Thứ 6, 22/11/2024, 23:12[GMT+7]

Delta sẽ trở thành biến thể gây ra số ca mắc Covid-19 lớn nhất toàn cầu

Thứ 7, 19/06/2021 | 07:23:16
1,008 lượt xem
Đến 6h ngày 19-6 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 178.563.605 ca mắc Covid-19, trong đó có 3.865.791 ca tử vong, 163.022.787 người đã bình phục.

Việc tiêm chủng được nhiều nước đẩy mạnh như biện pháp ứng phó hữu hiệu với sức lây lan mạnh của biến thể SARS-CoV-2 “Delta”.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, biến thể Delta của SARS-CoV-2 - được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ - sẽ trở thành biến thể gây ra số ca mắc Covid-19 lớn nhất trên toàn cầu. Cảnh báo này tương đồng với nhận định mới đây của Chủ tịch Hiệp hội Y khoa thế giới Frank Ulrich Montgomery về việc biến thể Delta rất dễ lây lan và có thể gây bùng phát các đợt dịch mới nhanh hơn nhiều so với các biến thể trước đó. Biến thể này nguy hiểm ở chỗ, những người bị nhiễm có lượng vi rút rất cao trong cổ họng trong một thời gian ngắn và dễ dàng lây sang người khác trước khi họ nhận ra mình bị nhiễm bệnh.

Châu Á - châu Đại Dương

Ấn Độ ghi nhận thêm 62.480 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Đây là ngày thứ tư liên tiếp, số ca mắc mới trong ngày của Ấn Độ dưới mốc 70.000 ca. Như vậy, tính tới nay, tổng số ca mắc Covid-19 tại quốc gia Nam Á đã vượt mốc 29,79 triệu ca, trong khi tổng số ca tử vong vì dịch bệnh cũng đã lên mức 384.275 ca.

Giới chuyên môn nhận định, nhiều khả năng làn sóng dịch Covid-19 thứ ba sẽ tấn công Ấn Độ vào tháng 10 tới, và cho dù nước này sẽ ứng phó tốt hơn, đại dịch Covid-19 sẽ vẫn là mối đe dọa về y tế công tại quốc gia Nam Á này ít nhất là đến năm 2022.

Hàn Quốc quyết định sử dụng vắc xin ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech làm mũi tăng cường cho 760.000 người đã tiêm chủng mũi đầu tiên bằng vắc xin của AstraZeneca. Nguyên nhân là do sự chậm trễ trong việc chuyển giao vắc xin AstraZeneca trong khuôn khổ chương trình tiếp cận vắc xin toàn cầu (COVAX).

Tại Đông Nam Á, Indonesia ghi nhận thêm 12.990 ca mắc mới - mức cao nhất trong một ngày từ trước đến nay kể từ cuối tháng 1, đưa tổng số ca mắc tại nước này lên 1.963.266 ca. Cũng trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 290 trường hợp tử vong, đưa tổng số người không qua khỏi tại nước này lên 54.043 ca.

Trước tình hình phức tạp, quốc gia vạn đảo này đã quyết định hoãn hai ngày lễ quốc gia. Năm mới Hồi giáo sẽ được dời sang ngày 11-8, trong khi kỳ nghỉ lễ quốc gia nhân ngày sinh của đấng tiên tri Mohamah lùi sang ngày 20-10. Riêng kỳ nghỉ lễ Giáng sinh năm nay bị hủy bỏ. Cùng với đó, hàng loạt địa phương trên đảo Java đã áp đặt lệnh phong tỏa khi các bệnh viện quá tải do số ca mắc Covid-19 tăng vọt sau kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo.

Thái Lan đưa ra bảng phân loại khu vực mới, có hiệu lực từ 21-6, trong đó thủ đô Bangkok cùng 3 tỉnh lân cận gồm Nonthaburi, Pathum Thani và Samut Prakan thuộc “vùng đỏ sẫm” cần kiểm soát Covid-19 tối đa và nghiêm ngặt.

Với việc xuất hiện thêm các ổ dịch mới và sự gia tăng số ca lây nhiễm trong cộng đồng, Singapore quyết định điều chỉnh kế hoạch giãn cách xã hội và triển khai thêm một số biện pháp mới nhằm sớm kiểm soát tình hình. Theo đó, từ ngày 21-6 tới, các hoạt động có nguy cơ lây nhiễm cao, như các địa điểm ăn uống và thể dục, thể thao trong nhà sẽ chỉ giới hạn theo nhóm 2 người, thay vì nhóm 5 người như kế hoạch trước đó.

