Thứ 3, 23/07/2024, 18:34[GMT+7]

Hơn 170 triệu người mắc Covid-19 trên thế giới

Thứ 7, 29/05/2021 | 09:03:06
1,418 lượt xem
Tính đến 6h ngày 29/5, toàn thế giới có 170.102.522 ca mắc Covid-19, trong đó có 3.536.548 trường hợp tử vong và 151.938.051 bệnh nhân đã hồi phục.

Một y tá tại Viện Dưỡng lão Christalain ở Brussels (Bỉ) chuẩn bị mũi tiêm vắc xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer/BioNTech. Ảnh: CNN.

Châu Âu

Ngày 28/5, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã phê duyệt việc sử dụng vắc xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi. Đây cũng là loại vắc xin đầu tiên được EMA cấp phép sử dụng cho trẻ em ở châu Âu. Theo cơ quan này, các cuộc thử nghiệm cho thấy vắc xin của Pfizer/BioNTech phát huy hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa Covid-19 ở lứa tuổi thiếu niên.

Ngày 28/5, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết, chính phủ nước này sẽ nới lỏng hơn nữa các biện pháp hạn chế nhằm phòng, chống dịch Covid-19, bắt đầu từ ngày 5-6 tới. Các nhà hàng, quán bar và cà phê sẽ được phép phục vụ khách trong nhà. Rạp chiếu phim và bảo tàng cũng được mở cửa trở lại với sức chứa tối đa 50 người.

Ngày 28/5, Đan Mạch đã ra mắt chứng nhận kỹ thuật số về Covid-19 nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại trong Liên minh châu Âu (EU). Ứng dụng này có tên Coronapas, cung cấp thông tin về kết quả xét nghiệm và tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 cả bằng tiếng Đan Mạch và tiếng Anh. Bộ trưởng Tài chính Đan Mạch Nicolai Wammen cho biết, chứng nhận này có thể được sử dụng để đi lại trong châu Âu từ ngày 1/7 tới.

Cùng ngày, Hy Lạp cũng công bố chứng nhận kỹ thuật số về Covid-19 của nước này và đang nỗ lực để bắt đầu chương trình trước ngày 1/7.

Ngày 28/5, Cơ quan Quản lý dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) của Anh đã cấp phép sử dụng vắc xin ngừa Covid-19 do hãng Johnson & Johnson (Mỹ) phát triển. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết, chính phủ nước này đã quyết định đặt mua 20 triệu liều vắc xin của Johnson & Johnson. Đến nay, Anh đã phê duyệt 4 loại vắc xin ngừa Covid-19, trong đó, 3 loại còn lại là của các hãng Pfizer/BioNTech, AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) và Moderna (Mỹ).

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết, nước này sẽ đầu tư vào việc thúc đẩy sản xuất vắc xin Covid-19 ở châu Phi, để giúp thu hẹp khoảng cách về khả năng cung cấp vắc xin giữa các nước châu Phi và các nước phương Tây. Tổng thống E.Macron cho biết, châu Phi chiếm khoảng 20% nhu cầu vắc xin nhưng chỉ chiếm 1% sản lượng vắc xin của thế giới.

Châu Mỹ

Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong do Covid-19, với hơn 34 triệu trường hợp nhiễm bệnh và gần 609.000 bệnh nhân đã tử vong.

Số liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố ngày 28-5 cho thấy, khoảng 166 triệu người ở nước này đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin ngừa Covid-19, và 133,5 triệu người, tương đương khoảng 40% dân số, đã được tiêm chủng đầy đủ.

Ngày 28/5, Cơ quan Y tế Brazil đã ban hành các điều kiện bảo quản mới đối với vắc xin ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech. Cụ thể, vắc xin có thể được bảo quản ở nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C trong tối đa 31 ngày. Khoảng thời gian cho phép lưu trữ trước đó là 5 ngày.

Chính phủ Mexico cho biết, sẽ bắt đầu tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 cho hơn 11 triệu người trong độ tuổi 40-49 vào tháng 6 tới. Tính đến thời điểm hiện tại, nước này đã tiêm gần 29 triệu liều vắc xin, trong đó 12 triệu người đã hoàn thành việc tiêm chủng.

Châu Á - châu Đại Dương

Ngày 28/5, giới chức Ấn Độ tuyên bố làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai ở thủ đô New Delhi đã được khống chế, và các lệnh phong tỏa sẽ từng bước được dỡ bỏ vào tuần tới. Cụ thể, tỷ lệ dương tính với vi rút SARS-CoV-2 đã giảm xuống còn 1,5%. Các bệnh viện trong thành phố không còn tình trạng thiếu giường bệnh.

Ngày 28/5, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide nhận định, 3 tuần tới sẽ là thời điểm quan trọng để nước này đẩy nhanh tiến trình tiêm vắc xin ngừa Covid-19 và ngăn chặn sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2. Nhà lãnh đạo Nhật Bản đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp ở 9 tỉnh, thành của nước này, trong đó có thủ đô Tokyo.

Cũng trong ngày 28/5, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã công bố kế hoạch phong tỏa toàn quốc trong vòng 2 tuần bắt đầu từ đầu tháng 6 tới, trong bối cảnh số ca mắc và tử vong do Covid-19 có xu hướng tăng nhanh. Các biện pháp phong tỏa được áp dụng với mọi hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội, trừ các cơ sở cung cấp dịch vụ thiết yếu. Trong ngày 28/5, Malaysia đã ghi nhận thêm 8.290 ca mắc Covid-19, đây là số ca mắc trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát, và cũng là lần đầu tiên con số này vượt mốc 8.000 ca.

Ngày 28/5, Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt cho biết, sau khi triển khai chương trình tiêm chủng vào tháng 2, nước này đã tiêm được hơn 4 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19.

Theo hanoimoi.com.vn