Thứ 6, 22/11/2024, 12:22[GMT+7]

G7 cam kết hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu

Chủ nhật, 23/05/2021 | 05:43:28
1,726 lượt xem
Các bộ trưởng môi trường của Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nhất trí đẩy nhanh những nỗ lực kiềm chế tình trạng nóng lên toàn cầu, bao gồm cam kết chấm dứt hỗ trợ của chính phủ cho các nhà máy nhiệt điện than mới vào cuối năm 2021.

Ảnh minh họa: Reuters

Các cam kết được đưa ra trong một tuyên bố sau cuộc họp trực tuyến kéo dài 2 ngày do Anh, quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên G7, chủ trì. Trọng tâm của tuyên bố này là cam kết hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và thấp hơn mục tiêu 2 độ C trước đó.

Ngoài ra, các bộ trưởng cũng cam kết sẽ chống lại tình trạng phá rừng và đánh bắt cá quá mức, thúc đẩy đa dạng sinh học và ứng phó với rác thải nhựa tại các đại dương, đồng thời tìm biện pháp ngăn chặn sự bùng phát của các dịch bệnh trong tương lai như Covid-19.

Trong tuyên bố, các bộ trưởng đã bày tỏ sự lo ngại đối với những cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ về biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học – những vấn đề gây ra mối đe dọa hiện hữu với thiên nhiên, con người, sự thịnh vượng và an ninh…

“Chúng tôi nhận thấy biến đổi khí hậu và tình trạng của môi trường tự nhiên có mối liên hệ bản chất và sẽ bảo đảm những hành động được thực hiện sẽ tối đa hóa cơ hội giải quyết cùng lúc những khủng hoảng này”, các bộ trưởng nêu rõ.

Tuyên bố kể trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi một báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy, chính phủ các quốc gia cần đẩy nhanh nỗ lực giảm phát thải khí carbon và các loại khí nhà kính khác nếu muốn đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Báo cáo của IEA cũng đề cập đến một loạt khuyến nghị, bao gồm việc ngay lập tức kết thúc đầu tư cho các dự án cung cấp nhiên liệu hóa thạch mới, ngừng bán ô tô chạy bằng xăng và dầu vào năm 2035.

IEA đồng thời nhận định, thế giới cần một lộ trình khả thi để xây dựng ngành năng lượng toàn cầu với lượng phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Điều này đòi hỏi một sự chuyển đổi chưa từng có về phương thức sản xuất năng lượng, vận chuyển và sử dụng trên phạm vi toàn cầu.

Theo hanoimoi.com.vn