Australia phê duyệt đề án thiết lập trung tâm cách ly tập trung dành riêng cho sinh viên quốc tế tại bang Nam Australia nhằm giúp sinh viên quốc tế đang “mắc kẹt” ở nước ngoài có thể quay lại học tập. Trung tâm này đặt tại sân bay Parafield (phía Bắc thành phố Adelaide). Ban đầu, trung tâm sẽ tiếp nhận tối đa mỗi lượt 160 sinh viên quốc tế.

Châu Âu

Trong khi tình hình dịch bệnh tại nhiều nước ở lục địa già có xu hướng giảm và các nước đã bắt đầu mở cửa trở lại, thì dịch bệnh tại Anh và Nga vẫn diễn biến phức tạp.

Tại Anh, Cơ quan Y tế công cộng vùng England (PHE) công bố số liệu cho thấy, số ca nhiễm biến thể Delta của vi rút SARS-CoV-2 tính theo tuần tiếp tục tăng mạnh, chiếm 91% số ca nhiễm.

Nhằm ứng phó với thực tế này, Thủ tướng Boris Johnson thúc đẩy các kế hoạch tiêm phòng để tất cả người trưởng thành được tiêm ít nhất một mũi vắc xin trước ngày 19-7, thời điểm dự kiến chấm dứt các biện pháp phòng dịch tại vùng England. Anh cũng một lần nữa hủy bỏ lễ hội đường phố Notting Hill - một trong những lễ hội đường phố lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, Nga có 17.262 ca mắc mới - cao chưa từng có kể từ ngày 1-2-2021 đến nay, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 5.281.309 ca. Điện Kremlin cho rằng, số ca mắc mới gia tăng mạnh là do tỷ lệ tiêm vắc xin tại Nga còn thấp và do các biến thể của vi rút SARS-CoV-2 làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Trước diễn biến phức tạp, Thị trưởng Mátxcơva Sergei Sobyanin đã ký quyết định gia hạn các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh đến hết ngày 29-6.

Tại Đức, chiến dịch tiêm chủng đạt bước tiến dài, khi 41,5 triệu người - tương đương 50,1% dân số Đức - đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin phòng Covid-19, với 29,6% tổng số người đã được tiêm đủ liều. Số liệu cũng ghi nhận 7/16 bang của Đức đã đạt hoặc vượt ngưỡng 50% dân số được tiêm ít nhất một mũi vắc xin, trong đó, thành phố Bremen đứng đầu với 55,6%. Tuy nhiên, để ổn định tình hình dịch, Văn phòng Thủ tướng Đức kêu gọi người dân nước này hạn chế đến xem các trận đấu tại vòng chung kết EURO 2020.  

Tại Áo, Thủ tướng Sebastian Kurz cho biết, nước này sẽ viện trợ một triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 cho các quốc gia vùng Tây Balkan. Số vắc xin này không nằm số vắc xin mà Áo cung cấp thông qua chương trình phân bổ vắc xin của Liên minh châu Âu (EU).

Italia đã dỡ bỏ hạn chế đối với những người đến từ Mỹ, Canada, Nhật Bản và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) nếu những người này có thẻ xanh về Covid-19. Tuy nhiên, những người đến từ Anh vẫn phải trải qua 5 ngày cách ly bắt buộc sau khi nhập cảnh.

Hà Lan và Tây Ban Nha dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở ngoài trời từ ngày 26-6. 

Từ ngày 20-6, Na Uy bắt đầu bước vào giai đoạn 3 của kế hoạch mở cửa trở lại toàn xã hội. Người dân sẽ được tiếp đón 20 khách ở trong nhà, gấp đôi so với mức hiện nay, trong khi các quán bar và nhà hàng sẽ không còn phải đóng cửa vào nửa đêm. Bên cạnh đó, các địa điểm thi đấu thể thao cũng sẽ được đón nhiều khán giả hơn và sẽ có thêm nhiều du khách nước ngoài được nhập cảnh nước này, song sẽ phải xét nghiệm Covid-19 và cách ly bắt buộc.

Châu Mỹ

Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới từ Covid-19, với 34.390.217 ca mắc và 616.840 ca tử vong. Tuy nhiên, nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao, số ca mắc mới theo ngày đã giảm rõ rệt. Do đó, trong cuộc thảo luận giữa các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, Mỹ đã nhất trí tổ chức tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc theo hình thức trực tiếp vào tháng 9 tới, với các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19 nghiêm ngặt.

Canada sẽ gia hạn lệnh giới hạn đi lại dọc tuyến biên giới trên bộ với Mỹ tới hết ngày 21-7.

Theo hanoimoi.com.vn