Thứ 6, 22/11/2024, 11:24[GMT+7]

"Trung Quốc không phải đối thủ, không phải kẻ thù của NATO"

Thứ 3, 15/06/2021 | 07:11:12
1,013 lượt xem
Theo Tổng thư ký NATO, tuy không coi Trung Quốc là đối thủ, nhưng NATO sẽ tăng cường hợp tác với các đối tác Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh NATO

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã rời Anh tới Vương quốc Bỉ vào tối 13/6, kịp dự Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra vào ngày 14/6. Thượng đỉnh này là lần đầu tiên liên minh quân sự Bắc Đại Tây dương thảo luận về giải pháp chống biến đổi khí hậu và sức ảnh hưởng của Trung Quốc. Đây cũng là dịp để nước Mỹ tái khẳng định vai trò lãnh đạo, đưa khối NATO quay trở lại giai đoạn hòa hợp.

Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này chỉ kéo dài 2 tiếng rưỡi, chứ không phải là 2 ngày như mọi lần. Trọng tâm nghị sự là thảo luận xây dựng một "Khái niệm chiến lược" mới. Đây là văn bản nền tảng, xác định tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi của NATO, có thể sẽ được thông qua vào năm sau. "Khái niệm chiến lược" lúc này được thông qua từ năm 2010, trong đó vẫn còn nêu rõ, nước Nga là "đối tác tiềm năng" và không có từ nào về Trung Quốc.

"Khái niệm chiến lược" mới sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của NATO, không chỉ là một hiệp ước quân sự nhằm bảo vệ các nước Bắc Đại Tây dương nữa, mà sẽ vươn tầm ảnh hưởng ra toàn cầu, nhằm bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ hiện hành, trong đó có luật lệ về tự do hàng hải.

Trung Quốc không phải đối thủ, không phải kẻ thù của NATO - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vương quốc Bỉ

Thượng đỉnh NATO cũng thảo luận về phương hướng giảm phát thải trong lĩnh vực quân sự. Vấn đề tăng ngân sách quốc phòng vẫn được nhắc tới, nhưng không tạo ra không khí nặng nề trong 4 năm vừa rồi.

Trung Quốc không phải là kẻ thù của NATO

Trong cuộc họp báo ngày 13/6, Tổng thư ký NATO nhấn mạnh, Trung Quốc không phải là đối thủ, không phải là kẻ thù của NATO, sẽ không có chuyện chiến tranh lạnh với Trung Quốc. Nhưng NATO phải điều chỉnh để có khả năng đối phó với những thách thức từ sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc và cách hành xử của Trung Quốc.

Ông Jens Stoltenberg nhấn mạnh, Trung Quốc có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới, có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, những yếu tố đó có thể ảnh hưởng đến an ninh của NATO. Vậy nên, tuy không coi Trung Quốc là đối thủ, nhưng NATO sẽ tăng cường hợp tác với các đối tác Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, là những nước trong khu vực Thái Bình Dương, gần Trung Quốc và xa các nước NATO.

NATO có làm cho Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau?

Nếu Nga và Trung Quốc liên minh quân sự thì sẽ trở thành đối trọng kềnh càng đối với NATO. Tổng thống Nga có nói rằng liên minh này không phải là không thể, một tuyên bố tất nhiên là làm cho NATO quan tâm. Nhưng khả năng này là rất thấp, vì Nga và Trung Quốc có quá nhiều khác biệt. Cách nhìn của NATO đối với mỗi nước này cũng có nhiều khác biệt.

Từ trước tới nay, có lúc NATO coi Nga là đối thủ quân sự, nhưng chưa khi nào NATO coi Nga là một cường quốc kinh tế. Nay Trung Quốc là cường quốc kinh tế, nếu lại là một đối thủ quân sự nữa (quân sự theo nghĩa rộng bao gồm cả tấn công trên mạng), thì cách tiếp cận đối với Trung Quốc không thể giống như đối với Nga.

Thượng đỉnh NATO được truyền thông châu Âu gọi đây là một hội nghị then chốt, không hẳn là vì đã đi đến ký kết các quyết sách gì lớn, nhưng nó là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của các lãnh đạo thành viên sau một thời gian dài, và nó là sự kiện biểu hiện tính thống nhất của một khối quân sự mà suốt 4 năm qua đã cho thấy những rời rạc.

Theo vtv.vn