẽ tiến hành các cuộc thảo luận về đề xuất dỡ bỏ độc quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin ngừa Covid-19 nếu đây là giải pháp đẩy nhanh việc tiêm chủng trên toàn cầu. Ông cũng tái khẳng định cam kết của Đức trong việc hỗ trợ dập dịch. Trong khi đó, dù bày tỏ ủng hộ về đề xuất trên, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho rằng các nước sản xuất vắc xin "cũng phải xuất khẩu chúng cho các nước khác".

Theo hanoimoi.com.vn