Thứ 7, 18/01/2025, 08:04[GMT+7]

Các nước châu Á tăng tốc tiêm vắc xin ngừa Covid-19

Thứ 2, 31/05/2021 | 08:00:10
1,540 lượt xem
Tính đến 6h ngày 31/5, thế giới đã có 171.000.696 ca mắc Covid-19, trong đó 3.555.956 trường hợp tử vong. Các nước châu Á tiếp tục tăng tốc chương trình tiêm phòng vắc xin ngừa Covid-19.

Châu Á

Tại Campuchia, tỉnh Kandal, giáp thủ đô Phnom Penh, đã đưa một số địa điểm vào danh sách “Khu vực đỏ” do tình trạng lây nhiễm gia tăng trở lại. Sở y tế tỉnh Svay Rieng, giáp biên giới Việt Nam, kêu gọi toàn bộ các công nhân Nhà máy You Li (thuộc Đặc khu kinh tế Shandong Bavet) tại địa phương cách ly triệt để sau khi phát hiện 300 người mắc Covid-19. Cho đến nay, riêng tại tỉnh Svay Rieng, các cơ quan chức năng đã phát hiện 820 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 782 công nhân Campuchia và 38 người nước ngoài.

Myanmar thông báo gia hạn các biện pháp phòng dịch đến ngày 30-6 tới, bao gồm tất cả các sắc lệnh, thông báo và chỉ thị được các bộ và các tổ chức chính phủ ban hành trước đó để khống chế dịch. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Myanmar ghi nhận thêm 40 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 143.526 ca trong khi tổng số ca tử vong tại đây vẫn là 3.216.

Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết, chính phủ sẽ thành lập mới 5 trung tâm tiêm chủng quy mô lớn ở Kuala Lumpur và có thể lập thêm hai trung tâm tương tự ở bang Penang miền Bắc và bang Johor miền Nam. Mỗi một trung tâm như vậy có khả năng tiêm ngừa 40.000 liều/ngày.

Chính phủ cũng sẽ tiến hành huấn luyện, đào tạo cho đội ngũ bác sĩ, y tá thực hiện tiêm chủng, xuất phát từ thực tế một số loại vắc xin cần cách xử lý và bảo quản khác nhau và khác các loại vắc xin thông thường. Ông Jamaluddin cũng cho biết, nguồn cung vắc xin sẽ tăng trong thời gian tới, vì thế chính quyền sẽ huy động nhân lực từ các bệnh viện, trung tâm y tế tư nhân tự nguyện tham gia vào chiến dịch tiêm chủng.

Theo ông Jamaluddin, chính phủ của Thủ tướng Muhyiddin Yassin cũng dự kiến sẽ cho thành lập các trung tâm tiêm chủng vắc xin di động tại các tuyến đường. Hiện có khoảng 6% trong tổng số 32 triệu dân Malaysia đã được tiêm ngừa ít nhất một mũi.

Tại Philippines, người đứng đầu lực lượng đặc trách chống Covid-19 của chính phủ, ông Czar Carlito Galveztrong cho biết, trong tháng 6, Philippines dự kiến sẽ nhận thêm 10 triệu liều vắc xin. Lô 250.000 liều đầu tiên của Moderna dự kiến cũng sẽ đến trong ngày 21-6. Chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đặt mục tiêu tiêm ngừa Covid-19 cho khoảng 70 triệu dân hoặc trên 50% dân số trong năm nay.

Tại Ấn Độ, chính quyền vùng thủ đô Delhi, các bang Tamil Nadu và Kerala cũng quyết định gia hạn biện pháp phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh. 

Trong một diễn biến khác, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, các bệnh viện tư nhân tại nước này nếu phối hợp với các khách sạn để cung cấp gói dịch vụ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho khách du lịch sẽ bị coi là vi phạm quy định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thông báo trên được đưa ra sau khi một số khách sạn hạng sang tại Ấn Độ tung ra các gói dịch vụ, trong đó bao gồm dịch vụ tiêm phòng vắc xin theo yêu cầu. Theo quảng cáo của các khách sạn, dịch vụ "do các chuyên gia từ các bệnh viện hoặc phòng tư vấn uy tín thực hiện".

Chính phủ Ấn Độ khẳng định, trong tháng 6, quốc gia này sẽ có gần 120 triệu liều vắc xin để dùng trong nước. Như vậy, tổng số liều vắc xin tại Ấn Độ sẽ tăng mạnh so với mức 79,4 triệu liều trong tháng 5.

Châu Âu

Tại châu Âu, Chính phủ Tây Ban Nha thông báo từ ngày 7-6 tới sẽ cho phép các tàu du lịch nước ngoài cập cảng nước này, đồng nghĩa dỡ bỏ một lệnh cấm được áp dụng từ tháng 6-2020 để phòng dịch Covid-19. Các hãng vận tải đường biển sẽ phải tuân thủ những biện pháp của Bộ Y tế nhằm đảm bảo an toàn cho cả hành khách trên tàu và người dân tại những thành phố mà tàu ghé qua. Quốc gia Tây Nam châu Âu này là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất do dịch bệnh trong khu vực với hơn 79.000 ca tử vong và 3,7 triệu ca mắc. Doanh thu của ngành du lịch trong nước đã giảm 80% vào năm ngoái do một loạt các biện pháp hạn chế được áp đặt để phòng dịch.

Tại Anh, các nhà chức trách đang cân nhắc trì hoãn kế hoạch nới lỏng hạn chế do có nhiều lo ngại rằng biến thể Ấn Độ đang tăng mạnh trong nhóm công dân trẻ tuổi chưa tiêm vắc xin. Mặc dù số ca nhiễm mới hiện nay chưa bằng mức ghi nhận vào giữa tháng 1, đỉnh của làn sóng dịch Covid-19 thứ hai, nhưng cũng gây nhiều lo ngại về kế hoạch nới lỏng những hạn chế xã hội từ ngày 21/6 tới.

Chương trình tiêm vắc xin của Anh được khởi động từ nhóm công dân cao tuổi và nước này dự kiến đến cuối tháng 7 sẽ tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin cho toàn bộ công dân trưởng thành.

Theo hanoimoi.com.vn